221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
880590
Đường Internet quốc tế của Việt Nam và châu Á tê liệt
1
Article
null
Đường Internet quốc tế của Việt Nam và châu Á tê liệt
,

(VietNamNet) - Từ khoảng 2h sáng hôm nay (27/12), các mạng Internet ADSL của VDC, FPT, Viettel, ... đồng loạt bị mất kết nối ra mạng Internet toàn cầu. Các thuê bao không thể truy cập vào các website nước ngoài hay đăng nhập chat Yahoo. Tuy nhiên, các thuê bao vẫn có thể truy cập tới các website trong nước như bình thường.

>>>Đứt cáp quang do động đất, Internet VN suy giảm 30% lưu lượng

Toàn bộ các đường kết nối từ các ISP của Việt Nam ra quốc tế qua các đối tác viễn thông khu vực châu Á đều bị gián đoạn. Mạng Internet của Việt Nam hiện chỉ có thể hoạt động "nội bộ". Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra đối với các quốc gia khu vực châu Á.

Theo xác định ban đầu, nguyên nhân sự cố mất đường Internet quốc tế là do trận động đất 7,2 độ richter diễn ra lúc lúc 19h34 (giờ Việt Nam ngày 26/12 tại phía nam đảo Đài Loan. Môt số tuyến cáp quang thuộc vành đai Trung Quốc - Đài Loan - Hong Kong đã bị gián đoạn. Thời điểm gián đoạn đường Internet quốc tế diễn ra tại Việt Nam chậm hơn 7 tiếng so với thời điểm xảy ra trận động đất, tức vào khoảng 2h sáng giờ Việt Nam.

Cụ thể, hệ thống cáp quang Trans Pacific nối từ châu Á đi Mỹ đã gần như bị tê liệt hoàn toàn. 70% lưu lượng Internet quốc tế của Việt Nam đi qua tuyến cáp quang Trans Pacific, nên bị ảnh hưởng khá nặng nề. Kết nối Internet quốc tế của FPT và Viettel hầu như không còn hoạt động trong buổi sáng nay.

Đường truyền Internet quốc tế của VDC vẫn còn hoạt động "leo lét" trong buổi sáng, nhưng từ sau 9h trở đi cũng rơi vào tình trạng quá tải và nghẽn mạng, khi các hoạt động truy cập quốc tế của các thuê bao ADSL tăng mạnh vào đầu ngày làm việc.

Các website có máy chủ phân giải tên miền DNS và hosting nằm ngoài khu vực châu Á sẽ không thể truy cập được trong phạm vi toàn khu vực châu Á. Nói cách khác, các thao tác truy cập và phân giải địa chỉ cần tới các DNS server đặt tại Mỹ và các châu lục nằm ngoài châu Á đều sẽ không thể thực hiện được. Có thể nói, Internet của châu Á hầu như cô lập với mạng Internet toàn cầu, nhưng các truy cập bên trong khu vực châu Á thì vẫn thực hiện được.

Vòng tròn màu đỏ trong hình là khu vực có các tuyến cáp quang bị đứt. Ảnh: FPT Telecom

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Hữu Hiền, giám đốc công ty Viettel Internet cho biết hiện luồng 155Mps nối với NTT của Nhật và Telegros vẫn bình thường nhưng 2 luồng 155Mps đi PCCW của Hong Kong chỉ còn hoạt động 30% còn 3 đường 155Mps đi China Telecom còn 10%. Hiện Viettel đang tìm hướng khác như khởi động lại hệ thống vệ tinh dự phòng tuy nhiên do ở các nước đang mùa nghỉ lễ nên việc khắc phục đang rất khó khăn.

Theo thông báo sơ bộ của Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính khẩn cấp (VNCERT - Bộ BCVT), do thông lượng Internet quốc tế tại Việt Nam bị sụt giảm đột ngột, lưu lượng truy cập giữa các ISP bị dồn sang cho nhau theo các kênh liên thông từ Việt Nam, nên dẫn tới các ISP đều bị quá tải đường Internet quốc tế và nghẽn hoàn toàn. VNCERT đang yêu cầu các ISP báo cáo nhanh về sự cố này, nhưng cũng xác định đây là sự cố khách quan bất khả kháng từ mạng Internet khu vực.

Đây là một sự cố bất khả kháng đối với các ISP Việt Nam, do "cửa ngõ" lớn nhất của Internet châu Á nối với mạng Internet toàn cầu bị gián đoạn, nên hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam mà còn hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á.

Cập nhật: Theo thông cáo của VDC cung cấp cho VietNamNet lúc 14h chiều, từ 1h18 phút sáng nay (27/12), một số kênh quốc tế do VDC quản lý và cung cấp đã bị đứt do ảnh hưởng địa chấn từ trận động đất tại Đài Loan. Do đó các dịch vụ Internet, Frame Relay và IPVPN đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc.

Sự cố gián đoạn tuyến cáp quang tại Đài loan đã gây ảnh hưởng tới khá nhiều khách hàng Internet, Frame Relay và VPN của VDC. Việc kết nối liên lạc của khách hàng có thể bị gián đoạn hoặc chạy không ổn định. Tuy nhiên, VDC cho rằng các kênh đi quốc tế do VDC quản lý không bị gián đoạn hoàn toàn bởi các kênh quốc tế bị ảnh hưởng chỉ chiếm một phần.

Khi phát hiện ra sự cố, các chuyên gia kỹ thuật của VDC và đối tác cung cấp tuyến cáp quang nước ngoài đã nỗ lực tìm nguyên nhân và tập trung khắc phục. Các kỹ thuật viên của VDC đang khẩn trương lọc và tìm cách ứng cứu kịp thời cho những khách hàng quan trọng theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo quyền lợi cũng như giảm tối đa thiệt hại cho khách hàng. VDC đã thông tin đề nghị các đối tác Viễn thông nước ngoài của mình sắp xếp chuyển những khách hàng quan trọng qua hướng khác.

VDC cũng đang phối hợp với Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) và các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) khẩn trương tìm biện pháp xử lý nhằm nhanh chóng khôi phục, đưa dịch vụ trở lại ổn định. Các website trong nước đã được xử lý điều hướng để vẫn có thể truy cập ổn định mà không cần kết nối ra Internet quốc tế.

VDC cho biết rất lấy làm tiếc về sự cố bất khả kháng nói trên và sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất và thông báo tới khách hàng ngay lập tức.

Theo ghi nhận của VietNamNet, đến 14h20' chiều nay, đường Internet quốc tế của VDC đã có dấu hiệu hoạt động trở lại, nhưng vẫn chưa ổn định và tốc độ kết nối rất chậm.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất về sự cố Internet châu Á này, cùng các thông báo của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam. Mời quý độc giả chú ý theo dõi.

  • Huy Phong

Quý vị có bất kỳ thông tin gì về sự cố này, hãy gửi đến VietNamNet tại đây:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,