221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
977010
VNPT phải sớm hoàn thiện mô hình mới
1
Article
null
VNPT phải sớm hoàn thiện mô hình mới
,

Trong buổi làm việc với VNPT, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp yêu cầu VNPT sớm hoàn thiện mô hình tổ chức mới, tách bưu chính, viễn thông chậm nhất 1/1/2008.

 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp làm việc với các doanh nghiệp viễn thông và VNPT.

Buổi làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BCVT - CNTT là với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào ngày 29/8/2007. Tại đây, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã đưa ra một số chỉ đạo cụ thể về mô hình tổ chức của VNPT.

 

“Tổ chức của VNPT là mô hình mới nên chưa có bài học kinh nghiệm và mô hình tham khảo. Nếu chúng ta không hoàn thiện nhanh mô hình này sẽ bị mất cơ hội và thời cơ kinh doanh. Bộ cũng sẽ tích cực phối hợp cùng VNPT để nghiên cứu, đúc kết, giúp VNPT hoàn thiện mô hình của mình”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

 

Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới VNPT cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất, là mô hình phải thực hiện quyền lực tập trung và thông suốt, nhưng có phân cấp hợp lý và chặt chẽ. Thứ hai, chính sách phải làm rõ trách nhiệm cá nhân và làm rõ lợi ích cho từng chức danh trong bộ máy để từ đó thúc đẩy sự sáng tạo. Thứ ba, VNPT phải bố trí cán bộ phù hợp với quản lý chuyên sâu và xuyên suốt từ tập đoàn đến cơ sở.

 

VNPT đề nghị không thành lập tổng công ty vùng

 

Tại buổi làm việc này, ông Phạm Long Trận, Quyền Chủ tịch HĐQT VNPT đã đề nghị cho phép VNPT không thành lập 3 tổng công ty vùng như mô hình đã trình Chính phủ trước đây.

 

Ông Phạm Long Trận phân tích, do đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 4/2002. Từ đó đến nay, công nghệ mạng lưới trên thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi lớn, thị trường dịch vụ phát triển nhanh, đòi hỏi cơ cấu và phương thức tổ chức các doanh nghiệp viễn thông cần có những điều chỉnh để phù hợp với công nghệ và thị trường, tiết kiệm các nguồn lực của đất nước. Vì vậy, việc tổ chức quản lý mạng viễn thông nội hạt với mô hình Tổng công ty Viễn thông I, II, III là không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.

 

Ông Phạm Long Trận đề nghị, để bảo đảm các mục tiêu của quá trình sắp xếp lại tổ chức (gọn nhẹ, năng động, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển liên tục) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, chấp thuận cho VNPT không thành lập các Tổng công ty Viễn thông I, II, III trực thuộc Tập đoàn. Bên cạnh đó, cho phép Tập đoàn được thực hiện thí điểm việc trực tiếp quản lý các đơn vị viễn thông nội hạt (Công ty Viễn thông tỉnh, thành phố sau khi tách từ Bưu điện tỉnh, thành phố hiện nay) trong thời gian tìm mô hình quản lý phù hợp với công nghệ và yêu cầu của thị trường. Các công ty Viễn thông tỉnh, thành phố này sẽ là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Tập đoàn, có con dấu riêng theo tên gọi, được đăng ký kinh doanh, được mở tài khoản tại ngân hàng, hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động được Tập đoàn phê duyệt.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý cho mô hình VNPT

 

Tại buổi làm việc với VNPT, ông Bùi Như Uyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói, về nguyên tắc Bộ đồng ý không triển khai thành lập 3 tổng công ty viễn thông vùng. Tuy nhiên, VNPT cần phải có đề án và thuyết minh tại sao lại không thành lập 3 tổng công ty vùng này. VNPT cần sớm hoàn thiện mô hình tổ chức bởi nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đến việc tách bưu chính, viễn thông. Trong khi làm lại đề án mô hình tổ chức theo cách mới, VNPT cần có cơ chế quá độ khi tiến hành tách bưu chính viễn thông.

 

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng ủng hộ việc không thành lập 3 tổng công ty vùng trước xu hướng hội tụ công nghệ. "Với xu hướng hội tụ hiện nay, VNPT phải phát triển hạ tầng này đa dạng hơn, chẳng hạn cũng nên cung cấp cả hạ tầng truyền dẫn phát sóng cho lĩnh vực phát thanh truyền hình để đưa nhiều nhiều dịch vụ vào khai thác. Mô hình tổ chức có nhiều mô hình tiên tiến, nhưng phải được quản lý hạ tầng thống nhất, dịch vụ trên đó phải để cho các đơn vị chủ động kinh doanh. VNPT cần tạo được cơ chế cạnh tranh cả trong và ngoài tập đoàn. VNPT cũng nên phân định rõ công ích, kinh doanh”, ông Phạm Hồng Hải nói.

 

Còn ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, mô hình mới của VNPT nên theo cơ chế: hạ tầng mạng lưới cần quản lý và đầu tư tập trung, nhưng kinh doanh phải được phân cấp.

 

Viễn thông: kinh doanh; Bưu chính: công ích

 

Về mô hình, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đồng tình với VNPT không thành lập 3 tổng công ty vùng. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu VNPT phải nhanh chóng có phương án quản lý các đơn vị ở địa phương, có phương án phân công, phân cấp rõ ràng theo từng cấp. Bên cạnh đó, VNPT phải xác lập hai hệ thống hạch toán đủ rõ giữa kinh doanh và công ích của bưu chính, viễn thông chứ không để tình trạng tổ chức nửa vời, lẫn lộn giữa công ích và kinh doanh.

 

Bộ trưởng xác định viễn thông chủ yếu kinh doanh còn bưu chính là dịch vụ công ích nhưng cũng phải có lộ trình là hỗ trợ giảm dần và tiến tới lấy thu bù chi và có lãi. Trên quan điểm đó, mô hình mới VNPT cần phải làm ngay và chậm nhất 1/1/2008 sẽ bắt đầu thực hiện tách xong bưu chính, viễn thông.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai khẳng định thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông không áp đặt mô hình cho VNPT, nhưng xây dựng mô hình nào thì VNPT phải có sở cứ để thuyết phục các Bộ, ngành khác và Chính phủ. Giải pháp trước mắt để Tổng công ty Bưu chính hoạt động được từ ngày 1/1/2008 thì cần có cơ chế tạm thời cho các công ty viễn thông hoạt động. Việc này cần phải được làm ngay để tránh tình trạng gây xáo trộn trong tập đoàn.

 

(Theo Thái Khang/BĐVN)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,