(VietNamNet) - Phát biểu tại Hội thảo Hợp tác, phát triển công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT ) Việt Nam lần thứ XI tại Ninh Thuận sáng 14/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã nhấn mạnh nội dung cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT phục vụ hội nhập và phát triển.
Trong bài phát biểu tổng kết của mình, sau khi đã đưa ra những thuận lợi cho ngành CNTT-TT trong thời điểm hiện nay như: Việt Nam đã vào WTO và có thể tiếp thu những nền văn minh của thế giới. Cuộc cách mạng ứng dụng CNTT của VN sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến đi trước để có thể đi nhanh hơn, đúng hướng hơn và đặc biệt là cao hơn.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh tại Hội thảo CNTT-TT quốc gia XI: Cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Trưởng cũng chỉ ra 3 điểm khó khăn cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hiện nay gồm: Thứ nhất, cơ chế, chính sách chưa theo kịp với thực tiễn và theo yêu cầu, chưa khuyến khích được tài năng, có lúc kìm hãm sự phát triển. Thứ hai, CNTT là lĩnh vực tiến bộ rất nhanh, nếu không cập nhật thì chúng ta sẽ luôn đi sau thời đại và chới với trong cuộc sống. Thứ ba, lực lượng làm CNTT khá nhưng rất không đồng đều: đồng bằng khác, dân tộc tộc khác, đô thị khác, miền núi khác, người Kinh khác…Ngành CNTT VN nên học lấy những bài học của thế giới nhưng cũng phải sáng tạo trên mảnh đất của chính mình. Đó cũng là bài học của Đảng và cũng là bài học của Bác Hồ.
Bộ Trưởng Lê Doãn Hợp cũng đã chỉ ra những ưu điểm của việc ứng dụng CNTT trong quản lí nhà nước, sản xuất kinh doanh và hợp tác quốc tế như: Có rất nhiều mô hình tốt về ứng dụng CNTT, nếu biết tổng kết và kế thừa những mô hình này thì sẽ phát triển nhanh hơn; Hạ tầng kĩ thuật của ngành CNTT khá tốt nếu so với nền kinh tế của đất nước; CNTT làm cho thông tin đến với mọi người đa dạng hơn, phong phú hơn và con người có thông tin một cách đầy đủ để lựa chọn tốt hơn, nếu thông tin đến với lãnh đạo một cách đầy đủ, chính xác, khách quan thì mọi quyết định đều sẽ thành công; Vấn đề CNTT được Đảng và Nhà Nước định hướng rất rõ, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao.
Tuy nhiên, Bộ Trưởng cũng chỉ ra ngành CNTT VN còn nhiều khuyết điểm như sự nghiệp ứng dụng CNTT còn chậm và lúng túng; nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; Ngành CNTT VN còn thiếu một cơ quan đầu não chỉ huy mạnh mẽ và thống nhất; Thông qua CNTT-TT, thông tin của thế giới đến với chúng ta và của chúng ta đến với thế giới còn rất thiếu và yếu, nếu chính trị đi đúng, kinh tế đi đúng, văn hoá đi đúng thì thông tin cũng phải đi đúng.
Cuối cùng, Bộ Trưởng đã ‘tiếp lửa” cho quyết tâm ứng dụng CNTT – TT với việc đề ra 7 giải pháp cho ứng dụng CNTT – TT. Ông cũng xác định “Bộ TT-TT sẽ là nhạc trưởng, tham mưu cho việc ứng dụng CNTT. Bảy giải pháp được đề ra gồm:
1. Phải tiếp tục đẩy mạnh nhận thức vì nhận thức là chìa khóa của hành động, còn hành động là thước đo của nhận thức. Nhận thức về ứng dụng CNTT cần tập trung vào bốn ý: CNTT là chiếc cầu nối, là chất keo dính và chất xúc tác của mọi ngành khác, không có CNTT sẽ không thể có sự liên kết; CNTT là nền tảng của mọi sự phát triển, nói nến phát triển mà không nói đến CNTT là mâu thuẫn và không khoa học; CNTT là chìa khóa mở đường của mọi cuộc cách mạng; CNTT + thông tin = trí thức + giàu mạnh + văn minh.
2. Xây dựng chiến lược kế hoạch, quy hoạch và kiến trúc mô hình để ứng dụng CNTT có cách làm khoa học và thành công vững chắc. Từ bộ, tỉnh, ngành, huyện, xã đến doanh nghiệp, hộ gia đình đều phải xây dựng các mô hình về ứng dụng CNTT. Mô hình sẽ giúp các nơi học hỏi lẫn nhau khi ứng dụng CNTT. Vai trò của Bộ TT-TT là tham mưu và là nhạc trưởng. Quan trọng nhất là phải xây dựng những thể chế phục vụ phát triển kinh tế, trong đó phát triển kinh tế doanh nghiệp và hộ gia đình là quan trọng nhất.
3. Ban hành các chính sách kích cầu cho CNTT. Các chính sách này phải làm thế nào để kích cầu 1 thì ứng dụng CNTT của toàn xã hội tăng 5-7 lần, theo nguyên tắc “đồng tiền nở hoa”.
4. Tập trung cao hơn cho đào tạo nhân lực. Máy móc hiện đại đến đâu thì phải có người biết sử dụng đến đó. Phải đào mũi nhọn, thợ cả, thợ bậc cao chứ không thể chỉ đào tạo đại trà. Tất cả các loại hình đào tạo đều cần thực hiện: Đào tạo đại trà, tại chức, tập trung, tập huấn chuyên đề, từ xa, tại chỗ, thậm chí là đào tạo thực dụng (đào tạo đến đâu thực hành đến đó).
5. Kiện toàn BCĐ quốc gia về CNTT. Bộ TTTT sẽ làm việc với Thủ Tướng để có được ban chỉ đạo quốc gia về CNTT ít người nhưng đủ thẩm quyền quyết định, trong đó Thủ Tướng là người đứng đầu.
6. Thực hiện kiểm tra, tổng kết. Kiểm tra để khen chê thưởng phạt công minh, tổng kết nhằm đưa ra các mô hình hay để dễ dàng nhân rộng.
7. Tích cực chủ động hợp tác quốc tế để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm của thế giới và tìm kiếm các nguồn tài trợ.
Nguyễn Dũng (ghi)
Ý kiến của quý độc giả: