221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1124749
"Muốn đất nước phát triển, hạ tầng viễn thông phải bền vững!"
1
Article
null
'Muốn đất nước phát triển, hạ tầng viễn thông phải bền vững!'
,

 - Cuộc trực tuyến "Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia” do Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng chủ trì, đã bắt đầu từ 8h30 sáng 11/11/2008.

Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng bắt đầu trả lời trực tuyến sáng 11/11/2008. (Ảnh: Lê Anh Dũng.)

Đây là buổi trả lời trực tuyến thứ  8 của Bộ TT-TT từ đầu năm 2008, sau các chủ đề đã diễn ra: Chính sách phát triển Viễn thông - Internet và quản lý nhà nước về Truyền dẫn phát sóng và Tần số vô tuyến điện; Ứng dụng và phát triển CNTT; Phát triển kinh tế ngành TT-TT; Hướng tới một ngành bưu chính VN năng động; Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam góp phần nâng cao dân trí, đổi mới và xây dựng đất nước; Chiến lược phát triển thông tin và truyền thông và Phát triển nguồn nhân lực TT-TT.

Có rất nhiều câu hỏi của người dân gửi đến đã được trả lời và cũng có rất nhiều vấn đề thắc mắc đã được các lãnh đạo của Bộ TT-TT thẳng thắn làm rõ. Những thông tin cần thiết cho người dân và xã hội về những chủ trương, chính sách, định hướng trong quản lý nhà nước của Bộ TT-TT phần nào đã được rõ ràng minh bạch hơn qua những cuộc trả lời trực tuyến như vậy.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp từng cho biết, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục duy trì hình thức trả lời trực tuyến, nhằm mở rộng tiếp cận với người dân, mang thông tin đến cho người dân để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ TT-TT.

Viễn thông và CNTT Việt Nam trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Chính phủ luôn ưu tiên phát triển viễn thông và CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng tạo lập môi trường thuận lợi cho cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn viễn thông và CNTT lớn trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam học hỏi những công nghệ, mô hình phát triển, ứng dụng và dịch vụ mới nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này đặc biệt là đối với dịch vụ thông tin di động, băng rộng. Qua đó, người dân Việt Nam được hưởng các dịch vụ viễn thông ngày càng cao cấp hơn với giá cả phải chăng.

Về giá cước, tháng 10/2008, Bộ TT-TT đã xây dựng hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ năm 2009. Đây là bước đột phá trong việc quản lý giá cước viễn thông Việt Nam tạo điều kiện phát triển dịch vụ điện thoại cố định, cơ hội cho các doanh nghiệp viễn thông cân đối lại bảng giá cước các dịch vụ, xoá bỏ bù chéo giữa các dịch viễn thông và người sử dụng dịch vụ được hưởng một mức cước nội hạt trong toàn tỉnh, xoá bỏ cước nội tỉnh.

Về thúc đẩy phát triển di động và băng rộng, ngày 05/11/2008, Bộ TT-TT đã chính thức phát hành hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G) trong băng tần số 1900-2200MHz. Việc tổ chức cấp phép dưới hình thức "Thi tuyển" đã được Bộ TT-TT nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép triển khai thực hiện nhằm lựa chọn ra 04 doanh nghiệp (hoặc Liên danh giữa các doanh nghiệp) trong số 07 doanh nghiệp thông tin di động 2G để triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam. Việc tổ chức thi tuyển được Bộ TT-TT chuẩn bị kỹ lưỡng và tiến hành một cách công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Các doanh nghiệp được cấp phép 3G sẽ sớm triển khai mạng và dịch vụ di động thế hệ thứ 3 tạo động lực cho sự phát triển ngành công nghiệp ICT với những dịch vụ nội dung phong phú, đa dạng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và người sử dụng tại Việt Nam.

Một loạt chính sách pháp luật về quản lý viễn thông, Internet vừa qua đã được đưa lên mạng Internet lấy ý kiến rộng rãi mọi tầng lớp xã hội trước khi ban hành. Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet và các Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet; Thông tư về quản lý, sử dụng tài nguyên Internet; Thông tư giải quyết tranh chấp tên miền và Thông tư hướng dẫn Nghị định về quản lý thông tin điện tử trên Internet do Bộ Thông tin Truyền thông ban hành sẽ tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển Internet và băng rộng ở Việt Nam.

Bộ TT-TT đang khẩn trương nghiên cứu và xây dựng dự thảo Luật Viễn thông để trình Chính phủ trong năm 2008. Dự thảo Luật Viễn thông khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo tiền đề về hành lang pháp lý cho việc phát triển sâu, rộng và bền vững viễn thông và CNTT Việt Nam, tạo môi trường thông thoáng, thúc đẩy cạnh tranh và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho việc sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông quốc gia.

Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước đã được áp dụng hơn 10 tháng, ý thức của người sử dụng dịch vụ, chủ điểm giao dịch và doanh nghiệp được nâng lên một bước, tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số bất cập. Để hạn chế những tồn tại trên, Bộ TT-TT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan, doanh nghiệp thông tin di động triển khai đồng bộ nhiều công việc trọng tâm đảm bảo cho việc quản lý thuê bao di động trả trước đúng mục tiêu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thông qua buổi trả lời trực tuyến này, Bộ TT&TT mong muốn cung cấp, chuyển tải, giải đáp một số nội dung liên quan tới “Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng Viễn thông quốc gia Việt Nam”. Đồng thời Bộ cũng muốn tiếp nhận các thông tin, ý kiến từ phía người dân và xã hội liên quan đến lĩnh vực nêu trên.

Buổi trả lời trực tuyến do Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chủ trì, được thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ
http://www.mic.gov.vn đồng thời cũng được truyền trực tiếp trên các phương tiện truyền thông của Bộ như: Báo VTC news, báo VietnamNet, ICTnews - Báo Bưu điện Việt Nam...

Mở đầu cuộc trả lời trực tuyến là phần trả lời báo giới của Thứ trưởng Lê Nam Thắng xung quanh hai chủ đề đang "nóng" là triển khai công nghệ di động 3G và quy hoạch lại mức cước điện thoại cố định nội hạt và cước nội tỉnh.

Báo giới đặt câu hỏi cho Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng về chủ đề mạng di động 3G và giá cước điện thoại nội hạt, nội tỉnh.

Sau đây là phần lược thuật nhanh nội dung trả lời:

- Đã nên triển khai 3G hay chưa khi nó tốn cả tỷ USD trong thời điểm kinh tế khó khăn?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Công nghệ 3G ở băng tần 1900 - 2200 đã được triển khai trên thế giới từ cuối năm 99, đầu năm 2000. Hiện đã có hàng trăm nhà khai thác và rất nhiều triệu người dân trên thế giới đã sử dụng công nghệ và dịch vụ này. Đến nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt đầu chuyển sang nghiên cứu và đưa vào sử dụng công nghệ 4G.

Vào thời điểm cách đây 8 năm thì các thiết bị công nghệ vẫn còn tương đối đắt, nhưng đến nay, giá thành của các thiết bị đã hạ rất nhiều, và gần như ngang bằng với các thiết bị của mạng 2G. Trong khi đó, những lợi ích, tiên tiến của công nghệ 3G mang lại là rất lớn.

Về chuyện mức đầu tư lớn cho mạng 3G, thì đây là tổng vốn đầu tư trong thời gian 15 năm và hoàn toàn là bài toán kinh doanh của các DN. Các DN muốn cung cấp dịch vụ phải có phương án kinh doanh và quyết định mức đầu tư của mình sao cho có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và lợi ích cho xã hội . Bộ TT-TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ về băng tần, tài nguyên....và giám sát các DN thực hiện nghiêm túc cam kết của mình, đảm bảo thị trường minh bạch.

- Tại sao lại cấp phép cho 4 DN cung cấp 3G? Tác động của 3G đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số VN?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng:
Đây là vấn đề liên quan đến tài nguyên tần số. Một băng tần 1900 - 2200 MHz có 60 megaherz chỉ cấp đủ cho 4 DN. Chia đều cho 4 thì với độ rộng băng tần 15 megaherz là đủ. Nếu chia nhỏ hơn hay lớn hơn đều không hiệu quả và không phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam. Phần lớn các nước trên thế giới cung phân chia băng tần này thành 4.

Về sự phát triển hữu cơ giữa cơ sở hạ tầng 3G và công nghiệp nội dung số, trong hồ sơ thi tuyển, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ phải trình bày phương án phát triển nội dung số. Đồng thời, khi các DN xây dựng, cam kết các kế hoạch phát triển dịch vụ 3G của mình, thì các DN cũng phải đặt cọc để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đó. Nếu thực hiện sai cam kết, các DN sẽ bị phạt tiền và thu hồi giấy phép.

- Cấp tuyển 3G cho 4 mạng, việc quy hoạch viễn thông di động chung cũng chỉ cấp cho 4 nhà cung cấp. Trong quá trình đó, các DN khác có nhu cầu phát triển nữa thì phải sáp nhập hay mở rộng thêm? Hiện nay, 7 DN di động ở VN liệu có là quá nhiều?

Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng: 3G có 6 tiêu chuẩn công nghệ khác nhau, và lần này thi là chuẩn WCDMA, với băng tần từ 1900 - 2200 MHz. Việc thi tuyển lần này ở một băng tần, với một tiêu chuẩn cụ thể. Trong tương lai, các DN có thể phát triển mạng 3G ở các băng tần khác.

Cơ hội để phát triển băng tần còn nhiều, không phải chỉ 4 DN, mà các DN khác cũng còn cơ hội để phát triển ở băng tần khác, với các tiêu chuẩn công nghệ khác trong tương lai.

- Chỉ tiêu nào quan trọng nhất trong thi tuyển 3G? Đối với các DN liên danh, nếu có vấn đề xảy ra, hình thức nào?


Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Vòng sơ tuyển bao gồm 11 chỉ tiêu tối thiểu. Vòng xét tuyển gồm 5 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về vùng phủ sóng rộng, thời gian triển khai nhanh; tiền đặt cọc; doanh nghiệp có cam kết sử dụng chung trong hạ tầng hiện có 2G.

Yêu cầu các DN cam kết trong trường hợp trúng tuyển. Nếu không thực hiện đúng sẽ phải nộp phạt từ tiền đặt cọc, quy định rõ trong hồ sơ.

Với các doanh nghiệp liên danh - mức phạt như một đơn vị, chung như các hồ sơ khác. Các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về mức nộp phạt.

Nếu các hồ sơ liên danh đủ tiêu chuẩn thì Bộ TT-TT luôn khuyến khích các DN cung cấp dịch vụ 3G. Ngoài ra, không phải rằng, các DN chỉ có thể cung cấp 3G ở băng tần này, họ có thể phát triển 3G ở các băng tần khác. Liên minh viễn thông thế giới cũng đang tiếp tục tìm kiếm các băng tần mới hiện đại hơn.

- Mỗi năm, Bộ công bố DN chiếm thị phần khống chế, nhưng cụ thể là số thị phần cụ thể bao nhiêu, cách tính cước thế nào? Nhiều người đang trông chờ Bộ công bố để biết con số chính xác?


Thứ trưởng Lê Nam Thắng: DN chiếm thị phần khống chế là DN có doanh thu chiếm 30% thị phần.

Hiện nay, có 3 doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế: MobiFone, VinaPhone, Vietel. Bộ xác định điều này dựa trên số doanh thu. Sau mỗi năm, quyết toán xong, hết quý một mới có con số công bố

Về số thuê bao: Có công văn chỉ rõ cách thức tính. Bộ kiểm tra khi cần thiết, dựa trên báo cáo các DN

- Trước đây Bộ TT-TT có quan điểm phản đối không cho Vietel cung cấp gói cước gói cước Happyzone, nhưng mới đây lại thấy Vietel công bố là sẽ thực hiện gói cước này? Xin Bộ cho biết cụ thể thêm thông tin về việc này?


Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Gói cước Happyzone là gói tính cước theo hình thức trong vùng gọi mức cước thấp, ra khỏi vùng có mức cước cao hơn. Bộ đã họp và lấy ý kiến của các DN. Gói cước này, nếu mức độ giảm cước quá lớn, có thể ảnh hưởng đến cước điện thoại cố định.

Hiện nay, dịch vụ cố định có sự phát triển đáng kể, Bộ TT-TT đang có chính sách phát triển. Nếu mức độ ảnh hưởng đến dv điện thoại cố định không lớn, Vietel có thể triển khai.

Trước mắt, cho phép Vietel cho phép thực hiện ở một số tỉnh mà mức độ phát triển dịch vụ cố định thấp. Trong đó: các vùng miền Tây Nam Bộ, hải đảo... hỗ trợ phát triển thêm các dịch vụ viễn thông.

- Việc xử phạt đối với những DN vi phạm là thu hồi giấy phép hay đình chỉ hoạt động?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trong quá trình nộp hồ sơ, các DN phải thực hiện cam kết trong đó có cả quy định nộp phạt. Số tiền phạt được tính theo phần trăm số tiền đặt cọc. Mức phạt tối đa là phạt toàn bộ số tiền đặt cọc và thu hồi giấy phép.

- Khi thay đổi phương án tính cước điện thoại cố định mới, cước nội hạt sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?


Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Trước khi trình đề án lên Thủ tướng, Bộ đã lấy ý kiến của các DN. Các khảo sát cho thấy ảnh hưởng rất ít tới các DN ở cả 2 phương án, các DN không có thay đổi doanh thu. Người tiêu dùng không phải chi trả thêm đáng kể.

Trước đây, chỉ có VNPT triển khai, được cấp các đầu số từ 5 - 9. Hà Nội có hơn 7 triệu dân (tính cả số dân vãng lai). Nếu chỉ với 8 triệu đầu số thì không đủ. Do vậy, việc cấp thêm đầu số là hợp lý, Về cơ bản, quá trình đổi số đã tiến hành xong.

Những chỉ tiêu nào là quan trọng trong hồ sơ xét tuyển?

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Tất cả có 11 chỉ tiêu xét tuyển, trong đó có 5 chỉ tiêu được coi là quan trọng nhất như: vùng phủ sóng rộng, triển khai nhanh, tiền đặt cọc và mức độ sử dụng cơ sở hạ tầng chung.

Nếu các DN trúng tuyển rồi mà khi cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng các tiêu chí sẽ bị nộp phạt. Mức phạt cao nhất sẽ là toàn bộ tiền đặt cọc (5% tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 3 năm đầu) và thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ.
.............

 

Đến 9h30p sáng 11/11, phần trả lời họp báo của Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng kết thúc, chuyển sang phần trả lời trực tuyến các câu hỏi của người dân gửi về qua website Bộ Thông tin - Truyền thông. Nội dung cuộc trực tuyến được cập nhật tại địa chỉ http://giaoluu.mic.gov.vn/web/20081111/ và trên Báo điện tử VietNamNet. Sau đây những nội dung chính:

 

 
Độc giả: Duy - Hà Nội

Xin Thứ trưởng cho biết cách quản lý hiện tại (và xu hướng trong tương lai) của MIC liên quan tới vấn đề kết nối và bán lại dịch vụ viễn thông. Cụ thể: các nhà khai thác mạng cố định có bắt buộc phải chia sẻ cơ sở hạ tầng với các nhà khai thác mạng khác? và với giá cước được tính toán như thế nào? MIC có phương án gì thúc đẩy sự đầu tư của các nhà khai thác mạng?

Trả lời:
Đối với vấn đề kết nối và bán lại dịch vụ viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

a) Đối với kết nối:

- Kết nối các mạng viễn thông là yêu cầu bắt buộc theo các điều kiện công bằng và hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực để “người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này có thể truy nhập tới người sử dụng và dịch vụ của doanh nghiệp kia và ngược lại”.

- Bắt buộc sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối ở tất cả những nơi thực tế cho phép nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng, giảm chi phí và sự bất tiện cho tất cả các bên.

- Cước kết nối được tính theo lưu lượng chuyển qua điểm kết nối; Xây dựng trên cơ sở chi phí của các doanh nghiệp khi tham gia kết nối; Bảo đảm bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp tham gia kết nối; Có sự điều tiết giữa các dịch vụ, giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nghĩa vụ công ích.

- Chi phí cho việc sử dụng chung vị trí điểm kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng do các doanh nghiệp tự thoả thuận và được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế.

- Bộ Thông tin và Truyền thông quy định một số tiêu chí cơ bản về Thoả thuận kết nối và Hợp đồng kết nối. Các doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận và hợp đồng kinh tế, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, hiệp thương, phân xử theo quy định của Pháp luật.

b) Đối với bán lại dịch vụ viễn thông:

- Bán lại dịch vụ viễn thông dựa trên sự tự nguyện, các bên đều có lợi; Thúc đẩy đầu tư và cạnh tranh trên thị thường viễn thông, internet; Không được hạn chế cạnh tranh qua việc không được cản trở người sử dụng dịch vụ lựa chọn các doanh nghiệp khác nhau để ký kết các hợp đồng cung cấp dịch vụ.

- Các doanh nghiệp phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông thiết yếu ở tất cả những nơi thực tế cho phép, trên cơ sở giá thành, đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế.

- Giá cước bán lại dịch vụ viễn thông phải niêm yết công khai ở những điểm cung cấp công cộng, phải ký kết hợp đồng kinh tế đối với người sử dụng dịch vụ lâu dài trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện.

c) Thúc đẩy đầu tư đối với các nhà khai thác mạng:

- Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường viễn thông, tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư vào việc thiết lập hạ tầng mạng, cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.

- Cân đối lại giá cước các dịch vụ VT, tránh việc bù chéo giữa các dịch vụ, giảm giá thành cung cấp dịch vụ và giảm giá cước cho người sử dụng dịch vụ.

- Hỗ trợ đầu tư vào mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ phổ cập và dịch vụ bắt buộc ở các vùng viễn thông công ích thông qua việc hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

- Phân bổ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên viễn thông; Điều chỉnh lại hệ thống phí và lệ phí VT theo cơ chế thị trường nhưng không làm tăng thêm gánh nặng về tài chính cho DN.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để đảm báo chất lượng mạng và dịch vụ VT cung cấp cho người sử dụng.

Độc giả: Nguyễn Đức Minh Hoàng - Sở Thông tin và Truyền thông TT-Huế
Kính thưa Thứ Trưởng. Hiện nay nước ta có nhiều doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông: VNPT; Viettel; EVN Telecom; S-Telecom; v.v... Mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển hạ tầng Viễn thông của mình với nhiều công nghệ khác nhau. Xin hỏi Bộ đã có những quy định, định hướng, hướng dẫn nào để các doanh nghiệp cùng phát triển hướng đến mạng thế hệ sau (NGN) một cách "đồng bộ" đảm bảo tương thích giữa các công nghệ phục vụ việc đấu nối và chia sẽ hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp.

Trả lời:
Theo kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tế tại Việt Nam thì các Cơ quan quản lý Viễn thông đều quản lý dựa trên nguyên tắc "trung lập về công nghệ" nghĩa là việc lựa chọn công nghệ nào là do Doanh nghiệp Viễn thông quyết định dựa trên các yếu tố về quy mô hoạt động, nguồn vốn, nhu cầu phát triển thị trường...v.v của chính doanh nghiệp đó.

Công nghệ Mạng thế hệ mới (Next Generation Network - NGN) theo tiêu chuẩn của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) cho phép các DN triển khai, cung cấp các dịch vụ VT một cách nhanh chóng, hội tụ giữa thoại và dữ liệu, quản lý dịch vụ tập trung ... cho nên tại Quy hoạch phát triển VT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Nhà nước đã chỉ đạo các DN chuyển dần mạng VT của mình sang sử dụng công nghệ NGN.

Thực tế tại VN cho thấy mặc dù đã có 8 doanh nghiệp hạ tầng mạng nhưng quy mô hoạt động, năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật..của các doanh nghiệp rất khác nhau. Có Doanh nghiệp như VNPT, Viettel, EVN có quy mô và năng lực tương đối lớn, đồng bộ, các doanh nghiệp khác đều mới tham gia thị trường cho nên quy mô mạng lưới, năng lực kinh tế, tài chính vẫn còn nhỏ.

Tuy vậy, tất cả các doanh nghiệp đều đang thiết lập mạng dựa trên công nghệ mạng thế hệ mới (Next Generation Network – NGN) theo tiêu chuẩn của ITU nhằm giảm giá thành và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ viễn thông . Vì vậy công nghệ NGN là một lựa chọn tất yếu và việc kết nối mạng, dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp với nhau là hoàn toàn tương thích.

 
  

Độc giả: Độc giả - Việt Nam

Kính thưa Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng. Trước hết, xin được gửi tới ông lời chào mừng tốt đẹp nhất. Xin được hỏi Thứ trưởng thường trực bốn vấn đề sau. Mặc dù câu hỏi hơi dài, nhưng xin đề nghị được giải đáp đầy đủ. Trân trọng cảm ơn:

I. Về Viễn thông công ích - 1 là: Việc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông công ích khuyến mãi cho không thiết bị đầu cuối và việc hỗ trợ của Nhà nước 100.000 đ (KV1), 140.000 đ (KV2), 200.000 đ (KV3) chia theo 12 tháng trong năm, trừ dần vào tổng phí sử dụng dịch vụ điện thoại cố định hàng tháng. Cho đến nay Bộ chưa có một quy định, hướng dẫn cụ thể nào để tuyên truyền, giải thích và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân hiểu về các trường hợp này và phân tích sự khác biệt về cách thực hiện của từng doanh nghiệp trong hai trường hợp này?

Đề nghị Thứ trưởng Thường trực giải thích thêm về cách trả lời sau: Nếu số tiền hỗ trợ thiết bị đầu cuối 100.000 đ (KV1), 140.000 đ (KV2), 200.000 đ (KV3) gắn liền với chính sách khuyến mại của doanh nghiệp là hỗ trợ một lần (hưởng 1 cục) và nó nằm trong khoản khuyến mãi cho không máy đó thì nhiều trường hợp người dân thắc mắc thì có chăng doanh nghiệp cũng sẽ giải thích khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người dân đã được thực hiện rồi đó, giả dụ trị giá của 01 máy điện thoại cố định khuyến mại (cho không máy) bằng 0 (đồng) thì giá trị thực x (đồng) của chiếc máy điện thoại cố định đó = y (đồng) + 200.000 đồng (tiền hỗ trợ viễn thông công ích). Nghĩa là khi không có viễn thông công ích, máy trị giá 800.000 đồng và cho không người dân. Khi có viễn thông công ích, máy này đã trị giá 1.00.000 đồng do có 200.000 đồng hỗ trợ và vẫn là cho không 800.000 đồng cho người dân. Dễ dàng nhận thấy rằng chính sách hỗ trợ viễn thông công ích của Nhà nước đã song hành cùng chương trình khuyến mại của doanh nghiệp. Với cách giải thích như vậy, thì người dân trong vùng Viễn thông công ích phải hiểu như thế nào đây?

- 2 là: Tờ thanh toán hóa đơn cước thuê bao của khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định trong vùng viễn thông công ích là gần gũi với nhân dân nhất, hàng tháng họ đều nhận được để thanh toán cước trong khi tờ hoá đơn cước này lại không ghi rõ mục hỗ trợ Viễn thông công ích của Nhà nước cho người dân, chẳng hạn: Doanh nghiệp chỉ ghi: - Cước thuê bao tháng (Ví dụ khách hàng thuộc KV3): 7.000 đ Hoặc ghi: - Cước thuê bao tháng: 17.000 đ - Khuyến mại: 10.000 đ Mà thực chất phải hiểu là: - Cước thuê bao tháng: 17.000 đ - Hỗ trợ viễn thông công ích: 10.000 đ Suy ra: Cước thuê bao tháng thực là: 7.000 đ Đối với người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí không đồng đều thì họ sẽ không biết là Nhà nước đã hỗ trợ cước thuê bao cho mình rồi, hoặc nếu doanh nghiệp có ghi trên hoá đơn thì lại lấy tên là Khuyến mại 10.000 đồng như trên. Do đó, trong cả hai trường hợp trên xin đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phải có giải thích cụ thể và có ý kiến với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty về vấn đề này. Phải làm rõ đâu là tiền của doanh nghiệp, đâu là tiền của Nhà nước hỗ trợ. Không thực hiện viết tắt Viễn thông công ích là VTCI trong tờ hóa đơn cước bởi người dân có phải ai cũng hiểu VTCI là Viễn thông công ích đâu.

II. Về cước: Theo như Bộ Thông tin và Truyền thông đã nói trong tháng 10/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông mới xây dựng hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh cước nội hạt, nội tỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, đến nay Thủ tướng chưa phê duyệt thì thì đã có doanh nghiệp bằng chương trình khuyến mại của mình đã thực hiện tính cước nội tỉnh = nội hạt, vậy điều đó liệu có phù hợp với Đề án hay không?

Phải chăng, dưới tên gọi là chương trình khuyến mại nhưng doanh nghiệp đó đã biết trước 1 phần kết quả trong Đề án để họ thực hiện trước; “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”? Xin Thứ trưởng thường trực cho biết sẽ nghĩ sao nếu điều này đã, đang thực hiện sẽ dẫn đến các doanh nghiệp khác cũng buộc phải chạy theo trước khi Đề án đưa vào áp dụng và vậy thì Thứ trưởng thử đánh giá xem tính hiệu quả của Đề án đến đâu? Nếu không thực hiện tính cước nội hạt = nội tỉnh như doanh nghiệp trên, khách hàng của doanh nghiệp đó sẽ đòi hỏi, thắc mắc cho doanh nghiệp này rất nhiều, thậm chí là khiếu nại…và kết cục sẽ rời mạng của doanh nghiệp mình để chuyển sang mạng doanh nghiệp khác thu cước rẻ hơn. Thiết nghĩ Cạnh tranh là vấn đề sống còn, trong khi cước là một lĩnh vực nhạy cảm, đánh thẳng và tác động trực tiếp vào lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đề nghị Bộ phải có can thiệp để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp, hoặc nếu các doanh nghiệp thực hiện phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ và công bố rộng rãi, nên chăng việc triển khai các vấn đề liên quan đến cước phải thực hiện đồng bộ và được Bộ cho phép? I

III. Về vấn đề 3G: Việc tổ chức cấp phép dưới hình thức ’Thi tuyển’ để chọn ra 04 doanh nghiệp (hoặc liên danh giữa các doanh nghiệp) trong số 07 doanh nghiệp thông tin di động 2G để triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam. Thưa với Thứ trưởng Thường trực, mặc dù chưa thi tuyển song một số người dân có thể đoán được kết quả như sau: 3 doanh nghiệp trúng đầu tiên là: Vinaphone, Mobifone, Viettel và dĩ nhiên các doanh nghiệp “yếu thế” hơn còn lại buộc phải Liên danh lại nếu không muốn nói lời chia tay “cuộc chơi” di động, có thể thử đoán Liên danh đó là: EVN Telecom, SPT, HT Mobile, GTel. Vậy nói là cung cấp giấy phép 4/7 doanh nghiệp thực ra là 7/7 doanh nghiệp đều có giấy phép đó đấy chứ? Vậy tổ chức thi để làm gì, thà rằng Bộ cứ cấp thẳng giấy phép và quy định cụ thể quy mô, phạm vi, điều kiện sử dụng.v.v… cho 07 doanh nghiệp là xong? IV. Về quản lý thuê bao di động trả trước Cho đến nay, việc người dân đã biết là phải đăng ký thuê bao di động trả trước tại các điểm được uỷ quyền của doanh nghiệp là đã có rồi. Tuy nhiên, thái độ người dân vẫn thờ ơ, “bình chân như vại”, Bộ chưa có giải pháp gì để kích thích TÍNH TỰ GIÁC của người dân, thậm chí có người dân nói “đi đăng ký để làm gì, phức tạp, mất thời gian!!!”. Chỉ khi nào thấy người dân đi đăng ký thuê bao di động trả trước như đi “bầu cử” thì mới thấy được tính hiệu quả của việc quản lý này. Và thực tế, cơ quan quản lý về thuê bao di động trả trước ở các địa phương cũng chỉ loay hoay làm tốt những gì mà Bộ yêu cầu, trong khi Bộ thì ở “xa quá, cao quá”. Xin cho biết, đến thời điểm hết tháng 6/2009, Bộ sẽ chỉ đạo vấn đề này QUYẾT LIỆT như thế nào? Xin đề nghị Bộ không thể nói chung chung, đã đang và sẽ được. Xin đề xuất một giải pháp đó là Bộ thử cắt thuê bao di động trả trước tại một số dải số 09xxx…hoặc 012xxx… để xem thái độ phản ứng của người dân như thế nào, từ đó vừa khuyến cáo, vừa áp đặt các chủ thuê bao di động trả trước thì mới có hiệu quả được./.

Trả lời:
Cảm ơn bạn đã có các câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông. Tôi xin trả lời bạn như sau:

1.Về chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích:
Thứ nhất, là công tác tuyên truyền để người dân hiểu chính sách và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ viễn thông công ích của doanh nghiệp viễn thông, Bộ TTTT cũng nhận thấy việc tuyên truyền chính sách vừa qua chưa nhiều, chưa thường xuyên, do đó nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách này của Nhà nước. Hiện nay, Bộ đang quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh hoạt động này.

Thứ hai, về thực hiện chính sách hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập cho người dân ở vùng được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Hiện nay, Nhà nước có các chính sách: hỗ trợ thiết bị đầu cuối (máy điện thoại cố định, modem truy nhập Internet, máy thu phát sóng vô tuyến HF cho tàu cá) khi phát triển thuê bao mới; hỗ trợ một phần cước duy trì thuê bao điện thoại cố định hàng tháng đối với thuê bao cá nhân, hộ gia đình (mứ hỗ trợ được quy định cụ thể cho từng khu vực); Nhà nước không thu thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ viễn thông phổ cập.

-Về cơ chế hỗ trợ thiết bị đầu cuối (máy điện thoại cố định, modem truy nhập internet), hiện nay được qui định như sau: Nhà nước không cấp thiết bị đầu cuối hoặc chi tiền trực tiếp cho chủ thuê bao mà do chủ thuê bao tự mua thiết bị đầu cuối phù hợp với nhu cầu; sau đó, sẽ được Nhà nước cấp số tiền hỗ trợ cho chủ thuê bao thông qua doanh nghiệp viễn thông để doanh nghiệp trừ dần vào cước, phí sử dụng dịch vụ mà chủ thuê bao đã sử dụng hàng tháng (không trừ vào giá trị thiết bị đầu cuối do doanh nghiệp phát triển thuê bao cung ứng). Cơ chế này nhằm phản ánh được nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân, đảm bảo kinh phí Nhà nước hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích (chỉ để sử dụng dịch vụ viễn thông) và thuận tiện cho việc quản lý.

Từ qui định nêu trên, trong quá trình thực hiện cơ chế hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho cá nhân, hộ gia đình, nếu doanh nghiệp kết hợp giữa hoạt động khuyến mại và cơ chế hỗ trợ phổ cập dịch vụ viễn thông của Nhà nước để thực hiện hỗ trợ 1 lần cho người dân bằng cách phát thiết bị đầu cuối (không thu tiền hoặc thu một phần giá trị thiết bị) và trừ ngay toàn bộ số tiền hỗ trợ thiết bị đầu cuối của Nhà nước là chưa thực hiện đúng qui trình của cơ chế hỗ trợ hiện nay.

- Về thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần cước duy trì thuê bao điện thoại cố định đối với các nhân, hộ gia đình. Mức cước duy trì thuê bao điện thoại cố định theo qui định hiện nay là 27.000 đ/tháng/thuê bao. Để giảm bớt khó khăn về kinh tế cho nhân dân thuộc vùng cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong việc duy trì thuê bao hàng tháng, Nhà nước hỗ trợ người dân một phần chi phí này và trả trực tiếp cho doanh nghiệp (theo định mức cho từng vùng), phần còn lại do chủ thuê bao chi trả. Phần hỗ trợ của Nhà nước và phần tự chi của chủ thuê bao cho doanh nghiệp viễn thông đủ mức cước 27.000đ/tháng/thuê bao.

Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ thiết bị đầu cuối và một phần cước duy trì thuê bao điện thoại cố định đối với các nhân, hộ gia đình nêu trên, có doanh nghiệp viễn thông cung ứng dịch vụ viễn thông phổ cập ở một số địa phương chưa công khai, minh bạch cho người dân biết đâu là chính sách hỗ trợ của nhà nước, đâu là hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp và việc sử dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để tuyên truyền khuyến mại, ngay từ năm 2007 Bộ TTTT đã phát hiện và có văn bản chấn chỉnh việc này.

Hiện nay, Bộ đang theo dõi việc chấp hành cơ chế, chính sách về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo sự minh bạch giữa chính sách của Nhà nước và hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp; cần phải thông báo rõ chính sách về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích của Nhà nước cho nhân dân biết (kể cả việc không nên viết tắt trên các hóa đơn thu cước như bạn nêu để đảm bảo dễ hiểu). Nếu có doanh nghiệp không thực hiện đúng cơ chế, chính sách của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ thì Bộ sẽ có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, trong đó bao gồm cả việc xem xét đến vấn đề đặt hàng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông phổ cập trong thời gian tới.

2. Về Đề án giá cước điện thoại nội hạt: Theo Chương trình công tác năm 2008, Bộ TTTT đã xây dựng Đề án giá cước nội hạt. Trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ đã có lấy ý kiến các doanh nghiệp viễn thông và các Bộ,Ngành liên quan. Hiện nay, Nhà nước còn đang trong quá trình xem xét Đề án.

Theo cơ chế quản lý giá cước dịch vụ viễn thông hiện hành, Nhà nước quyết định giá cước dịch vụ điện thoại nội hạt, còn giá cước liên lạc nội tỉnh doanh nghiệp được tự quyết định. Vì vậy, việc quyết định mức cước liên lạc nội tỉnh cũng như thực hiện khuyến mại theo qui định của pháp luật đối với dịch vụ này thuộc quyền của doanh nghiệp.

Độc giả: Phan Quang Hiếu 45 tuổi - tổ dân phố 2 thị trấn La Hà - huyện Tư Nghĩa - tỉnh Quảng Ngãi
Kính thưa thứ trưởng Bộ TT&TT: Tôi là một trong những hộ kinh doanh Internet tại địa bàn thị trấn La Hà – huyện Tư Nghĩa – tỉnh Quảng Ngãi. Theo Nghị định số 55 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dich vụ Internet là cách trường học là 200m mới được kinh doanh game online. Sở thông tin và truyền thông Tỉnh và Huyện đã buộc chúng tôi di dời và tôi đã di dời đi nơi khác, nhưng việc di dời này chỉ làm ở thị trấn La Hà chúng tôi mà thôi, còn ở các nơi khác và toàn tỉnh Quảng Ngãi thì không nơi nào di dời hết. Luật ra là để làm chung chứ không phải để làm riêng ở thị trấn La Hà – huyện Tư Nghĩa – Tỉnh Quảng Ngãi được.

 Theo tôi nghĩ dời 200m để rồi đến nơi 300m để kinh doanh thì cũng vậy thôi, học sinh vẫn đi chơi bình thường chứ đâu có cấm nó được, làm như vậy chỉ làm khổ cho chúng tôi mà thôi, bất cập lắm. Vừa rồi ngày 28/08/2008 Nghị định 97 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và có hiệu lực, thay thế Nghị đinh 55, nên chúng tôi đã chuyển lại về nhà để kinh doanh. Nghị định có nói thúc đẩy đưa Internet vào trong trường học; Vậy mà ngày 04/11/2008 Sở TT&TT thanh tra bảo tôi di dời lần nữa . Vậy kính thưa lên thứ trưởng việc làm của mấy ông Sở thông tin và truyền thông Quảng Ngãi như vậy là có đúng hay không? Xin thứ trưởng trả lời cho tôi được yên tâm hoạt động kinh doanh như những hộ khác, và cũng được hưởng quyền và nghĩa vụ như những nơi khác.
Trả lời:
Tại khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 có quy định trách nhiệm của đại lý Internet “Chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến phổ thông trung học) tối thiểu 200m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào”.

Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 60 là tất cả các đại lý Internet trên toàn quốc, do đó không chỉ đối với các hộ kinh doanh Internet tại địa bàn thị trấn La Hà – Tư Nghĩa - Quảng Ngãi mà tất cả các đại lý Internet trên toàn quốc đều phải tuân thủ quy định trên. Quy định này đưa ra nhằm bảo vệ trẻ em trước những tác động tiêu cực của Internet, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao thì quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục của nhà trường, gia đình đối với các em học sinh.

Ngày 28/8/2008, Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet được ban hành thay thế Nghị định 55/2001/NĐ-CP trước đây. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xem xét điều chỉnh Thông tư liên tịch 02 và Thông tư liên tịch 60, đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế cho Thông tư 60.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, xem xét lại các quy định trong Thông tư 60 để đưa ra những biện pháp quản lý trò chơi trực tuyến hiệu quả hơn và thuận lợi hơn cho người dân và các hộ kinh doanh đại lý Internet trong thời gian tới.


Độc giả: Trương Quang Dũng - Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi

Tại Quảng Ngãi được tổ chức Ausaid và USaid tài trợ dự án thí điểm WiFi cho các xã Tịnh Thọ, Sơn Mùa và Nghĩa Thọ, dự án đã lắp đặt và thử nghiệm đã hơn một năm năm nay do EVNTelecom làm chủ đầu tư, phần Internet đã hoạt động rất tốt, nhiều người dân đã truy cập tìm hiểu thông tin, có nhiều tiện ích. Phần thoại chưa thử nghiệm vì Bộ chưa cấp phép thử nghiệm. Nhưng đến nay EVNTelecom đã cắt kết nối Internet không cho người dân sử dụng, các địa phương phản ảnh về Sở yêu cầu can thiệp. - Về vấn đề này lâu nay EVNTelecom được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao quyết định đầu tư, quản lý dự án, nhưng EVNTelecom không hề có báo cáo dự án, báo cáo các vướng mắc cho UBND qua Sở Thông tin và Truyền thông. - Về vấn đề cấp phép thử nghiệm, Sở cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Bộ nhưng không được Bộ trã lời và giải quyết dứt điểm. Kính đề nghị Bộ có chỉ đạo dứt điểm dự án này, để Sở báo cáo UBND tỉnh.

Phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia là chủ đề thu hút được sự chú ý quan tâm của người dân.


Trả lời:  Sau khi nhận được công văn số 1485/CV-EVNTel-KT+QHQT ngày 2/4/2008 của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực về việc cấp phép thử nghiệm mạng Wifi tại Quảng Ngãi, Bộ TT&TT đã tiến hành thẩm định và cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

Do đề án của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới (SIP phone; công suất phát của các điểm truy nhập (access point) quá mức cho phép), Bộ đã yêu cầu Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực giải trình đề án. Ngày 16/6/2008, Bộ đã nhận được giải trình của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực song vẫn còn một số nội dung cần làm sáng tỏ như kho số cho điện thoại wifi; phương án tính cước cho các thuê bao; phương án cho các khách hàng sau khi kết thúc thử nghiệm dự án ...

Ngày 18/8/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 2634/BTTTT-VT trả lời UBND tỉnh Quảng Ngãi về vấn đề trên. Hiện nay, Bộ TT& TT đang yêu cầu Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực giải trình về các nội dung trên, sau khi có phương án của Doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép cho Doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã lựa chọn Công ty Thông tin Viễn thông điện lực để giao triển khai đề án, vì vậy Sở TT&TT cần yêu cầu Doanh nghiệp báo cáo tình hình triển khai đề án nói riêng và yêu cầu Doanh nghiệp báo cáo số liệu chung tại địa phương theo hệ thống mẫu biểu và theo quy định hiện hành.

Độc giả: Nguyễn Văn Thọ - Nhatrang

Thưa Bộ trưởng, Bộ TT-TT có dự định sẽ bỏ cước thuê bao hàng tháng cho điện thoại cố định, internet và di động như các nước trên thế giới đã làm không? Vì nhu cầu sử dụng điện thoại ngày càng tăng và cưóc sử dụng cho cuộc gọi vẫn còn rất cao so với thế giới.

Trả lời:
Bộ TT&TT đã có đề án cước điện thoại nội hạt trình Chính phủ, trong đó dự kiến sẽ quy định mỗi tỉnh, thành phố là một vùng nội hạt, đồng thời Nhà nước sẽ quy định một gói cước điện thoại nội hạt cơ bản. Các DN trên cơ sở các gói cước nội hạt cơ bản tự quy định các gói cước khác tùy theo sự phát triển của thị trường.

Bộ TT&TT hy vọng sau khi quy định gói cước cơ bản, các DN sẽ có nhiều gói cước khác nhau để cung cấp cho người sử dụng dịch vụ, để đáp ứng nhu cầu của các nhóm người sử dụng khác nhau. Các nước trên thế giới có nhiều loại gói cước khác nhau song đối với dịch vụ điện thoại cố định nội hạt, hầu hết đều chưa bỏ cước thuê bao tháng. Bộ TT&TT khuyến khích các DN giảm dần cước thuê bao tháng trên cơ sở gói cước điện thọai nội hạt cơ bản.

Độc giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung 32 tuổi, Nữ - tổ dân phố 2 thị trấn La Hà huyên Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi
Kính thư thứ trưởng: tôi là hộ kinh doanh Internet cách cổng trường THPT 150m, theo Nghị định 55 và thông tư 02 là phải di dời đến chỗ 210m để kinh doanh. Tôi đã dời đi và ngày 28/08/2008 Nghị định 97 của TTCP ban hành và có hiệu lực, tôi đã dọn về nhà làm. Nhưng đến ngày 04/11/2008 Sở TT&TT tỉnh và huyện đến kiểm tra và buộc tôi phải di dời nữa. Tôi có nói là Nghị định mới đã ban hành và có hiệu lực mà sao mấy anh cứ nói di dời mãi vậy, ông phó chánh thanh tra tỉnh nói đây là quyết định của UBND tỉnh ra năm 2006, trong khi chờ đợi 4 thông tư hướng dẫn ra thì bây giờ phải di dời. Xin hỏi Thứ trưởng mấy ông ở Sở và huyện làm như vậy là có đúng hay không?để cho tôi được hưởng quyền và nghĩa vụ như những hộ kinh doanh khác. Xin cảm ơn Thứ trưởng rất nhiều.

Trả lời:
Mời bạn xem câu trả lời bạn Nguyễn Kiện Toàn , 30 tuổi, Nam-tổ dân phố 3 thị trấn La Hà- TN- QNgãi ruavang_@yahoo... có cùng nội dung với câu hỏi của bạn. Xin cảm ơn

Độc giả: letung - Thanhhoa
Kính thưa Thứ trưởng, trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay của đất nước, việc phát triển VT-CNTT mạnh là điều tất yếu của XH, nhất là việc phát triển các dịch vụ không dây, sử dụng cơ sở hạ tầng GSM. Từ việc có nhiều đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ này (EVN,Viettel,VNPT,...), và mỗi doanh nghiệp muốn đảm bảo được chất lượng cung cấp cho khách hàng ngày càng được tốt hơn, các DN đã tăng cường mật độ Trạm phát sóng, điều đó là rất đáng mừng, chất lượng dịch vụ được nâng lên rõ rệt, khách hàng hài lòng hơn.

Tuy nhiên, theo tôi: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) có thể nói là mạnh ai người đó làm, không có sự quy hoạch, dùng chung, dẫn đến việc lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Thậm chí có những điểm, chỉ trong vòng bán kính 50m, có đến 4 Trạm phát sóng, mỗi Doanh nghiệp một trạm, uy nghi vươn lên trời xanh.

Kính thưa thứ trưởng, từ những suy nghĩ như vậy, tôi rất mong được TT cho biết về một số nội dung sau:

1./ Đơn vị quản lý nhà nước về VT-CNTT tại địa phương (Sở TT&TT) có trách nhiệm gì và đến đâu trong việc tổ chức quy hoạch, hướng dẫn và cầu nối giữa các DN với nhau.

2./ Việc xây dựng trạm phát sóng tại các khu vực dân cư đông đúc có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của người dân không? Bộ TT&TT đã có những văn bản pháp quy nào để khẳng định việc này và để giúp các DN giải thích với dân.

Kính thưa Thứ trưởng, trên đây là những nội dung mà bản thân tôi thấy có những điểm chưa rõ, vậy nên rất mong được Thứ trưởng giải đáp. Kính chúc Thứ trưởng mạnh khoẻ. Trân trọng cảm ơn!

Thứ trưởng thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng.

Trả lời:
1. Đơn vị quản lý nhà nước về viễn thông – công nghệ thông tin tại địa phương mà cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin.

Sở Bưu chính, Viễn thông chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Cụ thể, nhiệm vụ quyền hạn của Sở TTTT như sau:

- Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình, dự án về viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và quy hoạch phát triển viễn thông và công nghệ thông tin của Quốc gia;

- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình, dự án, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật về viễn thông và công nghệ thông tin đã được phê duyệt; thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở;

- Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

- Thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về viễn thông và công nghệ thông tin trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo quy định cụ thể hơn tại Thông tư liên tịch Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) số: 02/2004/TTLT-BBCVT-BNV ngày 27 tháng 5 năm 2004 về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở bưu chính, viễn thông (nay là sở Thông tin và Truyền thông) thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, Sở Thông tin và Truyền thông ngoài việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông còn là đầu mối liên kết các Doanh nghiệp trên địa bàn nhằm mục tiêu phát triển Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông tại địa phương.

Độc giả: Nguyễn Văn Việt - Hà nội
Bộ TT-TT nghĩ gì về cái gọi là "phát triển viễn thông " hiện nay tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà nội và TP HCM: mạng cáp chằng chịt không thể tưởng tượng được treo trên bất cứ thứ gì mọc lên trên đường như cột , cây... Chỉ có VNPT là có hạ tầng viễn thông tương đối tốt, EVN cũng có hạ tầng là các cột điện ở mức đành chấp nhận, còn lại đặc biệt tệ hại là Viettel chằng đụp lung tung lên trời. Thế thì phát triển làm gì? Phát triển thì phải bền vững chứ.

Trả lời:
Liên quan đến mạng cáp ngoại vi, Bộ đã có Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-254:2006 được Bộ BCVT (nay là Bộ TTTT) ban hành năm 2006. Tiêu chuẩn này áp dụng đối với các công trình ngoại vi viễn thông của các tổ chức và doanh nghiệp thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ở Việt Nam.

Theo đó, việc sử dụng cáp treo, cáp trong cống bể, cáp chôn trực tiếp, cáp trong đường hầm… và các trang thiết bị như tủ cáp, hộp cáp… phải phù hợp với quy hoạch và các quy định khác của cơ quan quản lý ở địa phương. Bộ TTTT chỉ quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản như đã nêu trong Tiêu chuẩn Ngành TCN 68-254:2006.

Về việc tăng cường quản lý hạ tầng mạng viễn thông, Bộ TTTT đã có các Chỉ thị:

- Chỉ thị 10/2005/CT-BBCVT về đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông nêu rõ các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý; các Sở TTTT tham mưu cho UBND về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các doanh nghiệp cần nghiên cứu, xây dựng, cải tạo mạng ngoại vi đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị: xử lý cáp kém chất lượng, quy hoạch thu gọn mạng cáp treo, tăng cường ngầm hoá trong phạm vi đô thị, tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

- Chỉ thị 04/2008/CT-BTTTT về quản lý và phát triển hạ tầng viễn thông nêu rõ các Sở TTTT xây dựng kế hoạch và lộ trình ngầm hóa mạng cáp và sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp khác trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ môi trường.

Một số nội dung khác:
- Theo các văn bản quy định trên, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương xây dựng quy định chi tiết việc thực hiện quản lý hệ thống mạng cáp, đường dây thuê bao trong đô thị. Việc quản lý hệ thống mạng ngoại vi tùy thuộc vào các quy định của địa phương, do các đặc thù của địa phương. Ví dụ như Hà Nội sắp ban hành “Quy định về quản lý xây dựng công trình ngầm hạ tầng đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.


Độc giả: Lê Thanh - Hà Nội

Xin hỏi thứ trưởng: Việt nam hiện tại có 7 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động và do vậy gần như có 7 hệ thống hạ tầng mạng như tháp anten, trạm BTS, truyền dẫn đến trạm...và hầu như tọa độ nào có một nhà cung cấp dịch vụ đặt trạm BTS ở đó thì các nhà cung cấp tiếp theo cũng đặt tại tọa độ đó, và do vậy có hiện tượng tại cùng một địa điểm có 3-4 tháp anten dựng lên, sau này triển khai 3G thì mật độ trạm chắc chắn còn dày hơn nữa và công tác xây dựng trạm sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu xét về mặt xã hội thì đầu tư như vậy quá lãng phí nguồn lực cho đất nước, không tận dụng được hạ tầng của nhau, làm mất mỹ quan khu vực. Vậy Bộ có quan tâm đến vấn đề này không và đã có biện pháp gì để tránh lãng phí.
Trả lời:
Đúng là hiện nay, việc xây dựng các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông đang gây nhiều bức xúc cho xã hội về gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung dựa trên nguyên tắc tự thoả thuận theo cơ chế thị trường bởi đây là quyền lợi của tất cả các bên tham gia, việc bắt buộc sử dụng chung chỉ xảy ra đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp.

Việc sử dụng chung đối với các trường hợp cụ thể có quy định riêng, ví dụ như, trong cấp phép 3G sắp tới, một trong các tiêu chí quan trọng được đưa vào để xem xét cấp giấy phép là khả năng tận dụng lại hạ tầng hiện có của các doanh nghiệp (trong đó có trạm BTS).

Nhìn chung, đối với việc sử dụng chung BTS, để các doanh nghiệp xây dựng sau có thể cùng sử dụng chung phần trụ đã xây dựng trước phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước hết là khả năng tương thích về kỹ thuật (ví dụ như trụ xây dựng trước có còn đủ không gian, đủ vững chãi để lắp đặt thêm thiết bị của doanh nghiệp khác hay không?). Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành quy định chi tiết thêm về sử dụng chung cơ sở hạ tầng, nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

Độc giả: Lê Thanh - Hà Nội
Xin hỏi Thứ trưởng thêm: Chiến lược ngành VT Việt Nam là gì, nhất là công nghiệp sản xuất thiết bị cho mạng. Thực tế đến giờ đi xem triển lãm về IT và TTVT thì chỉ thấy sản phẩm nhập ngoại mặc dù thị trường VN có tiềm năng rất lớn. Ngành đã hội nhập, đi tắt đón đầu cả chục năm rồi mà vẫn chưa nhìn thấy sản phẩm nào là chủ đạo. Xin cám ơn thứ trưởng!


Trả lời:

Thứ trưởng Lê Nam Thắng: "Viễn thông và Internet được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn"

Cảm ơn bạn về câu hỏi rất hay, bạn rất quan tâm đến ngành, Viễn thông và Internet được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, điều đó thể hiện qua các văn bản: Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet đến năm 2010, Quy hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020… (bạn có thể xem chi tiết nội dung các văn bản này tại website: http://www.mic.gov.vn.

Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (trong đó bao gồm công nghiệp phần cứng) là một trong 4 trụ quan trọng nhất của các văn bản trên bên cạnh Hạ tầng, dịch vụ và nguồn nhân lực; Chính sách Công nghiệp sản xuất thiết bị cho mạng được thể hiện rõ nhất tại Quy hoạch phát triển tổng thể phát triển Công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 trong đó nhấn mạnh các sản phẩm chủ đạo như:

- Nhóm sản phẩm định hướng phát triển bao gồm: máy tính và các thiết bị ngoại vi; thông tin-viễn thông; điện tử y tế, điện tử công nghiệp, đo lường và tự động hóa; sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ.

- Tăng tỉ trọng sản phẩm điện tử chuyên dùng và phụ tùng linh kiện bằng việc tập trung sản xuất/lắp ráp các sản phẩm điện tử chuyên dùng, các sản phẩm công nghệ cao để nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp.

- Tận dụng tiềm năng sản xuất vật liệu điện tử, lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế về tài nguyên. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực của công nghiệp phụ trợ như chế tạo khuôn mẫu, đúc, ép nhựa, đột dập kim loại, xử lý bề mặt (sơn, mạ…) phục vụ cho quá trình sản xuất phụ tùng linh kiện cho ngành Công nghiệp điện tử.

Bản thân tôi rất tin tưởng vào tiềm năng ngành Công nghiệp điện tử của Việt nam, với phương châm hội nhập đi tắt đón đầu chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng:

- Thu hút đầu tư nước ngoài trước năm 2000 chỉ mới có hiện diện đáng kể của công ty Fujitsu (1994) xây dựng nhà máy sản xuất bảng mạch chủ cho máy tính, tuy nhiên trong giai đoạn 2000-2010 một loạt các doanh nghiệp CNTT hàng đầu thế giới đã đầu tư dây truyền sản xuất với qui mô lớn như Canon (2000), Intel (2007), IBM (2007), Foxcon (2007). Trong giai đoạn 2009-2010 khi các doanh nghiệp này đi vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng doanh thu cho ngành công nghiệp CNTT Việt Nam.

- Năm 2007, tổng doanh thu Công nghiệp CNTT&TT khoảng 1,74 tỷ USD, tổng doanh thu công nghiệp phần cứng máy tính khoảng 1,38 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Độc giả: Nguyễn Mạnh Tân - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định
Kính thưa Thứ trưởng. 1. Theo Thứ trưởng để "Phát triển bền vững hạ tầng viễn thông quốc gia” chúng ta phải làm gi? 2.Vấn đề xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông nói chung( mạng thông tin di động - BTS nói riêng) đang vấp phải khó khăn do người dân phản đối xây dựng trạm BTS vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân lo ngại ảnh hưởng của sóng điện từ phát ra từ các trạm BTS. Kính đề nghị Thứ trưởng cho biết Bộ đã chỉ đạo giải quyết vấn đề này như thế nào? 3. Bộ TT-TT đã chính thức phát hành hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ IMT-2000 (3G) trong băng tần số 1900-2200MHz cho 7 DN viễn thông Việt Nam. Đề nghị Thứ trưởng cho biết Bộ đã có những chỉ đạo gì để đảm bảo cho mạng 3G được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Xin trân trong cảm ơn!
Trả lời: Hiểu thế nào là phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia:

Một là, đây phải là cơ sở hạ tầng hiện đại đồng bộ, băng thông rộng, tốc độ cao, vùng bao phủ rộng.

Hai là, cơ sở hạ tầng phải cung cấp đầy đủ các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của mọi người dân.

Ba là, chất lượng dịch vụ phải ổn định và đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia.

Bốn là giá cước phải hợp lý và phù hợp với thu nhập để đảm bảo quyền truy cập của mọi người dân .

Năm là, sự phát triển phải gắn liền với việc giảm khoảng cách số, giảm sự khác biệt giữa các vùng miền.

Sáu là, phát triển cơ sở hạ tầng phải gắn với việc bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên viễn thông.

Bẩy là, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tám là bảo đảm sự phát triển ổn định thị trường viễn thông trên cơ sở , hài hoà lợi ích của xã hội, doanh nghiệp và người sử dụng.

Để phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông phải triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về viễn thông và Internet. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về viễn thông và Internet nhằm phát huy nội lực, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Nghiên cứu việc xây dựng và ban hành Luật Viễn thông. Xây dựng và ban hành các quy định về an toàn, an ninh thông tin.

Nâng cao hiệu lực, quản lý nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về viễn thông và Internet từ trung ương đến địa phương, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên trách về viễn thông, tần số vô tuyến điện, Internet và an toàn, an ninh thông tin.

Hai là, xây dựng cơ chế chính sách và thực thi pháp luật để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và Internet:

Cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet: Quy hoạch số lượng doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích lũy vốn, duy trì và mở rộng kinh doanh; tận dung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên viễn thông và các nguồn lực quốc gia.

Có cơ chế, chính sách cấp phép phù hợp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bán lại dịch vụ, cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị, dịch vụ Internet trên cơ sở hạ tầng mạng lưới đã được đầu tư; phát triển hạ tầng mạng nội hạt để cung cấp các dịch vụ truy cập băng rộng,kết nối mạng máy tính, tận dụng cở sở hạ tầng sẵn có (truyền hình cáp, thông tin trên đường dây điện lực…) để cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet kết hợp với các dịch vụ khác.

Giá cước, phí và lệ phí: Thực hiện việc cân đối lại giá cước dịch vụ viễn thông và Internet trên cơ sở giá thành và quan hệ cung cầu trên thị trường. Từng bước điều chỉnh giá cước các dịch vụ hiện nay còn thấp hơn giá thành để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Từng bước điều chỉnh giá cước kết nối và giá cước thuê kênh giữa các doanh nghiệp trên cơ sở giá thành. Xác định rõ phần đóng góp cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong giá cước kết nối.

Tiêu chuẩn, chất lượng mạng lưới và dịch vụ: Đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực viễn thông và Internet phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ và quy định quốc tế. Tăng cường quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ viễn tông và Internet thông qua hình thức công bố chất lượng trên cơ sở các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng hoặc do các doanh nghiệp viễn thông và Internet tựnguyeenj áp dụng. Tăng cường quản lý chất lượng thiết bị đầu cuối, thiết bị thông tin vô tuyến điện và các thiết bị khác có khả năng gây nhiễu cho thông tin vô tuyến điện thông qua các hình thức: công bố phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn, thừa nhận lẫn nhau (MRA), quản lý tương thích điện từ trường (EMC).

Kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet: Xây dựng và ban hành quy định về kết nối mạng viễn thông công cộng nhằm tạo thuận lợi cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận kết nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá năng lực mạng lưới và các cơ chế kinh tế, tài chính phục vụ cho việc thực hiện kết nối và giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp. Khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet bao gồm: vị trí lắp đặt thiết bị kết nối, thiết bị trung chuyển, ống cáp, bể cáp, cáp, sợi cáp, cột trụ ăng ten, thiết bị phụ trợ trong nhà và các phương tiện khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông thuê hạ tầng của các ngành khác như truyền hình, điện lực để thiết lập mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

Tài nguyên viễn thông và Internet: Quy hoạch tài nguyên viễn thông và Internet trên cơ sở đảm bảo đầu tư, sử dụng tiết kiệm,có hiệu quả. Ưu tiên quy hoạch và phân bổ tài nguyên cho công nghệ, dịch vụ mới như Internet thế hệ sau, thông tin di động thế hệ mới,truy nhập vô tuyến băng rộng…. Nghiên cứu thử nghiệm các hệ thống tài nguyên mới như Ipv6, ENUM… nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển nhanh của mạng lưới và dịch vụ. Từng bước nghiên cứu, xem xét áp dụng các cơ chế giữ nguyên số thuê bao khi chuyển mạng (number portability), cơ chế chọn trước nhà khai thác (carrier pre-selection) đường dài trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: Xây dựng và hoàn thiện các quy định về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông và Internet. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống ứng cứu, khắc phục sự cố máy tính và phòng chống tội phạm trên mạng. Áp dụng các công nghệ và giải pháp kỹ thuật mật mã làm tăng độ tin cậy, an toàn cho các giao dịch trên mạng viễn thông và Internet.

Thực thi pháp luật: Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh viễn thông và Internet, đặc biệt các hoạt động liên quan đến kết nối mạng, giá cước,chất lượng dịch vụ. Áp dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh lậu trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và internet. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phá luật trong lĩnh vực viễn thông và Internet theo quy định hiện hành.

Ba là, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trong môi trường cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế: Triển khai tích cực hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhằm phân định rõ việc kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010 nhằm từng bước nâng cao mức độ phổ cập dịch vụ và giảm khoảng cách phát triển về viễn thông và Internet giữa các vùng, miền trong cả nước. Thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet cho các cơ quan Đảng, Nhà nước để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và độ an toàn thông tin đối với mạng viễn thông chuyên dùng của Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thắng lợi.

 
Phần 2: Liên quan đến việc lo ngại ảnh hưởng của sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động đến sức khỏe, Bộ TT-TT đã nhiều lần có ý kiến trao đổi về vấn đề này. Bộ TT-TT không phải là Bộ chuyên ngành về sức khỏe, nhưng qua tìm hiểu thì thấy rằng, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban Quốc tế về phòng chống Bức xa phi ion hóa (ICNIRP) và Liên minh viễn thông Quốc tế (ITU).

Qua các nghiên cứu, WHO kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Tuy nhiên WHO cũng khuyến khích các nước xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn hơn nữa cho người dân cũng như những cán bộ làm việc với các trạm thu phát này. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các chính sách quản lý chuyên ngành của Bộ.

Ở Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio- Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Quyết định số 19/2006/QDD-BBCVT ngày 15/6/2006 quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với trạm thu phát thông tin di động.

Như vậy, nhằm bảo vệ người dân sống quanh trạm thu phát vô tuyến khỏi ảnh hưởng của phơi nhiễm vô tuyến điện. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quy định mức giới hạn an toàn (xác định theo mức phơi nhiễm của TCVN 3718-1:2005) và quy định các trạm thu phát thông tin di động phải đảm bảo thông qua hình thức quản lý là kiểm định công trình viễn thông (theo các Quyết định 31/2006/QĐ-BBCVT và 26/2008/QĐ-BTTTT).

Việc đánh giá theo các quy định này là bắt buộc đối với tất cả các trạm. Nếu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu này, trạm mới được phép đi vào hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có các giải thích, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin (Đài Truyền hình Việt Nam, các báo…) để người dân hiểu biết sâu hơn về vấn đề này. Bộ cũng đã giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại của nhiều tổ chức, cá nhân xung quanh các vấn đề này. Bộ cũng đã có các văn bản hướng dẫn các Sở Thông tin Và Truyền thông và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động thực hiện theo đúng các quy định để đảm bảo an toàn cho dân.

Phần 3. Ngày 05/11/2008 Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành "Hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 trong băng tần số 1900-2200 MHz" (gọi tắt là 3G) cho 07 Doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất thế hệ thứ hai (2G).

Các tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thi tuyển như tiêu chí vùng phủ sóng rộng, thời gian triển khai nhanh, chia sẻ cơ sở hạ tầng sẵn có của mạng 2G nhằm sử dụng lại hạ tầng kỹ thuật đã xây dựng đều nhằm mục đích là mạng 3G được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả, không gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đặt cọc bảo lãnh việc triển khai thực hiện đề án xây dựng mạng 3G như đã cam kết trong Hồ sơ thi tuyển. Trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện như đã cam kết, doanh nghiệp sẽ bị phạt theo số tiền đã đặt cọc. Đây cũng là biện pháp để bắt buộc các doanh nghiệp triển khai xây dựng mạng 3G như đã cam kết với Nhà nước.

Độc giả: Dương - TP.HCM

Trước tiên rất cám ơn Bộ TTTT đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về phát triển bền vững hạ tầng mạng viễn thông vì thực tế hạ tầng mạng viễn thông (nhất là mạng ngoại vi,..) đang phát triển rất nóng và cũng gây ra không ít khó khăn, phiến phức cho người dân và chính quyền nhất là tại các đô thị lớn. Có một vài nội dung đưa ra và rất mong nhận được ý kiến trả lời của Thứ trưởng đồng thời những biện pháp để giải quyết các vấn đề nay:

1. Việc phát triển bền vững hạ tầng viễn thông là vô cùng quan trong và để phát triển bền vững thì hạ tầng viễn thông phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị. Tuy nhiên một thực tế hiện nay là các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/500, 1/2000 đều yêu cầu phải có nội dung quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật như: điện, cấp thoát nước, cây xanh, đường giao thông,...ngoại trừ hạ tầng thông tin liên lạc (viễn thông) . Điều này dẫn đến 1 thực tế là hạ tầng viễn thông (nhà trạm, tổng đài, mạng ngoại vi,...) đều không được xem xét đến trong việc xây dựng quy hoạch đô thị 1/2000 và 1/500 là 1 nguyên nhân dẫn đến việc hạ tầng viễn thông phát triển rất manh mún, tùy tiện, không có quy hoạch. Với vai trò của Bộ TTTT, đề nghị thứ trưởng cho biết những việc cần phải làm ngay để khắc phục những thiếu sót trong vấn đề này để đảm bảo điều kiện đầu tiên cho việc phát triển bền vững hạ tầng viễn thông quốc gia.

2. Hạ tầng viễn thông liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên nổi bật và đập vào mắt người dân nhất là mạng ngọai vi (mạng cáp treo) và các trạm BTS. Thực tế mạng cáp treo ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM,.... phát triển rất lộn xộn, tùy tiện,... gây rất mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng ngừoi tham gia lưu thông và dẫn đến mất an toàn mạng khi xảy ra sự cố. Nguyên nhân là ngoài 10 DN được Bộ cấp phép thiết lập mạng ngoại vi, còn các doanh nghiệp Truyền hình cáp, các đơn vị của an ninh, quốc phòng,.... đều triển khai mạng cáp chủ yếu trên hệ thống trụ điện của ngành điện,.....

Sự phát triển tự phát của mạng ngoại vi không chỉ gây ra mất an toàn mạng viễn thông khi xảy ra sự cố mà còn ảnh hưởng đế an toàn ngành điện do cáp viễn thông treo quá nhiều và chằng chịt trên trụ điện. Trong khi đó 1 văn bản duy nhất điều chỉnh việc treo cáp là tiêu chuẩn ngành TCN 68-254:2006 về tiêu chuẩn kỹ thuật mạng ngoại vi, thực tế các tiêu chuẩn kỹ thuật này sẽ phù hợp khi số lượng DN, đơn vị triển khai cáp là ít (1, 2 doanh nghiệp) tuy nhiên rất khó áp dụng khi số lượng DN, đơn vị treo cáp là quá lớn (Ví dụ như chỉ tiêu: số lượng cáp tối đa treo trên trụ là cáp đồng có dung lượng không qua 400 đôi, như vậy nếu 10 đơn vị đều treo cáp đồng 400 đôi thì cũng không vi phạm quy định và chắc chắn không có trụ điện nào có thể tải được khối lượng cáp lớn như vậy,...).

Hiện nay cũng thiếu các quy định về chế tài, xử phạt tương ứng để bắt buộc các đơn vị, doanh nghiệp triển khai cáp treo áp dụng. Ngoài ra TCN 68-254:2006 không điều chỉnh việc treo cáp truyền hình. Đề nghị Thứ trưởng cho biết các biện pháp khắc phục trước mắt và lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững hạ tầng mạng viễn thông quốc gia.

Ngoài ra cũng rất mong Thú trưởng cho biết khi nào có thể ban hành các quy định như:

-Quy định chi tiết việc thực hiện quản lý hệ thống cáp viễn thông, đường dây thuê bao và thiết bị viễn thông trong đô thị, trong đó có công tác thanh tra và xử lý vi phạm. -Quy định về kết nối, sử dụng chung hạ tầng viễn thông, đặc biệt là các công trình, mạng cáp ngoại vi.

-Điều chỉnh các quy định trong TCN 68-254-2006 cho phù hợp với thực tế việc triển khai mạng của không chỉ 1 mà rất nhiều doanh nghiệp cũng như có quy định đối với việc triển khai mạng truyền hình cáp.

-Đưa vào một trong các điều kiện để cấp phép thiết lập mạng viễn thông, Internet, truyền hình cáp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho công cộng là doanh nghiệp phải có phương án đầu tư hệ thống ngầm hoặc sử dụng chung hạ tầng và cam kết thực hiện. Trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ có biện pháp chế tài, xử lý thích hợp.

Trên đây là một số nội dung muốn chia sẻ về thực trạng hạ tầng mạng viễn thông và phát triển bền vững hạ tầng mạng viễn thông. Rất mong nhận đựơc sự quan tâm và trả lời của Thứ trưởng.

 
Trả lời:
Xác định vai trò to lớn của cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng viễn thông nói riêng, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã huy động, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Do đó cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam thời gian qua đã phát triển nhanh chóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh những mặt tích cực của việc phát triển viễn thông nói chung và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông nói riêng thì việc phát triển hạ tầng viễn thông nhất là phát triển bền vững hạ tầng viễn thông đã bộc lộ những bất cập cần được khắc phục, điều chỉnh và có biện pháp quản lý kịp thời như vấn đề quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông, công trình viễn thông; vấn đề sử dụng chung công trình viễn thông; v.v…

Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về viễn thông cũng như giải quyết các vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước về viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng dự thảo Luật Viễn thông. Một trong các nội dung quan trọng của dự thảo Luật Viễn thông là vấn đề quy hoạch hạ tầng mạng viễn thông trong quy hoạch tổng thể của các công trình xây dựng, các khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế v.v…

Theo đó quy hoạch, thiết kế xây dựng các các công trình xây dựng, các khu đô thị, khu dân cư, khu kinh tế v.v… phải có phần quy hoạch viễn thông nói chung và hạ tầng viễn thông nói riêng. Đồng thời cũng khuyến khích các biện pháp đảm bảo mỹ quan đô thị, khu dân cư trong phát triển hạ tầng mạng viễn thông như ngầm hóa hạ tầng viễn thông (hệ thống cáp), tại các khu đô thị phải tuân theo quy hoạch xây dựng của địa phương v.v… Một số địa phương như Thành phố Hà Nội đang xây dựng quy trình cấp phép xây dựng các tuyến cáp treo và yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường ngầm hóa trong khu vực đô thị đồng bộ với các hệ thống cáp điện lực, truyền hình và hạ tầng ngầm của đô thị.


Độc giả: Trần Tấn Phát - 1A9 Nguyễn Thái Sơn, P.3, Gò Vấp, Tp.HCM

Thưa Thứ Trưởng, theo tôi biết, tại các nuớc khác, ngòai ISP,OSP,..người ta còn định nghĩa riêng ASP như là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ ứng dụng trên Internet như: Lọc SPAM, chống virus, thư viện nhạc, hình ảnh...và các doanh nghiệp này được phép họat động như các doanh nghiệp bình thường khác, không đòi hỏi phải đáp ứng những điều kiện nào từ phía đơn vị quản lý về CNTT&Truyền thông.

Hiện nay ở nước ta không có khái niệm ASP và nếu có chăng thì đã được gộp chung vô định nghĩa OSP, vậy liệu chúng ta có những quy định nào cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trên Internet (gọi tắt là ASP-Application Service Provider) hay không? Doanh nghiệp chúng tôi họat động trong lĩnh vực ICT, và chúng tôi muốn triển khai và cung cấp các dịch vụ lọc SPAM, VIRUS trên EMAIL cho các doanh nghiệp, vậy chúng tôi có cần phải xin giấy phép thành lập OSP hay không? Xin ngài Thứ Trưởng hướng dẩn giúp. Chân Thành Cảm Ơn và Chúc Ngài sức khỏe.

Trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì chỉ có một loại hình doanh nghiệp Internet gọi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được cung cấp các dịch vụ kết nối Internet, truy nhập Internet và ứng dụng Internet trong viễn thông (là các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng quy định tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/9/2004). Do đó, khi doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành thì phải tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành có liên quan. Các dịch vụ lọc spam, virus trên email thuộc lĩnh vực CNTT cho nên phải tuân thủ theo các quy định của Luật CNTT.


Độc giả: Nguyễn Văn Điều - Số 4A2 Nguyễn Chí Thanh - DD - HN

Tôi xin có 2 câu hỏi : 1. Trong thời gian không xa các tổ chứ Internet quốc tế sẽ chuyển đổi từ dạng địa chỉ IPv4 thành IPv6. Vậy các tổ chức Internet của VN đã chuẩn bị và có kế hoạch như thế nào về vấn đề này ? 2. Hiện VN các dịch vụ viễn thông đang phát triển rất mạng mẽ, các nhà cung cấp càng ngày càng nhiều. Một vấn đề hạ tầng hết sức quan trọng là Truyền dẫn ở các TP phát triển : cáp điện lực chung với các loại cáp : internet, thoại, truyền hình ... đang được kéo chằng chịt, chồng chéo. Vậy Bộ BC - VT có kế hoạch gì cho tương lại và khắc phục vấn đề này ? để đảm bảo sự p.triển mạnh mẽ của VT và vấn đề mỹ quan p.triển đô thị Xin chân thành cám ơn !

 
Trả lời:
Câu hỏi của bạn có 2 ý, tôi xin trả lời lần lượt như sau:
1. Việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 đã được chuẩn bị trong thời gian dài. Thời điểm này, cộng đồng quốc tế đã ban hành những nghị quyết chung về việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 và thiết lập đồng hồ đếm ngược về thời điểm cạn kiẹt IPv4. Phía Việt Nam, cơ quan quản lý về tài nguyên Internet (Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC) đã tham gia thử nghiệm IPv6 ngay từ giai đoạn đầu khi IPv6 chưa cấp phát chính thức ra cộng đồng và ra các thông báo, khuyến cáo kịp thời cho cộng đồng về tình hình cạn kiệt IPv4, các bước của tiến trình chuẩn bị chuyển đổi sang IPv6.

Hiện tại các ISP Việt Nam đều đã được cấp và sẵn sàng về nguồn tài nguyên địa chỉ để cung cấp rộng rãi ra cộng đồng, xin dự phòng IPv4 để sử dụng trong thời kỳ chuyển giao. Tháng 5/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp triển khai quá trình chuyển đổi này.

Ngoài việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng lên kế hoạch sử dụng IPv6, các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet nghiên cứ triển khai cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng mạng thử nghiệm trên diện rộng và từng bước xây dựng mạng IPv6 quốc gia trên cơ sở hệ thống trung chuyển Internet quốc gia VNIX, đưa các yêu cầu phải sử dụng IPv6 vào trong các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các dự án công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước.

Hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang triển khai thiết lập kết nối vào mạng IPv6 của VNNIC để thử nghiệm và từng bước kiện toàn mạng IPv6 quốc gia. Bộ đang xúc tiến thành lập Ban công tác phát triển IPv6 quốc gia (IPv6 Task Force) để làm đầu mối hoạch định, triển khai IPv6 tại Việt Nam.

2. Đi đôi với việc phát triển lĩnh vực viễn thông và CNTT là phát triển hạ tầng mạng, trong đó có việc phát triển mạng dây cáp treo hoặc đi nổi trên đia bàn các đô thị. Vấn đề ảnh hưởng của mạng dây cáp treo đối với mỹ quan đô thị là vấn đề đang được sự quan tâm của mọi người trong xã hội và các cấp các ngành nói chung, đặc biệt là sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng.

Để giảm thiểu ảnh hưởng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Tiêu chuẩn ngành TCN 68 – 254 : 2006 Công trình ngoại vi viễn thông. Tiêu chuẩn này đã đề ra một số các quy định kỹ thuật để quản lý mạng dây cáp treo của ngành viễn thông và internet của các doanh nghiệp viễn thông, nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan công trình và đô thị.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các Doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc quy hoach và tăng cường ngầm hoá mạng dây cáp viễn thông. Hiện tại các doanh nghiệp viễn thông đã đang thực hiện công việc này và thực tế đã được triển khai tại một số Thành phố lớn như Hà Nội, HCM, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Tuy nhiên, việc ngầm hóa mạng cáp viễn thông tại các khu đô thị còn phụ thuộc vào quy định của Chính quyền địa phương, đồng bộ với việc ngầm hóa mạng cáp truyền hình, mạng cáp điện lực. Một số địa phương, ví dụ Thành phố Hà Nội đã có những triển khai cụ thể nhằm ngầm hóa các mạng cáp như thí điểm cùng với doanh nghiệp triển khai các đề án ngầm hóa các mạng cáp (cùng với doanh nghiệp đầu tư ngầm hóa) cũng như xây dựng các quy định cụ thể đối với việc cấp phép xây dựng mạng cáp trên địa bàn.

Một thực tế là ở thành phố và nông thôn thì yêu cầu về ngầm hoá cáp khác nhau nên Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố cũng đã và đang xây dựng những qui định cụ thể đối với các doanh nghiệp như ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong dự thảo Luật Viễn thông cũng đang đề xuất đưa ra các quy định chung nhất liên quan đến việc ngầm hóa các đường cáp viễn thông, đồng bộ với việc đảm bảo chất lượng mạng, dịch vụ viễn thông cũng như đồng bộ với hệ thống các công trình ngầm tại các địa phương.

Độc giả: Ngô Duy Trung - Quy Nhơn - Bình Định
Việc quản lý trạm BTS và cấp phép xây dựng trạm BTS do 2 ngành khác nhau quản lý, nhưng việc kiểm tra sóng điện từ thường xuyên của các doanh nghiệp không được thực hiện. Bộ có giải pháp gì trong trường hợp những trạm quá gần nhau ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân về tình trạng sóng điện từ ảnh hưởng sức khỏe và quyền lợi vật chất thì căn cứ vào đâu để nhà quản lý có thể buộc tháo dở công trình. Xin cảm ơn.

Trả lời:
Vấn đề an toàn của các công trình viễn thông nói chung, trong đó có vấn đề an toàn phơi nhiễm trường điện từ của các trạm phát sóng thông tin di động BTS nhằm đảm bảo cho người dân sống tại khu vực lân cận, từ lâu đã được các nước và các tổ chức quốc tế quan tâm nghiên cứu. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng được các cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông, từ trước đây là Tổng Cục Bưu Điện, Bộ Bưu Chính, Viễn Thông và nay là Bộ Thông Tin và Truyền Thông, nghiên cứu.

Năm 2006, trước tình hình phát triển nhanh chóng của các mạng thông tin di động, ngày càng nhiều các trạm phát sóng BTS được lắp đặt trong các khu dân cư gây lo lắng cho một số bộ phận người dân sống gần trạm BTS, trên cơ sở bộ Tiêu chuẩn EN 50400 và EN 50383 do Ủy ban Tiêu chuẩn hóa về Kỹ thuật điện Châu Âu (CENELEC) ban hành tháng 6/2006, Bộ Bưu Chính, Viễn Thông (nay là Bộ TT và TT) đã ban hành các quy định về kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông tại quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT, quyết định số 32/2006/QĐ-BBCVT (nay được thay thế bằng quyết định 26/2008/QĐ-BTTTT) ngày 06/9/2006, Tiêu chuẩn Ngành TCN 68 - 255:2006 “Trạm gốc di động mặt đất công cộng – Phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ”; công nhận tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số rađiô – Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3 kHz đến 300 GHz” thành Tiêu chuẩn Ngành bắt buộc áp dụng.

 

Theo các quy định và tiêu chuẩn nêu trên, từ ngày 01/01/2007 các trạm phát sóng điện thoại di động BTS chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi đo kiểm và được các Tổ chức kiểm định thuộc Bộ TT và TT cấp giấy chứng nhận kiểm định đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn chống sét, tiếp đất, an toàn phơi nhiễm trường điện từ. Đến nay đã có trên 6000 trạm phát sóng BTS được cấp giấy chứng nhận kiểm định, các doanh nghiệp di động cũng đang tích cực triển khai việc đo kiểm để hoàn thành kiểm định toàn bộ các trạm phát sóng BTS (bao gồm cả trạm lắp đặt trước và sau ngày 01/01/2007) trong năm 2008 theo quy định. Việc kiểm định này sẽ thực hiện theo định kỳ 3 năm một lần cho từng trạm BTS. Đối với các trạm phát sóng BTS chưa phù hợp tiêu chuẩn, các doanh nghiệp phải khắc phục và chỉ được phát sóng sau khi đo kiểm lại và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định.

Hiện tại Bộ TT và TT đang phối hợp với các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp, qua các kênh truyền thông cung cấp thông tin cho xã hội để người dân sống xung quanh trạm BTS yên tâm về tính an toàn và cùng cơ quan quản lý nhà nước giám sát doanh nghiệp tuân thủ các quy định về kiểm định an toàn công trình viễn thông, trong đó đặc biệt là kiểm định an toàn trạm phát sóng BTS.

Các trạm phát sóng di động mạng 3G, cũng là các trạm gốc thông tin di động BTS. Theo quy định tại quyết định 26/2008/QĐ-BTTTT, các trạm phát sóng này đều sẽ phải kiểm định đầy đủ tính an toàn theo các tiêu chuẩn quy định trước khi đưa vào sử dụng.

Độc giả: Lê Minh Nhựt - 15 đường số 9 KDC Bình Hưng - Bình Chánh - TPHCM
Xin kính chào và chúc sức khỏe thứ trưởng! Theo tôi được biết chúng ta sắp có thêm 1 nhà cung cấp dịch vụ VT tên GTel đã được cấp phép dịch vụ thông tin di động ở băng tần cao 1800 MHz. Ngoài giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin di động GTel còn được cung cấp hạ tầng viễn thông. Với việc cấp phép cho GTel, thị trường di động Việt Nam đã có tới 7 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động, không biết GTel tuyển nguồn nhân lực như thế nào để đủ sức cạnh tranh với môi trường VT đang rất khắc nghiệt, tôi rất quan tâm đến vấn đề này. Trân trọng kính chào!

Trả lời: Theo quy định của WTO, các quốc gia không được hạn chế số lượng DN tham gia thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ VT. Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tiến hành cấp phép cho các DN theo đúng các quy định của Pháp lệnh BCVT. Việc quyết định tham gia thị trường BCVT hay không là do DN sau khi nghiên cứu thị trường và có phương án kinh doanh phù hợp sẽ tự quyết định. Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho DN nếu vẫn còn đủ nguồn tài nguyên VT để DN thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ VT.
 
Các DN sau khi được cấp phép phải tiến hành việc kinh doanh của mình theo cơ chế thị trường trong môi trường kinh doanh VT của Việt Nam với mức độ cạnh tranh khá cao. Trong trường hợp DN kinh doanh tốt sẽ tiếp tục phát triển. Nếu kinh doanh không hiệu quả thì sẽ phải sáp nhập với DN khác hoặc phá sản theo luật định. Điều này hoàn toàn do thị trường quyết định.

Độc giả: Nguyễn Minh Châu - Ninh Bình

Kính chào Thứ trưởng! QĐ số 03/2007/QĐ-BTTTT ra đời đánh dấu một bước đột phá trong lĩnh vực Viễn thông nói chung và quản lý TBDĐ nói riêng. Từ khi ra đời QĐ 03 đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có rất nhiều văn bản để hướng dẫn thực hiện QĐ số 03. Đến nay hầu như việc thực hiện vẫn chưa có hiệu quả thiết thực, do ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn chưa cao.

Mặt khác các Doanh nghiệp viễn thông vì mục đích lợi nhuận nên vẫn chưa chấp hành tốt việc quản lý thuê bao di động trả trước hoặc là chấp hành đối phó. Các mức xử phạt mà Thanh tra Bộ đưa ra vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Bộ đưa ra một Quyết định và rất nhiều công văn kèm theo mà vẫn chưa thấy có hiệu quả. Vậy Thứ trưởng nghĩ gì về vấn đề này.

Trả lời:

=

Trước tiên, phải nói chính sách quản lý thuê bao di động trả trước là một chính sách đúng đắn trong vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 03/2007/QĐ-BTTTT vào thực tiễn còn có một số vấn đề bất cập như: ý thức chấp hành về thủ tục đăng ký thông tin thuê bao trả trước của doanh nghiệp, của chủ điểm giao dịch và của người sử dụng dịch vụ chưa tốt.

Mặt khác, trong Nghị định số 142/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và tần số VTĐ chưa quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về thuê bao di động trả trước. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp thanh tra và kiểm tra việc triển khai hoạt động thông tin di động trả trước trên cả nước, đồng thời có đánh giá những vấn đề tồn tại và bất cập trong thực tiễn để phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông. Do chưa có chế tài xử phạt nên việc quản lý thuê bao di động trả trước chưa được thực hiện tốt và chưa có tính răn đe cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 2962/BTTTT-TTra ngày 17/9/2008, hướng dẫn áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý thuê bao di động trả trước. Trong đó có quy định về xử phạt vi phạm hành chính của các doanh nghiệp thông tin di động, của các chủ điểm giao dịch, của chủ thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, văn bản trên chỉ là văn bản hướng dẫn áp dụng các văn bản khác trong xử phạt vi phạm hành chính như: Nghị định 06/2008/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Nghị định 150/2005/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, Nghị định 142/2004/NĐ-CP xử phạt VPHC về Bưu chính, Viễn thông và tần số VTĐ để xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Nhưng các chế tài xử phạt quy định tại các Nghị định trên vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Để giải quyết triệt để và có hiệu quả Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 2968/BTTT-TTra ngày 17/9/2008 chỉ đạo thanh tra diện rộng trên toàn quốc về thông tin di động trả trước. Trong đó thanh tra Bộ chịu trách nhiệm thanh tra các doanh nghiệp cung cấp thông tin di động . Các Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra tất cả các Trung tâm, Chi nhánh thuộc doanh nghiệp thông tin di động, điểm giao dịch được ủy quyền và không được ủy quyền trên dịa bàn quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Nội dung thanh tra tất cả các nội dung theo quy định về quản lý thuê bao di động trả trước ban hành theo quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 4/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian thực hiện việc thanh tra, xử lý vi phạm: Bắt đầu từ ngày 1/10/2008 và kết thúc ngày 15/11/2008.

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định bổ sung 1 điều về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý thuê bao di động trả trước. Đến nay, Dự thảo Nghị định đã được đăng trên trang web của Chính phủ và trang web của Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị độc giả quan tâm cho ý kiến cũng như chế tài xử phạt cho từng hành vi vi phạm.

Để thực hiện đồng bộ việc quản lý thuê bao di động trả trước thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, chủ điểm giao dịch, người sử dụng dịch vụ; chỉ đạo doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước để người sử dụng dịch vụ biết và thực hiện.
Đến tháng 12/2009, các thuê bao di động trả trước không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cố tình cung cấp thông tin thuê bao không chính xác, đầy đủ sẽ bị chấm dứt hoạt động.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an xây dựng hệ thống cở sở dữ liệu về CMND điện tử, khi hoàn thành hệ thống này sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu khách hàng của các doanh nghiệp thông tin di động để kiểm tra tính xác thực của thông tin thuê bao đăng ký.

Độc giả: CUONG - Ha noi

1. Hiện nay, tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước đều có ít nhất 01 đài phát sóng phát thanh, truyền hình( PTTH), Thứ trưởng có thể cho biết hiệu quả khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng này và định hướng quản lý của Bộ đối với hạ tầng PTTH như thế nào?

 2. Thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa và vai trò của vệ tinh VINASAT 1 trong hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia?

Trả lời: Xin cảm ơn bạn về các câu hỏi nêu trên. Tôi xin trả lời như sau:

1. Vấn đề quản lý cơ sở hạ tầng phát thanh truyền hình

Đúng như bạn đã nhận xét, do chưa có các định hướng phát triển toàn diện, đầy đủ trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng nên việc đầu tư, khai thác hệ thống truyền dẫn, phát sóng trên cả nước trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc mở rộng phạm vi phủ sóng PTTH, đưa thông tin đến người dân trong cả nước đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, song việc xây dựng và phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng PTTH vẫn còn manh mún, chồng chéo.

Các hệ thống truyền dẫn, phát sóng này được đầu tư xây dựng riêng biệt phục vụ nhu cầu của từng địa phương, từng đơn vị, do đó hiệu quả đầu tư và sử dụng thiết bị chưa cao, việc phân bổ và sử dụng tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện còn chưa tiết kiệm. Chưa có một hệ thống mạng lưới truyền dẫn, phát sóng PTTH thống nhất, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa trung ương, khu vực và địa phương.

 Điều đó dẫn đến việc không sử dụng hết năng lực hiện có của hệ thống truyền dẫn, phát sóng, tình trạng lãng phí về công suất phát sóng cũng như gây can nhiễu lẫn nhau giữa các đài PTTH.

Nhận thấy những bất cập trên và với sự phát triển của công nghệ truyền dẫn phát sóng PTTH sử dụng công nghệ số trong thời gian qua như: truyền hình số, truyền hình DTH, truyền hình cáp, Bộ TT&TT đã chủ trì cùng với các Bộ Ngành có liên quan dự thảo và đã trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 12/2007 Quy hoạch Truyền dẫn Phát sóng PTTH Việt Nam đến năm 2020. Dự thảo Quy hoạch có một số mục tiêu và quan điểm quan trọng sau:

- Phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng thống nhất, đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo có thể chuyển tải được các dịch vụ PTTH, viễn thông và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ và dịch vụ.

-Thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng chương trình, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ PTTH và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số.

- Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn phát sóng PTTH nhằm tận dụng và thu hút các nguồn lực từ toàn xã hội để phát triển hệ thống PTTH.

- Mở rộng vùng phủ sóng PTTH trong nước và ra quốc tế nhằm cung cấp cho đại đa số người dân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài các dịch vụ PTTH đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mọi đối tượng, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ TT&TT chỉ đạo các đài PTTH, các doanh nghiệp tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng truyền dẫn phát sóng PTTH giữa trung ương, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo khai thác, quản lý sử dụng có hiệu quả theo hướng dùng chung máy phát sóng, cột anten, nhà trạm, cống bể cáp...

2.Về ý nghĩa và vai trò của vệ tinh VINASAT-1
Có thể nêu tóm tắt thế này: Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT 1 đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và hiện đại hóa mạng viễn thông quốc gia, đảm bảo việc truyền dẫn, phát sóng tới mọi miền của Tổ quốc, kể cả biên giới, hải đảo. Do đó, VINASAT 1 là một phương tiện quan trọng đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ viễn thông, truyền hình,... đến vùng sâu, vùng xa, khắc phục vùng lõm trong truyền hình. Vệ tinh cũng là phương tiện đảm bảo cho các nhà cung ứng đa dạng hóa dịch vụ và góp phần thực hiện các chính sách phổ cập dịch vụ viễn thông, truyền hình của Nhà nước.

......................

Thứ trưởng Lê Nam Thắng:Dù đã rất có gắng, nhưng thời gian có hạn và có nhiều nội dung nên buổi trả lời trực tuyến hôm nay chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu của quý vị độc giả. Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin cảm ơn quý vị độc giả đã tham gia và đặt câu hỏi thể hiện mối quan tâm đến sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Cảm ơn Ban Tổ chức, các báo điện tử VietNamNet,  ICTnews, trang tin điện tử VTCnews đã kịp thời chuyển đến độc giả những câu hỏi của bạn đọc quan tâm và ý kiến trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sau buổi trực tuyến này, các quý vị độc giả còn có câu hỏi xin tiếp tục gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông theo địa chỉ: giaoluu@mic.gov.vn .  Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận và trả lời ý kiến của quý vị. Xin chân thành cảm ơn.

(Trong khoảng thời gian 3 giờ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã trả lời được khoảng 30 câu hỏi về các chủ đề liên quan đến lĩnh vực viễn thông. Hiện nay vẫn còn rất nhiều câu hỏi của quý vị độc giả gửi đến nhưng do thời gian có hạn, nên buổi trả lời trực tuyến đã kết thúc vào lúc 12h20p trưa ngày 11/11.)

  • Bộ TT-TT
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;