221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1283080
Điểm nóng tuần qua: Steve Ballmer trở lại-Thanh toán-và iPad xuất ngoại
0
Photo
null
Điểm nóng tuần qua: Steve Ballmer trở lại-Thanh toán-và iPad xuất ngoại
,

- Bảy ngày vừa qua thực sự là một tuần lễ đầy sôi động của giới công nghệ, trong đó sự kiện đáng chú ý nhất chính là chuyến  thăm Việt Nam lần thứ hai của một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới IT - Steve Ballmer.

Có mặt tại Việt Nam trong chưa đầy 12 tiếng đồng hồ nhưng có thể nói, vị Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn phần mềm Microsoft đã có một lịch làm việc kín mít, dày đặc, không "hở" ra phút nào, từ các quan chức lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cho đến giới Doanh nghiệp, từ cộng đồng phát triển phần mềm cho tới các sinh viên.

Sự xuất hiện của Steve Ballmer tại Việt Nam vào thời điểm này ít nhiều khiến cho báo giới nức lòng, bởi nó cho thấy vị thế của Việt Nam hiện tại trong mắt của các đại gia công nghệ. Việt Nam là địa điểm dừng chân đầu tiên của Steve Ballmer trong chuyến viễn du tới châu Á lần này, trước cả Singapore và Malaysia là hai quốc gia láng giềng có trình độ phát triển CNTT nổi trội hơn nhiều.

Sự lựa chọn đó hẳn là có cái lý của nó. Không hẹn mà nên, từ đầu năm trở lại đây, các hãng công nghệ lớn như HP, Dell, IBM đều lần lượt chọn Việt Nam làm địa chỉ đầu tiên tại châu Á để công bố các sản phẩm mới, chủ chốt và quan trọng của họ.

Chia sẻ với VietNamNet, một quan chức cấp cao của Dell còn cho biết Việt Nam đang là "thị trường tiềm năng bậc nhất" trong tầm ngắm của hãng lúc này, và rằng ở Việt Nam có một yếu tố rất-khó-bắt-gặp-ở-một-đâu-khác trên thế giới trong bối cảnh hiện tại. Khi mà bóng ma suy thoái vẫn còn chập chờn trong góc khuất, khi mà tình hình châu Âu đang căng như dây đàn quanh vụ việc Hy Lạp, thì tại Việt Nam, người ta vẫn dễ dàng "nhìn thấy nụ cười của những con người đi lại trên đường và được hít thở một không khí của sự lạc quan và ổn định".

Steve Ballmer đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến viễn du tới châu Á lần này. Ảnh: Mạnh Vỹ.
Steve Ballmer đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến viễn du tới châu Á lần này. Ảnh: Mạnh Vỹ.

Một vài đồng nghiệp có rỉ tai bên lề rằng các cuộc diễn thuyết lần này của Steve, mặc dù vậy, không hấp dẫn và mới mẻ bằng lần trước. Dĩ nhiên, những "sự va chạm" đầu tiên bao giờ cũng để lại trong lòng người nhiều ấn tượng sâu sắc hơn và rất khó để những lần sau vượt qua được cái bóng quá lớn đó.

Cũng phải thừa nhận rằng, do thời gian quá eo hẹp, bài diễn thuyết trước cộng đồng phát triển tại Khách sạn Sheraton và trước giới sinh viên tại ĐH Bách Khoa ngắn hơn rất nhiều so với những gì Steve Ballmer đã trình bày tại khách sạn Melia cách đây 3 năm. Khi đó, ông chú trọng nhiều đến tầm nhìn, đến những dự đoán về công nghệ, đến những phẩm chất cần có của một con-người-công-nghệ và dành nhiều thời lượng để nhận xét về Việt Nam. Nhưng lần này, Steve lại chú trọng hơn đến các tính năng của bộ sản phẩm mới và chủ yếu bàn về "Điện toán đám mây".

Còn trong cuộc gặp kín với lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, Steve Ballmer khẳng định Microsoft mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy thương mại về công nghệ. Ông cũng rất "khéo léo cài vào nội dung nghị sự" vấn đề sử dụng phần mềm có bản quyền và trước yêu cầu từ phía Việt nam, ông cũng cam kết các sản phẩm của Microsoft sẽ được bán với mức giá "phù hợp".

Thông điệp được nhắc lại nhiều lần nhất trong chuyến thăm lần này của Steve là việc Thế giới đang bước vào những thời khắc đầu tiên của kỷ nguyên điện toán đám mây, và rằng chỉ không lâu nữa thôi, đó sẽ là một xu hướng toàn cầu mà khó có quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Steve đã nói rất hào hứng về những tiềm năng của đám mây, về những viễn cảnh kỳ diệu mà nó mang lại, cũng như quyết tâm "lên mây" của Microsoft.

Nhưng nếu "Google lại" lịch sử của đám mây, bạn sẽ thấy ngay rằng ý tưởng này được khởi xướng và lăng xê đầu tiên bởi chính các đối thủ khó nhằn nhất của Microsoft là Google và IBM. Cả hai gã khổng lồ này đều tung ra các gói phần mềm dựa trên nền web để giải phóng con người khỏi sự ràng buộc của phần cứng vật lý và "phần mềm trả tiền cài đặt truyền thống" vốn là cần câu cơm chủ lực của Microsoft.

Ấy vậy mà Microsoft vẫn phải đi theo điện toán đám mây, vẫn phải thúc giục mọi người chào đón đám mây. Trong một thế giới phẳng như hiện tại, khi không thể cưỡng lại hay dập tắt một xu thế đối nghịch, cách tốt nhất là hãy "hòa mình" vào sự đối nghịch đó. Liệu cách ứng xử đó của Microsoft có đem lại hiệu quả?

2. Thanh toán không dùng tiền mặt

Ngành ngân hàng:
Ngành ngân hàng: "hiện đại hoá hoặc là chết".

Một vài năm trở lại đây, người dùng trong nước đã bước đầu được hưởng thụ một số dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm thời gian như chuyển tiền điện tử, thanh toán điện tử hay rút tiền liên ngân hàng. Tương tự, khách hàng của một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank... còn được cung cấp dịch vụ mới hơn là SMS banking.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những số liệu về việc chi tiêu không dùng tiền mặt tại Việt Nam, vừa được công bố tại Hội thảo - Triển lãm Banking 2010 (27-28/5/2010) thì rõ ràng, đây mới chỉ là phần nổi rất nhỏ bé của một tảng băng "chìm".

Trên thế giới hiện nay, việc sử dụng thẻ (tín dụng, ghi nợ...) đã trở nên quá phổ biến, áp đảo nhưng tại Việt Nam, nó vẫn còn khá xa lạ với số đông người dân. Điều này một phần xuất phát từ tập quán tiêu dùng tiền mặt "thâm căn, cố đế" trong lòng người Việt, nhưng nó cũng có sự "đóng góp" không nhỏ từ chính các ngân hàng, vốn làm chưa tốt công tác "gây dựng niềm tin" nơi Thượng đế.

Việc các máy ATM liên tục lỗi, trục trặc, việc thiếu vắng các chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chi tiêu bằng thẻ, việc hệ thống bảo mật ngân hàng còn chưa thật hoàn thiện...đã được điểm mặt chỉ tên như những "thủ phạm" chính khiến cho người dân còn ngại ngần nói không với "thẻ".

Mặc dù vậy, phía Ngân hàng đã xác định "Hiện đại hóa hoặc là chết", tức là việc "hiện đại và hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt" chính là hai chiến lược lớn của ngành Ngân hàng trong các năm tới. Tại Hội thảo năm nay, các diễn giả đã đóng góp khá nhiều tham luận về "Định hướng phát triển" cũng như đi tìm các giải pháp để thúc đẩy việc sử dụng kênh thanh toán khác ngoài tiền mặt trong dân.

Nhiều công nghệ ngân hàng mới cũng đã được trình diễn tại Banking 2010 như ATM thông minh, có khả năng gửi tiền tự động và tái sử dụng tiền hay token bảo mật, phục vụ các hoạt động chuyển tiền, rút tiền trực tuyến... Ngoài ra, một số giải pháp bảo mật cho hệ thống ngân hàng cũng đã được giới thiệu tại Hội thảo.

3. iPad chính thức xuất ngoại

iPad ra mắt thành công tại thị trường ngoài nước Mỹ. Ảnh: Reuteurs.
iPad ra mắt thành công tại thị trường ngoài nước Mỹ. Ảnh: Reuteurs.

Gần 2 tháng sau ngày ra lò tại Mỹ, cuối cùng thì chiếc máy tính bảng đình đám của Apple cũng đem chuông đi đánh xứ người trong sự háo hức chờ đợi của các fan ngoại.

Theo thông tin do giới truyền thông cung cấp thì rõ ràng, sức nóng của iPad bên ngoài nước Mỹ thậm chí còn "bốc lửa" hơn cả ở quê nhà. Người mua đổ ào đến các showroom như những trận cuồng phong, với đoàn người xếp hàng dài đến 800 mét ở một số nơi, bất chấp cái nắng nóng như đổ lửa giữa trưa hè ở Nhật hay những trận mưa giông đang hoành hành ở Đức, Pháp.

Nhật Bản và Úc là hai nước đón tiếp iPad đầu tiên, kế đó là Đức, Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Anh và Canada. So với giá gốc tại Mỹ, giá bán của iPad tại các nước khác không chênh lệch nhiều lắm. Lấy thí dụ, model 16GB và khả năng kết nối Wi-Fi ở Nhật có giá 48.000 yên (537 USD), so với mức 499 USD tại Mỹ.

Khi chuông trên nóc khu trung tâm thương mại Wako gần đó reo vang báo hiệu 8h sáng (giờ địa phương), showroom mở cửa trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dội của khách hàng. Cả khu phố chật cứng người mua và cánh báo chí tới mức cảnh sát phải ra lệnh cho nhân viên Apple nhanh chóng "dọn sạch vỉa hè". Tin iPad bắt đầu bày bán thậm chí còn được tường thuật trực tuyến trên bản tin thời sự sáng của truyền hình xứ sở hoa anh đào.

Cơn sốt xung quanh iPad đã giúp Apple qua mặt Microsoft trong tuần này để trở thành cổ phiếu công nghệ có giá trị cao nhất thế giới. Tuy nhiên, không dễ gì để Apple duy trì thành công một cách bền vững cho iPad. Giới phân tích đã cảnh báo rằng hãng có thể không đáp ứng được sức cầu dành cho iPad do năng lực nguồn cung có hạn, trong khi sản phẩm tương tự trên thị trường sẽ có giá bán cạnh tranh hơn.

Hiện tại, có tới ba phần tư doanh thu của Apple đến từ các thị trường bên ngoài nước Mỹ. Hãng RBC Capital Markets ước tính iPad sẽ bán được khoảng 8,13 triệu máy trên toàn thế giới vào cuối năm nay.

Apple vẫn chưa tiết lộ thời điểm phân phối iPad tại Trung Quốc, một thị trường rất khó nhằn, nhất là khi các phiên bản nhái của iPad đang được bày bán rất nhiều tại quốc gia này.

Trọng Cầm

,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,