,
221
4701
60 năm BCVT
60nambcvt
/cntt/60nambcvt/
691968
Người lĩnh xướng mẫu mực
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,
Cố Tổng cục trưởng TCBĐ Trần Quang Bình:

Người lĩnh xướng mẫu mực

Cập nhật lúc 09:07, Thứ Hai, 15/08/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet)- Gần 10 năm vào ngành Bưu điện với nhiệm vụ là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, chuyện ngành, chuyện nghề... đã cho tôi biết nhiều kỷ niệm đẹp về ngành. Nhưng chuyện về cố Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Bưu điện Trần Quang Bình như một tấm gương sáng in hằn vào tâm trí của tôi.

 

 

Cố Tổng cục trưởng TCBĐ Trần Quang Bình.

Cùng với lịch sử hào hùng của đất nước,  ngành Bưu điện  đã trải qua 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành với những trang sử hào hùng cùng với những chiến công, kỳ tích thầm lặng. Biết bao chiến sĩ thông tin xả thân cứu nước, nguy hiểm không sờn, biết tìm ra cách đi “từ không đến có”, “nối đứt thành liền”..., trầm mình trong làn mưa bom, bão đạn để giữ vững mạch máu thông tin.

 

Suốt chặng đường lịch sử gian nan và trọng đại đấy, hình bóng cố Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Bưu điện Trần Quang Bình luôn biểu hiện như người thợ cả, người lĩnh xứng quan trọng nhất suốt chiều dài bộn bề công việc đó. Đó là công việc trọng yếu, có vị trí cực kỳ quan trọng trong công tác cách mạng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phố lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”.

Lần tìm những cuốn lịch sử của ngành Bưu điện, những thông tin về cố Tổng cục trưởng đầu tiên của ngành Bưu điện dường như rất ít. Gần 30 năm (1949 – 1976), ông Trần Quang Bình gắn bó với ngành Bưu điện là gần 30 năm đất nước đang gồng mình trong những cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thế nhưng, điều đó không làm chìm đi những công lao to lớn, những câu chuyện như trở thành huyền thoại của ông Bình. Cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện cùng thời với ông Bình, người còn, người mất. Nhưng câu chuyên về ông Bình mà tôi nghe được dường ngày càng dày thêm.

 

Trưởng thành trong gian khó

 

Sinh ra trên mảnh đất chiến khu kháng chiến chống Pháp (Nang Xa - Hạ Hoà – Phú Thọ) vào ngày 4/2/1915 với tên cha sinh, mẹ đẻ Nguyễn Văn Dĩ. Tên Trần Quang Bình được ông lấy sau cách mạng tháng Tám thành công, Năm 9 tuổi, ông Bình mất cả cha lẫn mẹ. Tuổi thơ cơ cực nhưng ông vẫn học hết lớp 5 nhờ công nuôi dạy của một người bạn chí thiết của bố. Sau đó, ông Bình đi học nghề rồi vào làm thợ nguội ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu hoạt động cách mạng. Bốn năm sau, ông Bình bị đế quốc Pháp bắt đi ở tù ở Hoả Lò, và sau đó ông bị bắt cầm tù ở nhà tù Sơn La. Trong sự đánh đập tra tấn dã man, ông Bình vẫn một lòng, một dạ kiên trung  với cách mạng, với Đảng.

 

Ông Nguyễn Uyển, hiện công tác tại Hội nhà báo Việt Nam, người cùng quê với ông Bình vừa kể cho tôi nghe về làng quê của mình vừa nói: Ông Hoàng Tùng- Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khoá II, III, IV, nguyên Bí Thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, người bạn tù với ông Bình ngày ấy vẫn nhớ như in những hình ảnh về ông Bình. Ông kể rằng: “... Dĩ ít nói làm nhiều, đối với công việc và đồng chí thì chu đáo từng li từng tí. Ngoài công việc của một người tù, anh sửa chữa cơ khí cùng với anh em biết nghề. Ở nơi làm việc, anh được anh em cử làm người đứng đầu. Tại nơi tù, anh em cử làm người cứu tế, chăm sóc người ốm. Nhờ tính cẩn thận, chịu khó, Dĩ được chuyển vào làm phụ tá cho viên y tá ở nhà tù. Hết hạn tù, Dĩ về công tác ở Phú Thọ, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa. Sau này, các anh em đã tù ở Sơn La biết Trần Quang Bình được cử làm Tổng cục trưởng ngành Bưu điện là Nguyễn Văn Dĩ đều rất vui....”. Kết thúc những lời tâm sự, ông Hoàng Tùng khẳng định: “Trần Quang Bình - người tù, một quan chức cao cấp, trước sau như một, một con người cộng sản, một nhân cách cao quý, trong sáng, một lối sống đạo đức”.

 

Những người trong ngành ở thời điểm đấy kể rằng: Vào những ngày ông Trần Quang Bình  chính thức nhận thức Trưởng Ban giao thông liên lạc Trung ương, Giám đốc Nha Bưu điện cũng là lúc Ban thường vụ TW Đảng chủ trương mở chiến dịch biên giới. Phục vụ chủ trương này, Ông Bình đã nhanh chóng chỉ thị cho các Trưởng ban giao thông liên lạc và Ty Bưu điện các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... chuẩn bị người và dây máy phục vụ chiến dịch. Mặt khác, ông giao nhiệm vụ cho từng cá nhân và đơn vị phụ trách các tuyến đường thư, củng cố, mở thêm các trạm thư, chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng về giao thông viên, điện thoại viên, công nhân sửa chữa đường dây, chữa máy điện thoại để phục vụ chiến dịch. Quy cách chỉ đạo nhất quán, nhìn nhận toàn diện, sat sao, cụ thể, chọn người tin cẩn giao việc như thế cũng được ông Bình áp dụng để phục vụ chiến dịch Trung Du (Chiến dịch Trần Hưng Đạo), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Phả Lại, Uông Bí)... Và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Cứ thế công việc hoàn thành và kinh nghiệm thêm giàu có.

 

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cách mạng bước sang giai đoạn mới. Ngành Bưu điện lại tập trung xây dựng mạng lưới thông tin tiến lên chính quy hiện đại, ông Bình đã đề xướng nâng dần chất lượng thông tin lên một bước theo hướng: “Giữa trung ương và các địa phương tối thiểu có 3 mạch thoại, 2 mạch báo trên 2 tuyến khác nhau”.

 

Ông Trần Anh Chương, nguyên Trưởng Ban tuyên truyền của Tổng cục Bưu điện hồi đó, nay là Thư ký Toà soạn Tạp chí Tem kể rằng: Tổng cục trưởng Trần Quang Bình luôn coi trọng chiến lược con người. Anh nhắc nhở: Bưu bao giờ cũng là gốc. Với đội ngũ cán bộ của ngành Bưu điện: Trung thành, dũng cảm phải là hàng đầu, nhưng chưa đủ mà còn phải có kiến thức rộng và sâu”.

 

Cụ Bùi Liên Áp, lão thành cách mạng của ngành Bưu điện Việt Nam khi còn sống vẫn nhớ rất nhiều về hình ảnh của cố Tổng cục trưởng Trần Quang Bình, ông kể: Có lần, anh Bình nhỏ nhẹ nói với tôi.

- Ngày xưa, mình ít học là do hoàn cảnh không cho phép. Ngày nay, mình phải lo cho cán bộ được học để khôn hơn mình, giỏi hơn mình!...

 

Suy nghĩ ấy, ý tưởng ấy xuyên suốt trong công việc tổ chức, chỉ đạo của anh từ trong kháng chiến đến khi hoà bình... Rồi cụ Áp đổi giọng chắc nịch: anh Đặng Văn Thân sau này là Tổng cục trưởng làm nên sự “Tăng tốc” của ngành Bưu điện  cũng chính là kết quả từ việc chăm lo, bồi dưỡng đào tạo của anh Bình đó.

 

Một con người bình dị

 

Trên cương vị là Tổng cục trưởng, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng cố Tổng cục trưởng Trần Quang Bình vẫn thường xuyên quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Ông là người đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ con người. Từ rất sớm, ông đã cho lập rất nhiều bệnh xá, bệnh viện, nhà điều dưỡng của ngành Bưu điện. Ông cũng là người tự tay tiêm thuốc chữa bệnh cho rất nhiều CBCNV trong ngành. Ông coi trọng phong trào thể dục thể thao, văn nghệ quần chúng. Và ông cũng là người đam mê thể thao.

 

Công việc là thế, chức trọng là thế nhưng người Tổng cục trưởng ấy vấn suốt đời giản dị. Sang trọng nhất ở ông là bộ Tôn Trung Sơn dùng trong những dịp đại lễ. Còn ngày thường, ông vận bộ quân phục màu xám làm việc, tiếp khách hay tham gia lao động cùng công nhân. Chiếc xe đạp là phương tiện đi lại chính của ông. Sau đó, vào đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, ông mới được cấp chiếc xe Vonga màu đen, nhưng chưa khi nào ông dùng xe vào việc riêng cho gia đình.

 

Nhiều nhân viên làm việc trong văn phòng Tổng cục thời đó kể rằng: Một lần, khi cơ quan thanh lý một số tài sản, anh em trong đơn vị bàn nhau lấy cho ông một chiếc giường đôi, gỗ tương đối tốt thay cho chiếc giường cá nhân mà ông đã dùng mấy chục năm..., rồi lắp cho ông một chiếc quạt trần nữa. Nhưng khi đi công tác về ông không chịu. Ông yêu cầu phải phân phối về cho công nhân. Ông bảo lo đủ cho anh em công nhân trước đã rồi hãy lo cho lãnh đạo.

 

Nhiều người trong ngành Bưu điện làm việc cùng thời với ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh một cán bộ mẫn cán, hàng đêm vẫn trong đèn đến khuya tại phòng làm việc. Họ không khỏi bùi ngùi khi nhắc lại những kỷ niệm về cuộc sống đời thường, tác phong làm việc giản dị nhưng hiệu quả của ông cho đến tận những ngày cuối đời.

 

Ông Nguyễn Uyển, người cùng quê Âu Cơ, Nang Xa, Hạ Hoà, Phú Thọ với ông Bình bồi hồi nhớ lại: Ngày đầu tuần tháng 11/1980, ngày buồn của ngành Bưu điện, ngày buồn của người dân Âu Cơ. Đấy là ngày ông Bình vĩnh biệt cõi đời. Tiễn ông, một dòng người nghìn nghịt chật đường Nguyễn Du. Ngày ấy, bác Nguyễn Văn Nhất, Cục trưởng Cục truyền thanh bị liệt gần chục năm trời, nhờ hai con dìu tới, cứ bươn mình theo lĩnh cữu mà gọi! Anh Bình ơi!... Cứ thế, cứ thế nước mắt tuôn trào mãi trên khuôn mặt của hết thảy mọi người.

 

Cố Tổng cục trưởng Trần Quang Bình đã ra đi, bình dị, thanh thản như thế. Đến nay vừa tròn 25 năm nhưng cái tâm, cái đức, nết ăn ở chân tình, tác phong sát sao, cụ thể thì cứ còn mãi, đẹp mãi không phai mờ trong tâm trí của các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện.

 

Huệ Anh 

,
,