Bill Gates của Trung Quốc
Đó chính là Trần Thiên Kiều, với các cổ phiếu trị giá hàng tỷ đô la, anh là người đàn ông giàu nhất Trung Quốc và cũng là người tiên phong đưa các trò chơi lên mạng Internet.
Thành công bắt đầu từ sự đầu tư mạo hiểm
Trần Thiên Kiều |
Ngày còn nhỏ, giấc mơ lớn nhất của Trần Thiên Kiều là sau này trở thành một quan chức của chính phủ như mong muốn của bố mẹ anh. Sau khi tốt nghiệp, anh vào một công ty của nhà nước và làm việc được bốn năm. Ngay sau đó, anh nhảy ra “ở riêng”. Giờ đây, anh được coi là nhà doanh nghiệp thành công nhất Trung Quốc. Công ty của anh, Shanda Interactive Entertainment hiện đã trở thành công ty cung cấp trò chơi trên mạng lớn nhất thế giới. Cổ phiếu công ty này được niêm yết tại NASDAQ (thị trường chứng khoán Mỹ) đã tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng 6 tháng. Riêng phần cổ phiếu mà Trần Thiên Kiều và những người thân cận sở hữu hiện trị giá hơn 1 tỉ đô la. Điều này đã khiến Trần vượt mặt William Ding (người sáng lập Netease.com Inc. (NTES), có tài sản khoảng 900 triệu đô la vào cuối năm 2003) và trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Người ta gọi Trần là “Bill Gates của Trung Quốc” bởi vì anh ta là một người vừa tham vọng, sáng tạo, có sức khoẻ khủng khiếp và điều quan trọng nhất là luôn chiến thắng trong các cuộc chạy đua. Trần cũng là người duy nhất trong lịch sử của trường đại học kinh tế danh tiếng Thượng Hải hoàn thành các khóa học và tốt nghiệp chỉ trong vòng có ba năm. Lúc đầu, khi ra làm riêng vào năm 1999, Trần tung ra một website truyện tranh nhờ một dự án đầu tư mạo hiểm trị giá 3 triệu đô la. Nhưng chỉ hai năm sau đó, Trần quyết định tập trung vào lĩnh vực trò chơi trên mạng. Thời kỳ đầu, Shanda được công ty Actozsoft (Hàn Quốc) cho phép khai thác bản quyền trò chơi rất ăn khách lúc đó là Legend of Mir II. Rồi công ty Shanda của Trần có một quyết định khá mạo hiểm: đó là tự mình phát triển một trò chơi trên mạng có tên New Legend. Trò chơi này nhanh chóng thu hút sự chú ý của các game thủ và đạt được thành công vang dội.
Các trò chơi trên mạng hiện đã thu hút được một số lượng người chơi đáng kể tại châu Á và bắt đầu lan tỏa sang thế giới phương Tây. Chàng trai 31 tuổi này lại đang là người dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trở lại năm 1999, khi phần lớn các công ty tin học mới mọc lên ở Trung Quốc thường nhái theo cách của các công ty dotcom của phương Tây thì Trần và một vài người bạn đã tìm một hướng đi riêng. Họ cho rằng một dịch vụ cung cấp các trò chơi trên mạng, tính tiền theo phút có thể tốt hơn là những băng video lậu. Ngay lập tức, Trần và công ty đưa Legend of Mir II tới các quán cà phê Internet. Chẳng bao lâu, trò chơi đã thu hút rất đông người chơi và tạo ra một cơn sốt. Tới giờ thì số lượng người đồng thời chơi các game do Shanda cung cấp đã lên tới khoảng 2 triệu người. Phần lớn những người chơi game này đều có những thẻ trả tiền trước có giá khoảng 3 đô la cho 20 giờ chơi. Và trung bình thì mỗi người chơi game khoảng 10 giờ mỗi tuần.
Vượt qua thách thức bằng... chiêu hiền đãi sĩ!
Thách thức lớn nhất với Trần hiện nay sẽ là cạnh tranh với các đối thủ đầy tiềm lực đang theo sát các bước tiến của Shanda. Hiện tại, Sony, Electronic Arts và nhiều tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực giải trí đang tìm kiếm các đối tác tại Trung Quốc để khai thác thị trường mà Trần Thiên Kiều đang độc chiếm. Đối với Trần thì ngược lại, chàng thanh niên này lại đang hướng các trò chơi của mình sang Phương Tây để đa dạng khách hàng. “Chúng tôi đang tiến hành các chiến dịch tiếp thị những sản phẩm giải trí sử dụng tiếng Anh sang Phương Tây. Trong khoảng 5 năm nữa, Mỹ sẽ là thị trường game trên mạng lớn nhất thế giới và tôi hy vọng mình sẽ có mặt ở đó”, nhà quản trị trẻ tuổi nói. Quả thực, đây thực sự không giống với tham vọng của một công chức ở Trung Quốc.
Để Shanda tiếp tục phát triển, Trần không hề do dự chiêu hiền đãi sĩ. Vào đầu năm ngoái, Tang Jun, một người Mỹ gốc Trung đã quyết định tham gia vào công ty của Trần và sở hữu 2,6 triệu cổ phiếu của công ty này, trị giá hơn 90 triệu đô la. Tang Jun được Trần Thiên Kiều nhường lại chức chủ tịch của công ty để bù vào chiếc ghế chủ tịch Microsoft Trung Quốc mà Tang đã dứt áo ra đi. Hai vị trí quan trọng khác của Shanda là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc vẫn nằm trong tay của Trần Thiên Kiều. Lý do mà Tang Jun chọn Shanda làm nơi trú chân thật đơn giản: “tôi chọn Trần Thiên Kiều làm ông chủ đơn giản bởi vì anh ấy có một phẩm chất rất giống với Bill Gates: đó là trực cảm kinh doanh tuyệt vời để nắm lấy mọi cơ hội nếu có”, Tang nói. Về phần mình, Trần Thiên Kiều cũng được lợi không ít. Sự có mặt của Tang khiến số vốn đầu tư của công chúng cho Shanda nhanh chóng gia tăng: khoảng 300 triệu đô la vào cuối năm ngoái. Không chỉ thế, những kinh nghiệm trong 10 năm làm quản lý của Microsoft Trung Quốc chắc chắn sẽ giúp Shanda vững bước hơn trên con đường bành trướng ra thế giới.
(Bưu điện - Theo Newsweek, China Daily và Bloomberg News)