Những thị trường mới chính là chìa khoá dẫn đến tăng trưởng trong tương lai cho thị trường ĐTDĐ. Trong 5 năm tới, thế giới sẽ chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của năm thị trường viễn thông: Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Brazil và châu Phi.
"Trung Quốc là một thị trường nhiều tỷ USD của chúng tôi", Ed Zander, giám đốc điều hành của Motorola tuyên bố. Còn Jay Naidoo, chủ tịch của Ngân hàng phát triển Nam Phi thì thế giới thứ ba chính là điểm xuất phát của những thuê bao di động mới. "Có hơn một tỷ người đang sinh sống trên lục địa châu Phi, song mới chỉ có 51 triệu người sử dụng điện thoại di động. Đến năm 2006, chúng ta sẽ thấy một phần tư dân số châu Phi có di động trong tay".
Tiếp cận kiểu Ấn Độ
Theo Sunil Bharti Mittal, chủ tịch kiêm giám đốc quản lý của Bharti Enterprises, doanh nghiệp điều hành một dịch vụ di động lớn tại Ấn Độ, thì từ nay đến năm 2010, Ấn Độ sẽ bổ sung thêm khoảng 150 triệu thuê bao di động mới. Mittal cũng lên tiếng thúc giục châu Phi áp dụng mô hình kinh doanh của Ấn Độ là tính cước 2 cent/cuộc gọi di động, thay vì sử dụng biểu giá 25-30 cent mà nhiều thị trường khác đang áp dụng. "Bạn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận tại những quốc gia có dân số lớn với mô hình giá rẻ này".
Motorola cũng tràn đầy hy vọng chen chân được sâu hơn vào thị trường các nước đang phát triển nhờ vụ thắng thầu sản xuất 6 triệu máy điện thoại có giá thành chưa đến... 40 USD/máy. Theo Zander thì một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong mô hình kinh doanh của Motorola chính là việc bán cơ sở hạ tầng của các mạng di động. Rất nhiều bản hợp đồng gần đây của hãng này là xây dựng một phần cơ sở hạ tầng viễn thông cho Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Mittal dự đoán trong số năm quốc gia đứng đầu thế giới về thuê bao di động vào năm 2009 sẽ góp mặt một số nước đang phát triển. Cụ thể hơn, Trung Quốc sẽ vô địch tuyệt đối về số lượng, theo sau là Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nhật. "Vodafone có thể tăng trưởng với tỷ lệ 9% thật, song nếu xét riêng tại các thị trường mới thì tỷ lệ tăng trưởng đó chỉ còn lại 4-5% mà thôi. Còn chúng tôi (Bharti Enterprises) ư? Vẫn đang sôi sùng sục, với 100% mỗi năm".
Ích lợi kinh tế
Ông Naidoo của Ngân hàng phát triển Nam Phi cho biết tại khu vực này, phần lớn các cuộc gọi di động được thự hiện trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều những ngày làm việc. Nguyên nhân là vì mọi người dùng điện thoại để thực hiện các phi vụ làm ăn, cải thiện chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như để kiểm tra xem loại rau nào đang bán chạy tại thị trấn gần nhất để mình không "bán hớ".
"Cách đây hơn 10 năm, vào năm 1993, tôi chẳng bao giờ nhìn thấy một cái ĐTDĐ nào cả. Nhưng ngày nay thì tại Johannesburd, tất cả các cửa hàng bán rau đều trao đổi với nhau bằng "alô".
Theo nhận định của nhiều nhà lãnh đạo trong ngành viễn thông, để vươn tới nhiều thuê bao hơn nữa, giá thành điện thoại cũng như các loại thẻ trả trước cần phải được tiếp tục cắt giảm mạnh tay. "Ước mơ của tôi là một ngày nào đó, điện thoại di động sẽ rớt xuống chỉ còn 20, 15, thậm chí là 10 USD một chiếc". Để làm được điều này, các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cần phải hào phóng chia sẻ mạng của mình hơn nữa để giá thành giảm xuống, còn các loại thẻ trả trước cần phải được phát hành với mệnh giá nhỏ như 3 hay 4 USD thay cho mức 5 USD phổ biến hiện nay.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng công nghệ di động là một phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Naidoo nói.
Cầm Thi (Theo BBC)