Mức tăng trưởng cao như vậy không phải tự nhiên mà có. Năm 2004 đánh dấu nhiều sự kiện tích cực cho ngành ĐTDĐ Việt Nam (VN), như: thêm nhiều nhãn hiệu ĐTDĐ tham gia thị trường: Philips, Toplux, Dbtel, VK,... nâng tổng số các nhãn hiệu ĐTDĐ vào VN lên con số 20. Năm 2004 cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của hãng Motorola trên khía cạnh sản phẩm, một loạt các model cao cấp của nhà sản xuất ĐTDĐ hệ GSM đứng thứ hai thế giới này đã được bán tại VN. Trong khi đó Panasonic lại là một trong những nhãn hiệu im hơi lặng tiếng nhất, suốt trong năm qua không có một model mới nào của hãng vào VN.
Vẫn là "Top 4"...
Ở "chiếu trên", bốn thứ hạng đầu không có gì thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh vì từ đầu năm đã có một số lời tuyên bố về việc chiếm lĩnh các vị trí giữa các hãng - thế nhưng nó đã không xảy ra! Dù thứ hạng về thị phần không thay đổi, nhưng bốn đại gia Nokia, Samsung, Siemens và Sony Ericsson đã phải chia sẻ thị phần đáng kể với khoảng hơn mười hãng còn lại. Đây cũng sẽ là thách thức lớn trong những năm tới của họ!
Nhìn lại một năm qua, dù không có những con số thống kê chính thức nhưng có thể thấy các hãng ĐTDĐ đã đổ tiền khá nhiều cho quảng bá thương hiệu, có thể gọi là "nhan nhản" trên khắp các phương tiện truyền thông, dưới nhiều hình thức, như: Samsung, Nokia, Sony Ericsson, Motorola, S-Fone...
100 mẫu mới "ra lò"
Năm 2004 đã có khoảng 100 mẫu ĐTDĐ mới được giới thiệu với khách hàng VN (năm ngoái chỉ khoảng 52 mẫu). Như vậy, trung bình một tuần có khoảng hai mẫu mới được bán ra. Một con số đáng kể!
Mẫu điện thoại "sành điệu" Nokia 7280 mới có mặt trên thị trường VN trong năm 2004. |
Điều này cũng khiến cho vòng đời một model ĐTDĐ giảm đáng kể, kéo theo đó giá bán cũng xuống nhanh. Nokia, Samsung, Siemens, Sony Ericsson, LG, Motorola... là những hãng tích cực nhất trong việc giới thiệu sản phẩm mới. Tại VN, những model ĐTDĐ có màn hình màu, chụp ảnh, quay video... được coi là sản phẩm cao cấp trong năm 2003, và đến năm 2004 thì nó trở thành những tính năng "cơ bản", gần như "buộc phải có" trong các ĐTDĐ. Thống kê cho thấy, khoảng 95% ĐTDĐ mới trên thị trường đều có màn hình màu.
Hàng "trôi nổi" ít hơn...
Đã có tới 75% số ĐTDĐ bán ra trong năm 2003 trên thị trường VN là hàng "trôi nổi". Thế nhưng trong năm 2004, theo dự đoán của GFK, con số này chỉ còn khoảng 60%. Tiến bộ này có lẽ là do nhiều tích cực gộp lại, như: Chính phủ đưa ra chính sách giảm thuế nhập khẩu ĐTDĐ, người bán hàng và người dùng ý thức hơn đến vấn đề hàng chính hãng và không chính hãng, các nhà phân phối có nhiều chính sách bán hàng linh hoạt hơn,...
Năm 2004 cũng bắt đầu phổ biến các loại điện thoại cao cấp ở VN như: smartphone (ĐTDD có tính năng PDA) và các loại điện thoại có máy chụp ảnh với độ phân giải từ 1 megapixel trở lên, phổ biến với các thương hiệu như: XDA O2, Sony Ericsson P900, P910,...
Sẽ đạt năm triệu thuê bao!
Dự báo đến hết năm 2004, hai nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động của VN là VinaPhone và MobiFone sẽ có hơn 4,5 triệu thuê bao, trong đó VinaPhone chiếm khoảng 2,8 triệu. Ngoài ra, nhà cung cấp điện thoại công nghệ CDMA S-Fone cũng có khoảng 165.000 thuê bao, điện thoại nội vùng CityPhone sẽ đạt khoảng 160.000 và công ty mới của Quân đội gia nhập thị trường viễn thông là Viettel Mobile sẽ chiếm khoảng 110.000 thuê bao. Đây là những con số ấn tượng mà không phải năm nào ngành ĐTDĐ cũng có được. Càng đáng nói hơn khi một năm trước, số lượng thuê bao ĐTDĐ của VN chỉ là ba triệu. Điều này cũng một lần nữa minh chứng cho nhận xét: Năm 2004, ngành ĐTDĐ VN thắng lớn!
Nhiều biện pháp kích cầu
Ngoài các biện pháp kích cầu như giảm giá cước, hay tung ra nhiều gói dịch vụ tiện lợi hơn của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, năm 2004 cũng được đánh dấu bằng hai sự kiện quan trọng trong lĩnh vực của ĐTDĐ: Viettel chính thức cung cấp dịch vụ ĐTDĐ công nghệ GSM, nâng số lượng các nhà cung cấp dịch vụ tại VN lên năm nhà, gồm: VinaPhone, MobiFone, S-Fone, CityPhone và Viettel. Thị trường viễn thông Việt Nam đã bắt đầu cạnh tranh! Phải khẳng định rằng, chưa bao giờ người dùng ĐTDĐ VN lại có nhiều lựa chọn như năm vừa qua. Sự kiện thứ hai là việc các nhà cung cấp dịch vụ (S-Fone, Cityphone) đưa ra chính sách "sử dụng dịch vụ, tặng máy đầu cuối", tạo thêm lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không chỉ có nhiều điểm tích cực như vậy, người tiêu dùng ĐTDD VN cũng đã than phiền rằng: "suốt năm 2004, hãng S-Fone không phủ sóng thêm được ở bất cứ đâu ngoài 12 tỉnh, thành đã có", hoặc: "một năm trời qua mà dịch vụ kết nối GPRS của VinaPhone và MobiFone không có cải thiện đáng giá về vùng cung cấp dịch vụ, chất lượng và cước"!,...
Cứ mỗi năm trôi qua, ngành ĐTDĐ lại có thêm những thành quả tốt giúp người dùng có nhiều lựa chọn tốt hơn, theo đó khả năng sử dụng và phổ biến ĐTDĐ của người dân càng được mở rộng. Người dùng hy vọng, trong tương lai gần, các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến sẽ được cung cấp sớm tại VN để tránh tình trạng người dùng ĐTDĐ chỉ khai thác được thoại, gửi và nhận dữ liệu, truy cập WAP!
-
Huyền Chi (Theo PC World VN)