Ông Hoàng Thọ Thái - Phó Tổng giám đốc VNPT |
- Thưa ông, sau khi thử nghiệm tách tương đối thành công Bưu chính - Viễn thông tại 10 bưu điện tỉnh, từ 1/7 vừa qua, VNPT tiếp tục tách đồng loạt các tỉnh còn lại. Xin ông cho biết, phương án tách có gì đổi mới không?. Đặc biệt, VNPT có phương án triển khai riêng như thế nào đối với 4 bưu điện thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và các công ty Bưu chính trực thuộc trực tiếp VNPT?
Đúng vậy. Sau khi thực hiện thí điểm tách BC-VT trên địa bàn huyện tại 10 tỉnh trong năm 2001, từ 1/7/2002, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phương án tách BC-VT ở tất cả các tỉnh còn lại và dự kiến đến kỷ niệm ngày thành lập ngành 15/8 sẽ hoàn tất mọi thủ tục. Các đơn vị bưu chính, viễn thông ở 61 tỉnh thành trong cả nước sẽ hoạt động theo mô hình tổ chức mới.
So với phương án thí điểm năm 2001 thì năm nay, tại tất cả các tỉnh, các công ty Bưu chính Phát hành báo chí (BC PHBC) ở các thị xã, thành phố sẽ đổi tên thành Bưu điện thị xã, thành phố với các chức năng tương đương các Bưu điện huyện và đảm nhiệm thêm công việc khai thác, vận chuyển từ tỉnh đến các huyện. Các phòng chức năng (Nghiệp vụ, Khoa học Kỹ thuật, Tài chính Kế toán) của Bưu điện tỉnh, tuỳ quy mô, tách ra các tổ bưu chính, viễn thông riêng hoặc chuyên việc làm bưu chính, viễn thông riêng để tiện cho việc hạch toán riêng từng lĩnh vực.
Riêng đối với bốn thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng sẽ có phương án riêng cho từng thành phố tuỳ theo quy mô, đặc thù của từng địa bàn. Có thể tóm tắt những nét chung của bốn phương án này như sau:
Về Viễn thông: Sẽ có một công ty dịch vụ Viễn thông kinh doanh các dịch vụ nằm ngoài mạng cố định (di động, nhắn tin, vô tuyến nội vùng...), bên cạnh đó, cũng có từ một đến hai công ty điện thoại tương ứng với tổ chức mạng lưới (vùng BCC - Business Co-operation Contract). Dịch vụ khách hàng sẽ do các công ty tự đảm nhiệm.
Về Bưu chính: Sẽ giải thể Công ty BC PHBC và thành lập các Bưu điện khu vực nội thành (tuỳ quy mô từng thành phố mà thành lập từ một hay nhiều bưu điện khu vực. Chức năng bưu điện khu vực nội thành này tương đương như các bưu điện thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tổ chức các bưu điện khu vực nội thành không theo địa dư hành chính). Đối với các Bưu điện huyện, việc bóc tách được thực hiện tương tự như các huyện của các tỉnh khác.
Nhiệm vụ khai thác, vận chuyển nội tỉnh, thành phố, PHBC (trừ khâu phát) ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh trước đây do Công ty BC PHBC thực hiện nay chuyển giao tương ứng cho Công ty Bưu chính Liên tỉnh và Quốc tế (VPS) và Công ty PHBC Trung ương. Tại Đà Nẵng, các chức năng này được chuyển giao cho công ty VPS thực hiện. Riêng thành phố Hải Phòng sẽ giao cho một bưu điện khu vực nội thành đảm nhiệm các chức năng của công ty PHBC trước đây.
Tóm lại, phương án tách Bưu chính - Viễn thông triển khai đồng loạt ở tất cả các tỉnh từ ngày 1/7/2002 đã bổ sung các hướng dẫn cụ thể việc chia tách tài sản, sắp xếp cán bộ, quy mô tính chất các bộ phận, sinh hoạt đoàn thể... nhằm tạo điều kiện để tiến tới hạch toán riêng hai lĩnh vực và bảo đảm phục vụ tốt khách hàng và phát triển sản xuất kinh doanh.
- Với gần 50% CBCNV và tổng doanh thu sẽ đạt 25-30% so với toàn ngành BC-VT sau khi thực hiện tách,
Mặc dù hiện tại số CBCNV Bưu chính chiếm 45% tổng số CBCNV của VNPT và doanh thu Bưu chính sẽ chỉ đạt khoảng 25%-30% tổng doanh thu của VNPT, nhưng do Bưu chính không có nhiều tài sản giá trị lớn như Viễn thông (chi phí khấu hao cơ bản rất thấp) và đặc biệt là với cơ chế ''Bưu chính là Tổng đại lý tối đa cho các dịch vụ Viễn thông'', Bưu chính sẽ có điều kiện tăng doanh thu nhờ đẩy mạnh hoạt động đại lý này trên mạng lưới rộng khắp cả nước (xấp xỉ 10.000 điểm phục vụ) và lực lượng đông đảo CBCNV trực tiếp tiếp xúc với khách hàng hàng ngày (Bưu tá, giao dịch viên...). Ngoài ra, dựa vào thế mạnh của mạng lưới và số lao động của mình, Bưu chính sẽ hướng mạnh vào phát triển các dịch vụ tài chính Bưu chính: thanh toán, nhờ thu, nhận trả, thu, trả các loại phí, trả lương hưu trí, thu cước phí điện thoại cố định, di động...
Như vậy, có thể khẳng định rằng, thu nhập của CBCNV Bưu chính sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Trong tương lai, Bưu chính sẽ phát triển phục vụ hầu hết các nhu cầu thiết yếu, trở thành người nội trợ không thể thiếu của xã hội với mạng điểm phục vụ ''One-stop Shopping'' của mình. Các dịch vụ kết hợp Bưu chính - Viễn thông - Tin học như Datapost sẽ ngày càng phát triển, hấp dẫn khách hàng. Dich vụ chuyển phát hàng khuyến mại, ''Direct marketing'' sẽ phát triển để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Để thực hiện được các định hướng đó, Bưu chính sẽ được đầu tư mạng tin học nối tất cả các điểm phục vụ, tự động hoá các trung tâm khai thác, chia chọn để đẩy nhanh tốc độ khai thác vận chuyển và dành số lao động dôi ra để phục vụ cho các dịch vụ mới. VNPT sẽ tổ chức đào tạo lại CBCNV Bưu chính, để có thể phục vụ được các dịch vụ mới, đặc biệt là những kiến thức về kinh doanh, tiếp thị và quản lý trong điều kiện cơ chế thị trường.
- Xin ông cho biết cụ thể về việc “Bưu chính sẽ là Tổng đại lý tối đa cho các dịch vụ Viễn thông'' - một phần quan trọng nhằm tăng doanh thu của Bưu chính?
Với lợi thế là mạng lưới lớn nhất mà không một doanh nghiệp nào khác có được, một đội ngũ CBCNV Bưu chính đã có kinh nghiệm phục vụ khách hàng các dịch vụ Viễn thông từ trước tới nay và việc toàn xã hội đã quen sử dụng các dịch vụ Viễn thông tại Bưu điện. Các điểm giao dịch của Bưu chính thực sự là nơi giải quyết các nhu cầu đa dạng, giải đáp các thông tin về dịch vụ, giải quyết các khiếu nại của khách hàng, hỗ trợ hướng dẫn khách hàng. Các nhân viên giao dịch của Bưu chính và lực lượng bưu tá đông đảo sẽ thực hiện rất hữu hiệu việc thu cước các dịch vụ Viễn thông (tại Bưu điện và tại nhà khách hàng) và các hoạt động tiếp thị trực tiếp, khuyến mại, chăm sóc khách hàng cho lĩnh vực viễn thông. Bưu chính sẽ là Tổng đại lý cung cấp tất cả các dịch vụ Viễn thông trên mạng lưới rộng khắp của mình. Bất cứ dịch vụ viễn thông nào Bưu chính có khả năng cung cấp được, Viễn thông sẽ ưu tiên cho Bưu chính sử dụng hết năng lực của mình để cung cấp dịch vụ đó. Như vậy, việc nhận các hợp đồng lắp đặt các thiết bị, cung ứng các dịch vụ Viễn thông tại điểm giao dịch, Bưu chính sẽ được thanh toán thu tỷ lệ % hoa hồng đại lý của từng loại dịch vụ.
- Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông mới ban hành có quy định, sẽ có một doanh nghiệp Nhà nước duy nhất là Bưu chính Việt
Thực tế những năm qua và trong tương lai, chắc chắn không có doanh nghiệp nào khác ngoài VNPT muốn cạnh tranh phục vụ các dịch vụ công ích, vì khi được tự do kinh doanh, họ chỉ tập trung vào các dịch vụ, các địa bàn có lợi nhuận cao như: chuyển phát nhanh, địa bàn các thành phố lớn... Với truyền thống phục vụ các dịch vụ công ích cho xã hội từ 57 năm nay, VNPT chắc chắn sẽ được Nhà nước giao cung cấp các dịch vụ công ích cho xã hội và theo Pháp lệnh BC-VT mới ban hành sẽ là doanh nghiệp duy nhất được mang tên ''Bưu chính Việt Nam''.
- Vậy thì VNPT có giải pháp thực hiện như thế nào đối với các dịch vụ công ích này? Và các doanh nghiệp Bưu chính của VNPT sẽ làm thế nào để vừa đảm bảo kinh doanh tốt vừa hoàn thành nhiệm vụ công ích trước một thị trường đã có mở cửa, cạnh tranh về Bưu chính
Dịch vụ Bưu chính được coi là dịch vụ công ích khi dịch vụ đó phải được cung cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo...) với thời gian cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và giá cước sẽ theo quy định của Nhà nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, Bưu chính sẽ phải tổ chức mạng lưới hợp lý trên toàn quốc, bố trí nhân lực, tổ chức dây chuyền công nghệ sản xuất tối ưu để bảo đảm hạch toán rõ, nâng cao chất lượng và giảm thiểu các khoản lỗ do phục vụ công ích. Doanh nghiệp Bưu chính phục vụ các dịch vụ công ích sẽ được tổ chức riêng, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích nhưng có kết hợp phục vụ các dịch vụ khác để tận dụng mạng lưới, nhân lực. Các dịch vụ có doanh thu cao sẽ do các doanh nghiệp Bưu chính chuyên ngành của VNPT đảm nhiệm, sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên mọi địa bàn.
Tuy nhiên, để Bưu chính Việt Nam vừa kinh doanh tốt vừa thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, cần thiết có các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: quy định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng, giá cả các dịch vụ công ích mà doanh nghiệp Bưu chính phải đảm nhiệm; Thành lập quỹ hỗ trợ dịch vụ công ích; Bù đắp đủ chi phí cho các dịch vụ bưu chính công ích; Xếp dịch vụ Bưu chính công ích vào danh sách các ngành nghề được ưu tiên...
Huyền Sâm thực hiện