221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
494290
Giải quyết tranh chấp tên miền .vn: Cần chính sách quốc gia
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Giải quyết tranh chấp tên miền .vn: Cần chính sách quốc gia
,

(VietNamNet) - Câu chuyện tranh chấp tên miền vẫn đang xảy ra hàng ngày trên thế giới, trong đó có tên miền .vn của Việt Nam. Làm thế nào giải quyết ổn thoả các tranh chấp mà vẫn tạo được môi trường bình đẳng cho mọi đối tượng trong việc tiếp cận tên miền .vn?

Đó chính là nội dung cuộc hội thảo bàn tròn ''Tên miền Internet và tranh chấp tên miền'' do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Tổ chức Sáng kiến Tăng cường Internet (GIPI) và Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) phối hợp tổ chức vào sáng 30/7 tại Hà Nội.

Tranh chấp tên miền, vì đâu mà có? 

Hội thảo bàn tròn "Tên miền Internet và tranh chấp tên miền''.

Tên miền là tên được sử dụng để định danh các địa chỉ trên Internet, được người sử dụng đăng ký nhằm giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ hoặc thông tin, xúc tiến thương mại. Với mục đích sử dụng này, tên miền thường được đặt theo tên doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ, sản phẩm, bản quyền, chỉ dẫn địa lý...

Tên miền hoạt động trên nguyên tắc duy nhất, trong khi các đối tượng sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp rất đa dạng và thường trùng lặp giữa các quốc gia, nền kinh tế hoặc vùng lãnh thổ. Nhiều tên miền có lợi thế kinh doanh trên Internet thường bị chiếm dụng và đầu cơ. Theo số liệu tại hội thảo, tên miền Business.com có giá trị chuyển nhượng 7,2 triệu USD, AsSeeOnTV - 5,2 triệu USD và Men.com là 1,3 triệu USD (tính tại thời điểm tháng 2/2004).

Chính vì tính duy nhất của tên miền (khiến giá trị chuyển nhượng của các tên miền rất cao) cùng với các hoạt động đầu cơ, chiếm dụng đã khởi nguồn các vụ tranh chấp tên miền Internet. Tranh chấp tên miền xảy ra trong trường hợp một chủ thể tiến hành đăng ký tên miền và phát hiện thấy tên miền này đã được sử dụng bởi một chủ thể khác.

Câu chuyện tranh chấp xảy ra đối với toàn bộ hệ thống tên miền trên thế giới, dù đó là tên miền cấp cao dùng chung (gTLD) hay các tên miền cấp cao mã quốc gia (ccTLD), trong đó có tên miền .vn của Việt Nam.

Theo thống kê của VNNIC, tính đến hết tháng 6/2004, đã có 7.454 tên miền .vn được đăng ký. Chỉ tính riêng trong một năm trở lại đây, số lượng tên miền .vn đăng ký mới bằng số lượng của sáu năm trước cộng lại. Cùng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, những vấn đề nảy sinh trong quá trình đăng ký và sử dụng tên miền cũng tăng theo.

Cách đây hai năm, tên miền của một số báo và tạp chí của Việt Nam đã được gạ bán lại trực tiếp hoặc rao bán qua mạng. Năm ngoái, một số cá nhân đã tranh thủ chớp thời cơ đăng ký rất nhiều tên miền .vn của các công ty nổi tiếng thế giới hay các tên miền chung: car.com.vn, finance.com.vn, vnn.com.vn, tintuc.com.vn.

Chuyển nhượng tên miền .vn: Nên hay không?

Nhiều đại biểu cho rằng mức phí đăng ký và duy trì tên miền .vn của VNNIC hiện nay là quá cao. Phí đăng ký là 450.000 đồng, duy trì là 480.000 đồng, phí thay đổi thông số kỹ thuật là 250.000 đồng/lần. Phí đăng ký từ chủ thể nước ngoài qua Hi-tek là cao. Trả lời câu hỏi này, đại diện VNNIC cho biết: Thu phí tên miền được thực hiện theo Quyết định 84 của Bộ Tài chính. Dự kiến đến năm 2005, sẽ điều chỉnh mức phí chung.

Ông Vũ Thái Hà, Công ty D&N nhận xét: "Quyết định quản lý tên miền hiện nay có những hạn chế phát triển tên miền, không khuyến khích đăng ký tên miền mang ý nghĩa chung. Việc không cho phép chuyển nhượng tên miền là không hợp lý".

Có thể chuyển nhượng tên miền nếu gắn với nhãn hiệu thương mại?

Ông Lê Hồng Hà, Hội Tin học-Viễn thông Hà Nội, đặt câu hỏi: "Tên miền là một tài nguyên tương tự như đất đai. Chủ thể được quyền sử dụng và chuyển nhượng đất, vậy tại sao tên miền lại không được chuyển nhượng?"

Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Hương Nhu, chuyên viên tư vấn pháp lý của GIPI nhấn mạnh: Cần cân nhắc tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Bản thân VNNIC không thể quyết định được vấn đề này. Do đó trong quá trình sửa đổi, soạn thảo cần có sự tham vấn của các thành phần hữu quan.

Bà Trang, chuyên viên VCCI, bổ sung: Nếu coi tên miền như một dạng tài sản thì việc chuyển nhượng sẽ tuỳ thuộc vào điều kiện áp dụng đối với loại tài sản đó. Nếu gắn tên miền với nhãn hiệu thương mại (trademark) thì việc chuyển nhượng là hợp lý. Nhưng nếu gắn với các điều kiện khác, ví dụ tên miền .gov thì việc chuyển nhượng là không thể.

Giải pháp chung của thế giới?

Trước thực trạng trên, Tổ chức Quản lý Tên miền và Số hiệu Mạng thế giới (ICANN), phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã tiến hành nghiên cứu và ban hành Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (UDRP), được điều chỉnh bằng phương thức hoà giải (Alternative Dispute Resolution - ADR) và trọng tài (Arbitration), dựa trên các quy định về trọng tài thương mại, có tính đến các yếu tố kỹ thuật của tên miền.

Sau khi phê chuẩn UDRP, ICANN chỉ định bốn tổ chức làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền: WIPO, Diễn đàn Trọng tài Quốc gia (NAF), Công ty CPR và Công ty eResolution. Theo thống kê của WIPO, từ tháng 10/1999 đến tháng 5/2003, số lượng tranh chấp tên miền cấp cao dùng chung được giải quyết tại WIPO đã lên tới con số 5.000, chưa kể đến các tranh chấp được giải quyết tại các tổ chức khác và các tranh chấp tên miền cấp cao mã quốc gia.

Ông Jean-Christophe Vignes, chuyên viên EU của GIPI (bìa phải).

Chuyên viên EU của GIPI, ông Jean-Christophe Vignes cho biết: Tranh chấp tên miền là một vấn đề rất phức tạp. Mỗi trường hợp có một đặc điểm riêng biệt. Nên không thể có một giải pháp chung để giải quyết tất cả các tranh chấp. Vì vậy, cần phải lựa chọn cách thức, cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với từng nơi cụ thể.

Mặc dù được sử dụng nhiều trong việc giải quyết tranh chấp bằng thương lượng nhưng UDRP vẫn có một vài khiếm khuyết. Ông Vignes dẫn chứng trường hợp sửa đổi UDRP tại Anh: NOMINET đưa ra chính sách giải quyết tranh chấp tên miền .uk, gọi tắt là DRS. Đối với UDRP, sau khi trọng tài phán quyết xong thì không thể sửa đổi, còn cơ chế DRS của Anh được quyền kháng nghị lên toà sơ thẩm yêu cầu xem xét lại.

Khởi thảo Dự án VNDRP

Ông Lê Nam Trung, trưởng Phòng Kinh tế Thống kê của VNNIC, cho biết: Việt Nam chưa có chính sách giải quyết tranh chấp tên miền. Các vụ khiếu nại liên quan đến tên miền .vn từ trước đến này được giải quyết theo Quyết định 92/2003/QĐ-BBCVT ban hành ngày 26/5/2003. Các bên sẽ tiến hành thương lượng, nếu không được sẽ chuyển lên Toà Dân sự hoặc Toà Kinh tế.

Theo ông Vignes, vấn đề giải quyết tranh chấp tên miền ở Việt Nam bằng cách thương lượng là phù hợp nhất và tiết kiệm chi phí.

Đại biểu tại hội nghị cho rằng mức phí giải quyết tranh chấp tên miền của UDRP là quá cao (dao động từ 1.500 đến 4.000 USD), không doanh nghiệp Việt Nam nào muốn trả khoản phí này. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một chính sách giải quyết tranh chấp tên miền riêng. Và nếu áp dụng phương thức trọng tài thì cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp tên miền (cơ quan trọng tài, hay cơ quan trọng tài chuyên môn)?

Về phía VNNIC, giám đốc Nguyễn Lê Thuý cho biết: VNNIC đang phối hợp với các chủ thể liên quan, bao gồm các nhà làm luật, các luật gia, các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư vấn pháp luật để xây dựng “Quy định giải quyết tranh chấp tên miền .vn” (VNDRP).

Dự thảo VNDRP sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay, sau khi có tham vấn của các chuyên gia và ý kiến của người sử dụng Internet.

Thông tin thêm về tranh chấp tên miền có tại địa chỉ: http://tranhchaptenmien.vn/htm/index.htm.

Tham khảo chính sách giải quyết của các nước

Chính sách UDRP ra đời năm 1999 và được đa số các tổ chức quản lý tên miền cấp cao trên thế giới áp dụng. Nhiều tổ chức quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia cũng đã lần lượt xây dựng chính sách giải quyết tranh chấp tên miền dựa trên nội dung của UDRP và pháp luật của mỗi nước.

- Ở Singapore, Trung tâm Thông tin Mạng Singapore (SGNIC) đã ban hành "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền .sg" và sau đó uỷ quyền cho Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Singapore (SGIAC) đứng ra giải quyết các tranh chấp tên miền .sg.

- Tại Trung Quốc, Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) đã áp dụng "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền" do ICANN xây dựng. CNNIC đã xây dựng "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền .cnN" và uỷ quyền cho Uỷ ban Trọng tài Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) giải quyết các tranh chấp tên miền .cn.

- Trung tâm Giải quyết tranh chấp tên miền châu Á (ADNDRC) được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Uỷ ban Trọng tài Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC). Trước nhu cầu giải quyết tranh chấp các tên miền trong khu vực châu Á ngày một gia tăng, hai tổ chức trên đã tiến hành liên kết thành lập ADNDRC để giải quyết tranh chấp tên miền trên cơ sở chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất của ICANN.

Ngoài ra, các tổ chức quản lý tên miền cấp cao dùng chung khác như KRNIC của Hàn Quốc, THNIC của Thái Lan, AuDA của Australia... cũng đã ban hành chính sách giải quyết tranh chấp tên miền và uỷ nhiệm cho các chủ thể có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp tên miền.

(Theo VNNIC)

Bài, ảnh: Hải Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,