(VietNamNet) - Cơ hội phát triển Teletext truyền hình tiếng Việt cho nông dân? Đang chờ... giải ngân kinh phí 1,5 tỷ đồng nghiên cứu, triển khai.
Tại cuộc hội thảo được tổ chức sáng nay (12/8) tại Hà Nội với sự tham gia của các đài truyền hình phía Bắc, ông Lê Văn Chính - giám đốc Vitek cho biết: Teletext là công nghệ truyền dẫn thông tin dưới dạng văn bản thông qua kênh truyền hình thông thường. Mặc dù xuất hiện từ những năm 1970 ở châu Âu và hiện được sử dụng ở 95% các đài truyền hình thuộc châu lục này cũng như ở một số nước Bắc Mỹ, song cho tới nay Teletext trong truyền hình mới được triển khai ở châu Á.
Nguyên nhân? Muốn phổ biến Teletext, các nước châu Á phải phát triển bộ phông (font) chữ chuẩn cho Teletext bằng ngôn ngữ bản địa, cùng phần mềm để đài truyền hình phát tiếng bản địa trên Teletext và chip giải mã ngôn ngữ đó trên tivi.
Năm 1983, Nhật Bản cũng nghiên cứu Teletext song do font chữ quá phức tạp, đòi hỏi tivi phải có bộ nhớ lớn để chứa nên không thể ứng dụng. Thái Lan đã và đang nghiên cứu Teletext tiếng Thái từ năm 1998 song vẫn chưa triển khai được. Hiện chỉ có Singapore đang sử dụng Teletext bằng... tiếng Anh.
Tại Việt Nam, nhờ công trình nghiên cứu kéo dài hai năm của các kỹ sư trẻ Vitek, do cô Nguyễn Phương Thảo đứng đầu, chúng ta hiện có thể đưa Teletext tiếng Việt vào đời sống, đặc biệt là hướng tới mục tiêu cung cấp thông tin cho nông dân vùng sâu, vùng xa.
Teletext hoạt động như sau: Một màn hình có 625 dòng quét. Dòng quét thứ 6 tới 22 và 318 tới 335 là phần trống, không truyền tín hiệu hình trên đó. Các đài truyền hình lợi dụng phần trống này (gọi là quãng trắng trong đồng bộ dọc) để chèn thông tin bằng các chuỗi xung nối tiếp. Dữ liệu là một chuỗi thông tin dưới dạng xung số được chèn ngay sau loé màu. Bằng cách đó, các đài truyền hình có thể tạo ra 800 trang Teletext, chứa tin tức, giá cả thị trường, vận chuyển, thời tiết, v.v... Chỉ cần một chiếc tivi bình thường có lắp chip giải mã tiếng Việt, bất kỳ lúc nào khán giả truyền hình cũng có thể xem thông tin miễn phí dưới dạng văn bản mà đài truyền hình đã phát trước đó. Để bù lại, các đài truyền hình có thể thu được tiền quảng cáo trên Teletext.
Một trang thông tin Teletext được hiển thị trên màn hình vô tuyến. Khi đang xem tivi, người sử dụng có thể dùng điều khiển từ xa để đọc các thông tin khác trên truyền hình. |
Chẳng hạn, nông dân vùng sâu, vùng xa có thể ở nhà cũng biết được sự biến động của giá cả nông phẩm và cập nhật kiến thức về tăng gia sản xuất thông qua Teletext truyền hình. Một người ở Hải Phòng, trước khi ra sân bay Nội Bài đón người nhà, có thể xem Teletext để biết chuyến bay đến có... trễ hay không để đỡ tốn công chờ đợi.
Teletext "lai" với báo viết và Internet bởi thông tin được lưu trữ, cập nhật và rất phong phú. Tuy nhiên, nó hơn hẳn Internet về tính đại chúng bởi không cần điện thoại, thuê bao hay máy tính. Người sử dụng vừa xem truyền hình vừa có thể xem cả Teletext. Việc tìm kiếm thông tin Teletext trên tivi cũng tương tự như Internet, bởi nó có đường dẫn.
Ông Chính cho biết: Tuỳ thuộc vào sự phát triển của nhu cầu mà Vitek sẽ phát triển khả năng in ấn cũng như lưu trữ các thông tin Teletext dành cho người sử dụng. Một tiềm năng nữa của công nghệ này là các cơ quan Chính phủ có thể "đổ" văn bản qua đường truyền hình tới các vùng sâu, vùng xa bằng cách dùng thẻ USB. Tuy nhiên, ông nói: ''Ngân sách nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp rất hạn hẹp nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước''.
Theo ông Chính, giá thành của một chiếc tivi có tích hợp chip giải mã Teletext chỉ cao hơn tivi bình thường khoảng... 60.000 đồng (khoảng 4 USD).
Đối với tivi của các hãng điện tử khác ngoài Vitek, người sử dụng có thể mua bộ giải mã của Vitek, kèm theo bộ điều khiển từ xa để chọn thông tin, với giá chừng 480.000 đồng nếu muốn thu Teletext.
Thêm vào đó, Vitek sẵn sàng chuyển giao chíp Vi301 cho các hãng này cũng như mở mã nguồn để các hãng tự phát triển chip riêng.
Vấn đề là các đài truyền hình phải "chịu" phát Teletext thì các công ty mới chịu sản xuất tivi có gắn chip giải mã!
Công nghệ Teletext đã được thử nghiệm ở Đồng Nai gần một tháng. Để phát Teletext, đài truyền hình chỉ cần mua card chèn Teletext, phần mềm soạn thảo đi kèm và máy tính VTB với tổng giá trị 120 triệu đồng. Bước tiếp theo là "nhà đài" cần tổ chức Phòng biên tập tin Teletext.
Kỹ sư Nguyễn Phương Thảo, với bộ điều khiển Teletext Truyền hình tiếng Việt. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bỉnh Thìn, vụ phó Vụ Khoa học-Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cho biết Bộ rất ủng hộ sử dụng Teletext vì công nghệ này mang lại nhiều thông tin bổ ích cho nông dân.
Bộ NN&PTNT đã phê duyệt nghiên cứu khả thi "Dự án ứng dụng công nghệ tin học để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn" với kinh phí 70 tỷ đồng. Trong đó, chừng 1,5 tỷ đồng được dành cho Teletext. Trong hai năm qua, Bộ đã chuẩn bị sẵn thông tin về nông nghiệp cho Teletext. Tuy nhiên, số tiền trên vẫn chưa thể... giải ngân và đang đợi duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán!
Để phổ biến Teletext, ông Thìn đề xuất nên đầu tư cho một đài truyền hình tại một tỉnh nào đó và cuối năm sẽ tổ chức một cuộc hội thảo, mời các quan chức tới dự để sau đó cấp kinh phí.
Có vẻ đây cũng là một câu chuyện rất... Việt Nam: Phát triển thành công công nghệ Teletext là một việc, còn ứng dụng nó vào đời sống lại là một việc khác. Vấn đề không chỉ là kinh phí triển khai cho một đài truyền hình làm "thí điểm", mà còn cả chuyện... công nghệ nội dung phục vụ phát triển nông thôn chuẩn bị đến đâu, có thích hợp không, và cả tâm lý và thói quen, nhu cầu của nông dân trong bối cảnh thị trường phát triển và ngày càng gia tăng tính cạnh tranh như hiện nay và sắp tới...
Minh Sơn