Hơn 100 doanh nghiệp, cơ quan ở Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên đã tham gia lớp bồi dưỡng về an ninh trên mạng Internet. Đây là một trong các tin về CNTT-Viễn thông trên các báo xuất bản hôm nay (19/8).
n Việt Nam đưa ra thị trường giấy, mực in dùng công nghệ nano
Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (Khu Công nghệ cao TP.HCM - SHTP) kết hợp với Công ty Công nghệ T.I.K đưa ra thị trường loại mực in máy tính và giấy dùng công nghệ nano.
Theo TS Nguyễn Chánh Khê, giám đốc Trung tâm, sản phẩm này sẽ cho chất lượng in ảnh vượt trội so với các loại mực và giấy của các hãng nước ngoài đang có trên thị trường, vì mực dùng hạt nano có kích thước bé sẽ thấm vào sâu hơn, còn giấy nano cũng sẽ giúp quá trình thẩm thấu đạt hiệu quả cao. Giá của loại mực in này chỉ bằng nửa so với mực cùng loại của nước ngoài, còn giấy in thì chỉ bằng 1/3 giấy cùng loại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm khoa học dùng công nghệ nano, một lĩnh vực còn rất mới mẻ trên thế giới. (Theo Tuổi Trẻ)
n Khoá học chuyên ngành CNTT ứng dụng tại Singapore
Đó là chương trình cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng với sinh viên Việt Nam do Học viện PSB, một trong những học viện giáo dục và đào tạo lớn nhất tại Singapore giới thiệu. Nội dung chương trình do trường ĐH Newcastle - một trường ĐH nổi tiếng của Úc và cũng là đối tác tin cậy của Học viện PSB cung cấp.
Trong vòng hai năm rưỡi tại Học viện PSB, các sinh viên sẽ được học những ứng dụng thực tiễn của ngành CNTT với các kỹ năng chủ yếu như sáng tạo và làm việc theo nhóm, kỹ năng ứng dụng... Phần đầu của chương trình học do giảng viên của Học viện PSB giảng dạy, sau đó sẽ do giảng viên của ĐH Newcastle đảm nhiệm.
Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Học viện PSB sẽ có được những lợi thế từ mối quan hệ mật thiết giữa Học viện với các bộ, ngành và các công ty công nghiệp hàng đầu của Singapore. (Theo Tiền Phong)
n Đà Nẵng: Tập huấn về an ninh trên mạng Internet
Hơn 100 doanh nghiệp, cơ quan ở Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên đã tham gia lớp bồi dưỡng về an ninh trên mạng Internet, do Sở Khoa học - Công nghệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Phát triển Phần mềm và Hỗ trợ Công nghệ - Bộ Quốc phòng (Misoft) tổ chức.
Các học viên được hướng dẫn kỹ năng cài đặt nhanh các phần mềm phòng chống virus; hệ thống bảo vệ thông minh và toàn diện; tính năng quét POP3; phát hiện phần mềm gián điệp... cùng dịch vụ cập nhật "bức tường lửa" nhằm ngăn chặn việc truy cập các website có nội dung xấu luân chuyển trên mạng Internet.
Dịp này, Misoft đã giới thiệu với học viên những thiết bị hỗ trợ cho công tác an ninh mạng máy tính của mình và các hãng sản xuất uy tín trên thế giới. (Theo TTXVN)
n Xây dựng ''cẩm nang'' triển khai các dự án CNTT
Ngày 18/8, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã tổ chức buổi họp khởi động dự án ''Xây dựng các chuẩn và lộ trình triển khai các dịch vụ công điện tử tại các đơn vị quận huyện''. Dự án do Quỹ châu Á tài trợ nhằm xây dựng các chuẩn về quy trình và dữ liệu, để các quận huyện theo đó thực hiện tin học hoá tại địa bàn.
Hai phân hệ về cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở, do Công ty Tin học Hài Hoà làm tư vấn, đã tiến hành khảo sát ở một số nơi. Sở tiếp tục giao Công ty FPT làm tư vấn xây dựng hai phân hệ cấp phép kinh doanh và chương trình quản lý công văn, hồ sơ công việc. (Theo Lao Động)
n Thành lập thị trường công nghệ ở Việt Nam
Trong buổi toạ đàm ''Phát triển thị trường công nghệ'' tổ chức hôm qua tại TP.HCM, TS Trần Trọng Ca cho biết: Bộ Khoa học - Công nghệ đã có chủ trương thành lập thị trường công nghệ tại Việt Nam và việc này sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Ông Hồ Sỹ Thoảng, phó chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học - Công nghệ Quốc gia cho rằng việc thành lập chợ công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu chế tạo ra những công nghệ có thể ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình với chi phí thấp. Việc này sẽ tránh được lãng phí ngân sách, vì hiện nay Nhà nước tốn rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu các đề tài, nhưng rất nhiều đề tài không được ứng dụng. (Theo Thanh Niên)