221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
535030
Nguồn lực outsource: Tài sản quý chưa khai thác?
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Việt Nam:
Nguồn lực outsource: Tài sản quý chưa khai thác?
,

(VietNamNet) - "Bàn ăn trong quán phở đã kín người, bỗng một giọng tiếng Anh rất chuẩn lịch sự hỏi tôi rằng cô ấy có thể ngồi cùng bàn tôi được không. Sau vài câu trao đổi, khi biết tôi là một người gốc nói tiếng Pháp, cô gái Việt Nam ấy chuyển sang nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp một cách cực kỳ lưu loát... Ba ngày sau, tôi quyết định... mở văn phòng đại diện công ty mình tại Hà Nội".

Ông Philipe O. Piette, giám đốc điều hành (CEO) của World'Vest Base (WVB), công ty tư vấn về đầu tư tài chính nổi tiếng thế giới tại Mỹ, đã kể lại nguyên nhân dẫn tới quyết định mở Văn phòng đại diện WVB tại Hà Nội của mình như vậy.

Soạn: AM 175297 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

 

Được thành lập từ năm 1984, WVB đã nổi lên như một nhà cung cấp thông tin tài chính hàng đầu thế giới. Ngay từ năm 1985, WVB đã được biết đến như một công ty chuyên về cung cấp các cơ sở dữ liệu tài chính của các công ty bên ngoài nước Mỹ. WorldVest đã tạo ra một trong những cơ sở dữ liệu đa quốc gia về thông tin doanh nghiệp bao quát và chi tiết nhất, bao gồm các công ty ở 75 quốc gia.

Sau khi được phân phối sản phẩm qua Telekurs và Standard & Poor’s, WVB đã tự đứng ra hoạt động độc lập từ năm 1997. Công ty này mở rộng chuyên môn tư vấn của mình qua các hoạt động thu thập từ nhiều nguồn, cung cấp các nguồn dữ liệu mở rộng về các giải pháp thông tin tài chính. Đặc biệt, WVB chuyên cung cấp thông tin tài chính của các công ty nằm tại các khu vực khó tìm kiếm dữ liệu như châu Phi, Đông Âu, châu Á... WVB hiện tại đặt trụ sở chính tại Chicago (Mỹ), và có văn phòng đại diện tại các nước Malaysia, Mexico, Ai Cập. Mới đây nhất, hôm 13/10/2004, WVB đã chính thức ra mắt văn phòng đại diện tại Hà Nội, Việt Nam.

Câu chuyện... chỉ Việt Nam mới có

Soạn: AM 175307 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Ông Philipe O. Piette và P.V VietNamNet (Ảnh: B.M)

Ông Piette kể lại cho tôi nghe về câu chuyện đã dẫn tới quyết định lập văn phòng WVB tại Hà Nội của ông. Đó là một quyết định có vẻ rất vội vàng, nhưng lại hoàn toàn đúng đắn.

Năm ngoái, do muốn cung cấp thêm dữ liệu từ các quốc gia nói tiếng Pháp, ông Piette đã tìm tới các nước thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương. Một số người quen khuyên ông nên tới Lào, nhưng Piette đã thực sự thất vọng về khả năng ngôn ngữ cũng như năng lực nhân công có ở quốc gia này. Khi hỏi về Việt Nam, một số người Mỹ can ngăn ông rằng "Chẳng có gì ở đó cả, mọi thứ đều khó khăn, nghèo nàn, v.v...". Tuy nhiên, ông vẫn quyết định tới Việt Nam. Lúc đầu, bản thân ông cũng thất vọng vì đất nước này vẫn còn nghèo, quá nhiều xe máy và không có toà nhà chọc trời nào. Nhưng tất cả cảm nhận đó đã thay đổi khi ông tới Hà Nội, sau một lần đi ăn phở, món ăn đặc trưng của thủ đô.

"Tôi đang ngồi ăn trong một quán phở Hà Nội, Bàn ăn trong quán đã kín người. Đột nhiên, một giọng tiếng Anh rất chuẩn lịch sự hỏi tôi rằng cô ấy có thể ngồi cùng bàn tôi được không vì các bàn khác đã hết chỗ. Sau vài câu trao đổi, khi biết tôi là một người gốc nói tiếng Pháp, cô gái Việt Nam ấy chuyển sang nói chuyện với tôi bằng Pháp ngữ một cách cực kỳ lưu loát. Cuộc nói chuyện đó đã trở thành một buổi phỏng vấn xin việc, mà chính bản thân tôi cũng không biết rằng tôi đang phỏng vấn cô ấy. Sau khi cho biết đang đi tìm việc làm, Huệ, tên cô gái, cho tôi số điện thoại để liên hệ nếu tôi tình cờ biết được một công việc phù hợp với cô ấy. Ba ngày sau, tôi quyết định... mở văn phòng đại diện công ty mình tại Hà Nội"

"Tôi gọi điện cho cô ấy vào ngày hôm sau, nói rằng tôi đang tìm nhân viên với những khả năng làm việc mà Huệ có. Theo lời kể, Huệ cho biết sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã phải làm rất nhiều công việc như trông trẻ, bán hoa, chạy bàn quán cafe, và không thể tìm được một công việc để sử dụng những kỹ năng mà cô đã được đào tạo. Còn hiện tại, cô ấy đã trở thành một giám đốc văn phòng của WVB Hà Nội." - ông Piette nhún vai một cách hài hước.

Với những bạn trẻ vừa ra trường, ông Piette có một lời khuyên: "Bạn không thể chờ đợi công việc đến với mình, bạn phải tự đi tìm nó, luôn phải thử vận may, phải thử khả năng của mình".

Quyết định đúng đắn của một CEO "dân dã"

Soạn: AM 175291 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Các nhân viên người Việt đang làm việc tại Văn phòng World'Vest Base Hà Nội. (Ảnh: New York Times)

Bắt đầu những hoạt động đầu tiên tại Việt Nam từ tháng 5/2004, đến nay WVB đã có khoảng 48 nhân viên. Phần lớn đều là những sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp hoặc có chút ít kinh nghiệm. Họ tìm kiếm mọi thứ trên Internet, từ các mức giá thị trường chứng khoán mới nổi, cho tới các bản báo cáo kinh doanh của các công ty đệ trình lên Uỷ ban Chứng khoán và Hối đoái SEC ở tận Mỹ... Họ copy các dữ liệu vào những bảng tính Excel, sau đó gửi qua e-mail tới các bộ phận chuyên phân tích, xử lý dữ liệu trung tâm tại Mỹ hoặc trực tiếp tới những khách hàng trên toàn thế giới. Nói cách khác, họ thực hiện công việc outsource (hay thuê ngoài) quá trình thu thập và tìm kiếm dữ liệu mà lẽ ra do các nhân viên WVB tại Mỹ và các chi nhánh khác đảm nhiệm.

Tại buổi lễ ra mắt Văn phòng đại diện tại Việt Nam, trả lời VietNamNet về quá trình hoạt động vừa qua tại Hà Nội, ông Philipe O. Piette khẳng định: "Sau năm tháng, tôi cho rằng đến Việt Nam là một quyết định hoàn toàn đúng đắn của mình".  

Thế nào là outsource?

- Khi nói tới outsource, hay thuê ngoài, nhiều người nghĩ ngay rằng đó là lĩnh vực gia công phần mềm hoặc lập trình, điển hình như Ấn Độ. Tuy nhiên, gia công phần mềm chỉ là một phần của outsource. Vậy thế nào là outsoure?
- Khoảng ba năm trở lại đây, một xu hướng di chuyển việc làm của doanh nghiệp từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển đã xuất hiện, đặc biệt trong các lĩnh vực CNTT và công nghệ cao của Mỹ, nơi những sản phẩm làm ra có thể dễ dàng vận chuyển (như các sản phẩm chip nhỏ gọn) hoặc truyền tải qua Internet (phần mềm, dữ liệu..). Mục đích chính của quá trình chuyển việc làm sang các nước đang phát triển ở các doanh nghiệp lớn tại Mỹ là để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, nhưng có trình độ tương đương với các nhân viên tại Mỹ. Các tập đoàn lớn về công nghệ như Intel, IBM, HP... đều xây dựng những trung tâm nghiên cứu phát triển và sản xuất tại châu Á, tập trung ở các quốc gia có nguồn nhân lực trình độ cao với mức lương thấp hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc. Quá trình chuyển một phần công việc sang làm tại nước khác để tận dụng nguồn nhân lực và các tài nguyên khác (cả trực tiếp mở chi nhánh, trung tâm nghiên cứu sản xuất lẫn thuê các công ty bản địa thực hiện) được gọi là thuê ngoài ngoại biên (offshore outsourcing), hay khái niệm outsource mà ta thường đề cập.

Sản phẩm outsource do đó sẽ có giá thành thấp hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn, nên các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là ở thung lũng Silicon, đã khai thác triệt để việc cắt giảm nhân viên, chuyển công việc sang các nước đang phát triển, gây nên hiện tượng mất việc làm tăng đột biến trong ngành công nghệ. Các hiệp hội công đoàn Mỹ kịch liệt phản đối outsource, đề xuất các dự luật lên Quốc hội, yêu cầu cấm doanh nghiệp thuê ngoài quá một tỷ lệ phần trăm nhất định về số việc làm vốn có.

Châu Á hiện là điểm nóng của ngành công nghiệp outsource toàn cầu, nhưng một số quốc gia tại đông và bắc Âu cũng đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này. Outsource là giải pháp giúp các nước đang phát triển thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm và tiếp cận các công nghệ sản xuất hiện đại.

Do đặc biệt phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, với các gói công việc cụ thể được thuê ngoài sang các quốc gia có đội ngũ kỹ sư lập trình chuyên nghiệp như Ấn Độ, nên nhiều người đã nhầm lẫn giữa outsource và gia công phần mềm. Ấn Độ có những công ty lớn chuyên gia công phần mềm, nhận đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất phần mềm ở Mỹ hoặc Tây Âu. Công việc gia công phần mềm, đúng như tên gọi của nó, chỉ tập trung vào việc "biên dịch" các hoạt động, cấu trúc từng phần của sản phẩm thành các mã lệnh chương trình máy tính theo yêu cầu đặt ra. Gia công phần mềm không được coi là lập chương trình và sản xuất phần mềm hoàn thiện (vì không thực hiện toàn bộ việc thiết kế và phát triển thành sản phẩm cuối), mà chỉ là viết mã chương trình (program coding) cho từng module chương trình nhỏ, để công ty đi thuê lắp ghép lại thành sản phẩm hoàn thiện.

Trái với hình ảnh đạo mạo của CEO một công ty có tiếng tại Mỹ trong lễ ra mắt Văn phòng đại diện, tiếp tôi tại Văn phòng WVB Hà Nội lại là một "ông Tây" giản dị, hoà nhã, ngồi chung phòng làm việc với các nhân viên và đang cặm cụi bên chiếc máy tính xách tay. Không cầu kỳ về chuyện xe đưa đón, ông Piette sẵn sàng ngồi lên chiếc Honda 82 cà tàng để đi ăn trưa cùng tôi.

Soạn: AM 175293 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

CEO Philipe O. Piette của WVB trong lễ ra mắt Văn phòng tại Hà Nội (Ảnh: B.M).

Với gần 50 người, chỉ sau năm tháng hoạt động, Văn phòng WVB Hà Nội hiện có số nhân viên xấp xỉ với Văn phòng tại Kuala Lumpur (Malaysia), vốn từ lâu là một trụ sở chính của WVB ở châu Á. Phòng làm việc mà ông Piette thuê tại Hà Nội hiện đã trở nên quá chật chội và cần một địa điểm mới. Sự mở rộng lớn nhất của WVB hiện nay đang được tập trung vào Việt Nam.

Vẻ dân dã của và đôi chút "lọ mọ" của Piette không chỉ ở chuyện xe pháo, ông có thể ngồi vỉa hè "làm" cốc trà đá giá chỉ tương đương 3 cent Mỹ, biết dùng đũa một cách sành điệu và cả tự "mò" đi ra quán phở Hà Nội để ăn. Tuy nhiên, cách nhìn nhận và đánh giá về mọi thứ của ông thì nhạy bén và sắc sảo tới mức có thể nghĩ Piette đã sống ở Hà Nội hàng năm trời, chứ không phải là chỉ mới đến lần thứ hai. Có lẽ đó là sự nhạy bén vốn có của một chuyên gia phân tích đánh giá về đầu tư và tài chính.

Nguồn nhân lực outsource Việt Nam?...

Khi được yêu cầu so sánh năng lực giữa các nhân viên Việt Nam với Malaysia, ông Piette cho biết: "Tôi chưa có đủ thời gian tại đây để nắm rõ khả năng làm việc của các nhân viên Việt Nam nói chung, nhưng tôi nghĩ các nhân viên tại Kuala Lumpur hay Hà Nội đều có những thế mạnh riêng của họ. Ở đây có những con người rất thông minh và tháo vát".

"Tôi đặc biệt ấn tượng về phụ nữ Việt Nam. Tại văn phòng của tôi, hiện có 80% là nữ, chỉ 20% là nam giới. Tôi cho rằng tại Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Họ là những người làm việc tận tuỵ, tích cực và có ý chí vươn lên cao hơn nhiều so với nam giới." - Piette nhận xét - "Tôi đã từng biết những phụ nữ Việt Nam tại Điện Biên Phủ, khi họ vận chuyển mọi thứ, trang thiết bị, vũ khí, lương thực... trên lưng và xe đạp, ra tiền tuyến. Phụ nữ Việt Nam có một niềm tin rất vững chắc... Với một nguồn nhân lực như hiện tại, tôi cho rằng vận hội phát triển của Việt Nam đã tới".

"Tuy nhiên, năng lực phụ thuộc vào từng con người nhiều hơn, ở đâu cũng có người giỏi, người không. Ở Việt Nam hay Malaysia cũng vậy, tự họ phải khẳng định năng lực của chính mình... Tôi nói với các nhân viên tại đây rằng: 'Điều duy nhất tôi có thể làm cho các bạn là đưa ra những cơ hội, đưa ra cho các bạn những công cụ để phát triển. Có thể bạn sẽ có những may mắn riêng, nhưng chính các bạn sẽ là những người phải tạo dựng nên văn phòng này, và làm cho nó thành công'. Tôi nghĩ rằng họ sẽ tin tưởng vào điều đó". 

... Tài sản quý chưa khai thác!

Để phát huy những thế mạnh về con người trong lĩnh vực outsource tại Việt Nam, ông Piette cho rằng "Giáo dục là một nền tảng cốt yếu, vì nó giúp tạo ra khả năng tiếp nhận và phát triển những kiến thức mới. Các kỹ năng về ngoại ngữ cũng rất quan trọng, không chỉ là ở tiếng Anh. Đất nước các bạn có rất nhiều tải sản quý về ngôn ngữ chưa được khai thác, đặc biệt là ở phía Bắc, nơi người dân có thể thông thạo nhiều thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung...".

"Trong lĩnh vực outsource, giá nhân công rẻ không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất. Các tài sản về đa ngôn ngữ của đất nước các bạn cũng là một nhân tố then chốt để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, đem lại giá trị cao." - ông nói.

Một CEO hoà nhã, ngồi chung phòng làm việc với các nhân viên (Ảnh: B.M)

"Chẳng hạn như ngành công nghiệp outsource của Ấn Độ, với khái niệm năng lực nòng cốt - có nghĩa là những khả năng họ rất giỏi - theo quan điểm của tôi, họ đã đi sai hướng trong việc phát triển công nghiệp outsource. Ấn Độ rất giỏi về toán học, về viết mã chương trình phần mềm theo đơn đặt hàng, và họ quá tin tưởng vào năng lực nòng cốt của họ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT)."- ông Piette phân tích - "Khi vượt ra khỏi những năng lực nòng cốt đó, vào một lĩnh vực mà họ không quen thuộc và thành thạo, họ sẽ không thể tạo ra được những sản phẩm có tính sáng tạo, thậm chí ngay cả trong lĩnh vực CNTT. Ấn Độ thậm chí không thể thực hiện sản xuất sáng tạo đối với các sản phẩm CNTT, vì họ, những người Ấn Độ giỏi toán bẩm sinh, chỉ giỏi và biết tới việc chuyển các yêu cầu thành mã chương trình mà thôi, chứ không phải những sản phẩm phần mềm hoàn thiện. Đất nước của các bạn cũng có rất nhiều tài sản trí tuệ về giáo dục và toán học, và những nhân viên tài giỏi có thể được phát triển từ những nền tảng này".

Ông nói thêm: "Tôi cho rằng tại châu Á, Chính phủ Việt Nam và các nước khác, chẳng hạn như Malaysia, nên hợp tác với nhau để kết hợp những thế mạnh của mình. Mỗi nước có một điểm mạnh riêng về phát triển công nghiệp outsource, và có thể học tập lẫn nhau để nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực của mình. Chẳng hạn, Việt Nam hiện chỉ có thể outsource tốt các công việc non-voice-outsourcing, hay paper-outsourcing, tức là những công việc trên văn bản, trên giấy. Còn các công việc voice-outsourcing, chẳng hạn như thu thập thông tin hoặc giao tiếp qua điện thoại thì Malaysia làm rất tốt. Việt Nam do đó có thể học hỏi voice-outsourcing của Malaysia để phát huy thêm những sản phẩm sáng tạo hơn cho mình".

"Trở lại vấn đề phát huy năng lực con người trong công nghiệp outsource, tôi cho rằng không chỉ là ngôn ngữ hay ngoại ngữ, mà quan trọng hơn là các kỹ năng giao tiếp. Tôi từng phỏng vấn một ứng viên thi tuyển vào WVB Hà Nội, cậu ta 23 tuổi. Khi tôi hỏi rằng 'Bạn có thể nói tiếng Anh không?', cậu ta chỉ trả lời một câu 'Có!'. Cậu ấy đã không qua được vòng phỏng vấn." - vị CEO này nói.

Khi được hỏi tiềm năng phát triển outsource lớn nhất của Việt Nam là gì?, ông Piette nói ngay: "Tuổi trẻ, sức trẻ... thế hệ trẻ. Cùng với tuổi trẻ, việc kết hợp tất cả những thế mạnh, những tài sản chưa khai thác lại cùng nhau, để tạo thành một động lực phát triển mạnh mẽ, cũng sẽ quyết định khả năng phát triển outsource của Việt Nam trong tương lai".

  • Bình Minh (thực hiện)

Đề tài liên quan:

Công nghiệp outsource "phát hiện" ra... Việt Nam

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,