221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
931456
Trưởng ban điều hành 112: Tôi không có trách nhiệm trả lời...
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Trưởng ban điều hành 112: Tôi không có trách nhiệm trả lời...
,

"Có tiền là có phê duyệt. Về nguyên tắc phải như thế. Nếu không tiền nằm trong ngân sách Nhà nước làm sao ra được. Thậm chí ra rồi nó vẫn nằm trong tài khoản của Bộ Tài chính chứ làm sao anh lấy..." - Trưởng ban điều hành Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112), ông Vũ Đình Thuần trả lời phỏng vấn. 

>> Thủ tướng chỉ đạo: Ngừng triển khai Đề án 112

Ngừng triển khai Đề án 112 chỉ là việc điều chỉnh vĩ mô?

Thưa ông, ông có bị bất ngờ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo ngừng triển khai Đề án 112?

- Thủ tướng chỉ đạo không tiếp tục Đề án 112 trong giai đoạn 2. Từ giai đoạn 2 phải thực hiện theo Nghị định 64 nên với tôi quyết định đó không có gì là bất ngờ cả. Hiện chúng tôi đã có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng, nhưng Thủ tướng chưa thông qua và ra lệnh cho chúng tôi tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo.

Chúng tôi hiểu rằng, đó là việc điều chỉnh vĩ mô cấp Chính phủ đối với những vấn đề lớn. Chỉ là thay đổi cách làm để công việc đạt hiệu quả. Chúng tôi cho rằng đó là một việc bình thường. Thủ tướng đã ra lệnh là chúng tôi phải thực hiện.

Những ngày này, báo chí, các chuyên gia và thậm chí là một số người trong cuộc đều cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án 112 đã thất bại ?

- Trong thông báo ý kiến của Thủ tướng không có những đánh giá này. Anh nghe là việc anh nghe, còn bây giờ ta phải căn cứ vào thông báo chính thức của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng.

Vậy trong văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng thì lý do của việc ngừng triển khai Đề án là gì, thưa ông?

- Nhận thức của chúng tôi đó là sự điều hành vĩ mô trong tiến trình cải cách hành chính Nhà nước. Xác định chức năng, phân công phân cấp, xác định nhiệm vụ, đó là chuyện thường xuyên, bình thường trong tiến trình cải cách.

Vậy nhìn vào thực tế triển khai Đề án 112, với tư cách là Trưởng ban điều hành, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của nó?

- Trên thực tế chúng tôi đã cố gắng rất lớn. Đầu mối chỉ đạo không chỉ có chúng tôi, mà còn có rất nhiều bộ, ngành khác. Tất cả các bộ, ngành và địa phương đều có ban điều hành Đề án 112 và phải chịu trách nhiệm tại địa bàn của mình. Chúng tôi đã phối hợp với nhau rất tốt để triển khai công việc.

Trong báo cáo Thủ tướng, Ban điều hành đã đánh giá về việc thực hiện đề án như thế nào?

- Chúng tôi không dám nói là đánh giá. Chúng tôi chỉ nói ý chủ quan. Cái này là phải có ý kiến cuối cùng của Thủ tướng mới nói được. Hiện nay cũng đã có một số nơi yêu cầu gửi báo cáo nhưng chúng tôi chưa gửi được vì Thủ tướng chưa có ý kiến cuối cùng.

Tạm dừng triển khai đồng nghĩa với việc cả ngàn tỷ đồng đã đầu tư ở các giai đoạn trước bị coi là lãng phí, thưa ông?

- Còn xem Thủ tướng quyết định thế nào. Tất cả những gì đã được xây dựng ở các bộ, ngành, địa phương vẫn đang vận hành.

Đương nhiên là việc sử dụng không thể đồng đều vì đây là việc rất khó. Tôi còn nhớ, có một lãnh đạo tỉnh miền núi khi nói về hiệu quả của Đề án đã nói với tôi rằng, có Đề án 112 chúng tôi mới biết đến máy tính.

Khó khăn cụ thể trong triển khai ở đây là gì, thưa ông?

- Ví dụ đội quân chủ lực để vận hành hệ thống này là đội ngũ công chức. Họ đã được đào tạo nhưng không thể ngày một ngày hai là thuần việc ngay được. Kỹ năng đòi hỏi họ phải có cả quá trình làm việc, ngồi vào môi trường mà tôi tạm gọi là hành chính điện tử. Họ làm việc trong môi trường ấy thì kiến thức mới tích luỹ được...

Ý ông muốn nói là việc triển khai Đề án trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp?

- Không. Tôi không có ý kiến đó. Đề án 112 là công việc chúng ta phải làm. Chỉ có điều làm thế nào để thuận lợi, muốn vậy phải cần một quá trình, cần thời gian. Đào tạo cán bộ chính là một trong những mục tiêu của Đề án. Chúng ta triển khai việc này để tạo ra những điều kiện đồng bộ chứ không phải như thế là không thuận lợi.

Lấy đâu ra hàng ngàn tỷ mà lãng phí?

Thưa ông, trong khi rất nhiều địa phương, bộ, ngành triển khai Đề án 112 thì chính tại Văn phòng Chính phủ lại chưa triển khai, vì sao vậy?

- Đây là câu hỏi rất tế nhị. Tôi không có trách nhiệm trả lời. Nhưng ở đó có Đề án 112 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ có điều họ có những khó khăn nhất định nên triển khai chậm thôi. Cái này các anh phải hỏi lãnh đạo Văn phòng. Tôi không còn phụ trách ở đó nữa.

Thưa ông, báo chí và kết quả giám sát của Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội cho rằng Đề án 112 thất bại hoàn toàn và làm lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Nếu tôi không nhầm thì báo cáo giám sát của Quốc hội không phải như thế. Tôi đề nghị các anh xem lại. Còn việc báo chí thông tin như vậy thì đó là việc của báo chí. Chúng tôi cho rằng những thông tin đó không có căn cứ, cơ sở.

Báo chí có cơ sở để chứng minh về số tiền đã đầu tư, thông qua những căn cứ như: Tỉnh A đầu tư xây dựng cổng thông tin nhưng không phát huy hiệu quả, đầu tư phần cứng (mua máy tính, đào tạo cán bộ...) mà không đầu tư phần mềm trong khi công nghệ lạc hậu từng ngày…

Cái đó có thể có ở tỉnh A, tỉnh B. Nhưng tôi xin nói rằng tình hình ở các tỉnh là khác nhau. Những tỉnh nghèo lấy tiền đâu mà đầu tư. Bảo rằng phải lấy ngân sách địa phương để làm hệ thống hạ tầng, địa phương có điều kiện kinh tế thì có thể có chút ít, chứ địa phương nghèo lấy đâu ra?

Không lấy đâu ra tiền thì làm sao mà chi hàng trăm tỷ, nghìn tỷ để mua phần cứng? Nếu không có hỗ trợ của ngân sách trung ương thì không bao giờ có.

Thứ hai là các anh cũng phải thông cảm với thực tế là về công nghệ thông tin nói chung, đặc biệt là tin học hoá hành chính Nhà nước nói riêng, cả hệ thống pháp luật của chúng ta, những quy định cụ thể để làm việc như thế này là chưa có...

Vậy riêng Ban điều hành 112 ở Trung ương đã chi bao nhiêu tiền kể từ khi triển khai Đề án 112?

- Anh em báo chí mà nói là hàng nghìn tỷ đề nghị các anh phải xem lại. Các anh lấy số liệu ở đâu? Còn chúng tôi nói rằng không có.

Vậy con số là bao nhiêu?

- Cái đó bây giờ Thủ tướng Chính phủ đang ra lệnh kiểm tra.

Ông có thể ước con số khoảng bao nhiêu?

- Tôi cũng không ước được. Cái này phải căn cứ quy trình và phải báo cáo Thủ tướng đã thì mới dám nói. Nhưng tôi phải nói rằng con số 3.000 tỷ hay là bao nhiêu nghìn tỷ đồng là không có.

Có thông tin nói rằng Thủ tướng Phan Văn Khải hồi đó mới duyệt kinh phí đến năm 2003. Sau đó Thủ tướng không duyệt kinh phí nữa nhưng Đề án vẫn được chi tiền để triển khai?

- Thủ tướng không phê duyệt thì không bao giờ có tiền. Nguyên tắc là thế. Nếu Thủ tướng không duyệt thì một xu cũng không có.

Có nghĩa là Thủ tướng đã phê duyệt kinh phí đến tận năm 2005?

- Có tiền là có phê duyệt. Về nguyên tắc phải như thế. Nếu không tiền nằm trong ngân sách Nhà nước làm sao ra được. Thậm chí ra rồi nó vẫn nằm trong tài khoản của Bộ Tài chính chứ làm sao anh lấy ra được.

Ngay từ năm 2004, rất nhiều chuyên gia và hội nghề nghiệp đã cảnh báo “cái chết” đã được báo trước của Đề án 112. Ban điều hành có nghe những ý kiến cảnh báo đó không?

Chúng tôi không được nghe phản biện đó. Sau này có một số tờ báo nói như thế. Nhưng đó chỉ là cách nói thôi. Chương trình mục tiêu quốc gia về công nghệ thông tin được thực hiện từ năm 1995.

Những con người nói điều đó là những con người thực hiện chương trình ấy. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm... Họ dự báo cái gì? Họ có tài thánh đâu mà dự báo trước? Đề án 112 triển khai trên phạm vi rộng thu được kết quả thế này là chưa từng có.

Ông nói đề án đã thu được hiệu quả hơn so với một số đề án về tin học hóa đã thực hiện trước đó, chứ không “thất bại”?

- Tôi chưa nói thất bại hay không thất bại. Nhãn quan nào là tuỳ nhà báo.

Nhưng nếu Đề án vẫn đang hiệu quả thì cần gì phải ngừng triển khai?

Cái đó tôi không trả lời. Cái đó là chuyện điều hành của Thủ tướng và chúng tôi phải chấp hành triệt để.

Giải tán Ban điều hành 112: Còn phải chờ Thủ tướng

Như vậy Ban điều hành 112 sẽ phải giải tán?

Cái đó còn tuỳ vào quyết định của Thủ tướng. Kết thúc giai đoạn chúng tôi đã có báo cáo trình Thủ tướng. Hết nhiệm vụ chúng tôi rút lui. Còn bây giờ chúng tôi có làm nữa hay ai làm là do Thủ tướng quyết định.

Khi kiểm toán vào làm việc ông có lo ngại không?

Chính chúng tôi mời kiểm toán thì có gì mà lo.

Sau này nếu cơ quan hữu quan kết luận Đề án hoàn toàn thất bại thì người chịu trách nhiệm chính sẽ là ông?

Anh đừng có giả định. Tại sao anh lại có cách giả định như thế? Tôi không nghĩ như thế. Tôi không trả lời câu hỏi này. Câu hỏi này là không hợp lý. Ai đánh giá thế nào mặc kệ. Sau này cơ quan Nhà nước có chức năng sẽ đánh giá, Thủ tướng sẽ quyết định.

Cảm ơn ông!

(Theo Tiền Phong)
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,