'Chiêu hiền đãi sĩ ' vì sao chưa là sức hút?
| ||
Mấy năm trước, sau khi Bình Dương, Đồng Nai công bố chính sách đón người giỏi từ các nơi về làm việc, các tỉnh,thành đồng loạt ban hành chính sách “chiêu hiền đãi sĩ “ thu hút người tài.
Ngay từ đầu năm 2002, UBND tỉnh Cần Thơ tuyên bố: Cán bộ KHKT ở các tỉnh khác đến làm việc tại Cần Thơ có kÿ kết phục vụ từ 5 năm trở lên được hỗ trợ ban đầu như sau: thạc sĩ 30 triệu đồng, tiến sĩ 40 triệu đồng. Các cán bộ KHKT thuộc các ngành nông nghiệp, y tế sẽ được tỉnh ưu tiên hàng đầu.
UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định trợ cấp cho các cán bộ, công chức có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ từ các tỉnh khác đến Cà Mau công tác (tuổi đời không quá 55, đã có trên 7 năm công tác tại Cà Mau) được ưu tiên mua nhà, mua đất để xây nhà ở. Ngoài ra, các cán bộ này còn được nhận trợ cấp từ 10-20 triệu đồng ...
.
UBND TP. Hà Nội đề xuất quy định ưu đãi, thu hút nhân tài với một số cơ chế: quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi; ưu đãi về nhà ở (thưởng nhà, bán nhà theo cơ chế trả dần); các ưu đãi về phụ cấp, thưởng bằng tiền, trợ cấp mua tài liệu nghiên cứu...
Bên cạnh đó, để thu hút tài năng trẻ, dần hình thành nguồn nhân lực ''chất lượng cao'', thành phố chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thuộc mọi thành phần kinh tế đưa ra những phương án thu hút, sử dụng tài năng trẻ; khuyến khích các doanh nghiệp cấp học bổng để đào tạo cán bộ nguồn và khuyến khích cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ sau ĐH, xây dựng cơ chế thưởng cho người có công đào tạo tài năng trẻ...
Có thể nói,cho đến nay, hầu như địa phương nào cũng công bố chính sách tuyển dụng nhân tài na ná giống nhau.
Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại khá, giỏi được các lãnh đạo của địa phương mở rộng vòng tay đón nhận, phân về các đơn vị, Tuy nhiên theo phản ánh của báo chí: sau đó các đơn vị đã đùn đẩy qua lại, thủ tục rườm rà và nhận người trong tình thế bị buộc phải nhận.
Tiếp theo đó là phân công công việc không hợp lý, cơ hội làm việc không có, hầu hết phân bổ về các đơn vị hành chính sự nghiệp nên đồng lương trả cho nhân tài được tính theo mức xếp hàng theo thâm niên…
Đó là lý do khiến đa số những người được tuyển dụng làm chỉ một thời gian ngắn là chuyển sang các doanh nghiệp hoặc công ty nước ngoài.
Ngay tại Hà Nội, với chủ trương “thu hút tài năng trẻ” thành phố đã tổ chức khen thưởng xứng đáng mỗi năm gần 100 thủ khoa Tốt nghiệp xuất sắc các trường Đại học trên địa bàn thủ đô..Thế nhưng hầu như số “người tài trẻ” này vẫn rất khó thấy họ có mặt ở các cơ quan Hà Nội .
Vì sao? Tại “chiếc thảm đỏ” chưa đủ sức hút nhân tài, hay tại “nhân tài” chưa đúng tầm đãi ngộ? Nếu không! có phải sau cơ chế tuyển dụng người tài, cái chính là “ cách sử dụng người tài”? điều kiện làm việc cho người tài? Cũng như một đội tuyển bóng đá, đã tập trung được nhiều tài năng, nhưng không bố trí đúng vị trí thì sở trường thành sở đoản!
Từ thực tế địa phương, cơ sở và đặc biệt là chính mình,mong bạn đọc làm rõ vấn đề này.
-
VietNamNet