,
221
721
Dữ liệu
dulieu
/dulieu/
123950
Sẽ chuyển địa điểm xây nhà Quốc hội mới?
1
Article
null
,

Sẽ chuyển địa điểm xây nhà Quốc hội mới?

Cập nhật lúc 11:51, Thứ Hai, 27/10/2003 (GMT+7)
,
Bản phác thảo mô hình kiến trúc một cung điện của Kinh đô Thăng Long thời Lý.

(VietNamNet) - Mặc dù, việc xác định di chỉ khảo cổ quý giá dưới nền khu đất định xây toà nhà Quốc hội mới không còn nóng như thời điểm cách đây nửa tháng nhưng các bên liên quan vẫn tiếp tục bàn luận rất găng để đi đến quyết định cuối cùng. Các công văn từ Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hội Sử học.. nối tiếp nhau ra lò; các cuộc hội thảo, họp kín bàn về việc Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích mới phát hiện tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) lặng lẽ diễn ra và vẫn cấm cửa báo chí. Vậy thực tế, sự việc đã đi đến đâu? và luồng dư luận hiện tại đối với "vụ" này như thế nào?...

Bài viết này sẽ cố gắng giải đáp một phần những câu hỏi đó và cung cấp một số thông tin mà VietNamNet cho rằng độc giả quan tâm.

Cuộc "giằng co" chưa có hồi kết

Trước khi diễn ra Hội nghị khảo cổ học toàn quốc được tổ chức vào cuối tháng 9, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia ra bản báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu của cuộc khai quật và thừa nhận sau 9 tháng tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, Trung tâm tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích sau khi tham quan khu vực khai quật. Sự việc này cũng đã tạo nên 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất: Kiến nghị Đảng và Nhà nước cho phép lưu giữ lại toàn bộ các di tích kiến trúc và di vật của kinh đô Thăng Long tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) để bảo tồn và xây dựng nơi đây thành bảo tàng tại chỗ nhằm minh chứng cho lịch sử 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, biểu trưng cho lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai: Trong trường hợp Đảng và Nhà nước cân nhắc rất nhiều mặt nhưng bất khả kháng, không thể giữ lại được di tích theo phương án thứ nhất, những người thuộc loại ý kiến này kiến nghị giữ lại một phần các di tích đã xuất lộ và khu vực này cũng được bảo tồn và xây dựng thành bảo tàng ngoài trời vưói quy mô nhỏ hơn phương án trên. Đây là phương án "cực chẳng đã".

Ngày 7/10/2003, Văn phòng Chính phủ đã gửi Bộ VH-TT và Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (TT KHXH&NV quốc gia) công văn số 4895/VPCP-VX về việc Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích mới phát hiện tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Trong đó, công văn có nêu: "Về đề nghị của TT KHXH&NV Quốc gia về việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của di tích mới phát hiện tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm có ý kiến như sau: Bộ VH-TT và TT KHXH&NV quốc gia thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  tại công văn số 162/TB - VPCP ngày 24/9/2003 của Văn phòng Chính phủ". Tuy nhiên, nội dung của công văn này lại được giữ kín.

Những dấu hiệu tích cực

Cách đây đúng 1 tuần (4/10), Bộ VH-TT đã tổ chức một hội thảo xoay quanh vấn đề nên giữ hay phá bỏ khu di tích quý giá này. Tham gia cuộc hội thảo này có rất nhiều nhà sử học, khảo cổ học, đại diện của các đơn vị liên quan đến dự án xây dựng toà nhà Quốc hội mới mà tiêu biểu là Viện khảo cổ học. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ kết luận cụ thể nào liên quan đến việc cần bảo vệ hay phá bỏ di chỉ khảo cổ quý giá này. Theo nguồn tin riêng của VietNamNet thì hội thảo đã nhận được một đề xuất nên thành lập một Viện khoa học riêng chỉ chuyên nghiên cứu về kinh thành Thăng Long. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy chúng ta có thể giữ lại di chỉ quý giá này. Hiện tại đã có khá nhiều đoàn các nhà sử học và khảo cổ học nước ngoài (trong đó có các nhà khoa học Australia) đến đề nghị giúp ta phục chế và biến khu di chỉ này thành bào tàng.
 
Trước những ý kiến trái ngược, Hội Sử học đã gửi đề nghị cho tiếp tục mở rộng khu di chỉ khảo cổ này do chính GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam ký). Trong bản đề nghị này, Hội Sử học Việt Nam cũng đã đưa ra những đánh giá khách quan về giá trị của di chỉ này. Trong đó nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên, dấu tích của một bộ phận Hoàng thành Thăng Long, thành Hà Nội được hiển thị qua một bề dày lịch sử từ thời Tiền Thăng Long cho đến thời Thăng Long và Hà Nội. Chúng tôi đánh giá rất cao kết quả khai quật khảo cổ học đã đạt được, coi đây là minh chứng của vị trí, quy mô và diện mạo của một phần Hoàng thành Thăng Long - thành Hà Nội xưa, là một bộ phận di sản văn hoá vật thể vô giá của dân tộc trên đất thủ đô ... Một quần thể di tích phong phú, đa dạng với bề dày lịch sử từ TK VII đến XX như vậy sẽ là một di sản văn hoá vô giá của dân tộc, nâng cao vị thế lịch sử - văn hoá của Thủ đô Hà Nội. Nếu công việc nghiên cứu khoa học và bảo tồn tốt thì có nhiều khả năng sẽ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Hội Sử học cũng đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho phép các nhà khảo cổ tiếp tục mở rộng công việc khai quật khảo cổ học trên toàn bộ diện tích dự định xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Trên cơ sở kết quả khai quật toàn bộ đó, mới có thể đưa ra phương án và giải pháp bảo tồn một cách khoa học và hợp lý nhất. Vì vậy, cần có kế hoạch dài hạn từng bước tiến hành điều tra, khai quật khảo cổ học trên toàn bộ khu vực Hoàng thành.

Khu Hoàng thành mới tìm thấy còn giá trị hơn cả Cố đô Huế

Những giá trị của di chỉ này là điều không cần phải bàn cãi vì đã có quá nhiều bài viết và công trình nghiên cứu viết về nó. Chính TT KHXH&NV quốc gia cũng đã đánh giá cao di chỉ này qua bản báo cáo được thực hiện hết sức công phu mới đây có tên Kinh đô Thăng Long. Trung tâm này  cũng đã so sánh di tích cung điện của kinh đô Thăng Long với một số cung điện đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Chúng tôi xin được trích nguyên văn nội dung được trình bày ở trang 1 và 2 trong tài liệu được in màu dài 15 trang này.

1. So sánh ở trong nước:

Kinh đô Huế được dựng lập dưới thời Nguyễn (1802-1945). Tháng 12 năm 1993, Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Để trở thành Di sản Văn hoá Thế giới, Cố đô cũng đã trải qua nhiều năm nghiên cứu và khai quật khảo cổ và tôn tạo, phục dựng lại. Vì 20 năm trước đây, Cố đô này cũng đã từng bị đổ nát, có hơn 85% di tích bị phá hỏng hoặc bị chôn vùi dưới đất.

So sánh diện mạo kiến trúc Di sản Cố đô Huế với Thăng Long, dù mới chỉ so sánh qua mặt bằng bình đồ kiến trúc và vật liệu trang trí kiến trúc, cũng có thể nói rằng kiến trúc cung điện của kinh đô Thăng long có phần to lớn và hoành tráng hơn nhiều cung điện ở Cố đô Huế. Ví dụ: Điện Thái Hoà nơi thiết triều của triều đình nhà Nguyễn được xem là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc Hoàng cung Huế to lớn, đồ sộ khác thường cũng chỉ có diện tích: 1305m2 (dài 43m, rộng 30m) hay cung Điện Thọ nơi ở của các Hoàng Thái Hậu cũng có kích thước dài 35m, rộng 26m. Trong khi đó, dấu vết nền móng kiến trúc của một toà cung điện vừa phát hiện ở Thăng Long (khu A) đã có chiều dài 62m, rộng 30m (chưa kể phần kiến trúc đang còn tiếp tục nằm dưới đất chưa đào.

Để hình dung cho sự so sánh này, ta có thể xem mô hình kiến trúc một cung điện của Kinh đô Thăng Long thời Lý đã được các nhà Khảo cổ học phát dựng giả định dựa trên các bằng chứng của khảo cổ.

2. So sánh với nước ngoài:

Cung điện và kinh thành của Thăng Long có lịch sử lâu đời hơn, quy mô lớn rộng và đẹp hơn kinh đô Nara, Di sản Thế giới của Nhật Bản:

- Lịch sử của Thăng Long là 1500 năm, lịch sử của Nara chỉ gói gọn trong khoảng một thế kỷ.

- Tổng diện tích khu vực Hoàng thành Thăng Long là hơn 4.000ha.

- Các trang trí cung điện của Thăng Long nhiều, đẹp, phức tạp và cầu kỳ. Trong khi đó, các trang trí trên cung điện Nara đơn giản hơn, không đẹp và không phong phú bằng ở kinh đô Thăng Long.

- Năm 1988, nhờ sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân, di tích Kinh đô Nara đã được công nhận là Di tích Quốc gia và Di sản Văn hoá Thế giới. Tại di tích này, ngày nay có những di tích Chính phủ để nguyên vết tích cũ của nền móng còn lại, có di tích được dựng mô hình, có di tích được phục dựng lại trên nền móng cũ...

Chúng ta sắp sửa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Vậy nếu phá di chỉ quý giá này, chúng ta lấy gì để chứng minh cho sự tồn tại của kinh thành Thăng Long xưa. "Nếu có thể nói với người chịu trách nhiệm quyết định vận mệnh của việc này, tôi sẽ tha thiết đề nghị: Hãy giữ lấy những gì lịch sử phải mất cả nghìn năm trời. Ta cứ tự hào sách vở rằng Tổ quốc 4.000 năm lịch sử, thử hỏi bằng chứng của ta ở đâu, có những gì?" (Thư của độc giả Hoàng Đức Vương (HoangDuc.Vuong@ait.ac.th) gửi cho VietNamNet lúc 10h27 tối ngày 26/9/2003). 

Hiên nay, thế giới rất quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn phát huy di sản văn hoá. Di sản văn hoá dân tộc là tài sản vô giá của lịch sử nhân loại để lại, là mạch nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong tổng thể, việc bào tồn toàn bộ khu vực này sẽ kết nối với toàn bộ di tích của khu vực gồm: phía Đông là Cột cờ, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn, các di tích tại địa điểm của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - các di tích cung điện Thăng Long thời Lý, Trần ở khu vực Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) - Hội trường Ba Đình lịch sử (cũ) - Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác Hồ - Nhà sán Bác Hồ - Bảo tàng Hồ Chí Minh), tạo thành một hệ thống di tích liên hoàn và hoàn chỉnh có giá trị hàng đầu của quốc gia và rất độc đáo trên thế giới. Việc kết nối hệ thống di tích ở đây tạo thành một quần thể di tích nối liền từ quá khứ tới hiện tại. Hơn thế nữa, việc này còn tạo thêm một điểm thăm quan, du lịch hết sức hấp dẫn cho các nhà khoa học, khách du lịch trong và ngoài nước ỏ ngay trung tâm Thủ Đô. Không thể phủ nhận đây sẽ là điểm để ngành du lịch "hái ra tiền".

  • Bích Hạnh
,
,