221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
112128
"Lạm thu" tiền trường quanh năm!
1
Article
null
'Lạm thu' tiền trường quanh năm!
,
 
 

Năm nào cũng vậy, trước khi bước vào năm học mới, lãnh đạo ngành GD - ĐT TP.HCM luôn khẳng định chắc nịch: "Sẽ chấn chỉnh tình trạng lạm thu"! Thế nhưng trong thực tế, các khoản thu trong trường học vẫn ngày càng... lạm, thậm chí với mức chóng mặt!

Bao nhiêu cho vừa?

Phụ huynh học sinh (PHHS) lớp 6 tăng cường tiếng Anh Trường THCS Minh Đức, Q.1 bức xúc phản ảnh: "Ngày 3/9/2003, phụ huynh của hai lớp tăng cường tiếng Anh được mời họp nghe giới thiệu chương trình học. Sau đó được yêu cầu đóng 1 triệu đồng tiền cơ sở vật chất, theo người đại diện Hội phụ huynh, đây là thông lệ của các lớp tăng cường tiếng Anh từ bốn năm nay. Ngày 14/9 vừa rồi lại họp phụ huynh và được yêu cầu đóng ngay khoản tiền trên cho Chi hội trưởng Hội PHHS của lớp mà không được nhận một tờ biên lai nào. Con chúng tôi có phải thuộc dạng thiếu điểm đâu để đóng tiền cơ sở vật chất?".

Ngoài ra, những phụ huynh này còn cho chúng tôi xem một danh sách dài các khoản đóng góp đầu năm, kể cả tiền ăn trưa và bảo hiểm y tế mà nếu đóng đủ tính ra phải thêm khoảng 800.000 đồng nữa, trong đó có tới ba khoản quỹ: quỹ Hội PHHS trường 150.000 đồng/năm, quỹ Hội PHHS lớp 50.000 đồng/học kỳ và quỹ khuyến học 20.000 đồng/năm.

Nằm ngay trong chợ Cầu Muối, đa số phụ huynh ở trường này đều thuộc thành phần lao động nghèo. Nhưng với khoản đóng góp đầu năm lên đến 1,8 triệu đồng, tương đương hai tháng lương của một công nhân viên bình thường thì quả là một gánh nặng!

Trong khi đó, HS của lớp 12A8 Trường THPT Lê Quý Đôn ngoài việc phải đóng 140.000 đồng quỹ Hội PHHS trường, còn phải đóng thêm 150.000 đồng quỹ Hội PHHS lớp.

Thế nhưng bà Trần Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn - lại trả lời như người "ngoài trường": "Nhà trường không hề biết đến việc thu quỹ Hội PHHS lớp, đó là việc của Chi hội PHHS"(?).

TP.HCM có quy định khá chặt chẽ trong các khoản thu của ngành GD-ĐT. Được phép thu khoản nào, ngành giáo dục phải có tờ trình cho HĐND thành phố xem xét, đồng ý rồi UBND thành phố mới ra quyết định.

Cho tới nay, trên nguyên tắc các trường cũng chỉ được thu các khoản theo quyết định của UBND thành phố ban hành từ năm học 2000-2001. Và vì vậy để "lách", không ít trường đã viện tới hội PHHS và "tu bổ cơ sở vật chất" (ngoài khoản tiền cơ sở vật chất đã có trong quy định). Trường THPT Gò Vấp thu 150.000 đồng ngay từ khi phụ huynh đến nộp hồ sơ vào lớp 10. Khoản này được gọi là "ủng hộ trường để trang bị cơ sở vật chất". Gọi là ủng hộ nhưng vào thời điểm trên, có mấy ai can đảm từ chối?

Nhiều trường THCS, THPT những năm gần đây cũng rộ lên khoản thu khá nặng là tiền tăng tiết (hoặc tiền học trái buổi). Chẳng có quy định nào cho phép nhà trường được tăng tiết ngoài việc được phép phụ đạo HS yếu, mà HS yếu thì phải vào năm học hay hết một học kỳ mới xác định.

Hiện nhiều trường tăng tiết 100% HS ngay từ đầu tháng 9 mà thực chất là dạy thêm học thêm. Trường THPT bán công Trần Khai Nguyên năm rồi cho HS ba khối 10, 11, 12 tăng thêm 12-16 tiết trái buổi/tuần, thu 60.000-80.000 đồng/tháng.

Năm nay cũng số tiết như trên, HS phải đóng 70.000 đồng/tháng (khối 10, 11) và 90.000 đồng/tháng (khối 12). Trái khoáy hơn, HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn chỉ đóng học phí chính khóa 270.000 đồng/năm học nhưng học phí tăng tiết đến 972.000 đồng/năm.

Quanh năm thu tiền!

Trong các khoản thu, tăng tiết được xem là khoản dễ "xài" nhất, do trường tự thu tự chi - ít bị người ngoài trường "kiểm tra".

Lạ lùng ở chỗ: ngoài tiền học chính khóa, các trường đã viện đủ cớ để thu tiền thêm suốt năm: mùa hè thu tiền học hè, trong năm học thu tiền tăng tiết, cuối năm học (khoảng từ tháng 4 hoặc tháng 5 khi lớp 9, 12 học xong chương trình chính khóa và ôn thi tốt nghiệp) thu tiền ôn thi, luyện thi. Kiểu thu này Sở GD-ĐT thành phố không thể không biết, nhưng các trường vẫn "bình chân như vại"!

Các khoản thu "ngoài luồng" trên bao giờ cũng được gắn dưới chiêu bài "đã thỏa thuận với phụ huynh". Nhưng phụ huynh ở đây chắc chắn chỉ có thể là ban chấp hành hội, có mở rộng thêm cũng chỉ dừng lại ở chi hội các lớp. Đó là đội ngũ - phần lớn đều "tích cực và khá biết điều" với ban giám hiệu trường.

Một chủ tịch hội phụ huynh của một trường THPT bán công tâm sự: "Thỏa thuận với hội chứ thật ra nhà trường đã tính toán đâu đó cả rồi, chỉ đưa cho chúng tôi ký mà thôi. Ngay cả việc học tăng tiết, đâu phải phụ huynh nào cũng muốn cho con học thêm ở trường. Con tôi về kể có hôm buổi sáng học bài chính khóa chưa xong, buổi chiều vào dạy tiếp. Như vậy thực chất dạy trái buổi chỉ là kéo dài giáo án để tải chương trình. Biết vậy nhưng vẫn phải ký".

Tất nhiên với đa số phụ huynh, giữa cuộc họp đông đủ toàn trường, có ban giám hiệu, giáo viên, mấy ai đủ tự tin đứng lên phản đối cái khoản tiền "nhạy cảm" gọi là "ủng hộ nhà trường" hay "dùng để mua quà tặng giáo viên nhân dịp lễ, Tết"?

Nhiều phụ huynh có bất bình cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" cho yên chuyện vì "nói ra chắc gì đã cải thiện được tình hình mà con mình lại bị chú ý".

Như ở lớp 12A8 Trường THPT Lê Quý Đôn, có hai phụ huynh thắc mắc về tiền trường tại cuộc họp phụ huynh. Ngay ngày hôm sau, hai HS (con của hai vị này) đã bị giáo viên chủ nhiệm gọi tên: "Hai em bị loại ra khỏi lớp". Những ngày tiếp theo, hai HS này còn liên tục bị giáo viên chủ nhiệm yêu cầu "về nói với bố mẹ phải làm bản cam kết không tham gia sinh hoạt của trường"!

Cũng tại cuộc họp PHHS lớp 12A8 trên, khi một số phụ huynh phản ảnh "có những gia đình kinh tế chật vật sẽ khó có khả năng đóng nhiều khoản tiền", giáo viên chủ nhiệm đã nói ngay: "Người nghèo ở trường này đếm trên đầu ngón tay. Các vị chọn trường chứ trường không chọn các vị. Nếu các vị cảm thấy cho con theo học trường này không nổi thì xuống bổ túc văn hóa lớp đêm mà học. Ở đó chỉ dạy chữ thôi, không đóng góp gì hết"(?!).

Đến mức như thế PHHS làm sao chịu thấu?!

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,