221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
469942
Đội tuyển có bốn cậu bé "vàng"
1
Article
null
Đội tuyển có bốn cậu bé 'vàng'
,

(VietNamNet) - Bài 0 điểm vẫn được Huy chương Vàng, được Huy chương Vàng vẫn buồn... Đó là những câu chuyện về đội tuyển Toán Việt Nam lần đầu đạt thành tích cao nhất qua các kỳ Olympic Toán quốc tế vừa trở về sáng nay.

Các thành viên của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam 2004

Mất điểm bài số 3

Sáu thành viên của đoàn hầu như đều giải ngon lành 6/7 bài toán trong hai ngày thi. Hai Huy chương Vàng Nguyễn Minh Trường, Phạm Kim Hùng đều giành điểm tuyệt đối 7/7 cho các bài toán này. "Các bài về bất đẳng thức, hình học là dạng quen thuộc, có thể nói là sở trường của đội Việt Nam. Bài về số học hơi khó một chút nhưng là đề đẹp." - Kim Hùng hóm hỉnh nhận xét.

Tuy nhiên, trong bài thứ ba  về tổ hợp thì tất cả đều phải "chùn" bước. Minh Trường ngậm ngùi 'ẵm" điểm 0. Các thành viên còn lại, khá khẩm hơn, được 2 điểm. Lý do, theo Kim Hùng, là vì bài này yêu cầu giải phải có kết quả mới được điểm. Còn theo Minh Trường, bài số 3 đều là bài hóc với tất cả các đội tuyển và chỉ có ít người làm được. Kiểu bài này lại chưa được ôn luyện nhiều ở Việt Nam.

Bốn HCV: Phạm Kim Hùng (lớp 11) và  Lê Hùng Việt Bảo (lớp 12) ở Khối phổ thông chuyên Toán-Tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐHQG Hà Nội); Nguyễn Minh Trường (lớp 12, trường THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng); Nguyễn Kim Sơn (lớp 12, khối phổ thông chuyên Toán-Tin, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Hai HCB: Nguyễn Đức Thịnh (lớp 11), và Hứa Khắc Nam (lớp 12) đều học Khối phổ thông chuyên Toán-Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Mặc dù nhận được Huy chương Vàng nhưng Lê Hùng Việt Bảo trong buổi đón đoàn sáng nay tại sân bay Nội Bài lại có ý lẩn tránh đám đông. Ngay cả trong buổi tối có kết quả thi, khi một số thành viên trong đoàn đã gởi e-mail về nhà báo kết quả, Bảo vẫn "gan lì" không chịu báo tin về, khiến người mẹ hết sức sốt ruột...

Nguyên nhân là ở lần đạt Huy chương Vàng thứ hai liên tiếp này, Bảo lại có số điểm đứng thứ ba trong đoàn. Có lẽ vì lần thi năm ngoái, với điểm số tuyệt đối 42/42 đã tạo một áp lực vô hình lên cậu bé.

"Trước khi sang Hy Lạp, Việt Bảo bị ho và sốt cao." - chị Phạm Thị Việt Uyển, mẹ Bảo cho hay. Việt Bảo là một trong 43 em được chọn trong cuộc thi Toán quốc gia với số điểm tuyệt đối là 40/40. Trong cuộc thi chọn từ 43 thí sinh để lọc ra sáu thành viên dự Olympic quốc tế, em cũng đoạt giải nhất với số điểm 40/42 điểm, cách xa thí sinh đứng thứ nhì (đạt 29 điểm).

Phải đầu tư cho tiếng Anh thôi!

Đến Hy Lạp sáng 8/7 và về Nội Bài ngày 20/7 nhưng các thành viên chỉ dự thi trong hai ngày. Thời gian còn lại dành cho tham quan thắng cảnh xứ sở thần Zeus và giao lưu với hơn 500 thành viên của 85 đội tuyển. Sang Hy Lạp, có nhiều thay đổi, tất nhiên rồi (chẳng hạn món ăn chủ yếu là rau, hoa quả nên "đoàn ta" thường "sơ-cua" thêm món mì tôm mà các thầy cẩn thận mang theo)...

Sự khác biệt rõ nhất có lẽ là "thời gian ở Hy Lạp ngày dài hơn đêm, mặt trời lặn rất muộn" - Minh Trường cho hay - "như thế thì thật tuyệt bởi một ngày, người ta sẽ làm được nhiều việc hơn". Còn với Phạm Kim Hùng, đi thi Olympic quốc tế đúng là cơ hội để thúc đẩy ý chí học tiếng Anh mạnh mẽ hơn. Ở nhà học tiếng Anh không "suya" lắm vì phải đầu tư thời gian cho môn Toán nên sang đây, chỉ giao lưu sơ sơ với các bạn ở các nước không nói tiếng Anh và cười là chính. Nhất là khi đi tham quan, Ban tổ chức sắp xếp theo thứ tự A, B, C nên thành viên đoàn Việt Nam lại ngồi cùng đoàn xe với các bạn người Mỹ nói tiếng Anh như gió (dĩ nhiên rồi). "Phong cách cởi mở và thân thiện của các bạn nước ngoài đúng là điều đáng học hỏi. Có lẽ nguyên nhân chính là vì tiếng Anh của mình chưa tốt." - Nguyễn Kim Sơn, một Huy chương Vàng khác cho biết.

Hơi buồn một chút vì chỉ giành được Huy chương Bạc, nhưng Hứa Khắc Nam và Nguyễn Đức Thịnh lại quên ngay khi đêm giao lưu tổ chức vào tối 18/7 vui quá trời. Tất cả nhảy theo điệu vũ Hy Lạp, có nhạc công đệm đàn. Dẫu sao thì cũng đã kịp trao đổi nick (nickname - biệt danh) với nhiều bạn ở các quốc tịch khác nhau...

2007, Olympic Toán quốc tế ở Việt Nam

Thông thường, các đội tuyển đi dự Olympic Toán quốc tế của Việt Nam thường được chọn lọc sau hai vòng thi từ các thi sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, sau đó được tập trung ôn luyện hơn một tháng trước khi lên đường. Với Kim Hùng, thời gian ôn luyện này là củng cố lại kiến thức, thời gian trang bị kiến thức nhiều và hiệu quả nhất là lúc trước khi thi quốc gia. Còn Minh Trường, cậu bé đến từ trường THPT năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng, thời gian ôn luyện một tháng thực sự hữu ích vì các thầy ở Viện Toán học, rồi trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên viên Bộ GD-ĐT đã dạy thêm nhiều kiến thức mới.

Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam đạt 196 điểm, xếp thứ tư toàn đoàn. Cuộc thi lần thứ 45 này có trên 500 thí sinh của 85 nước tham gia. Đoàn Trung Quốc xếp thứ nhất với 220 điểm, toàn đoàn đoạt 6 HCV; Đoàn Mỹ xếp thứ hai với 212 điểm, 5 HCV, 1 HCB; Đoàn Nga xếp thứ ba với 205 điểm, 5 HCV, 2 HCB.

Đoàn Bulgaria - từng đoạt giải Nhất năm ngoái - lần này xếp thứ năm với 194 điểm. Đoàn Nhật Bản xếp thứ tám với 182 điểm.

Với những thành tích ghi được qua các kỳ Olympic Toán quốc tế, năm 2007, Việt Nam sẽ là nơi đăng cai tổ chức cuộc thi này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các Huy chương Vàng này sau đó sẽ tiếp tục "tỏa sáng" ra sao. Ông Nguyễn Văn Minh, người từng nhiều năm dẫn đoàn Olympic Việt Nam đi thi Olympic quốc tế cho hay: Thời gian qua, những thành viên đoạt giải Toán quốc tế thường chọn con đường học tại các lớp tài năng, chất lượng cao của các trường ĐH và tìm kiếm cơ hội du học nước ngoài. Hiện đã và đang có nhiều em học tập, thậm chí công tác, làm giảng viên tại các trường ĐH của Mỹ, Pháp.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Toán học Hoàng Tuỵ, cho hay: Việt Nam là đất nước có tiềm năng về Toán học. Thế nhưng tiềm năng này chưa được phát triển xứng đáng. Cách đây sáu-bảy năm, GS cùng một số vị trong Hội Toán học có đề nghị thành lập một trung tâm đào tạo tiến sĩ toán học, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đề nghị này đã được sự đồng tình của nhiều quan chức Chính phủ lúc ấy, nhưng rồi kế hoạch lại bị bỏ ngỏ...

Tháng 4 vừa qua, Viện Toán học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia) cùng Nhóm Sáng kiến Khoa học (SIG) của Mỹ đã tổ chức hội thảo  về xây dựng khả năng khoa học và công nghệ của Việt Nam. Hạ nghị sĩ George Miller, thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ (VEF) đã có buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm trình bày ý tưởng thành lập Trung tâm Tài năng trẻ cho Việt Nam để những người đã qua nghiên cứu ở Mỹ có điều kiện trở về phục vụ tốt hơn cho đất nước, trước mắt là trong lĩnh vực Toán học mà Việt Nam có thế mạnh.

Trong khi đó, một chiến lược về nhân tài của Việt Nam hiện đang được giao cho Vụ THPT (Bộ GD-ĐT) soạn thảo.

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,