221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
493714
Không để nhân tài "cắm chân" suốt đời ở xã
1
Article
null
Không để nhân tài 'cắm chân' suốt đời ở xã
,

(VietNamNet) - Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã giao cho ĐHQG Hà Nội hoàn thiện dự án thí điểm "phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài" (đã được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, Khoá IX). Trao đổi với GS Đào Trọng Thi, giám đốc ĐHQG Hà Nội, đơn vị "sản xuất" "quy trình công nghệ" hình thành nhân tài.

Ông Đào Trọng Thi: Hy vọng sẽ bao quát hết những người có tài năng để đóng góp cho xã hội nhiều hơn. (Ảnh: Bùi Tuấn)

Trong đề án thí điểm hình thành nhân lực tài năng, ĐHQG Hà Nội có đưa ra ba loại hình tài năng. Theo đánh giá của GS, loại nào mình có ưu thế?

- GS Đào Trọng Thi: Có thể nói đất nước ta không thiếu tài năng và trong lĩnh vực nào cũng có tài năng. Nhưng kinh nghiệm về việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thì chúng ta có nhiều hơn trong lĩnh vực khoa học-công nghệ. Lĩnh vực này gắn chủ yếu với nhà trường, với các cơ sở nghiên cứu, vì vậy nằm trong tầm tay của các nhà khoa học. Vừa qua, ĐHQG Hà Nội và một số trường ĐH trọng điểm đã tiến hành bồi dưỡng và đào tạo các sinh viên tài năng, chất lượng cao. Trước đó nhiều năm, chúng ta đã thực hiện chương trình chuyên ở phổ thông, đạt nhiều thành tích. Học sinh ở ta đi thi nước ngoài, đặc biệt những môn như Toán, ta có thể đạt vị trí rất cao so với thế giới, không kém gì những nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn và ít kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực tài năng quản lý và tài năng kinh doanh.

Thành tích học sinh đạt được qua các kỳ thi quốc tế là điều đã được công nhận qua nhiều năm. Nhưng lại có một thực tế: Ta có tiềm năng mà chưa thấy các tiềm năng ấy phát triển và cũng chẳng biết bây giờ họ đi đâu. Tại sao đề án không đề cập đến vấn đề này, có một khảo sát để tìm nguyên nhân tại sao ta lại lãng phí như vậy?

- Như tôi đã nói, đúng là ta chỉ dừng lại phát hiện những mầm non năng khiếu, đào tạo bồi dưỡng ở phổ thông, cùng lắm là chương trình ĐH. Sau đó họ làm gì, ta chưa theo dõi, đặc biệt là chưa có một chính sách nhất quán và thống nhất để trọng dụng họ. Chính vì vậy, các hội thảo về nhân tài trong khuôn khổ của dự án thí điểm này không dừng lại ở đào tạo, bồi dưỡng mà bàn chủ yếu là sử dụng, trọng dụng nhân tài.

Ông có nói: Tài năng ta không thiếu, vấn đề quan trọng hơn là sử dụng và trọng dụng nhân tài. Vậy tại sao dự án không tập trung vào việc đề xuất các biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tài năng đã có mà lại xây dựng một quy trình: phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, rồi lại thí điểm trong thời gian chỉ có bảy năm?

- Ta có kinh nghiệm ít nhiều trong việc phát hiện mầm non năng khiếu ở lứa tuổi phổ thông và giúp cho họ phát huy được những tài năng của họ. Nhưng chương trình đào tạo ĐH chưa có nhiều kinh nghiệm. Sắp tới, khi được sự quan tâm đầy đủ, sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo, công việc này sẽ được thực hiện đầy đủ và thống nhất hơn, toàn diện hơn.

Mặc dù dự án chỉ đặt vấn đề thí điểm trong bảy năm nhưng mục tiêu của ta là những nhân tài đỉnh cao, có thể họ trở thành lãnh đạo cao cấp của các Bộ, ngành, các địa phương, tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, rồi các nhà khoa học đầu ngành, nhà kinh doanh của doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, nó không dừng lại ở bảy năm đó. Sau đó, chúng tôi đề nghị Nhà nước giao nhiệm vụ thường xuyên để chúng ta thực hiện ở quy mô rộng rãi hơn, đáp ứng yêu cầu đa dạng về nguồn nhân lực tài năng.

Trong dự án, phần về tài năng trong lĩnh vực quản lý, sinh viên tốt nghiệp ĐH một số ngành như quản trị kinh doanh, luật, quản lý nhà nước sẽ trở về hoạt động từ cấp xã, rồi từ đó bồi dưỡng và phát lộ thành tài năng trong lĩnh vực quản lý. Tuy vậy, trong thực tế, rất khó để sinh viên tốt nghiệp chịu về xã công tác?

- Lúc đầu, chúng tôi nghĩ có thể đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng họ ở cấp xã, nhưng trên thực tế và rút kinh nghiệm ở một số nước, người ta không làm cấp xã, mà từ cấp huyện. Vì vậy, chúng tôi không đề cập tới việc rèn luyện ở cấp xã mà bắt đầu từ cấp huyện. Tôi nghĩ những người tài năng này được đưa về địa phương, cơ sở để rèn luyện, thử thách là một sự ưu tiên và chú trọng của nhà nước trong việc tao điều kiện cho họ phát triển. Tôi nghĩ rằng họ sẽ nhiệt liệt hưởng ứng. Đây không phải là đưa họ về rồi cắm chân suốt đời ở đấy. Đưa về để rèn luyện và bộc lộ khả năng, khẳng định được mình, sẽ được Nhà nước trọng dụng ở mức độ cao hơn.

Có một thực tế là những sinh viên tốt nghiệp về công tác ở huyện là sinh viên một số ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, v.v... hoặc những sinh viên có kết quả học tập không phải xuất sắc ở bậc ĐH. Vậy chọn họ làm đối tượng để bồi dưỡng tài năng quản lý thì có phải là phí phạm một nguồn nhân lực khác giỏi giang hơn hay không?

- Ở đây, có hai nguồn. Nguồn thứ nhất là chọn học sinh giỏi, có năng khiếu để chúng ta chuẩn bị ngay ở chương trình ĐH. Như vậy không phải mọi sinh viên đều có thể được tham dự chương trình này, mà đây là những người được chọn lọc trong những người xuất sắc. Loại hai là chọn những người đã thể hiện mình qua thực tiễn. Họ đã ra công tác rồi, có thể ở chương trình ĐH họ không thể xuất sắc nhưng trong  thực tiễn, họ bộc lộ được mình, có nhiều thành tích. Thực tiễn là thước đo quan trọng đánh giá năng lực con người. Vì vậy, bằng cả hai nguồn đó, chúng tôi hy vọng sẽ bao quát hết được những người có tài năng để đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Đặt trường hợp những người được phát hiện, đưa vào đào tạo, bồi dưỡng nhưng đến khi học xong lại không trở về làm đúng vị trí như "quy trình" đã dự kiến; hoặc muốn về vị trí đó nhưng cũng khó vì hiện đang có người nắm giữ. Ông có thấy 'quy trình công nghệ" hình thành tài năng có bị... "hàn lâm" quá chăng?

- Nếu được lãnh đạo Đảng và Nhà nước thông qua, dự án này sẽ trở thành cơ chế hoạt động chính thức của Nhà nước chứ không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của một số người. Tất cả việc đánh giá phải thông qua các hội đồng, có chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền hẳn hoi. Tôi hy vọng cách làm như vậy sẽ đảm bảo tính chất khách quan hơn, công bằng và chính xác hơn. Chúng tôi cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tính thực tiễn trong đề án.

Xin cảm ơn ông!

  • Hạ Anh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,