221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
573790
Tết này con lại không về...
1
Article
null
Tết này con lại không về...
,

(VietNamNet) - Những giọt nước mắt cứ chực trào khi mọi người nhắc đến Mẹ, Gia đình, Tết. Lúc được hỏi "bạn muốn gửi lời chúc gì tới mẹ", Hằng khóc oà lên. Các bạn nam cũng khó giấu ánh mắt rơm rớm nước khi kể về những cái Tết xa quê từng nếm trải.

Sài Gòn thì nóng, sao thấy lạnh thấu xương...

Khoản chi phí tàu xe quá cao khiến nhiều sinh viên (SV) không được sum họp cùng gia đình trong ngày Tết. Bùi Thu Hiền (SV trường Kinh tế TP.HCM, quê Nghệ An) tính toán: 300.000 đồng/1 lượt đi, còn thêm tiền ăn uống dọc đường. Mỗi lần về quê, chi phí lên đến 700.000 đồng. Cũng vì thế, đã 3 năm xa nhà, chưa một lần Hiền về quê.

Chị của Hiền, đã ra trường một năm, nhưng cũng chỉ một lần được về quê ăn Tết. Và năm nay, em trai, SV năm nhất trường CĐ Công nghiệp IV cũng ăn Tết cùng hai chị tại TP.HCM. Hiền bảo: "Ba chị em không về quê, có thể tiết kiệm được trên 2 triệu, đủ để đóng học phí cho học kỳ tới". 

SV ở lại ăn Tết đang kể cho nhau nghe về kỷ niệm Tết quê mình.

Trong buổi Họp mặt dành cho SV đón Tết xa nhà do Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM tổ chức, không khó để gặp những SV đã có 3,4 thậm chí 5 năm không một lần về quê.

Phước Thành (ĐH Công Nghiệp TP.HCM) đã 4 năm chưa được đón Tết cùng gia đình. Thành chia sẻ: "Những ngày cuối năm, em ít khi có mặt ở phòng trọ, thấy cảnh các bạn xếp vali về quê, em không chịu được. Nếu cho một điều ước, em chỉ ước được ôm chầm lấy mẹ để nói rằng "con rất nhớ mẹ". Cứ sau một cái Tết, em lại quyết tâm làm thêm, để dành tiền về quê, nhưng lại không được". Định hỏi tiếp vài câu, nhưng thấy Thành đã quệt vội giọt nước mắt, lại thôi.

Với Thanh Hằng (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), hễ nghĩ đến "Giờ này ở nhà..." là nước mắt đã trào ra. Mấy hôm nay, Hằng sợ nhất là nghe các bạn trong phòng nhắc đến hai chữ "về quê". Mỗi lần có bạn chia tay về là mỗi lần Hằng lại tủi thân. "Lúc vào đây học, em không nghĩ đến chuyện phải ở lại đây ăn Tết. Không biết năm nay thế nào, giao thừa năm trước, em đã phải thốt lên 'một giao thừa kinh khủng nhất trong đời'.  Ai nói năm sau sẽ đỡ nhớ nhà hơn năm trước, riêng em, em thấy nỗi nhớ càng nhân lên gấp đôi".

Quốc Tuấn thì kể về nỗi nhớ nhà bằng một kỷ niệm của Tết trước. Sáng mồng một, em đi bộ đến nhà chị họ ở gần ký túc xá.

Đêm 30, sau khi kết thúc công việc, Tuấn đã lang thang ngoài đường phố để đón giao thừa một mình. Sài Gòn thật nóng, nhưng em lại có cảm giác lạnh đến thấu xương. Mất nửa tiếng mới đến được nhà chị họ. Đến nơi, cửa đóng im ỉm. Tự nhiên nước mắt rơi, có cảm giác như thế giới này đã quên sự tồn tại của mình. Lê từng bước mệt mỏi về KTX, vừa đói bụng, vừa tủi thân. Lúc đó em cứ nghĩ mình như một kẻ lang thang, không nhà cửa, không cha mẹ. Không thể diễn tả được nỗi buồn, cô đơn.

Những SV có "thâm niên" đón Tết xa nhà đã có nhiều kinh nghiệm nên phần đông đã kiếm được một công việc làm trong mấy ngày Tết hoặc làm cho đến tối 30, và sáng mồng 2,3,4 đi làm lại.

 Nhưng với những bạn lần đầu tiên thì còn nhiều ngỡ ngàng. Nguyễn Văn Thực (Thanh Hoá)  thổ lộ: "Giờ này em nhớ nhà lắm rồi! Hôm nào cũng đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa là Tết. Cả khu nhà trọ mấy chục phòng, giờ chỉ còn em và một bạn phòng bên cạnh. Giờ muốn về đến Thanh Hoá phải có ít nhất 400.000 đồng. Thôi, ở lại để bố mẹ bớt vất vả".

Cũng lần đầu đón Tết xa nhà như Thực, nhưng Huyền (quê Đồng Nai) lại may mắn hơn: "Quê em gần, nhưng mấy ngày Tết em phải đi múa ở Suối Tiên, nhớ nhà nhưng kiếm được trên trăm ngàn một ngày. Ráng làm mấy ngày Tết, để có tiền đóng học phí".

SV ở lại ăn Tết… giảm

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm hỗ trợ SV TP.HCM, có 950 SV ở lại quê ăn Tết, trong đó trường có SV ở lại ăn Tết năm nay cao nhất là trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tiếp đến là trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật : 100, Học viện hành chính quốc gia: 79… trường thấp nhất là TH Kỹ thuật và nghiệp vụ Thủ Đức chỉ có 2 SV... Trên thực tế, con số này có lẽ còn nhiều hơn.  

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV, so với mọi năm, năm nay SV ở lại ăn Tết giảm hơn do có 2.000 vé xe miễn phí cho SV ở xa và nghèo không có điều kiện về quê ở Tết.

 

Những bạn ở lại Trung tâm hỗ trợ SV tổ chức chương trình họp mặt “SV ăn Tết xa nhà” vào tối 24 Tết và có 500 bạn được nhận quà Tết. Sau đó, đoàn sẽ đi đến tận KTX để thăm các bạn SV ở lại.

 

Mọi năm đến thăm thấy các bạn SV ở lại buồn, thậm chí có bạn khóc... nên năm nay, Hội có tổ chức việc làm cho SV những ngày Tết như làm trật tự trên đường, làm công tác xã hội như đi thăm trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, bị bệnh AIDS vào ngày 2 và 3 Tết…

 

Ông Trần Thanh An – Giám đốc KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: trường khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho SV về quê ăn Tết. SV nào không thể về được thì trường tổ chức gặp mặt SV vào 29 Tết và tặng cho mỗi SV 100.000 đồng. Trong thời gian này công tác quản lý ký túc xá càng chặt hơn như; SV ra vào phải có thẻ… Đặc biệt là những trường hợp không về quê ăn Tết do điều kiện khó khăn, ở xa mà do… ở lại với người yêu. Năm ngoái trường có vài trường hợp như vậy nên năm nay trường rất sát sao với việc ở lại của SV, SV nào ở lại phải có lý do chính đáng và rõ ràng.  

Nhiều hơn một lần, năm nào cũng thế, chúng tôi  bắt gặp những SV đón Tết xa nhà vì "tiếng gọi của con tim". Tuấn Anh (Lâm Đồng) vui vẻ lên kế hoạch Tết cho mình: "Ngày 30 em phải chở bạn gái về Tây Ninh. Sáng mồng hai lại lại phải chở xuống Sài Gòn để làm việc. Em nói dối ba mẹ là đi thực tập". Còn anh bạn Minh Quyền (Nha Trang) thì: "Nhà bạn em đi về Bắc ăn Tết hết trơn. Mỗi bạn ấy ở lại trông nhà. Để bạn ấy ở một mình không yên tâm, nên em ở lại đây ăn Tết luôn. Em chưa thuyết phục bố mẹ nữa. Mẹ em điện vô hỏi, em nói dối là sắp về. Em sẽ nói là vừa xin được việc làm thêm để lấy cớ". 

·    Cam Lu – Đoan Trúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,