221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
779244
Chủ tịch Harvard "bật mí" 4 điều quan trọng
1
Article
null
Chủ tịch Harvard 'bật mí' 4 điều quan trọng
,

(VietNamNet) - "Tôi muốn đề cập đến 4 điều quan trọng trong việc xây dựng trường ĐH Harvard, một trường ĐH có rất tiềm năng và cần phải lớn mạnh hơn nữa trong tương lai".

Chủ tịch sắp từ chức của ĐH Harvard Lawrence H. Summers giới thiệu trong bài nói chuyện, có lẽ là một trong những bài hay nhất của ông, tại hội thảo chuyên đề toàn cầu của cựu học viên Harvard, tổ chức từ 25-26/3 tại New Delhi.

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu bài phát biểu này.

Lawrence H. Summers: "Chúng tôi rất tự hào về chính sách tuyển sinh công bằng của mình"

 Tôi thật sự vui mừng được đến đây.Tôi nghĩ rằng, chuyến đi cuối cùng ra nước ngoài trên cương vị là hiệu trưởng ĐH Harvard này có lẽ cũng là chuyến đi có ý nghĩa quan trọng nhất bởi vì nó biểu tượng cho những hợp tác chặt chẽ giữa Harvard và các trường ĐH ở Ấn Độ trên nhiều phương diện.   

Chúng ta đang chứng kiến thời khắc thay đổi quan trọng của lịch sử Ấn Độ, lịch sử Harvard cũng như lịch sử  thế giới.   

Đôi lúc tôi tự hỏi, không biết những sự kiện nào đang xảy ra ngày nay sẽ được ghi vào sách sử trong 300 năm nữa. Điều đầu tiên cần phải nhớ là sẽ không nhiều sự kiện được ghi vào sử sách đâu...300 năm nữa thì còn ai nhớ được năm 1760 khác với năm 1800 thế nào, và từ 1800 đến 1845 sẽ có những thay đổi gì? 

Song, tôi tin rằng một trong những điều chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách trong 3 thế kỷ nữa là những biến đổi lớn đang diễn ra ở châu Á. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, có một thời điểm mà mức sống của dân số trên lục địa đông đúc tăng gấp 2 lần chỉ trong 1 thập kỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có thể mong chờ mức sống dân số tăng lên 30-40% trong vòng ít hơn mười năm, điều chưa từng xảy ra trong toàn bộ lịch sử phát triển của châu Âu hay của nước tôi. Thế mà hiện tại, điều thần kỳ này đang diễn ra ở lục địa với dân số chiếm đến 40% dân số thế giới. Ấn Độ đang ở trung tâm của sự phát triển này.   

Vì thế, tôi tin rằng Harvard cần phải tìm hiểu thêm về đất nước này để biết được nguyên do và ý nghĩa của những biến chuyển to lớn đang diễn ra ở đây, và hỗ trợ cho những nỗ lực của Ấn Độ trong một thời kỳ phát triển mà trong lịch sử có lẽ chỉ có thời Phục hưng và Cách mạng Công nghiệp mới sánh được. 

****

Trong buổi chiều nay, tôi muốn đề cập đến 4 điều quan trọng trong việc xây dựng trường ĐH Harvard, một trường ĐH có rất tiềm năng và cần phải lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Đây cũng  là những điều có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ giữa Harvard và Ấn Độ.  

Đầu tiên, tôi muốn khẳng định những nỗ lực không ngừng về phía ĐH Harvard để củng cố cam kết của Harvard để đảm bảo mọi người Ấn, dù giàu hay nghèo, đều có thể vào ĐH.  

Trước chuyến đi này, tôi có gặp một người đồng nghiệp của mình ở trường Quản trị kinh doanh của Harvard, đang chỉ đạo dự án quốc tế của trường. 

Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, đến điện cũng không có. Nhờ có những nỗ lực kinh tế ở Ấn Độ mà ông may mắn được hưởng, ông đã đến được Bombay, sang Mỹ, và nhờ có những kinh nghiệm đó đã trở thành một lãnh đạo của Chương trình quốc tế thuộc trường. Đó là những kết quả tuyệt vời nhất của giáo dục ĐH. 

Ở các trường ĐH xuất sắc nhất của Mỹ, chỉ có 10% số SV ĐH đến từ các gia đình có mức thu nhập thấp dưới mức trung bình. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi cần phải làm nhiều nữa. Ở Harvard, chúng tôi đã có một quyết định quan trọng là không đòi hỏi các gia đình SV có thu nhập dưới 40.000 USD/năm đóng góp cho nhà trường.  

Chính sách này cũng áp dụng cho cả SV quốc tế. Nhờ đó, năm nay có thêm 20% số SV với điều kiện gia đình như thế này đến Harvard học.  Đây là bước đầu tiên của một quá trình giúp đỡ các SV ở các thành phần kinh tế khác nhau được vào ĐH.  

Đồng thời, tất cả chúng ta, những người quan tâm đến giáo dục ĐH, phải hiểu rằng trường ĐH là một thực thể tổng hợp.  

Chúng tôi rất tự hào về chính sách tuyển sinh công bằng của mình. Mọi SV nước ngoài có khả năng xuất sắc và muốn học về y tế, giáo dục để về giúp quê hương họ, đều có thể làm được. Mọi SV muốn học về chính quyền và quản lý công cũng có thể đến trường Kenedy để học. Hơn 100 học giả cũng được đến Harvard hàng năm để tiếp tục các nghiên cứu có thể không mang đến nguồn thu nhập lớn nhưng lại có tiềm năng đóng góp nhiều cho xã hội.  

Tôi muốn nói với tất cả các bạn, những người bạn của Harvard, một điều như thế này: Một trường lớn như Harvard với mạng lưới SV đã tốt nghiệp khổng lồ (300.000 người) và nguồn vốn đóng góp từ SV đã tốt nghiệp lên tới 27 tỷ USD, chẳng nhẽ không thể cố gắng hơn để đảm bảo rằng mỗi cá nhân, mỗi trí tuệ khi đã đến đây có đủ mọi điều kiện để học tập và cống hiến? Đó là nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi. 

Điều thứ hai, tôi muốn đề cập tới tầm quan trọng của hệ thống giáo dục ĐH tổng hợp và tố chất tinh thần của mỗi SV Harvard. Có rất nhiều điều phải bàn ở đây. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta phải tập trung hơn nữa những tinh hoa của bộ phận giảng dạy vào chương trình ĐH, phải đảm bảo để SV ở bậc ĐH có điều kiện tiếp xúc và trao đổi trong từng nhóm nhỏ với những nhân vật xuất chúng, giúp SV gần gũi với giảng viên hơn.   

TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn và GS Lawrence H. Summers, Chủ tịch ĐH Harvard tại hội nghị cựu SV Harvard

Một thay đổi quan trọng nữa là thay đổi cách nhìn nhận về việc SV học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài.  

Không có nơi nào học tiếng Trung và tìm hiểu về đất nước Trung Quốc hiệu quả hơn là đến thẳng Trung Quốc, và chúng ta có thể nói tương tự như thế về các nước khác trên thế giới.  

Tôi nghĩ rằng, từ chiến tranh thế giới thứ 2, nước Mỹ chưa bao giờ lại rơi vào tình trạng hiểu nhầm các nước khác và bị họ hiểu nhầm nhiều  như hiện tại. Phải thừa nhận, đây là thất bại của nước Mỹ trong việc suy nghĩ và tìm cách nghiên cứu sâu về các nước khác trên thế giới.   

Như vậy, đóng góp của Harvard là đảm bảo để mỗi SV ra trường đều đã trải qua một số kinh nghiệm tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bằng việc học, làm, hay nghiên cứu mùa hè ở nước ngoài. Đối với chúng tôi, điều này là thiết yếu.  3-4 năm trước đây, có khoảng 400 SV của trường du học ở các nước khác. Năm nay, con số có thể lên đến hơn 1.000, nhích gần hơn tới cái đích là mọi SV của từng khóa đều đã đi học hay làm ở nước ngoài.   

Chúng tôi cũng nỗ lực để các chương trình học ở các nước như Ấn Độ thu hút được nhiều SV hơn. Hiện nay số SV ở Mỹ có nguyện vọng sang New Zealand và Úc học lớn gấp 6 lần số SV có nguyện vọng sang Ấn Độ, mặc dù Ấn Độ có dân số lớn gấp hơn 30 lần dân số của cả Úc và New Zealand cộng lại. Tỷ lệ này ở ĐH Harvard cũng không khác gì nhiều.  

Dĩ nhiên, điều này đặt nặng trách nhiệm lên vai chúng tôi: Phải tìm được trường học và đối tác tốt để chúng tôi có thể gửi những SV của mình sang tìm hiểu về Ấn Độ từ khi còn trẻ. Harvard  đã sẵn sàng làm điều này, và khi đương nhiệm, tôi cũng đã trao đổi với chính phủ và các trường ĐH ở Ấn Độ về việc chuẩn bị đón nhận những các SV của Harvard cũng như các ĐH khác của Mỹ đến.  

Bên cạnh đó, những SV Mỹ ra nước ngoài học là phải thực sự hiểu về các nước khác trên thế giới. Ngay cả trong nước, thông qua các khóa học kinh tế, lịch sử, chính trị….cần phải làm cho SV Mỹ hiểu thêm về thế giới bên ngoài nước Mỹ và châu Âu.   

Điều thứ tư, chúng tôi đang rất quan tâm và chú trọng đến việc phát triển nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong đó có khoa học đời sống.  

Trong những biến đổi lịch sử đang diễn ra ở châu Á ngày nay, một điều không thể bỏ qua là sự nổi lên của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học đời sống.  

Khi mới sang Ấn Độ 15 năm trước, việc lấy tin tức từ Mỹ vô cùng khó khăn, phải gọi một cú điện thoại đường dài từ khách sạn để đặt mua một tờ International Herald Tribute. Đến nay, mọi thứ đã khác, tôi có thể xem CNN trực tiếp từ trong khách sạn một cách dễ dàng.Tất cả những thay đổi này là nhờ có khoa học và công nghệ.  

Quan trọng hơn nữa, lần đầu tiên trong lịch sử người ta có thể hệ thống hóa các nghiên cứu về bệnh tật. Ngày nay, chúng ta có thể tìm được cách chữa bệnh một cách nhanh chóng hơn. Trong 25 năm qua kể từ ngày có Internet, chúng ta đã có nhiều thành tựu y học hơn cả trong một thế kỷ trước đó.   

Phải hiểu rằng, những điều này không phải tự nhiên mà xảy ra được. Vài năm trước đây, có môt tuyên bố từ quốc hội Mỹ, có thể là chưa hoàn toàn chính xác, nhưng hết sức ấn tượng, rằng ngành công nghiệp dược của Mỹ dành nhiều thời gian và tiền bạc vào nghiên cứu chữa bệnh cho vật nuôi của Mỹ còn nhiều hơn cho các nghiên cứu chữa bệnh cho người ở các nước thuộc thế giới thứ ba. 

Có thể điều này chưa đúng, nhưng nó cũng cho thấy một khoảng cách ngày càng lớn giữa giữa các nước phát triển và đang phát triển mà các trường ĐH với nguồn lực dồi dào như Harvard đang cố gắng thu nhỏ.  

Vì thế, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn rằng, khi tôi đang nói chuyện với các bạn ở đây thì ở sân trường Harvard đang khởi công xây dựng  các phòng thí nghiệm trên một diện tích rộng bằng 14 sân bóng gộp lại. 

Tôi cũng rất vui mừng được thông báo là trường Harvard sắp có thêm một chương trình đào tạo kỹ sư trong trường ĐH Khoa học và Nghệ thuật để đảm bảo rằng công nghệ được coi trọng đúng mức trong trong chương trình đào tạo.   

Nếu nghĩ kỹ về tất cả những điều này, ta thấy rằng những tiến bộ đào tạo về khoa học công nghệ không thể đứng tách rời khỏi những tiến bộ của các ngành khác mà cần có sự liên kết sâu sắc giữa các bộ phận trong trường ĐH và rộng hơn là là sự liên kết hợp tác của các nước khác nhau trên thế giới. 

L.Summers bắt tay những SV ủng hộ mình tại ĐH Harvard

Vì thế, tôi cũng rất vui mừng rằng đã có những mạng lưới hợp tác đầy ý nghĩa giữa Harvard với các trường khác trên thế giới, ví dụ như giữa trường Y của Harvard với mạng lưới của trường Y ở Ấn Độ. 

Sự đảm bảo này cho phép chúng ta hy vọng vào những tiến bộ nhanh chóng và mang ý nghĩa xã hội cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong tương lai. 

Tuy thế, tôi tin rằng một trường ĐH danh tiếng với dồi dào nguồn lực như Harvard chưa thể tự hài lòng với những thành tựu này. Chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể để sử dụng kiến thức và thế mạnh của nguồn nhân sự ở đây để tiếp tục những tiến bộ của con người. Chúng tôi đang làm điều này bằng rất nhiều cách khác nhau.  

Đồng nghiệp của tôi dạy một khóa về Cạnh tranh toàn cầu ở trường QTKD Harvard, nhưng nhờ có công nghệ hiện đại khóa học này cũng đang được dạy ở hàng nghìn trường khác trên thế giới.

Chúng tôi luôn mong muốn các khóa học của Harvard được chuyển đi càng xa càng tốt tới các trường ĐH khác, và đã thử nghiệm với rất nhiều mô hình. Tôi chắc chắn rằng với những nỗ lực này, chúng tôi đã có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới ở mức cao nhất trong lịch sử của trường Harvard. 

Hợp tác của chúng tôi với Google là một ví dụ. Mục đích của chúng tôi là tạo điều kiện cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới đều có thể đọc sách từ thư viện của Harvard. Dĩ nhiên còn rất nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền chưa được giải quyết xong, nhưng hiện giờ chúng tôi bắt đầu chụp sách để đưa lên mạng rồi. 

Các bạn thử tưởng tượng xem, khi dự án này hoàn thành, nó sẽ có tác động thế nào tới tri thức con người? Đến nền dân chủ các nước và việc truy cập kiến thức?  Và thậm chí nó có thể thay đổi hoàn toàn khái niệm về thư viện sách của trường ĐH. Tôi tin rằng chúng tôi còn có thể làm rất nhiều nữa trong tương lai. 

Đây là một thời khắc quan trọng trong quá trình phát triển cất cánh của Ấn Độ cũng như của trường ĐH Harvard. Sự phát triển này vượt khỏi tầm ảnh hưởng của bất kỳ cá nhân hay lĩnh vực nào. Nước Ấn Độ đang thay đổi, biến hóa và củng cố mình. Harvard cũng vậy. Tôi tin rằng, chúng ta có thể mạnh hơn rất nhiều nếu bắt tay hợp tác với nhau. Vì vậy, tôi rất vui mừng được trò chuyện ngày hôm nay với các bạn.  

"Lawrence sẽ không bao giờ lùi bước!"
Đó là một trong những lời phát biểu của các cựu sinh viên Harvard về vị Chủ tịch Harvard, người sẽ rời vị trí vào tháng 6 tới.

"…Tôi có thể kể rất chi tiết dài dòng về tiểu sử và thành tích vĩ đại của  Larry Summers, nhưng ngược lại cũng có thể quên chúng  đi và chỉ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã quan sát được từ khóa học kinh tế ở Harvard.  

Trong môn kinh tế học có một tình huống hay được đưa ra: Ta có hai lựa chọn. Lựa chọn A là cầm $5 và lựa chọn B là có $6 nhưng với điều kiện mọi người khác cũng phải được có $6, nếu không thì bạn không có gì cả.  Dĩ nhiên, theo nguyên lý về hành vi con người trong kinh tế học, mọi người đều sẽ chọn cách “ăn liền” là lấy $5.   

Tôi nghĩ, đây là điểm mấu chốt khiến người khác có thể hiểu được Larry. Ngoài lớp học kinh tế, Larry là một trong số những người hiếm hoi sẽ chọn lựa chọn. Larry không bao giờ chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt.  Ông tin rằng việc thách thức tình trạng không thay đổi không chỉ là đúng đắn mà còn mang vẻ đẹp riêng.  

Các bạn có thể cho rằng việc Larry Summers từ chức là một bước lùi, nhưng tôi không cho là vậy. Tôi biết Larry sẽ không bao giờ lùi bước, và tôi có niềm tin tuyệt đối rằng sự trở lại của ông sẽ có tiếng vang lớn. Larry đã có những đóng góp vô cùng lớn với sự nghiệp phát triển của Harvard, và tôi tin rằng tầm nhìn và lý tưởng lãnh đạo của ông sẽ còn ở lại ngôi trường này trong nhiều năm nữa".

  • Khánh Ngọc (biên dịch)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,