,
221
4681
ĐH đẳng cấp qtế cho VN
dhqt
/dhqt/
810566
Giao lưu trực tuyến: ĐH đẳng cấp quốc tế
1
Article
null
,

Giao lưu trực tuyến: ĐH đẳng cấp quốc tế

Cập nhật lúc 07:03, Thứ Sáu, 23/06/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Giáo sư Malcom Gillis có mặt tại tòa soạn VietNamNet thảo luận với bạn đọc về câu chuyện xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN. 

 

GS Malcom Gillis tại tòa soạn VietNamNet

 

Giáo sư Malcom Gillis, thành viên Hội đồng Quản trị Quỹ học bổng Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF), nguyên chủ tịch trường đại học Rice (Hoa Kỳ).

 

Ngày 21/6, một tin ngắn xuất hiện trên báo chí: Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam. Quý 1/2007 là thời hạn để trình đề án.

 

Rõ ràng, thời gian không còn nhiều.

 

Một trùng hợp lý thú: cũng ngày 21/6 giáo sư Malcom Gillis đến Việt Nam lần đầu tiên để thảo luận chủ đề đại học đẳng cấp cao.

 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên ông bàn về giáo dục của Việt Nam. Đầu năm 2001, tại khuôn viên trường đại học Princeton, ông đã có cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trần Văn Nhung với chủ đề thành lập một trung tâm đào tạo và nghiên cứu cao cấp của Việt Nam.

 

Sáng hôm qua 22/6 ông đã có buổi làm việc với Tổ công tác của chính phủ về Đề án thành lập đại học đẳng cấp quốc tế. Một buổi làm việc được ông mô tả là ấn tượng và hiệu quả. Chiều ngày 22/6 ông đã có buổi làm việc tiếp theo với Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

 

 

Giáo sư Malcom Gillis

 

Có lẽ những người học kinh tế đều biết đến tên Gillis, đồng tác giả cuốn “Kinh tế học về phát triển”, cuốn giáo khoa kinh điển cho hầu hết các trường đại học, đã tái bản lần thứ 5 và dịch ra 5 thứ tiếng. Nhưng quan trọng hơn với Việt Nam là những kinh nghiệm của ông về đại học đẳng cấp cao.

 

Giáo sư Gillis đứng đầu nhóm sáng lập Đại học Quốc tế Bremen (IUB – International University of Bremen) ở Đức. Khi nói về trường này, ông chỉ đưa ra một con số: ba phần tư học sinh tốt nghiệp được nhận ngay vào chương trình tiến sĩ của các trường đại học hàng đầu ở Mỹ. Đây là con số mà cả đại học Harvard cũng chưa có được.

 

Một điểm cần ghi nhận: trường IUB đạt được thành tựu trên chỉ sau 3 năm thành lập!

 

Giáo sư Gillis cho biết: năm 2002 trường IUB được thành lập mới hoàn toàn, theo mô hình Đại học Rice của Hoa Kỳ. Nhưng hồi năm 1900, chính Đại học Rice đã được thành lập theo mô hình Đại học Hamburg của Đức.

  

Trước khi đến Việt Nam, ông đã làm việc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng với chủ đề: thành lập mới một trường đại học đẳng cấp cao.

 

Quan điểm?

 

 

Tuy đã 10 năm làm chủ tịch trường đại học Rice, một trường với hơn 100 năm lịch sử và với số vốn 3,3 tỉ USD, những quan điểm của ông về giáo dục đại học dường như đi ngược lại truyền thống và qui mô của trường này.

 

“Một trường đại học hàng đầu ngày nay không cần lớn. Điều quan trọng hơn là phối hợp liên trường, phối hợp đa quốc gia, và phối hợp đa ngành”, ông khẳng định với VietNamNet. 

 

“Một trường thành công nhanh chóng là trường được thành lập mới hoàn toàn”. Đó là kinh nghiệm của ông khi thành lập trường IUB ở Bremen, và quan điểm của ông khi trao đổi với CHDCND Triều Tiên.

 

Những gì quyết định một trường thành công? Khó có thể nói trước, nhưng ông nêu một ví dụ: “Bản đề cương nguyên tắc của trường IUB chỉ chưa đầy 2 trang giấy, nhưng để tuyển được một hiệu trưởng giỏi thì phải mất hơn 1 năm.”

 

 Một trường đại học đẳng cấp cao – đó kỳ vọng của biết bao học sinh, phụ huynh, và tất cả những ai quan tâm đến tương lai đất nước. Nhưng trước mắt còn ngổn ngang bao câu hỏi. Đẳng cấp là gì? Nguồn tiền sẽ từ đâu? Bao giờ sẽ có? Lớn hay nhỏ? Đại học công hay đại học tư? Độc lập hay liên kết với ai? Gồm những ngành gì? Ai sẽ dạy và ai sẽ được học? Sẽ ngang tầm ai trên thế giới?   

 

Hãy hình dung người trả lời: một vị giáo sư râu tóc bạc trắng nhưng nói cười sang sảng, vóc dáng to lớn nhưng bước chân nhanh nhẹn, mang đầy kinh nghiệm nhưng rất cởi mở với ý tưởng mới.

 

Một khẳng định của ông: “Khó hình dung được mức độ thành công kỳ diệu, một khi quyết định đầu tư vào giáo dục.” 

MỜI CÁC BẠN THEO DÕI BUỔI GIAO LƯU TẠI ĐÂY

  • Thực hiện: Bùi Văn - Khánh Linh - Hạ Anh - Thanh Hảo

  • Ảnh: Lê Anh Dũng

  • ,

    Tin khác

    ,
    ,