221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1158967
Mẹ 7X, ông 77 tuổi mong Bộ GD-ĐT lên tiếng
1
Article
null
Mẹ 7X, ông 77 tuổi mong Bộ GD-ĐT lên tiếng
,

 - Từ nhà báo 7X là mẹ của hai bé đến ông giáo 77 tuổi, hay người từng tham gia dự án nghiên cứu tâm lý trẻ em của UNICEF... đều mong Bộ GD-ĐT sớm lên tiếng về cách làm để dư luận biết về tính khoa học của bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. (xem toàn văn dự thảo tại đây).

Trong giờ học ở trường Mầm non Hoa Hồng.

Doremon (lưu học sinh tại Nhật Bản): Không tạo "bệnh thành tích"

 Là bố của một đứa trẻ 4 tuổi, tôi hoàn toàn phản đối các ý kiến cho rằng tiêu chuẩn này sẽ làm nặng thêm bệnh thành tích của ngành giáo dục Việt Nam.

Tất cả chúng ta, đều mong muốn con cái mình phát triển toàn diện chứ không phải là có được một bộ hồ sơ đạt chuẩn. Với những chỉ tiêu hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể tự đánh giá khá chính xác về khả năng phát triển của con trẻ, biết được chất lượng giáo dục và chăm sóc của nhà trường.

Và đó sẽ là công cụ để đẩy lùi bệnh thành tích trong giáo dục mầm non. Tiêu chuẩn này cũng sẽ giúp chúng ta định hướng chính xác hơn trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ thơ ngay trong gia đình của mình, để cùng phối hợp với nhà trường cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, về sự hợp lý của các chỉ tiêu trong bộ tiêu chuẩn này, thì cần có sự nghiên cứu và thảo luận sâu hơn của các nhà chuyên môn về tâm, sinh lý trẻ thơ.

Trần Ngọc Thanh (Hà Lan): 50% trên cơ sở nào?

Theo dự thảo, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi gồm 29 chuẩn bao gồm 125 chỉ số, chia theo 4 lĩnh vực phát triển. Mỗi chỉ số có điểm tối đa là 1 điểm (đạt yêu cầu cho 1 điểm, không đạt yêu cầu 0 điểm). Trẻ được đánh giá là đạt yêu cầu của Bộ chuẩn nếu đạt được ít nhất 50% tổng số điểm tối đa của Bộ chuẩn.

Như vậy, có nghĩa là con bạn không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn đã nêu. Tôi  xin hỏi Bộ GD-ĐT là mức 50% đưa ra được dựa trên cơ sở nào?

Hơ Lim (nhà báo, thành viên diễn đàn giáo dục Edunet): Mong Bộ GD-ĐT sớm lên tiếng

Trước đây, các bà mẹ rất ít chú ý tới chiều cao cân nặng của con mình. Nhưng thế hệ chúng tôi (7X, 8X, đặc biệt là các bà mẹ ở thành thị), nuôi con theo sách, hầu như bà mẹ nào cũng biết ở những mốc quan trọng (1 tuổi, 2 tuổi...), con mình nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu...

 

Khá nhiều người trong thời gian nuôi con mọn suốt ngày vào web để sưu tầm, đọc những bài viết kiểu có thể hiểu đơn giản là “bộ chuẩn phát triển của trẻ” theo từng lứa tuổi.

 

Các hãng sữa nắm bắt rất nhanh nhu cầu này của các bà mẹ. Họ gửi cho khách hàng rất nhiều tài liệu, trong đó có những “bộ chuẩn” tương ứng với từng lứa tuổi của trẻ.

 

Cách đây 1 năm, tôi đưa đứa lớn (2 tuổi) đi dự một lễ hội một hãng sữa của Mỹ tổ chức ở công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ở gian hàng đo các chỉ số phát triển của trẻ, các bà mẹ đã phải xếp hàng dài để chờ đến lượt test của con mình. 

 

Bộ GD-ĐT tất nhiên là khó mà nhanh được như các hãng sữa. Nhưng vẫn chưa muộn. Bằng chứng là rất nhiều bạn bè tôi (đang nuôi con nhỏ) nhờ gửi tài liệu 125 tiêu chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi cho xem.

 

Mỗi trẻ đều có nhịp độ phát triển khác nhau. Phải chăng, đó cũng là lý do để một số người đọc 125 chỉ tiêu của dự thảo có những đánh giá rất khác nhau? Chẳng hạn như tôi, lướt qua một số tiêu chuẩn về thể lực, tôi tự nhủ, dễ òm, con mình mới 3 tuổi cũng đạt. Nhưng một bà mẹ khác ở cơ quan (con 5 tuổi) lại e ngại vì chị sợ thằng Tít nhà mình chưa đạt được.

 

Tôi mong Bộ GD-ĐT sớm lên tiếng về cách làm để dư luận biết về tính khoa học của bộ chuẩn đã đưa ra.

Nguyễn Khánh Xuân (Hà Nội): Cần làm "điểm" đến "diện"

Năm nay tôi đã 77 tuổi, làm nghề giáo 25 năm. Mặc dù có một số chỉ số chưa được cụ thể hoá về mức độ, ví dụ như: chỉ tiêu d, chuẩn 12 yêu cầu: "...biết được một số hành vi đúng, sai của con người đối với môi trường", hoặc chuẩn 13 yêu cầu: "...nhận ra sự công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng... nhưng nhìn chung, các chuẩn đưa ra là toàn diện.

Tuy nhiên, cần phải có biện pháp khá chi tiết và theo dõi công phu đến từng cháu mới có đủ cơ sở để đánh giá. Vì vậy, có thể cần tập huấn cho cán bộ quản lý và các cô giáo trực tiếp thực hiện để theo dõi và đánh giá từng cháu theo 29 chuẩn và 125 chỉ tiêu.

Tóm lại, cứ mạnh dạn tổ chức thực hiện từ "điểm" đến "diện". Nên chăng, cần thực hiện thí điểm trước, từ đó có điều kiện để rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh nội dung của bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

 Thuynch (thành viên tích cực diễn đàn giáo dục Edunet): Chấp nhận "chuẩn quốc tế có thích nghi văn hóa Việt"

Tôi nghĩ, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi là 1 loại test (kiểm tra) để đo sự phát triển của trẻ em.

Với trẻ em tiểu học và lớn hơn, sẽ có nhiều loại test khác nhau. Đối với trẻ mầm non thì hiếm test hơn .

Từ năm 1990 đến 1995, tôi có tham gia vào các dự án nghiên cứu tâm lý trẻ em của UNICEF, thấy họ dùng 1 loại  Test Denver của Mỹ. Khi đo, phải lấy ngày tháng năm sinh theo dương lịch, tính chính xác độ tuổi của các em. Đặc biệt, nếu về các vùng nông thôn thì phải mang theo lịch để chuyển ngày sinh từ ngày tháng năm âm sang ngày tháng năm dương. Khi đo, phải làm mẫu cho từng trẻ và đo riêng từng cháu .Thái độ phải dịu dàng và kiên nhẫn.

Tôi học test này ở một trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em. Sau đó, mỗi năm nhóm  nghiên cứu được thuê để đo 1000 trẻ hàng năm.

Việc xây dựng  test - là một loại chuẩn quốc gia phải có nhà chuyên môn sâu đẳng cấp quốc tế chủ trì cẩn thận và dễ áp dụng .

Theo tôi, Việt Nam nên chấp nhận các công cụ quốc tế và thích nghi nó vào văn hóa Việt Nam .

Sau khi  theo dõi sự phát triển của khoảng 5000 trẻ thì chúng tôi sửa 1 chỉ tiêu: ở Mỹ 12 tháng trẻ em đi vững .Ở Việt nam 15 tháng - nếu bị ốm thì sẽ chậm biết đi hơn. Còn các chỉ số về tinh thần trẻ em phát triển tương đương. Trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng nhiều .

Mặt khác, đánh giá sự phát triển của trẻ em cũng phải cẩn thận .Trẻ em có các tốc độ phát triển khác nhau. Có các năng lực phát triển khác nhau. Nhiệm vụ của cô giáo là phát hiện ưu thế của trẻ để mỗi cháu đều phát triển tốt nhất theo khả năng của mình. Nên phát hiện sự chậm của từng chỉ tiêu và kích thích nó phát triển tốt hơn.

  • Lan Anh (tổng hợp)
     
    Ý kiến đóng góp của quý vị về nội dung dự thảo:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>