- Khác với số đông bạn đọc trong gần 300 ý kiến tham gia trao đổi về câu chuyện đòn roi trong giáo dục, 2 phụ huynh trẻ, một ông bố có 2 con, một bà mẹ có con lên lớp 2 cho rằng việc đánh trẻ là do thầy cô, cha mẹ thất bại trong việc dạy con, muốn khẳng định uy quyền của mình. Họ đánh bé cho chính bản thân mình.
Một đứa trẻ đã sớm hình thành nhân cách từ thưở lên hai, lên ba, nhưng liệu có bao nhiêu thầy cô giáo thực sự để ý đến điều này? Ảnh (chỉ có tính minh họa): Lê Anh Dũng |
"Đánh trẻ là cho chính bản thân mình"
Tôi cũng có con, con tôi cũng như bao trẻ khác, cũng phá phách, cũng đôi khi không vâng lời.
Tôi cũng có đánh con (8 lần) hồi bé còn nhỏ, bé bây giờ lớn rồi và chẳng bao giờ hờn trách việc làm của cha nó, thậm chí nói theo xã hội, bé còn cám ơn ba nó đã dạy dỗ nó.
Nhưng thật lòng, đến giờ tôi nghĩ mãi, thậm chí ân hận mãi, tại sao mình lại phải đánh con. Đứa bé giống như tờ giấy trắng, hàng chữ đầu đời ghi trên tấm giấy đó là hình ảnh của người dạy dỗ nó (cha mẹ, thấy cô).
Hành xử của bé là một phần của cha mẹ nó, thầy cô nó. Vậy tại sao, bé làm sai ý mình, tôi nghĩ chỉ có 2 lý do: một là cha mẹ nó sai, hai là bé vẫn chưa ý thức được điều mình làm.
Cả 2 lý do đó không đủ điều kiện để mình đánh bé.
Người Việt Nam hay dạy theo kiểu thầy sao trò đó, cha mẹ sao con đó và chính vì sự bực tức trong mong muốn rập khuôn con mình nên bạn đánh bé.
Tôi nghĩ không có lý do gì biện minh cho việc đánh trẻ cả.
Thầy cô, cha mẹ thất bại trong việc dạy con (do họ không phải lúc nào cũng là nhà sư phạm), họ muốn khẳng định uy quyền của mình trước một tập thể nào đó, họ đánh bé.
Chúng ta quen lối giáo dục đó và cho là cha mẹ, thầy cô đánh vì thương trẻ, tôi nghĩ không vậy, họ đánh bé cho chính bản thân mình.
Tôi cũng là cha mẹ, bé thứ hai của tôi quậy hơn bé lớn, nhưng từ nhỏ đến giờ tôi không đánh nó (dù chỉ một lần). Tôi rút ra một bài học kinh nghiệm, mỗi khi con không nghe mình, đừng tức giận, hãy rút kinh nghiện bản thân mình, sẽ tìm ra cách xử lý.
Trong sự yêu thương, hạnh phúc có tranh luận, có tranh đấu thậm chí có đối kháng nhưng không bao giờ có chỗ dành cho bạo lực.
Trần Minh (TP.HCM)
Cái roi là vết hằn suốt cuộc đời
Cá nhân tôi cũng là mẹ của một bé trai năm nay đang học lớp 2. Tôi hiểu con mình không thể lớn lên, trưởng thành tốt đẹp nếu chỉ toàn lời đường mật.
Nhưng tôi nghĩ, những bậc phụ huynh ngày nay, nhất là người trẻ, thường cố gắng lắng nghe con nói, trao đổi với con trước khi đi đến quyết định phải dùng roi vọt.
Tôi không phải là người mẹ hoàn hảo, nhưng tôi luôn tôn trọng con, tôn trọng những ý kiến cá nhân của cháu, dù đã từng phải dùng đến roi, vọt để nhắc nhở. Nhưng đó luôn chỉ là một roi thật đau, thật kêu vào mông, sau khi đã phân tích cho cháu hiểu việc làm của mình là sai.
Ông bà đã nói: "Đòn đau nhớ lâu", nhưng không phải vì thế mà chúng ta lạm dụng đòn roi với trẻ. Vì, cái nhớ lâu đó có thể để lại sự tổn thương lâu dài đối với trẻ.
Cái roi đó sẽ là vết hằn đi suốt cuộc đời đứa bé, nếu nó xuất phát từ bạo lực, từ việc xả giận của một người lớn lên cơ thể trẻ em.
Cái roi đó chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tâm của người cha, người mẹ, thực sự mong con nên người.
Vì vậy, tôi phản đối việc sử dụng bạo lực, roi vọt đối với trẻ trong nhà trường.
Một đứa trẻ đã sớm hình thành nhân cách từ thưở lên hai, lên ba, nhưng liệu có bao nhiêu thầy cô giáo thực sự để ý đến điều này?
Xin thưa, vô cùng ít. Đã có ai trong các bạn không cảm thấy đau lòng, khi biết cô đã mắng con trước cả lớp, chỉ vì con quên một quyển vở, quên mặc áo trắng khiến Sao Đỏ trừ điểm thi đua?
Liệu khi buông ra những lời trách mắng, những hình phạt, mà với các cô thì quá bình thường nhưng khiến trẻ sợ đến như vậy, có phải thực sự là bởi cô nghĩ điều đó sẽ giúp hình thành nhân cách tốt đẹp cho các con sau này? Tôi nghĩ là không.
Nếu nền giáo dục của ta tiên tiến, nếu thực sự các nhà trường có những thầy cô giáo từ tâm vì học sinh, nếu các thầy cô giáo đó trước khi sử dụng đến cái roi kia đã phải cân nhắc kỹ lưỡng và sẽ chỉ có thể là một hoặc ba roi, thì có thể hiểu và hoàn toàn thông cảm. Còn không thể chấp nhận khi đánh cho trẻ bầm người.
Tô Phương Thủy (Hà Nội)
"Mẹ tôi cũng là giáo viên. Bà cũng thường kể tôi nghe về những học sinh cá biệt trong lớp, những trò nghịch ngợm, quấy phá, không chịu học bài. Nhưng không vì thế mà thầy muốn làm gì thì làm. Nói thì nói vậy, chúng ta cũng nên xem lại cách giáo dục con cái của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta nghiêm khắc với con ngay từ đầu, không bao che, dung túng cho sai phạm của con thì đâu đến nỗi thầy cô phải có hành động thiếu kiềm chế đến vậy? Thủy Giang (Hải Phòng) |
Quát mắng chỉ làm trẻ hư hơn Trong một nghiên cứu mới nhất được tiến hành tại Mỹ đã chỉ ra quát mắng trẻ nhỏ có ảnh hưởng đến hành vi của và phát triển tâm sinh lý của chúng. Một nghiên cứu với 2.500 gia đình có trẻ em ở độ tuổi 1, 2và 3 đã ghi lại mức độ tần suất trẻ bị quát mắng và công nhận dùng bạo lực hay to tiếng với trẻ chính là cách người lớn phá huỷ sự phát triển và hành vi tốt của chúng. Tiến sĩ Lisa Berlin, một nhà nghiên cứu khoa học tại Trung tâm chính sách Trẻ em và Gia đình tại ĐH Duke ở Bắc Carolina, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rõ ràng quát mắng đánh đập ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ em”. Nghiên cứu này là sự hợp tác nghiên cứu của các trường ĐH Duke, ĐH Missouri-Columbia, ĐH Nam Carolina, ĐH Columbia, ĐH Harvard và ĐH Bắc Carolina tại Chapel Hill và đã được xuất bản trong tạp chí Sự phát triển của trẻ nhỏ. Một nghiên cứu khác trong cùng một tạp chí đã xem xét tác dụng lâu dài của sự trừng phạt đối với thể chất trẻ em khi họ lớn lên thành thanh thiếu niên. Qua các nghiên cứu, các chuyên gia đều khẳng định cha mẹ nên giảm hoặc bỏ luôn các hình phạt thể chất cho đứa trẻ. (Theo Telegragh/AFamily) |
|