- “Tôi bảo soạn 1 cái di chúc đơn giản, thế mà có người thì 4-5 ngày không viết nổi 1 chữ, có người thì làm mấy chục trang như 1 cái luận văn” - Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật s Vì Dân kêu ca.
TIN LIÊN QUAN
Khó đào tạo như mong muốn?
ĐH Luật Hà Nội - cơ sở đào tạo Luật lớn nhất của cả nước. |
Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch công ty Luật Basico cho rằng: hầu hết các cử nhân Luật khi mới ra trường đều thiếu mọi kĩ năng.
Chẳng hạn như kĩ năng nói, viết, cập nhật, sưu tầm, tổng hợp văn bản… Thậm chí, đến hợp đồng và quyền lợi của mình cũng không nắm được.
“Nói chung, các SV mới ra trường đều phải lọ mọ tìm hiểu lại từ đầu. SV kinh tế, ngoại thương thì thường chủ động nên tiếp cận nhanh hơn…”, ông Đức nói.
Khi tìm hiểu giáo trình đào tạo của các cơ sở đào tạo Luật trong nước, Thạc sỹ Phạm Lan Dung, trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao nhận xét: Chương trình của chúng ta nhiều môn quá. Kể cả chương trình do tôi xây dựng ở đây cũng thế. Đó là do quy định của Bộ GD-ĐT, phải là 190-200 đơn vị học trình, nên quá nhiều khối lượng kiến thức.
“Như vậy, vẫn chủ yếu là truyền đạt lại kiến thức chứ chưa phải kiểu đào tạo theo đúng như mọi người mong muốn” – cô Dung nói.
Dũng (Học viện Ngoại giao) cũng phàn nàn: “Cái gì cũng được học, nhưng học không sâu”.
Vì vậy, theo cô Dung thì đào tào ĐH không phải để cung cấp đầy đủ kiến thức để các em ra trường, dùng kiến thức đó để làm công việc sau này của mình. Mà cái chính là các em học được cách tư duy, cách tiếp cận vấn đề và từ đó khi ra công việc, mỗi người có 1 công việc khác nhau thì đã có nền tảng cơ bản rồi, sẽ học thêm để đáp ứng được công việc.
Tăng thực hành cũng… “chưa ăn thua”
Vốn bị chê “nặng lí thuyết”, các cơ sở đào tạo Luật trong nước vài năm qua đang cải tiến chương trình theo hướng tăng thực hành.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật thì việc thực hành của SV Luật cần được hiểu theo nghĩa rộng: Thực hành áp dụng luật để giải quyết vụ việc cụ thể và thực hành nghề nghiệp của các chức danh như thư ký toà, thẩm phán, kiểm sát viên, chuyên viên pháp luật hay luật sư, tư vấn viên v.v..
Hiện nay, ở Trường ĐH Luật Hà Nội, SV phải làm bài tập cá nhân/tuần, tháng, kỳ và làm bài tập nhóm/tháng để luyện kỹ năng vận dụng luật, giải quyết vụ việc cụ thể. Qua đó, “rèn” được kỹ năng viết, thuyết trình, kỹ năng phát hiện vấn đề.
Trường đã thiết kế nhiều môn kỹ năng như Kỹ năng đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng dân sự; Kỹ năng của luật sư trong Tố tụng hình sự; v.v.. Ngoài ra, để SV đóng vai trong các phiên toà giả định.
Tuy nhiên, cũng từng gặp khó khăn về kĩ năng soạn thảo hợp đồng khi mới đi thử việc, Nam lí giải: “Không rõ hiện nay thế nào, nhưng khi tôi học, đây là môn tự chọn, chỉ có 3 trình (45 tiết). Mặc dù nhiều môn khác cũng có học về hợp đồng nhưng rất rải rác suốt 4 năm, SV phải tự xâu chuỗi… nên không thạo là phải”.
Còn Kiên, văn phòng LS Havip, đã ra trường được hơn 4 năm thì cho rằng, những phiên tòa giả định tuy có được tổ chức nhưng SV thì rất bị động…
Ông Nguyễn Hợp Toàn, Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế quốc dân thừa nhận: Đúng là khâu đào tạo kĩ năng của chúng tôi còn còn yếu.
“Chúng tôi rất chú ý đến điều này, nhưng để đưa SV vào cơ sở thực tế thì rất khó. Chúng tôi đã từng đưa SV đi thực tế, nhưng số đó không nhiều”.
Ở Học viện Ngoại giao, vài năm nay, nhiều chuyên gia Luật có tiếng trong và ngoài nước đã được mời đến giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, và hướng dẫn cho SV một số kĩ năng.
Thạc sĩ Phạm Lan Dung từng học Luật ở Liên Xô và Mỹ.
Chẳng hạn như TS. Đặng Xuân Hợp, người đã từng giảng dạy tại Oxford và NUS (Đại học quốc gia Singapore), TS. Claudio Dordi, Trưởng nhóm tư vấn Chương trình MUTRAP III (dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 giữa VN và EU)...
Song, theo cô Dung thì mặc dù rất muốn nhưng khó có thể đảm bảo được thường xuyên.
Diễn án luật thì hầu như các môn về luật quốc tế đều có thảo luận các tình huống hoặc tổ chức các phiên tòa giả định. Mỗi khóa có ít nhất tổ chức ít nhất 1 lần bài tập tình huống, phiên tòa giả định lớn.
“Các cơ sở đều cố gắng nhưng các khóa học của mình thường rất đông. Lên hội trường đông quá, các nước chỉ tuyển mỗi khóa 30 - 45 SV, ở mình có khi cả 200 người thì thảo luận rất là khó. Dù cố gắng làm, nhưng tôi cũng hiểu rằng hiệu quả không thể cao đối với nhóm chỉ có khoảng 50 HS” – cô Dung nói.
Hiện nay, mỗi năm khoa Luật của Học viện Ngoại giao tuyển khoảng 100 SV. Khoa Luật của ĐH Kinh tế Quốc dân cũng tương tự (120 chỉ tiêu năm 2009). Song, như ĐH Luật Hà Nội thì tuyển khoảng 1800 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy hàng năm (Theo "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010").
Do SV học kiểu “xôi thịt”?
Nhớ lại quãng thời gian đi học của mình, Mỹ Vân (hiện đang làm việc trong ngành tòa án ở một địa phương phía Bắc) cho biết: “Nói thật là mình ít khi đến lớp, môn nào rất thích thì mới học, không thì kệ”. Theo lí giải của Vân thì nguyên nhân là do “học rất chán”.
Còn Nam thì chia sẻ: Ban đầu đi học, mình nghĩ rằng sẽ làm việc trong ngành tòa án, hoặc viện kiểm sát… Nhưng ra trường mới thấy, cử nhân Luật có thể làm rất nhiều công việc khác nhau. Hiện, Nam đang làm cán bộ pháp chế ở một ngân hàng quốc doanh.
LS. Trần Đình Triển cho rằng: Nhiều SV Luật hiện nay chưa thực sự say mê với nghề nghiệp, và cũng chưa có sự định hướng về tương lai của mình. “Họ không biết mình sẽ làm điều tra viên hay thẩm định viên, nhân viên pháp chế, LS hay công chứng viên…” – ông Triển nói.
Mặt khác, ông Triển cũng khá gay gắt khi cho rằng: trách nhiệm của người học đang thoái trào, học theo kiểu “xôi thịt”, học để lấy bằng.
Do đó, ngoài lỗi hệ thống là do cách đào tạo của chúng ta, thì lỗi của SV cũng không nhỏ.
Phù Sa
LS Trần Đình Triển: Thời gian làm Trưởng phòng tư vấn và xây dựng pháp luật của ngân hàng Nhà nước, tôi khá mệt mỏi khi hướng dẫn các SV thực tập. Còn một số trường giảng dạy mang tính chất thực định, văn bản pháp luật hiện nay thế nào thì dạy thế. Nhưng luật của ta tính ổn định không cao, chứ không như các nước nên đến khi SV ra trường, cầm được bằng thì luật đã khác rồi. |
Bài 2: Cử nhân Luật "... thiếu nồi để nấu cơm"?