Năm học 2010 – 2011 sẽ dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% học sinh lớp 3. Khoảng 70% vào năm học 2015-2016; 100% vào năm 2018-2019. Các em được học theo chương trình mới, với mục tiêu có trình độ bậc A1 sau khi hoàn thành trương trình tiểu học; tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc A2 và tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc B1.
TIN LIÊN QUAN
Đây là nội dung trong đề án "dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đến năm 2020" được Bộ GD-ĐT nhóm họp với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chiều ngày 14/7. Đề án này được phê duyệt cách đây 2 năm.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin trong giao tiếp, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Cụ thể, sẽ có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ ở bậc 3 trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020. Đồng thời, đến thời gian đó, cả nước có 60.000 giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn chất lượng.
Trong buổi họp bàn giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng trung tâm đánh giá và kiểm định chất lượng giảng dạy tiếng Anh, ngân hàng câu hỏi và đề thi tiếng Anh ở các thành phố lớn, tiến tới mở rộng các trung tâm này trên cả nước.
Buổi làm việc với Chính phủ.
Chính phủ cũng giao Bộ GD-ĐT khai thác tính xã hội thông qua những cuộc thi tiếng Anh trong các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp để tạo phong trào dạy và học ngoại ngữ.
Giải pháp căn cơ là thực hiện dứt điểm 4 đột phá: Đột phá quyết tâm chính trị và nhận thức trong cách dạy tiếng Anh trong toàn bộ hệ thống giáo dục; đột phá việc xác định chuẩn giáo viên tiếng Anh; đột phá về chương trình giảng dạy như áp dụng CNTT và giáo trình hiện đại và đột phá thu hút về đầu tư và tài trợ quốc tế cho công tác dạy ngoại ngữ.
(Theo website Chính phủ)