- Kết quả cuộc tổng điều tra dân số quốc gia năm 2009 được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua ( 21/7) phát ra hai tín hiệu ngược nhau về trình độ dân trí và nguồn nhân lực. Trong khi số lượng người mù chữ giảm thì tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ lao động kỹ thuật vẫn thấp, dù dân số Việt Nam được đánh giá là đang ở thời kỳ vàng.
86,7% nhân lực chưa có tay nghề
Cũng như tổng điều tra 1999 và để bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế, tổng điều tra lần này chỉ thu thập thông tin về nhân lực đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với những người từ 15 tuổi trở lên, tức là những người đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (tính từ "sơ cấp" đến "đại học trở lên’).
Kết quả suy rộng mẫu cho thấy, có 8,6 triệu người đã được đào tạo, chiếm 13,3% tổng dân số ở độ tuổi này. Trong đó, 2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp, 4,7% trung cấp, 1,6% cao đẳng, 4,2% đại học và 0,2% trên đại học.
Trong độ tuổi từ 15 trở lên, số người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 25,3% ở thành thị và 8% ở nông thôn.
So sánh ở từng bậc, tỷ lệ những người có trình độ trung học nghề trở xuống ở thành thị gấp 2 lần nông thôn. Còn tỷ lệ từ cao đẳng trở lên gấp 5 lần.
Tính theo khu vực, tỷ lệ dân số chưa qua trình độ đào tạo nào thấp nhất là Đồng bằng Sông Hồng (80,6%), và cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (93,4%). Những người chưa được đào tạo chủ yếu là lao động cá thể trong các lĩnh vực nông, lâm thủy sản.
Một điều đáng quan tâm, số người đi học nghề (sơ cấp, trung cấp) có xu hướng giảm, còn số người đi học cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng tăng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số theo tuổi của Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực. Sau 10 năm, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% (năm 1999) xuống còn 24,5%. Ngược lại, tỷ trọng dân số nhóm tuổi 15 - 64 (là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1%.
Cơ quan này cho rằng, đây là thời kỳ dân số nước ta có ưu thế về lực lượng lao động, còn được gọi là thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”. Thời kỳ "vàng" bắt đầu từ năm 2003 và có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm. Điều này được đánh giá là lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động.
"Những con số biết nói tích cực" của trình độ dân trí
Kết quả thống kê dân số lần này cho thấy những con số biết nói khả quan về trình độ học vấn so với 10 năm trước đó.
Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên liên tục tăng qua hai cuộc tổng điều tra gần đây nhất: 90,3% năm 1999 và 94,0% năm 2009. Tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 4,9% trong khi tỷ lệ này của nam chỉ tăng 2,2%, làm cho chênh lệch giữa 2 giới được thu hẹp đáng kể.
Vào 0h ngày 01/4/2009 dân số Việt Nam có 85.846.997 người. Tính từ cuộc Tổng điều tra trước,bình quân mỗi năm tăng 952.000 người.
Do tỷ lệ người già tăng trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ 1999 - 2009,chỉ số già hoá của dân số nước ta tăng từ 24,3% lên 35,5% (cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á (30%), tương đương với con số đó của Inđônêsia và Philíppin,thấp hơn của Singapore (85%) và Thái Lan (52%) |
Tỷ lệ biết chữ của nhóm 50 tuổi trở lên là 88,0%, tỷ lệ biết chữ của nhóm tuổi trẻ hơn tăng dần khi độ tuổi giảm đi (và đạt mức cao nhất là xấp xỉ 98% ở nhóm tuổi 15-17 tuổi).
Số liệu của tổng điều tra 2009 cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cũng rất thấp: 97,3% ở thành thị và 92,5% ở nông thôn.
Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ biết chữ cao nhất (97,5%). Thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (88,1%). Địa phương có tỷ lệ biết chữ cao nhất là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM (97,9%) và thấp nhất là Lai Châu (59,4%).
Đến nay, tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên đã từng đi học là 95,0%.
Theo kết quả của tổng điều tra 2009, chỉ có dưới 4 triệu người chưa bao giờ đi học, chiếm 5,0% tổng dân số 5 tuổi trở lên (năm 1999 là 6,9 triệu người, chiếm 10,0%).
Tuy nhiên, còn có sự khác biệt của tỷ lệ người chưa đi học theo vùng kinh tế xã hội. Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ chưa đi học cao nhất cả nước và cao hơn mức đi học chung (tương ứng là 9,1% và 10,0%).
Trong số 55,7 triệu người 5 tuổi trở lên đã thôi học vào thời điểm điều tra, có 88,4% đã theo các bậc học phổ thông, 4,9% đã theo học nghề (sơ cấp, trung cấp), 1,7% đã theo học cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề) và 5,0% đã theo học đại học trở lên.
Trong số 19,2 triệu người 5 tuổi trở lên đang đi học vào thời điểm điều tra, có 87,6% đang theo các các bậc học phổ thông, 2,7% đang theo học nghề (sơ cấp, trung cấp), 3,2% đang theo học cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề) và 6,6% đã theo học đại học trở lên.
Có sự khác biệt đáng kể về trình độ học vấn giữa các vùng. Hai vùng có mức độ phát triển cao nhất về kinh tế - xã hội là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ trọng dân số tốt nghiệp THPT trở lên cao nhất, tương ứng 30,1% và 27,2%. Ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ trọng dân số chưa tốt nghiệp tiểu học cao nhất (32,8%) tiếp đến là Tây Nguyên (25,7%).
-
Hạ Anh