221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
497510
Tân thủ khoa Bách khoa: Ba người, ba vẻ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Tân thủ khoa Bách khoa: Ba người, ba vẻ
,

(VietNamNet) - Bạn biết gì về các tân thủ khoa? VietNamNet sẽ lần lượt giới thiệu tự bạch của các tân thủ khoa tiêu biểu ở một số trường ĐH. Kỳ này là ba tân thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đều thi đạt điểm tuyệt đối (30/30). 

Cô thủ khoa “nhút nhát” 

Trần Huỳnh Thanh Thảo: Công nghệ thông tin đã hấp dẫn mình từ nhỏ.

Chúng tôi đến thăm bạn Trần Huỳnh Thanh Thảo tại nhà riêng trên đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp, TP.HCM) trong không khí vui mừng của cả nhà khi biết tin cô con gái thi đạt điểm cao vào trường ĐH Bách khoa. Không những thế, Thảo còn là một trong năm thủ khoa của trường này... 

 

Thảo tâm sự: “Chiều tối hôm ấy, em đi học ngoại ngữ về, nghe ba mẹ báo tin em đã đậu thủ khoa, em rất mừng và ngỡ ngàng. Bởi sau khi thi xong, em có coi đáp án trên báo thấy đúng nhưng không ngờ mình đạt điểm tuyệt đối”.

 

Một trong những bí quyết thành công trong kỳ thi vừa qua, theo bà Huỳnh Thị Lài - mẹ của Thảo, là do Thảo đi thi... bình tĩnh, không run.

 

Suốt 12 năm liền, Thảo đều là học sinh giỏi. Thảo chỉ học ở các trường gần nhà (trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, THCS An Nhơn và THPT Nguyễn Công Trứ). Hồi lên cấp II, Thảo thi đậu vào trường chuyên Nguyễn Du của Gò Vấp nhưng gia đình không cho đi học xa, bởi theo bà Lài thì học trường nào cũng được. Với lại, thấy con gái mình nhút nhát, bà càng không muốn cho con đi học ở các trường xa nhà.

 

Thích công nghệ thông tin (CNTT), nên ngay từ lớp 10, Thảo đã  chọn học Ban A. Như có duyên nợ với CNTT, chị gái của Thảo hai năm đầu thi ĐH Y Dược không đậu, cuối cùng vào học CNTT  trong Học Viện Bưu chính-Viễn thông. Và cả ba của Thảo cũng làm việc ở ngành bưu điện, hiện công tác ở Vinaphone.

 

Ngoài ĐH Bách khoa, Thảo còn thi vào Khoa Dược của ĐH Y Dược TP.HCM và đạt tổng điểm là 25. Trong các môn học, Thảo thích nhất môn Toán nên thi vào cả hai trường đều đạt điểm 10 môn Toán. Thảo kể: “Từ khi biết điểm đến giờ, gia đình, cô giáo chủ nhiệm… đều khuyên em học ĐH Y Dược TP.HCM cho phù hợp với... tính của em. Nhưng có lẽ em vẫn chọn ĐH Bách khoa để được học ngành CNTT – như có “duyên nợ” với gia đình em vậy".

 

Thấy con gái trả lời phóng viên rất rụt rè, bà Lài phân bua: “Gia đình hạn chế Thảo đi chơi nhiều để tập trung vào học tập nên Thảo có rất ít bạn bè, chỉ có bạn ở trường. Còn ở nhà, chỉ có hai chị em sớm tối chơi với nhau thôi. Thảo ít giao tiếp với bên ngoài nên mỗi lần ngồi nói chuyện, nó chỉ... cười!”.

 

Cô Vũ Thị Thanh Thuận, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4 trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết: Kết quả thi của Thảo không có gì bất ngờ, bởi suốt ba năm làm chủ nhiệm lớp, cô thấy Thảo học giỏi, có ý chí vươn lên. Thảo luôn dẫn đầu các kỳ thi khảo sát của trường nhưng vẫn rất hiền và khiêm tốn nên được thầy cô và bạn bè quý mến. 

 

"Thích chọn... thử thách mới"

 

-  Là con gái mà thích học điện-điện tử ở trường Bách khoa à? Tôi hỏi, qua điện thoại.

 

- Em muốn chọn cho mình một thử thách mới. Học cái nào càng chông gai thì càng lý thú. Với lại, em cũng có tình cảm đặc biệt với ngành này.

 

Trong tiếng nói cười, chia vui của ba mẹ, bạn bè, Đinh Thanh Trúc - học sinh trường chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai bày tỏ. Hai giờ sau khi biết điểm, gia đình vẫn chưa hết hồi hộp khi biết Trúc đạt điểm tuyệt đối của trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

 

Đậu vào Bách khoa và Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TP.HCM, song Trúc quyết định học ngành điện-điện tử của Bách Khoa với lý do: Ngành mới, gia đình cũng chưa ai theo nên muốn... đương đầu với thử thách mới!

 

Nghe tin Trúc đậu thủ khoa, cứ tưởng cô bé đã từng học đến quên ăn, quên ngủ. Vậy mà Trúc cho biết: “Em chỉ học đến 9 giờ đêm. Hôm nào nhiều bài lắm, mới cố thức đến 10-10g30”. Ngoài ra, Trúc còn dành thời gian để xem tivi, đọc sách văn học, những tác phẩm văn học nổi tiếng. Hỏi cô thủ khoa về bí quyết học giỏi, Trúc khiêm tốn: “Em chỉ may mắn thôi chứ chẳng giỏi giang gì. Trong lớp chuyên Toán của em, có nhiều bạn còn giỏi hơn!” Nói thế, nhưng Thanh Trúc là học sinh giỏi, xuất sắc từ nhỏ. Ba năm ở trường chuyên Lương Thế Vinh, Trúc cũng chưa một lần bị xuống hạng.

 

“Nhờ bố mẹ em mới được vậy.” - Trúc kể - "Hồi nào tới giờ, em chưa đi học thêm. Ở lớp thì ráng chú ý nghe thầy cô giảng để hiểu bài. Về nhà thì tìm nhiều bài tập để giải. Em luôn dặn mình: bài khó cũng phải tìm cho ra lời giải, làm không nổi thì hỏi ba, thầy cô hay bạn bè. Em thường tìm những cuốn sách Toán của trường Lê Hồng Phong để học hỏi thêm. Không hiểu vì sao, hễ thấy sách Toán là em không bỏ qua được".

 

Đang chú ý lắng nghe, tôi bị bất ngờ khi Đinh Thanh Trúc hỏi: “Chị thấy em có may mắn không? Em luôn có bố mẹ đồng hành”! Không chờ tôi trả lời, Trúc lại tiếp: "Bố em là "gia sư" dạy các môn Toán, Lý, Hoá nên em cũng được "ké vài chiêu". Những lúc rảnh, hai bố con trao đổi với nhau về các bài toán, về thời sự. Mẹ em ở nhà nội trợ nên lâu lâu cũng nhắc em học hành...".

 

Cô bé khiêm tốn nên mới kể thế. Khi trao đổi với bố của Trúc, thầy cho biết: “Tôi quan niệm thầy cô chỉ là người hướng dẫn, còn muốn nên cơm gạo thì học sinh phải tự học. Tự học là chủ yếu. Cũng may Trúc được học trong trường chuyên, bạn bè đều ganh đua nhau để học. Gia đình không cần tác động gì nhiều”.

 

Nói chuyện với cô bé qua điện thoại, tôi cũng nhận ra bản lĩnh của Trúc qua giọng nói và cách trò chuyện lém lỉnh. Nói như Trúc, lớp chuyên Toán đa số là con trai, là "phận nữ nhi thì phải…anh dũng mới không bị trêu"!

 

Nhà ở Khu phố 8B, phường Tân Biên, Biên Hoà, Đồng Nai; cách trường khoảng 6-7 cây số. Là con gái một trong gia đình, nhưng mỗi ngày Trúc đều phải tự đạp xe đi học. Trúc cho biết: “Phải tự lo cho mình thôi, con gái một nhưng bố mẹ còn phải lo đủ thứ chuyện”.

 

Và cũng như bao tân sinh viên khác, Trúc đang chuẩn bị mọi thứ để lên Sài Gòn...

 

“Xin được cấp bằng... đi xe buýt!"

 

Chú Bùi Huy Vịnh, bố của tân thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM Bùi Huy Nam, nói đùa: “Chắc phải

Bùi Huy Nam: Mình cũng nghĩ phải tự sáng chế ra một cái gì đó...

xin cấp bằng đi xe buýt cho Nam. Cũng may, từ nhà đến trường Phổ thông Năng khiếu chỉ phải đi một tuyến”.

 

Chú bảo thế, bởi cả ba năm THPT, Nam đều là khách trung thành của xe buýt. Nghe đâu, anh chàng đang tính chuyện đi học đại học cũng bằng xe buýt.

 

Bố Vịnh còn kể chuyện vui về cậu con trai của mình: "Năm học lớp 11, Nam được nhận bằng khen của UBND TP.HCM mà cả nhà không ai biết. Như mọi ngày, tôi và bà xã đi làm, hai đứa đi học. Nhưng hôm ấy, chờ đến hơn 12 giờ trưa vẫn không thấy Nam về ăn cơm. Chờ một lúc nữa, thấy cu cậu ôm bằng khen về. Hỏi ra thì mới biết là sáng nay... lội bộ ra UBND TP nhận bằng khen!".

 

Chính Nam cũng thú nhận: “Em ít nói lắm. Bố mẹ, em gái có hỏi gì thì nói đó, không hỏi thì... im”. Tối hôm qua, sau khi chúng tôi gọi điện báo tin Nam đậu thủ khoa, anh chàng chỉ thông báo điểm cho bố mẹ. Cô Phan Thị Thắm, mẹ của Nam cho hay: “Ít nói lắm, có chuyện gì thì âm thầm giải quyết một mình. Lúc nào bố mẹ phát hiện, hỏi đến mới nói. Rồi thì đi thi đậu giải nọ giải kia cũng không khoe với bố mẹ. Cháu nó khiêm tốn từ bé. Nam cũng biết hoàn cảnh gia đình nên ít đòi hỏi gì. Xe máy cũng không dám đi”.

 

Bố làm cảnh sát điều tra, mẹ là giáo viên ở quận 1, bố mẹ đi vắng suốt ngày, có hôm phải về muộn. Vì thế, việc học của Nam và cô em gái là tự ý thức. Nam chăm học đã đành, anh chàng còn luôn nhắc nhở và chỉ dẫn cho em cùng học. Căn hộ nhỏ trong khu chung cư chẳng mấy yên tĩnh. Góc học tập của Nam và cô em gái nhỏ xíu lại được kê gần tivi. Nhưng từ lớp 1 đến nay, Nam luôn là học sinh giỏi. Ở mỗi cấp học, Nam đều được tham dự các kỳ thi hoc sinh giỏi của quận, thành phố. Năm lớp 10-11, Nam đều đoạt huy chương Bạc toàn thành môn Vật lý. Nam cho hay: “Em ít bị chi phối bởi bên ngoài. Với lại, bố mẹ đi làm cả ngày, nhà có hai anh em học mà thôi. Chỉ bật tivi khi có chương trình Thế giới đó đây hay phim hoạt hình”. Rồi đột ngột anh chàng nói thêm: "Vật lý coi vậy mà rất sát với đời thường. Những sự kiện xảy ra hằng ngày đều liên quan tới Lý. Ví dụ, khi xem đá bóng, em cũng ráng lý giải tại sao trái bóng lại đi theo đường đó, nó chịu những lực tác động nào...".

 

Bảo Nam khao tân thủ khoa, Nam vừa cười vừa nói: “Em tự chấm mình chỉ khoảng 29 điểm. Thiệt là mừng khi được điểm tuyệt đối. Nhưng em thấy cũng bình thường, có gì đâu mà phải khao! Bố mẹ em cũng mừng lắm. Em đã báo cho bà ở quê biết, bà vui quá chừng...”.  

 

Chia tay Nam, tôi cứ nhớ mãi ước mơ của cậu ta: "Em sẽ làm một cái gì đó để phục vụ cho cuộc sống". 

  • Cam Lu - Đoan Trúc 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,