221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
505304
Thủ khoa Vi Xuân: Tiểu thuyết cho ta nhiều kinh nghiệm sống
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Thủ khoa Vi Xuân: Tiểu thuyết cho ta nhiều kinh nghiệm sống
,
(VietNamNet) - Những nhận định sắc lém về cuộc sống, những đúc kết rất tinh tế về những tác phẩm văn học… là ấn tượng đầu tiên của tôi về Tô Phúc Vi Xuân, thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
 
Đọc nhiều sách, truyện nước ngoài, nhưng Xuân ít khi bỏ tiền ra mua. Xuân cho biết: “Cuốn nào cũng mấy chục ngàn. Em còn đi học, không có nhiều tiền để mua”. Trao đổi sách với bạn bè, làm mối quen của nhiều địa chỉ cho thuê truyện, Xuân có truyện đọc mỗi ngày. Với Vi Xuân: “Đọc sách nhiều sẽ giúp mình có khả năng bao quát, tổng kết vấn đề. Các tác phẩm văn học nước ngoài chứa đựng rất nhiều bài học kinh nghiệm về cách ứng xử trong cuộc sống”. 
 
Tô Phúc Vi Xuân: Nếu học trò không có đam mê, cô giáo có giỏi cỡ nào cũng chịu.
Thói quen của Vi Xuân là đọc, ghi lại những đoạn hay, những câu nói có ý nghĩa của từng nhân vật. Và thường kể chuyện cho em gái nghe. Mẹ Xuân, cô Trần Thị Hải kể: "Hồi còn ở tiểu học, Xuân đã có thói quen đọc truyện và kể cho em nghe. Còn nhớ những năm gia đình khó khăn, một mình tôi phải lo kiếm sống và nuôi ba của cháu bị bệnh. Một buổi tối từ bệnh viện về, thấy nhà bị cúp điện tối thui, tôi lo không biết hai con như thế nào. Mở cửa vào nhà, tôi bật khóc khi thấy Xuân ngồi vừa quạt vừa kể chuyện cho em nghe để em khỏi sợ ma. Từ bé, Xuân đã đảm đang như thế...".
 
Những lúc rảnh, Xuân còn ngồi mày mò làm cho mình, bạn bè những dây chuyền, vòng đeo tay, móc chìa khoá bằng hạt cườm. Xuân nói: “Mua cũng không hết nhiêu tiền, nhưng em muốn tự mình làm theo đúng sở thích”. 
 
Bố mất lúc Xuân đang học lớp 7. Tuy không được bố kèm cặp nhiều nhưng Xuân phần nào thừa hưởng được phương pháp học, cách giáo dục của bố. Xuân cho hay: “Bố dạy em học từ lúc bé. Hôm nào mệt thì thôi, hễ nói được thì bố lại thì thào về chuyện học của hai con. Bố thường bảo: Muốn học giỏi thì phải nắm vấn đề từ chiều sâu. Muốn học tốt môn Văn thì phải đọc nhiều. Đặc biệt là đọc đi đọc lại những bài văn mình đã làm để bổ sung thêm kiến thức và nắm kiến thức vững vàng hơn”.
 
Bài học của bố mà Xuân nhớ nhất là cái lần ăn đòn vì không nghe kỹ câu hỏi của bố. Đi học về, Xuân khoe với bố về tiết kiểm tra môn Văn. Bố bảo Xuân đọc lại bài văn ấy, nhưng không hiểu nghe thế nào, Xuân lại đi đọc bài tóm tắt. Vì trên lớp, cô giáo ra đề là tóm tắt bài văn. Thế là bị ăn một trận đòn… oan. Nhưng nhờ trận đòn ấy mà Xuân luôn đọc kỹ đề bài mỗi khi đi thi và lắng nghe từng câu chữ của thầy cô giáo.
 
Bố từng học ở trường dòng ra, nên những khuôn phép, lễ nghĩa, nề nếp trong gia đình được bố nhắc nhở khá kỹ lưỡng. Cho đến bây giờ, mẹ Xuân cũng theo cách giáo dục ấy mà áp dụng. Đi đâu phải xin phép, muốn làm gì khác lạ thì phải được sự đồng ý. Ngay cả trong việc học cũng thế, việc chia thời gian, cân đối giờ học, không để hỏng kiến thức… đã là thói quen từ nhỏ của chị em Vi Xuân. Từ ngày bố mất, mẹ phải lo toan mọi chuyện nên Xuân tự học là chủ yếu. 
 
Không chỉ giỏi Văn, đam mê học Văn mà Anh văn cũng là sở trường của Xuân. Chọn thi vào ngành Ngoại ngữ của trường Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, Xuân muốn “có nhiều cơ hội để giao tiếp bằng tiếng Anh”.
 
Đang trò chuyện với tôi, Vi Xuân xin lỗi để nghe điện thoại. Nghe xong, với vẻ trầm ngâm, Xuân cho biết: “Có người nhờ em kèm Anh văn cho con cô ấy. Em chưa biết thế nào”. Nói rồi, Xuân như... độc thoại vớ mình: “Dạy cho người khác cũng là dịp để ôn lại kiến thức. Nhưng em chỉ hướng dẫn cho những ai có đam mê. Lúc đó, cái nhiệt huyết của mình mới truyền sang được cho người khác. Nếu học trò không có đam mê, cô giáo có giỏi cỡ nào cũng chịu. Với lại, hồi giờ chưa làm thêm...”! 
 
Đoan Trúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,