221
484
Chuyện giảng đường
chuyengiangduong
/giaoduc/chuyengiangduong/
986698
SV ở trọ: Sống đêm, cặp đôi và...
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
SV ở trọ: Sống đêm, cặp đôi và...
,

(VietNamNet) - Bất ngờ đến thăm một vài khu trọ, phòng trọ của sinh viên trong những ngày cuối tuần và đầu tuần qua, không một nơi nào thấy sinh viên học bài. Cảnh mà chúng tôi được chứng kiến nhiều nhất là SV ngủ, chơi game, xem phim, đánh bài...

Ngủ... cả ngày

’Hơn

Hơn 9h30, nhưng sinh viên vẫn "say giấc nồng"

Ghé một phòng trọ của 5 nam sinh viên tại một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Hữu Cảnh lúc 10h45 sáng. Cả 5 vẫn ngon giấc. Ba trong số đó có tiết học buổi sáng và một bạn học thể dục. Nhưng không ai có ý định đến trường vào lúc này.

SV N.T.Khang (ĐH Nông Lâm) gãi đầu kể: "Tối qua bọn em thức tới 3h sáng để xem phim, nên sáng nay dậy không nổi".

Khang cũng cho biết lịch buổi chiều của cả phòng: "Chiều nay không ai đi học cả. Xíu nữa tụi em đi ăn cơm, sau đó ngủ tiếp tới khi nào dậy thì thôi. Chiều tối đi ăn cơm và chuẩn bị xem bộ phim khác".

Ghé nhà trọ của nhóm bạn Anh Tuấn (SV ĐH Văn Lang) tại đường Nơ Trang Long - Bình Thạnh hơn 9h30. Cả tầng trên và tầng dưới đều có người ngủ. Có người không đến trường vì... ngủ quên. Anh Tuấn thú nhận "Tụi em thường thức đánh bài, chơi game đến gần sáng. Ngày nào cũng như ngày nào, riết rồi không quen ngủ sớm".

Sinh viên "sống về đêm" đang là mốt? Dạo quanh một vòng 7 phòng trọ của các nhóm sinh viên cả nam lẫn nữ đều bắt gặp cảnh ngủ ngày. Một sinh viên nữ ở khu nhà trọ Điện Biên Phủ cho hay: "Tối thức thì ngày phải ngủ bù". Nhưng ngặt một nỗi sinh viên thức không phải để học bài. Và sinh viên ngủ bù vào đúng giờ lên lớp.

Cô Nguyễn Thị Mai, chủ nhà trọ ở đường Dương Quảng Hàm sốt ruột nói: "Tôi có hai phòng trọ cho sinh viên thuê đã mấy năm nay. Nhưng chưa thấy nhóm sinh viên nào chăm chỉ học hành như tôi hình dung cả. Toàn thấy ăn, chơi, ngủ. Nếu là con mình, chắc tôi sốt ruột lắm!"

Cặp đôi trong phòng trọ

Cũng là sống thử, nhưng nhiều cặp sinh viên không sống riêng biệt một phòng trọ nữa. Để tránh sự nhòm ngó của hàng xóm cũng như tránh "con mắt" của gia đình, họ sống thử với nhau cùng những nhóm bạn.

Tại 1 nhà trọ ở gần cầu Băng Ky (Bình Thạnh) có 11 sinh viên thuê chung, trong đó đã có 3 cặp. Một tân sinh viên trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết: "Em vô ở chung với anh trai. Ở nhà cứ tưởng anh thuê phòng trọ với bạn, vô đây mới biết phòng toàn các cặp".

Tân sinh viên này dốc bầu thêm: "Em mới vô đầu tháng 9, hầu như ngày nào cũng chứng kiến những cảnh "vợ chồng" cãi nhau. Có chị sinh viên kia, mỗi lần bực người yêu chuyện gì là ném hết đồ đạc ra đường. Mới đầu em cũng sợ lắm, nhưng chứng kiến hoài nên quen".

Cùng chung hoàn cảnh, tân sinh viên Thu Sương học Trung cấp Khôi Minh kể: "Phòng em ở có 7 người, trong đó có 2 anh chị yêu nhau. Suốt ngày nghe họ la hét nhau. Nói là phòng 7 người, nhưng sĩ số bao giờ cũng chục người trở lên. Vì các anh chị có bạn gái bạn trai ở chỗ khác, nhưng thường 1 tuần cũng đến 5-6 ngày họ trú tại đây".

Bà N.T.Hạc, chủ nhà trọ ở đường Quang Trung cho hay: "Thường sinh viên đến mướn xưng là anh chị em với nhau nên ở cả nam cả nữ. Nhưng tôi đã phải lấy lại nhà nhiều lần vì biết các em là bồ bịch".

Theo kinh nghiệm gần chục năm cho thuê nhà của bà Hạc, nhiều nhóm sinh viên thuê nhà tách biệt với chủ đều dẫn thêm người yêu về ở. Và thành phần này cũng không chú tâm đến việc học là mấy.

Khi phòng trọ có... "trộm"

Nghe tôi có ý định xin ngủ ké 1 đêm ở phòng trọ của mình, bạn Thanh Trúc (trọ gần trường ĐH Khoa học Tự nhiên) ghé tai nói nhỏ: "Chị cất tiền cẩn thận nhé, phòng em có người ăn cắp vặt, nhưng không biết là ai".

Phòng Trúc có 4 sinh viên trọ học, nhưng khách vãng lai thì nhiều. Vì thế, chuyện mất cắp không thể biết là ai. Cô bạn cho biết, tiền tiết kiệm trong heo đất mà cũng mất. Cả phòng chỉ còn biết cách dặn nhau: Tiền ai người đó giữ.

"Sống như thế hồi hộp lắm chị, có bữa đi học em quên mang tiền theo, lên tới trường là phải vù về ngay. Cũng may mà lần đó không mất" - Trúc tâm sự.

Trúc kể chuyện một cô bạn trong phòng phải nhịn ăn mấy tháng để trả nợ số tiền 2,5 triệu đồng. Số là người nhà từ quê lên khám bệnh, vì sợ ở bệnh viện không an toàn nên gửi tiền nhờ giữ giùm. Ai ngờ, chỉ nửa ngày sau, số tiền đã không cánh mà bay. Không muốn gia đình lo lắng, cô bạn phải chạy vạy khắp nơi để bù đủ số tiền và bây giờ xoay sở để trả nợ.

Cách đây 1 tuần, tân sinh viên H.B.A buồn rầu đi vay tạm mấy anh chị ở cùng quê 2,5 triệu đồng để đóng tiền nhập học. A trúng tuyển NV2 vào trường Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, gia đình cho 4 triệu đồng để đóng tiền học và chi phí ăn ở. A cho biết: "Em đã cẩn thận cất tiền dưới gối. Nhưng ngủ dậy không thấy ví và tiền đâu nữa".

Bàn về đời ở trọ của sinh viên có thể phải mất cả ngày. Nhưng điều mà chúng tôi ghi nhận rõ ràng nhất, không thấy sinh viên nào học bài. Có lẽ, nhiều sinh viên áp dụng phương pháp học như một sinh viên ở trường BC Tôn Đức Thắng: "Thường đến kỳ thi tụi em mới học bài. Học bây giờ sợ quên hết".

  • Đoan Trúc
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,