,
221
926
Thời sự
tintuc
/giaoduc/tintuc/
433160
Phát hiện hai trường hợp thi hộ tốt nghiệp THPT
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Phát hiện hai trường hợp thi hộ tốt nghiệp THPT

Cập nhật lúc 22:36, Thứ Tư, 02/06/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Hai trường hợp thi hộ bị phát hiện tại các hội đồng thi bổ túc THPT của Đồng Nai và Đắc Lắc. Còn trong tổng số hơn 725.000 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT, báo cáo từ 60 tỉnh, thành cho thấy chưa có ai vi phạm quy chế.

Những báo cáo sạch sẽ

Hồi hộp vào phòng thi... (Ảnh: Đoan Trúc)

Có lẽ rút kinh nghiệm từ việc báo cáo tình hình thi "chểnh mảng" của đợt thi tốt nghiệp THCS nên đến 19h ngày hôm nay, đã có 60 tỉnh, thành báo cáo tình hình cho Ban chỉ đạo theo thời gian quy định. "An toàn, nghiêm túc" là hầu hết những từ ngữ thường thấy trong phần tự đánh giá về kỳ thi từ các tỉnh, thành.

Tại các hội đồng thi tốt nghiệp bổ túc THPT, một số địa phương có làm "chặt tay" hơn. Đã có hai trường hợp thi hộ bị phát hiện tại Đồng Nai và Trung tâm Giáo dục thường xuyên cơ sở số 2 của tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc điện thoại và xưng danh cẩn thận với ông Trần Ngọc Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắc Lắc để tìm hiểu chi tiết hơn về trường hợp thi hộ hiển nhiên đã bị phát hiện và báo cáo lên Bộ GD-ĐT thì nhận được câu trả lời: "Không tiếp xúc và liên lạc với báo chí, nếu không gặp gỡ trực tiếp".

Túi xách của thí sinh được đưa ra khỏi phòng thi trước lúc phát đề thi. Ảnh chụp tại Phan Rang (Sơn Ngọc)

Bình Định có 19 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, TP.HCM có 10, và 17 trường hợp còn lại "lác đác" ở 48 địa phương khác. Theo tổng hợp đến 19g từ 60 tỉnh, thành trong cả nước, có hơn 725.000 thí sinh đến dự thi, số bỏ thi là 768 (486 không có lý do, 7 trường hợp đến muộn, 140 trường hợp bị ốm và 27 trường hợp bị tai nạn giao thông bất ngờ).

Các trường hợp ốm hoặc tai nạn giao thông bất ngờ, nếu có đủ giấy tờ xác nhận của bệnh viện và học lực của thí sinh đạt từ loại khá trở lên thì được xét đặc cách tốt nghiệp.

Với trường hợp của học sinh Đinh Hoàng Yến, lớp 12A, trường THPT Trần Phú (Hà Nội), hiện Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT chưa nhận được báo cáo hay đề nghị gì từ phía Sở GD-ĐT Hà Nội.

Tin đồn "lộ đề": Chuyện thường niên

Khoảng 24h đêm ngày 1/6, nhiều học sinh tại TP.HCM đã điện thoại cho nhau thông báo đề thi môn Văn sáng mai (ngày 2/6) sẽ rơi vào tác phẩm "Bên kia sông Đuống". Sáng nay, đây là một trong hai đề thi môn Văn của hệ bổ túc.

17h hôm nay 2/6, khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc “lộ đề thi", ông Đinh Quang Hảo - trưởng Phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: "Sở vẫn chưa nhận được thông tin gì về sự việc".

Lúc 19h, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng cho hay: "Chưa nhận được thông tin này từ báo cáo chính thống. Thông thường, đối với đề thi môn Văn, năm nào cũng có hiện tượng dự đoán đề thi theo chủ đề hoặc tác phẩm, nhân vật nên khả năng dự đoán rơi "trúng" vào đề thi cũng là... dễ hiểu" (?).

Một chuyên viên của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, đơn vị bắt đầu từ năm nay đảm nhiệm tổ chức các kỳ thi cho hay: "Đề thi được vận chuyển tới các Sở GD-ĐT trong khoảng từ ngày 25/5, sau đó các Sở tự quy định thời gian sao in đề thi. Quy trình sao in và phát đề tới các cơ sở tuân thủ theo quy chế về thi tốt nghiệp, với sự tham gia của bên an ninh".

Ngày đầu: Ít... phao

TP.HCM có 37.550 học sinh thi tốt nghiệp THPT và 10.923 học sinh hệ bổ túc THPT. Mới 6h sáng, tại các Hội đồng thi Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong đã có rất đông phụ huynh chở con em đến dự thi môn đầu tiên. Bên ngoài Hội đồng thi Lê Hồng Phong, Cô Thiên Lý hồi hộp: “Nhỏ em cũng vừa thi tiểu học xong, nhưng không lo bằng kỳ này. Mười hai năm trời, tất cả chỉ dựa vào kỳ thi này".

Gương mặt lo âu của phụ huynh trong buổi sáng con em mình thi môn Văn. (Ảnh: Đoan Trúc) 

Nét mặt rạng rỡ của nhiều học sinh tại Hội đồng thi Marie Curie sau khi kết thúc môn thi đầu tiên đã làm nhiều phụ huynh thở phào. Chị H. M. Tuyết, phụ huynh của một học sinh trường Lê Thị Hồng Gấm cứ đi đi lại lại, hỏi han những học sinh ra trước con mình về đề thi, giám thị… làm những vị phụ huynh khác cũng nôn nóng theo. Chị cho biết: “Tụi nó đoán là ra thơ Hồ Chí Minh hoặc Điện Biên Phủ, không biết có trúng đề không. Môn Văn, giám thị có dễ cũng chẳng biết đường nào mà... quay”. Chẳng phụ lòng chị chịu nắng hơn cả giờ đồng hồ, cô gái con chị cuối cùng cũng ra khỏi phòng thi, thông báo: “Làm bài được, đề giống y chang đề thi học kỳ II của tụi con”. Đồng quan điểm với cô bé, nhiều học sinh ở Hội đồng thi Marie Curie cũng cho rằng đề Văn tương đối dễ.

Tại Hội đồng thi bổ túc THPT ở trường Lê Quý Đôn, nhiều phụ huynh đã tỏ ra bực mình khi môn thì buổi chiều bắt đầu lúc 14h30, nhưng thí sinh phải có mặt tại phòng thi lúc 13h30. Chú Thảo, phụ huynh của thí sinh thuộc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 3, nói: “Vào phòng, tuy là chưa thi nhưng vẫn mang tâm lý căng thẳng. Để học sinh và phụ huynh có thêm thời gian nghỉ trưa chẳng tốt hơn sao?”. Mặc dù không hy vọng, nhưng chú vẫn để... tài liệu đầy hai túi quần. Tại Hội đồng thi Marie Curie, nhiều phụ huynh cũng kêu ca vì con em phải tập trung sớm.  

Tại Hà Nội, thí sinh trường THPT Yên Hòa thở phào nhẹ nhõm khi hay đề thi môn Văn "trùng" với đề thi kiểm tra của trường trước đó. Cảnh phao "rải" trắng sân trường không còn phổ biến như nhiều năm trước, tuy nhiên quanh những quán nước và chỗ đón thí sinh buổi chiều vẫn lả tả phao thi môn Văn buổi sáng!

Tại Ninh Thuận, hệ THPT có 3367 thí sinh và hệ bổ túc THPT có 1.470 thí sinh, vắng 16 em so với danh sách đăng ký (trong đó có 15 thí sinh hệ bổ túc). Điểm mới năm nay là tỉnh Ninh Thuận thành lập ba hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT tại các huyện để bảo đảm điều kiện sức khoẻ cho thí sinh, giúp giảm áp lực con người và các phương tiện giao thông từ nông thôn dồn về thị xã trong những ngày thi. Công tác y tế và bảo vệ được chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt cho giáo viên và học sinh trong kỳ thi.

  • Hạ Anh - Đoan Trúc - Sơn Ngọc

Thí sinh đang chờ nhận đề thi môn Văn tại Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An ( Phan Rang).

,
,