(VietNamNet) - Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ do cơ quan chuyên trách về thi cử là Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD-ĐT) đảm nhận. Sẽ có thay đổi gì với sự tham gia mới mẻ của cơ quan chuyên môn này? Trao đổi với phó cục trưởng Nguyễn An Ninh.
Thưa ông, liệu sự tham gia của cơ quan chuyên môn về thi cử mới ra đời sẽ mang lại những thay đổi tích cực nào trong việc làm đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm nay?
Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. |
- TS Nguyễn An Ninh: Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho các trường ĐH. Tuy vậy, Ban đề thi có một điểm mới là Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng sẽ tham gia xây dựng đề thi, đáp án và phản biện đề. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc tập huấn cho đội ngũ ra đề thi, với sự giúp đỡ về kiến thức phương pháp từ Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ. Nhìn chung, đề thi tất cả các môn cơ bản vẫn ra theo hình thức tự luận, duy trì nguyên tắc bám sát chương trình, sách giáo khoa THPT. Nội dung đề thi sẽ giới hạn trong kiến thức chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo để học sinh có học lực trung bình vẫn có khả năng làm bài đạt mức điểm tốt nghiệp. Đề thi tuyển sinh ĐH sẽ có mức độ phân hoá cao hơn, vì thi ĐH là để chọn những người khá, giỏi.
Tôi cũng lưu ý là việc so sánh kết quả hai kỳ thi ĐH và tốt nghiệp THPT như dư luận vừa qua là không hợp lý, vì không cùng một thước đo. Kết quả thi tốt nghiệp có thước đo là bài thi và các tiêu chuẩn khác như điểm học nghề, ưu tiên. Còn kết quả thi ĐH thì chỉ có điểm bài thi mà thôi. Hơn nữa, đề thi tốt nghiệp THPT có tính chất khác so với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một trong những định hướng cải tiến tuyển sinh để đưa việc thi cử trở thành nhẹ nhàng là tiến tới sát nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ vào thành 1. Thế mà việc ra đề cho 2 kỳ thi theo 2 tiêu chí khác nhau, như ông vừa nêu, thì bao giờ việc "tiến tới" ấy sẽ thực hiện được?
- Tất nhiên đã tổ chức 2 kỳ thi thì tính chất đề thi phải khác nhau, 2 kỳ thi cần phải có độ phân hóa nhất định để phù hợp với thực tế hiện nay. Còn chúng tôi cũng đang nghiên cứu để tính chất 2 kỳ thi gần nhau hơn.
Một trong những dự kiến phương án tuyển sinh 2004 đã được thống nhất hiện nay là sẽ đặt mức điểm tối thiểu cho từng khối thi. Như vậy, phương án ra đề thi sẽ có cải tiến gì để đáp ứng với yêu cầu này?
- Việc đặt ra mức điểm tối thiểu của các khối thi là để xác định mức độ nhất định của đầu vào ĐH. Đặt điểm sàn tối thiểu không có nghĩa đạt điểm đó thì thí sinh sẽ trúng tuyển ĐH. Việc trúng tuyển còn phải căn cứ vào việc chọn ngành nào, trường nào. Tất nhiên, các câu hỏi của đề thi sẽ rải ra để bài thi của thí sinh đạt mức tối thiểu "nhìn được" chứ không đến nỗi tệ quá.
Chúng tôi chủ trương làm thật tốt, kỹ lưỡng khâu phản biện đề thi để đảm bảo không quá dài, không có câu hỏi, bài tập lắt léo nhưng vẫn phải đảm bảo tính phân hóa rõ rệt, phân loại được thí sinh. Mỗi môn đều sẽ có một câu hỏi hoặc một bài tập ở mức độ khó dành cho thí sinh khá giỏi.
Năm nay, hình thức thi trắc nghiệm đã được áp dụng ở một số kỳ thi của bậc THPT. Liệu hình thức này đã áp dụng tại kỳ thi ĐH hay chưa?
- Hiện Cục đang tiến hành phổ biến phương pháp, chuẩn bị Ngân hàng Câu hỏi thi. Ở Việt Nam, hình thức thi này đã được một số trường ĐH áp dụng tốt từ những năm 1996 đến 2000. Tuy nhiên, để giới thiệu thông tin đầy đủ và chuẩn bị các phương án cẩn thận thì phải đến năm 2006 mới có thể tiến hành hình thức trắc nghiệm trong thi tuyển sinh.
Ông có lời khuyên gì với các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm nay?
- Vì đề thi chỉ ra trong chương trình và bám sát chương trình nên thí sinh không nhất thiết phải luyện tủ. Kỳ thi ĐH năm ngoái, đã có 2 em đạt thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30 mà đâu có tham gia lò luyện nào ở thị xã hay thành phố. Tốt nhất là các em phải nắm vững toàn bộ kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, các dạng bài tập, các nội dung lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa. Nội dung của đề sẽ tập trung vào chương trình lớp 12 nhưng các em cũng cần nắm vững kiến thức cơ bản ở lớp dưới để vận dụng làm bài tập.
Năm đầu tiên, Cục đảm nhiệm công việc ra đề thi - một khâu được xem là nhạy cảm nhất của quá trình tuyển sinh. Với cuơng vị lãnh đạo Cục, ông thấy lo lắng về vấn đề gì nhất?
- Cũng không có gì lo lắng, do tất cả được hoàn thiện theo quy trình. Về nguyên tắc, ai làm sai sót khâu nào sẽ phải chịu trách nhiệm khâu đó. Vì vậy, các thành viên được mời tham gia đề thi đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy mấy năm nay, đề thi được đánh giá là khâu ổn hơn cả trong các khâu của tuyển sinh và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì điều này.
Xin cám ơn ông!
Hạ Anh (thực hiện)