(VietNamNet) - Lướt website của các trường ĐH bây giờ, bạn sẽ dễ nhận ra các từ "mới", "new" với thời gian cập nhật "tháng 6" ở trang chủ hoặc các chuyên mục "bản tin", "tuyển sinh".
Lên mạng tìm phòng thi
Từ ngày 12/6, trường ĐH Sư phạm TP.HCM chính thức đưa web tuyển sinh lên mạng để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của thí sinh. Hơn mười ngày qua, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã đ
ưa danh mục số báo danh và địa điểm thi của từng thí sinh trên trang web của mình và có đã có hơn 25.000 lượt truy cập. Các trường ĐH Luật TP.HCM, ĐH bán công Tôn Đức Thắng cũng vừa đưa lên mạng giúp thí sinh tra cứu số báo danh. ĐH Mở Bán công TP.HCM thì đưa ngay danh sách thí sinh theo thứ tự chữ cái mà không cần tra cứu.
Đây là năm thứ hai, ĐH Đà Nẵng thực hiện việc hướng dẫn địa điểm thi qua bản đồ điện tử. Ngoài ra, các thông tin cần thiết về tuyển sinh của ĐH này như tỷ lệ "chọi" của các ngành trong các trường ĐH thành viên, sơ đồ phòng thi, tra cứu số báo danh, v.v... cũng được cập nhật và dễ gây chú ý với cách bố trí các "kết" màu đỏ phía bên phải trang chủ. Website ĐH Cần Thơ, như thông lệ những năm gần đây, khi truy cập vào đều cho xuất hiện ngay pop-up "các tin tức, thông báo mới" dễ dàng cho tiếp cận thông tin. Trong phần thông tin tuyển sinh 2004, site này đã cập nhật sơ đồ các điểm thi tuyển sinh 2004, lịch thi tuyển sinh, bảng phân công phòng thi cho các trường TP.HCM cụm Cần Thơ.
Website ĐH Luật TP.HCM. |
Ông Trần Thọ Đạt, trưởng Phòng Quản lý Đào tạo ĐH và sau ĐH, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay: Website của trường đã cập nhật thêm những thông tin chưa có trong cuốn cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ" như bổ sung ngành mới, phân bố chỉ tiêu từng ngành, phương án xét tuyển, sắp xếp chuyên ngành sau trúng tuyển, v.v...
"Khởi động" khá sớm, ĐH Hồng Đức có hai nội dung "mới nhất" liên quan đến tuyển sinh là "thông báo bổ sung" của UBND tỉnh Thanh Hóa về ngành CĐ Điều dưỡng và "hướng dẫn tuyển sinh 2004" từ tháng 3. Còn ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội thì cập nhật thông tin về tỷ lệ "chọi" vào từng ngành cụ thể. Đây là những thông tin rất đáng chú ý đối với thí sinh, do các ĐH này tuyển sinh theo ngành. Trong khi đó, website của ĐH Nông Lâm TP.HCM có hẳn một trang tuyển sinh riêng giới thiệu khá kỹ càng nội dung từng ngành học, cơ hội làm việc của từng ngành, sự khác biệt của ngành đào tạo trong trường với trường khác, v.v... Trang tuyển sinh của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cập nhật chi tiết nhiều thông số về tra cứu số báo danh và địa điểm phòng thi, thống kê số lượng thí sinh đăng kỳ dự thi theo ngành, thống kê số lượng thí sinh đăng kỳ dự thi theo tỉnh, thông tin tổng quát tuyển sinh 2004, thông tin các ngành tuyển sinh và những điều thí sinh cần lưu ý.
Bơi trong bể thông tin mà vẫn thiếu
Thực ra, việc đưa thông tin lên mạng của mình là một quy định bắt buộc trong Điều lệ trường ĐH ban hành tháng 7/2003. Thông tin chủ yếu được các trường đưa lên chủ yếu là các văn bản, hướng dẫn tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu, ngành đào tạo của trường. Một số trường cẩn thận đưa cả thông tin về tỷ lệ "chọi", vốn được nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, nhiều trường mới chỉ dừng lại ở mức thông báo các thông số mà chưa tận dụng các tính năng khác như: tìm số báo danh, phòng thi, v.v... nên thông tin mới cập nhật đến tháng 3 hoặc tháng 4 rồi để đó.
Trong khi đó, website nhiều trường ĐH đến thời điểm này vẫn là những thông tin của... một năm về trước! Có vẻ như ở lĩnh vực áp dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, các trường khu vực phía Nam chịu khó cập nhật và "chăm sóc" thông tin hơn các trường phía Bắc. Trường ĐH Thủy lợi vẫn là... "thông tin tuyển sinh năm 2003". Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đang có kế hoạch xây dựng thư viện điện tử lớn nhất Việt Nam - thì cập nhật khá thường xuyên các thông báo như "thi tin học Nhật Bản", lịch giới thiệu chương trình "đào tạo thạc sỹ chuyển tiếp" nhưng riêng thông tin tuyển sinh ĐH lại vắng bóng.
Lê Văn Thành vốn là học sinh trường THPT thực hành Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Trước cổng trường là hàng dãy cà phê Internet giá rẻ (2.000đ/giờ) nhưng chưa bao giờ Thành "đảo qua" các hàng Internet nên chuyện nắm thông tin qua mạng là chuyện "trên trời". Tuy nhiên, với nhiều thí sinh khác, dù có "chăm chỉ" lướt Net song cũng chưa thỏa mãn với những thông tin từ các trường để có định hướng chính xác khi lựa chọn nghề nghiệp. Chẳng hạn, thí sinh songnguyen@... muốn theo học ngành Đông phương học, khi tra cứu vào trang web của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn cũng chỉ nắm được các thông tin "khô" về ngành học, môn học.
Trên hết, điều mà các thí sinh quan tâm nhiều nhất là "cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ ra sao" hiện vẫn cứ là thông tin bỏ ngỏ ở tất cả các trường.
Và như vậy, quy định về trách nhiệm và quan hệ của trường ĐH đối với gia đình và xã hội theo điều lệ trường ĐH "Các trường ĐH phải thông báo công khai số liệu thống kê hàng năm về người tốt nghiệp và có được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo" vẫn là thông tin còn nằm trong diện "sẽ tiếp tục cập nhật nhưng không biết đến bao giờ"!
-
Hạ Anh