221
682
Tuyển sinh
tuyensinh
/giaoduc/tuyensinh/
590714
Giao lưu trực tuyến với Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Giao lưu trực tuyến với Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ
,

(VietNamNet)  - Trong suốt 2 giờ đồng hồ, các thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 đã say sưa trả lời thắc mắc của các thí sinh. Tham gia trực tuyến có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban chỉ đạo; Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Nguyễn An Ninh; chuyên viên tuyển sinh Đỗ Duy Dự.

Ông Bành Tiến Long

Được hỏi nhiều nhất là cách thức đăng ký các nguyện vọng, thủ tục học 2 trường ĐH. Nhiều thí sinh tự do, thí sinh vãng lai không có điều kiện tiếp nhận thông tin như học sinh đang học tại trường THPT đã "thỏa sức" hỏi về những điều chưa rõ. Bên cạnh đó, có độc giả thẳng thắn "chất vấn" về cách thức làm việc của Bộ GD-ĐT có duy ý chí và chủ quan hay không..

Ngoài trả lời trường hợp cụ thể của từng thí sinh, các thành viên Ban Chỉ đạo còn thông tin thêm một số định hướng về đề thi năm nay, các cơ hội vào ĐH như liên thông, mở, từ xa...và tiến trình cải tiến thi cử của những năm sau.

Với những câu hỏi chưa được trả lời trong buổi trực tuyến hôm nay, VietNamNet sẽ tiếp tục giải đáp cho các bạn tại mục "Hộp thư tuyển sinh", email: bangiaoduc@vasc.com.vn

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu

Ngo Huy - Nam - hoang_tu_ngheo_cdcnhn@yahoo.com
Thưa bác Bành Tiến Long. Cháu giờ đang học trường CĐ Công nghiệp HN. Ngay từ lúc vào trường, chúng cháu được biết là trường sắp nâng cấp lên ĐH, nhưng tới mùa tuyển sinh này vẫn chưa nghe tin tức gì về việc nâng cấp nên cháu muốn hỏi việc trường được nâng cấp có đúng không? Nếu đúng thì trong bao lâu nữa? Mặt khác, do chúng cháu vừa thi năm đầu nên chúng cháu còn muốn thi lại nữa nên cháu muốn bác có thể giúp cháu và các bạn biết những thông tin về trường ĐH GTVT TP.HCM?

Ông Bành Tiến Long: Đúng là trường CĐ Công nghiệp Hà Nội đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị nâng cấp lên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thời gian cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành đã hoàn thành xong thủ tục thẩm định. Thời gian chắc chắn trong năm 2005 và hy vọng trường sẽ kịp tuyển sinh vào hệ ĐH trong năm 2005.

Về trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, được tách ra từ trường ĐH Hàng hải, đảm bảo điều kiện để đào tạo ĐH. Các thông tin chi tiết, cháu có thể tìm hiểu cụ thể tại phòng Đào tạo của trường, địa chỉ: số 2, đường D3, khu Văn Thánh Bắc, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM, điện thoại: 08.8992862

Linhvinhvn - Nam - linhvinhvn2002@yahoo.com
Năm nay em học lớp 12, ở Hà Nội và muốn thi vào khoa Lịch sử, trường ĐHQG TP.HCM. Vậy, em phải nộp hồ sơ như thế nào, đến đâu? Nếu em ghi đó là nguyện vọng 2 thì có phải cộng thêm mấy điểm? Nếu như trượt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 em mới đăng ký vào trường đó có được không?

 

Ông Đỗ Duy Dự: ĐHQG TP HCM là trường có tổ chức thi. Vì vậy, nếu em muốn học khoa Sử của trường này thi em phải nộp hồ cho trường và đến trường để dự thi và đây chính là trường NV1 của em. Nếu em thi khối C ở một trường ĐH khác thì em có thể ghi NV2 vào khoa Sử của ĐHQG TP HCM. Điểm của NV2 phải bằng hoặc lớn hơn NV1.

Nguyễn Công Minh, nam 23 tuổi, P.A8, KTX ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM

Trong mục 16 của bộ hồ sơ tuyển sinh năm 2005 có ghi: "Thí sinh đã ĐKDT vào truờng ĐH tại mục 2 nhưng có nguyện vọng học tại trương ĐH,CĐ không tổ chức thi...". Em đăng kí thi tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhưng lại muốn học tai trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội (cùng ngành thi) thì có được học không nếu kì thi tới đây em đỗ ĐH? Phần xác nhận người khai phiếu trong hồ sơ: Em là thí sinh tự do thì có cần phải xác nhận của địa phương nơi em có hộ khẩu thường trú hay không hay chỉ cần xin xác nhận của chính quyền địa phương nơi em đang tạm trú?

Ông Đỗ Duy Dự: Nếu em có NV1 học tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM thì em phải nộp hồ sơ và dự thi tại ĐH KH XH và NV TP HCM. Trong trường hợp này em không cần ghi mục 16 của phiếu ĐKDT.

Nếu em có NV1 học tại trường ĐH KHXH và NV Hà Nội em phải nộp hồ sơ và dự thi tại trường ĐH KHXH và NV Hà Nội (không phải khai mục 16). Mục 16 trong phiếu ĐKDT chỉ dành cho thí sinh có NV1 học tại những trường không thi tuyển sinh để ghi các thông tin về trường không thi tuyển sinh mà thí sinh có NV1 vào học. Thí sinh tự do cần xin xác nhận của địa phương nơi đang cư trú.

Tư liệu điểm chuẩn ĐH năm 2004

Hệ thống lại điểm chuẩn của các trường năm 2004, cung cấp thêm tư liệu cho thí sinh tham khảo trước khi đăng ký dự thi năm nay.

Nguyễn Tuấn, 19 tuổi, Hà Nội
Các thầy có thể dự đoán các trường điểm cao năm nay không ạ? Và các trường điểm cao năm ngoái thì năm nay thế nào? Các thầy có lời khuyên gì cho chúng em khi chọn trường phù hợp với mình?

Ông Nguyễn An Ninh: Sau ngày 6/5/2005, Bộ sẽ thống kê và công bố kết quả đăng ký dự thi vào các trường, do vậy khó có thể có lời khuyên cụ thể nào đối với thí sinh vào lúc này.

Nguyễn Hải Nam, 18 tuổi, tổ 4, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội

Thưa ông Bành Tiến Long, ông có thể cho biết cụ thể về cái gọi là "Đại cải cách giáo dục" năm 2007-2008?

Ông  Bành Tiến Long: Có lẽ em nhầm. Bộ GD-ĐT chưa bao giờ nói "đại cải cách giáo dục năm 2007-2008". Chủ trương "đại cải cách thi cử vào năm 2007-2008" mà Bộ dự kiến sẽ là: đề thi của các môn thi sẽ được tiến hành theo hình thức trắc nghiệm và tiến tới một kỳ thi chung quốc gia, lấy kết quả đó, vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Lê Tiến Trường, lttruongcpp@hn.vnn.vn

Thưa Thứ trưởng Bành Tiến Long. Bộ thường xuyên công bố các quy định rồi lại rút lại như thi trắc nghiệm ngoại ngữ, thí sinh muốn chọn điểm thi ở đâu cũng được. Theo tôi, đó là biểu hiện của cách làm việc chủ quan, duy ý chí. Với các quy định lớn được đưa ra bàn bạc và dư luận đấu tranh thì Bộ mới thay đổi, vậy các quy định nhỏ khác, không được góp ý, liệu thí sinh có thể tin cậy hoàn toàn vào quy trình làm việc của Bộ không?

Ông Bành Tiến Long: Tôi xin được trả lời bạn và những bạn có suy nghĩ tương tự.

 Khi đề ra các chủ trương liên quan đến vấn đề thi cử mang tính chất "nhạy cảm" và nhiều áp lực, Bộ GD-ĐT cũng đã phải xem xét, lấy ý kiến rộng rãi của dư luận, có sự đồng thuận và mang tính khả thi. Mục tiêu cuối cùng là vì quyền lợi của thí sinh.

Chủ trương thi trắc nghiệm và chọn điểm dự thi của thí sinh là một xu hướng tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cũng đã được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, xét toàn cục, trong năm 2005 này, số lượng học sinh dự thi ĐH trên toàn quốc ở nhiều vùng miền khác nhau, sự chuẩn bị của các trường ĐH, CĐ cần kỹ lưỡng hơn. Mặt khác, cũng cần có thêm thời gian để chuẩn bị về mặt tâm lý trong xã hội.

Tất cả những điều đó thể hiện sự thận trọng chứ không phải chủ quan, duy ý chí như bạn nói, dù là việc lớn hay việc nhỏ.

Hà Vân Anh, 18 tuổi, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội
Trong quyển " Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH và Cao đẳng năm 2005" có những trường không ghi rõ chỉ tiêu tuyển sinh từng khoa. Chúng em phải làm thế nào để có thể biết được những điều này?

Ông Nguyễn An Ninh: Đây là những trường tuyển đầu vào theo khối, sau đó mới xét phân theo ngành.

Ngọc Phách, 141, Dịch Vọng, Hà Nội
Tại sao Bộ GD-ĐT có quy định "kỳ quặc" là mãi đến tháng 3 mới công bố môn thi tốt nghiệp THPT? Lúc ấy thực sự ôn thi cả 6 môn thì chúng em không kham nổi, vì còn phải ôn thi ĐH nữa. Tại sao Bộ không thay đổi cách công bố môn thi?

Ông Nguyễn An Ninh

Ông Nguyễn An Ninh:Việc công bố các môn thi tốt nghiệp THPT không thể sớm hơn so với quy định hiện nay( cuối tháng 3 hàng năm) là để cho các trường đảm bảo thực hiện phân phối chương trình đúng quy định ở tất cả các môn, không chỉ chú trọng riêng các môn thi tốt nghiệp.

Hoàng Văn Minh, 33/2, Khuất Duy Tiến, Hà Nội
Thưa Thứ truởng, qua các bài phỏng vấn trên báo chí, so với một số lãnh đạo của ngành khác, tôi thấy ông cũng có quan điểm riêng, khá mạnh dạn trong việc tiếp thu dư luận. Với cuơng vị phụ trách tuyển sinh ĐH, liệu ông có thể cho biết: Bộ GD-ĐT đang có những hành động nào để 10, 15 năm nữa nền giáo dục ĐH của ta khác biệt hơn so với hiện taị? Chúc ông thành công trong công việc nặng nề của mình.

Ông Bành Tiến Long: Tôi cũng chỉ thông tin lại chủ trương của lãnh đạo Bộ GD-ĐT với bạn đọc qua phương tiện báo chí.

Để đạt chỉ tiêu 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010, phải tăng quy mô tuyển sinh, mở rộng thêm mạng lưới các trường ĐH, CĐ và thay đổi phương thức tuyển sinh. Ví dụ, mở rộng đầu vào, kiểm định đầu ra. Tuỳ từng loại hình trường, thứ hạng của các trường, vùng miền, yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực của các vùng kinh tế khác nhau...để điều chỉnh vấn đề tuyển sinh cho hợp lý.

Trong đề án đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam mà Bộ đang dự thảo cũng đề cập chi tiết về vấn đề này cho giáo dục ĐH của chúng ta sau 10 đến 15 năm nữa. Nội dung của đề án phải đổi mới, cụ thể, khả thi và có khả năng hội nhập. Hy vọng bạn sẽ đóng góp nhiều ý kiến quy báu sau khi dự thảo đề án được đăng tải trên mạng, vào khoảng giữa năm 2005.

Cảm ơn lời chúc của bạn.

Ông Bành Tiến Long: Cháu có thể dự thi được nếu được hiệu trưởng của trường đồng ý. Muốn theo học 2 ngành, cháu phải học một ngành hết năm thứ nhất với kết quả xuất sắc.

Bảng ký hiệu đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh ĐH

Giúp TS bổ sung thông tin còn thiếu trong tài liệu "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2005"

vungtroibinhyen192000@yahoo.com - Nam -
Em nghe nói là thí sinh tự do phải có công chứng. Cho em hỏi em cần phải công chứng giấy tờ gì, hộ khẩu của em ở An Giang, hiện đang ở thành phố thì có thể công chứng trên TP được không?

Ông Đỗ Duy Dự: Tất cả thí sinh dự thi ĐH, CĐ chỉ cần khai phiếu ĐKDT. Nếu là học sinh đang học lớp 12 thì xin xác nhận của trường đang học. Nếu là thí sinh tự do thì xin xác nhận của địa phương nơi thí sinh đang cư trú.

Hong Duc - Nam 19 tuổi - Ha Noi
Nhiều người phê phán chúng tôi là cứ lao đầu vào ĐH mà không chịu học CĐ hoặc trung học, công nhân... miễn là nghề gì có thể làm ra tiền bằng lao động của chính mình. Tôi không phủ nhận động cơ trong sạch đó. Nhưng vào được ĐH tức là đặt được chân vào "con đường sáng", có được niềm hi vọng là sẽ không sống nghèo túng như cuộc đời công nhân của bố tôi, có đúng vậy không, thưa ông?

Ông Bành Tiến Long: Suy nghĩ của em như vậy là hoàn toàn không đúng. Nếu em được đào tạo nghề và làm một nghề thật tốt thì cơ hội phát triển cuộc sống cũng có thể ngang bằng với những người có bằng ĐH. Trong thực tế, nhiều người còn phát triển hơn. Hơn nữa, từ công nhân, em có thể học tiếp lên các bậc học khác, kể cả ĐH.

Tran Sanh, 118, Dao Son, Thanh Hoa - Nam -
Là phụ huynh có con đang học phổ thông, tôi rất thắc mắc tại sao chúng ta có ý đồ thi ĐH bằng trắc nghiệm rồi lại đột ngột dừng laị? Lý do là chưa tìm đuợc sự thống nhất về khoa học hay sự chuẩn bị chưa kỹ càng?Con tôi đang học lớp 10, không biết đến khi cháu đi thi thì tình hình sẽ ra sao? Rất mong đuợc phúc đáp.

Ông Nguyễn An Ninh: Việc áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm vào các kỳ thi có rất đông thí sinh, như thi tốt nghiệpTHPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ, là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn về mặt kỹ thuật, đặc biệt là việc hướng dẫn thí sinh làm quen với thi trắc nghiệm, nên năm 2005 chưa tổ chức thi trắc nghiệm các môn ngoại ngữ. Từ năm 2006, sẽ bắt đầu áp dụng đối với các môn ngoại ngữ trong cả 2 kỳ thi.

Thanh Quang - ntqonline@s.vnn.vn
 
Em hiện là SV của ĐH Huế. Emmuốn thi lại ĐH khác nhưng ở ĐH, giải quyết các thủ tục cho sinh viên chuyển trường này sang trường khác rất khó khăn, giữ hồ sơ, không cho SV rút hồ sơ để chuyển trường, rồi còn phải bồi thường một khoản tiền lớn. Như vậy có đúng với quy chế của Bộ Giáo dục không? Nếu đậu trường khác thì em phải giải quyết như thế nào đây?

Ông Đỗ Duy Dự

Ông Đỗ Duy Dự: Theo quy định hiện hành, học sinh, sinh viên đang học tại các trường nếu có NV dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường đang học. Hiệu trưởng phải ký xác nhận vào phiếu ĐKDT mới hợp lệ.

ha son, pacificblue_yk@yahoo.com
Tôi hiện đang là SV năm thứ 2 nhưng năm nay tôi muốn thi chuyển trường học. Lý do là tôi không học được gì sau hai năm bởi vì tôi học trái ngành. Nhưng trong vấn đề rút hồ sơ để chuyển trường (nếu tôi thi đỗ ĐH năm nay) có nói đến chi phí đào tạo. Tôi muốn hỏi phí đào tạo mà nhà trường thu của SV khi rút hồ sơ đấy là gì? Trong khi tôi đã đóng học phí đầy đủ. Liệu tôi có phải trả phí đào tạo hay không và nếu phải trả phí đào tạo thì có cách nào để không phải trả phí đào tạo hay không? Rất mong được sự hướng dẫn cụ thể của Ban tuyển sinh?

Ông Bành Tiến Long: Về nguyên tắc, em phải trả chi phí đào tạo. Mức độ chi phí đào tạo tuỳ từng ngành nghề và từng trường, do trường quyết định theo khung chung đã được ban hành. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu em có lý do chính đáng, báo cáo Hiệu trưởng và được Hiệu trưởng đồng ý, em có thể được giảm, thậm chí được miễn chi phí đào tạo.

 ronaldo_19872004@yahoo.com
Khi đã đỗ NV1 thì mình có thể nộp đơn xét NV2 hay không? Trường hợp đỗ NV1 mà mình nộp NV2 không đậu thì có được quay lại học theo NV1 hay không? Hiện tại, em chưa học gì về vi tính và tiếng Anh cũng không tốt. Vậy, muốn thi vào ngành Công nghệ thông tin có được không? Có theo kịp khi vào trường không? Những trường nào có ngành Công nghệ thông tin?  Em muốn hỏi, khi mình đang học trung cấp An ninh thì có thể học lên ĐH không? Có thể thi vào trường khác không?

Ông Đỗ Duy Dự: Theo quy định hiện hành, nếu đã trúng tuyển NV1 thí không được tham gia xét tuyển vào trường khác theo NV2, NV3. Nếu trình độ tiếng Anh và khả năng sử dụng máy vi tính chưa tốt, em có thể ĐKDT vào những ngành khối A khác. Rất nhiều trường có ngành CNTT, em xem trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005".

Theo quy định của Bộ Công an, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Công an, phải làm việc liên tục 3 năm mới được phép thi lên ĐH.

Trương Trọng Vũ - Nam 18 tuổi - Quảng Ngãi: Em đạt giải 2 quốc gia , đuợc tuyển thẳng khối C , nhưng em muốn thi tiếp khối D , vậy em có được cộng điểm ưu tiên ?


Ông  Bành Tiến Long: Em đã đăng ký tuyển thẳng thi không được dự thi vào khối thi đó. Nếu em dự thi thì em được cộng điểm thưởng nhưng không được xét tuyển thẳng. Nếu em không đỗ thì phải chịu. Nếu em đạt giải môn Văn, khi dự thi khối D, em sẽ được cộng điểm thưởng môn Văn.

Phạm Ngọc Khuê, nữ 19 tuổi, Hải Dương
Cháu có học lực trung bình, thi khối D3, nhưng khối này điểm cao quá, có thể cháu không đạt được. Cháu muốn hỏi nếu cháu thi vào 1 truờng , muốn xét tuyến xuống CĐ Du Lịch , thì nên thi trường gì và có những trường CĐ nào liên quan đến du lịch nhưng điểm cũng thấp thôi?

Ông Bành Tiến Long: Trường CĐ Du lịch Hà Nội không tổ chức thi mà xét tuyển thí sinh đã thi khối D1, D3, D4 vào các trường ĐH trong cả nước.Nếu em muốn xét tuyển vào trường CĐ Du lịch thì phải thi vào các khối D1, D3, D4 của một trường ĐH.

Ngoài trường CĐ Du lịch Hà Nội, có trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Du lịch Hạ Long (mới nâng cấp) và trường CĐ Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang đều đào tạo ngành liên quan đến du lịch.

hoaibaovui@yahoo.com:
Năm trước, em bị thôi học tạm thời và không trả nợ nên bị buộc thôi học. Năm nay, em dự thi ĐH, nếu trúng tuyển thì kết quả có được công nhận không? Có phải theo quy chế tuyển sinh, những người bị buộc thôi học sẽ bị tước quyền dự thi 2 năm, kể từ năm bị buộc thôi học. Vậy năm bị buộc thôi học xét từ thời điểm nào? Em có được dự thi năm nay không?

Ông Nguyễn An Ninh: Nếu bị kỷ luật buộc thôi học thì phải 2 năm sau thí sinh mới được dự thi.

Hoàng Tiên Phú, nam, 29 tuổi:
Em thấy chỉ tiêu cử tuyển năm nay khá nhiều. Những năm trước em thấy rất lạ rằng những thí sinh đi học theo chỉ tiêu cử tuyến toàn là con em những gia đình có điều kiện, có quyền chức. Em nghe nói có tiêu cực trong việc này kéo dài từ lâu nay. Bộ có đổi mới gì để năm nay những học sinh vùng sâu, vùng cao có hoàn cảnh khó khăn dược hưởng đúng, hưởng đủ chỉ tiêu cử tuyển?

Ông Bành Tiến Long: Vấn đề cử tuyển là do Hội đồng cử tuyển của các tỉnh tổ chức xét tuyển. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở làm thư ký hội đồng. Toàn bộ hồ sơ sẽ được nộp tại tỉnh và được xét tuyển theo quy chế tuyển sinh và thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc. Sau khi trúng tuyển, các trường rà soát lại hồ sơ, thanh tra Bộ GD-ĐT kiểm tra hồ sơ. Nếu những em nào không đúng đối tượng thì sẽ bị loại khỏi danh sách hoặc đã vào học thì bị đình chỉ học tập. Vì vậy, những vấn đề tiêu cực như em đề cập là không có cơ sở. Trên thực tế, cũng đã có một số sinh viên vào học theo chế độ cử tuyển sau khi phát hiện gian lận đã bị xử lý theo hình thức trên.

Buổi giao lưu kết thúc vào lúc 16h30. VietNamNet sẽ còn trở lại cùng các bạn trong những buổi giao lưu trực tuyến khác của mùa tuyển sinh năm nay. Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

  • Ban Giáo dục  (thực hiện)
  • Ảnh: An Thành Đạt
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,