Nguyễn Phương Nhung thi đỗ vào Phân viện Báo chí và tuyên truyền với số điểm (cả điểm thưởng) là 25, cao nhất trong số các thí sinh thi vào đây. Nhưng bất ngờ, vào ngày 8/9, khi xem chương trình gặp gỡ giao lưu với các thủ khoa ĐH trên VTV3 thì xuất hiện một thí sinh khác cũng thi vào trường này và được coi là thủ khoa với 24,5 điểm. Tiêu chí nào cho việc bình xét này?
Mỗi trường chọn thủ khoa một kiểu
Trong số các thí sinh thi vào Phân viện Báo chí và tuyên truyền thì thí sinh Nguyễn Phương Nhung có điểm của 3 môn thi đạt 23,5 điểm và được cộng thêm 1,5 điểm nữa, được gọi là điểm thưởng do khi học phổ thông Nhung liên tục là học sinh giỏi. Như vậy điểm trúng tuyển vào ĐH của thí sinh Nguyễn Phương Nhung là 25 điểm.
Khi xem chương trình giao lưu gặp gỡ thủ khoa, trên truyền hình lại xuất hiện thí sinh khác kém Nhung tới 0,5 điểm nhưng vẫn được coi là thủ khoa - người đỗ với số điểm cao nhất.
Ông Phạm Thảo - Phòng Đào tạo, Phân viện Báo chí tuyên truyền cho biết: "Sau khi nhận được ý kiến của Đài Truyền hình Việt Nam về việc đưa danh sách thủ khoa, lãnh đạo Phân viện cũng hết sức cân nhắc. Phân viện dựa trên tiêu chí là chọn điểm của 3 môn thi cộng lại để chọn thủ khoa chứ không chọn thí sinh cộng thêm điểm thưởng, như thế mới công bằng".
Vậy tiêu chí này có tạo nên sự công bằng không khi trong quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng nói là điểm trúng tuyển vào đại học có cả điểm thưởng? Ông Thảo cho biết: "Đúng là như vậy, nhưng đã gọi là thủ khoa thì chỉ nên tính đến điểm thi chứ không thể tính điểm ưu tiên hay thưởng".
Ở một số trường ĐH khác, chẳng có một tiêu chí cụ thể nào cho việc chọn thủ khoa. Mỗi nơi đều chọn theo một kiểu.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Hiếu, phụ trách Phòng Đào tạo cho biết: Hầu hết các trường thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên đều chọn thủ khoa dựa trên cơ sở là tổng điểm thi của thí sinh đó, tuy nhiên có một số trường lại cộng thêm cả điểm thưởng để chọn thủ khoa (điểm do học sinh đạt các danh hiệu ở niên học cuối năm lớp 12 và kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thưởng do đạt danh hiệu, thứ hạng cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế). Như thí sinh Ngô Nguyễn Hoàng Chương thi vào khoa Toán - Tin (ĐH Khoa học tự nhiên) với số điểm thủ khoa là 30,5 điểm (cộng thêm 2 điểm thưởng), tuy nhiên thí sinh này nếu không cộng thêm 2 điểm thưởng thì vẫn có số điểm cao nhất là 28,5.
Tại Trường Đại học Ngoại thương thì việc chọn thủ khoa còn tính đến cả điểm thưởng. Như thí sinh Đặng Ngọc Long (thủ khoa) đạt được 31,5 điểm có tính cả điểm thưởng (2 điểm), hoặc thí sinh Nguyễn Mai Phương đạt 28,5 điểm trong đó có 1,5 điểm thưởng là thủ khoa của khối D1 (ĐH Ngoại thương); thí sinh Trịnh Việt Nga cũng được 28 điểm là thủ khoa, trong đó có 1 điểm thưởng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Xây dựng cho biết: "Trường ĐH Xây dựng có 2 thủ khoa đều đạt 30 điểm cả 3 môn thi và 3 thí sinh khác đạt 29,5 điểm. Trường đã cân nhắc và chỉ lấy 2 thí sinh có điểm thi 3 môn với số điểm tuyệt đối 30 điểm là thủ khoa, chứ nếu tính cả các thí sinh được 29,5 điểm và được cộng điểm thưởng nữa thì không công bằng".
Còn tại Trường Đại học Văn hoá, theo ông Hoàng Trọng Nhất, Trưởng phòng Đào tạo của trường thì chỉ chọn thủ khoa theo khoa (có nghĩa người đỗ với số điểm cao nhất vào từng khoa) do đặc thù một số khoa của ĐH Văn hoá lại phải chọn năng khiếu như vẽ, nhạc, kịch... Ví dụ khoa Văn hoá quần chúng thì thủ khoa phải chọn thêm cả điểm năng khiếu. Hoặc trường này cũng đã chọn bước đầu được tới 5 thủ khoa ở các khoa như khoa Bảo tàng (khối C) thí sinh Vũ Thành Chung có điểm thủ khoa là 21,5, khoa Phát hành sách (khối D) thí sinh Phạm Hương Giang có điểm thủ khoa là 23,5.
Như vậy, cái gọi là thủ khoa hiện nay đang trở nên hết sức rầm rộ, nhưng rất tiếc lại chưa có một chuẩn mực cụ thể nào để đánh giá.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chưa có tiêu chí chọn thủ khoa
Trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD - ĐT ban hành năm 2003 cũng chỉ có quy định về ưu tiên tuyển sinh, trong đó đề cập "Các học sinh giỏi, thi đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia... thì được ưu tiên cộng điểm với mức cộng điểm từ 0,5 đến 2 điểm". Trong thang bảng điểm mà Bộ công bố lại được chia làm 4 cột trong đó có 3 cột dành cho 3 môn thi và 1 cột dành cho ưu tiên sau đó là đến tổng số điểm được gọi là "điểm trúng tuyển". Như vậy thủ khoa chỉ được tính điểm 3 môn thi hay là "điểm trúng tuyển"?
Ông Đỗ Duy Dự, chuyên viên Bộ GD - ĐT phụ trách về tuyển sinh ĐH, khẳng định: "Hiện nay Bộ cũng chưa có tiêu chí hay quy định về việc chọn thủ khoa mà việc này hoàn toàn do các trường tự quy định, đặt ra".
Theo ông Dự, thủ khoa cần phải được hiểu như là người thi có tổng số điểm cao nhất. Nhưng nếu xét theo góc độ đánh giá sự phát triển toàn diện, liên tục của những thí sinh đạt điểm cao nhất thì cách mà nhiều trường đang chọn (chỉ chọn điểm thi cao nhất mà không tính điểm thưởng) vẫn chưa thoả đáng và gây thiệt thòi cho nhiều thí sinh học giỏi ở phổ thông hoặc thi đỗ điểm cao ở các kỳ thi quốc gia.
Chính vì điều này mà Bộ GD - ĐT cũng cần xem xét đến thực tế lựa chọn thủ khoa hiện nay và có quy định cụ thể để tránh khiếu nại cũng như việc công nhận danh hiệu thủ khoa, không nên để mỗi trường làm một kiểu như hiện nay.
(Theo Lao Động)