- "Khắc phục "hố tử thần" là việc trong tầm tay của nhà thầu, đơn vị quản lý chứ không cao siêu như lên… Mặt trăng. Vậy mà "bẫy chết người" vẫn nằm chình ình giữa phố, chưa ai khắc phục?" - ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM (HĐND) bức xúc.
TIN LIÊN QUAN
> Thêm hai ’hố tử thần’ giăng bẫy Sài Gòn
> TP.HCM:Hố tử thần, chưa bị truy tố chưa sợ
Ngày 25/10, trước bức xúc của dư luận, các đại biểu HĐND TP.HCM đã "mục sở thị" những khu vực “lô cốt” nguy hiểm, có nguy cơ xuất hiện "hố tử thần" trên một số con đường.
Tại “lô cốt” ở ngã tư Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa (gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh) thuộc dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, “ông hội đồng” Khoa lấy cây đo độ sâu của hố nước, lo ngại: "Nếu chẳng may người già, trẻ em ngã xuống hố này thì sẽ ra sao?".
Ông Đặng Văn Khoa tự tay đo độ sâu của "hố tử thần" ở ngã tư Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: Thái Phương |
Chị Trần Thị Lan, bán rau ở chợ Bà Chiểu bức xúc về cái "lô cốt" bẫy người này: “Cứ mỗi khi trời mưa, nước ngập là xảy ra các vụ người đi đường té ngã, chúng tôi phải tới kéo họ lên khỏi vũng sình lầy lội". Theo quan sát của PV VietNamNet, "hố tử thần" ngay ngã tư này chỉ được rào kín một phần; phần còn lại không được rào chắn... nằm ngoài đường, "há miệng" chờ người đi đường bất cẩn, sẩy chân...
Tại ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh - Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), “lô cốt” rút đi nhưng mặt đường vẫn còn nham nhở, đầy ổ gà, ổ voi. Quan sát những vũng nước đọng, đại biểu Khoa bất ngờ thấy dòng nước nhỏ phun lên từ mặt đường. “Đường ống cấp nước sạch bị vỡ, sớm muộn mặt đường cũng sụp xuống thành "hố tử thần” - ông Khoa lo ngại. Thậm chí, một "hố tử thần" trước nhà số 109 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, đã hình thành ngay trong buổi thị sát của các đại biểu HĐND.
Khoảng 30 "hố tử thần" đã xuất hiện trên đường phố TP.HCM thật sự là nỗi ám ảnh của người dân khi ra đường. Trong ảnh: "Hố tử thần" ở ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu hiện vẫn đang khắc phục. Ảnh: Thái Phương
Sau buổi khảo sát, đại biểu Đặng Văn Khoa đặt vấn đề: “Chỉ một hố nước sâu ở ngã tư Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa, liệu có chắc người dân sẽ an toàn nếu chẳng may rơi xuống? Một vấn đề nằm hoàn toàn trong khả năng của nhà thầu, đơn vị quản lý nhưng lại không thể khắc phục sớm. Vì sao vậy?”.
Tự tìm câu trả lời, đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, cần quy trách nhiệm cụ thể. Sở Giao thông vận tải (GTVT) cần phải có ngay các giải pháp khắc phục, không thể kéo dài "những sự cố đơn giản nhưng có thể cướp đi tính mạng của người dân".
Theo đại biểu Nghĩa, trách nhiệm cao nhất thuộc về lãnh đạo thành phố vì để người dân gặp tai nạn. Lãnh đạo thành phố phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý. Chẳng hạn, nếu người dân bị tai nạn vì công trình giao thông, trách nhiệm là Sở GTVT, bị điện giật là ngành điện lực, tai nạn do môi trường là Sở Tài nguyên môi trường…
“Người dân chỉ biết cơ quan quản lý cao nhất phải chịu trách nhiệm. Bởi họ không biết tìm ai, kiện cáo ai, do cơ chế quản lý của chúng ta quá lòng vòng, phức tạp. Cụ thể với những "hố tử thần" xuất hiện trong thời gian qua do các công trình giao thông thì Sở GTVT phải là đơn vị chịu trách nhiệm với nhân dân” - đại biểu Nghĩa bày tỏ.
-
Thái Phương