,
221
2141
Quốc tế
quocte
/khoahoc/quocte/
452386
Virus cúm gia cầm H5N1 ngày càng nguy hiểm
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Virus cúm gia cầm H5N1 ngày càng nguy hiểm

Cập nhật lúc 11:59, Thứ Ba, 29/06/2004 (GMT+7)
,

Virus cúm gia cầm H5N1 đang đột biến và trở nên nguy hiểm hơn đối với thú có vú. Phát hiện này làm dấy lên lo ngại có thể xảy ra đại dịch lớn ở người.

Cần tăng cường giám sát các loài động vật để phát hiện cúm gà.

Cúm gia cầm xuất hiện vào năm 1997 khi một dạng virus tên H5N1 lây từ gà sang người, cướp đi sinh mạng của sáu người tại Hong Kong. Trong vòng ba ngày, toàn bộ đàn gà của vùng này bị giết và dịch bệnh được kiểm soát. Một dạng virus mới đã xuất hiện, cướp đi sinh mạng của 23 người khác tại Việt Nam và Thái Lan trong năm ngoái. Chưa có dạng virus cúm gà nào có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, nếu một dạng nguy hiểm hơn xuất hiện, nó có thể gây ra các đại dịch ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Hiện các nghiên cứu di truyền và động vật chỉ ra rằng virus H5N1 đang trở nên nguy hiểm hơn đối với động vật có vú. Theo Hualan Chen, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Cúm động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, cần phải hành động ngay để ngăn chặn virus cúm gia cầm lây lan cao nhiễm từ vịt khoẻ mạnh sang gà và động vật có vú. Ông và đồng nghiệp đã nghiên cứu 21 mẫu virus H5N1 từ những con vịt khoẻ mạnh - nguồn chứa tự nhiên đối với bệnh cúm gia cầm - ở miền Nam Trung Quốc từ năm 1999 tới năm 2002.

Nhóm nghiên cứu đã tiêm mẫu virus được lấy từ các năm khác nhau cho các nhóm gà, chuột và vịt. Sau đó, họ chờ đợi để xem động vật nào bị ốm. Đúng như mong đợi, vịt miễn dịch virus trong khi gà bị ốm. Ngoài ra, chuột cũng bị ốm với triệu chứng sụt cân và không cử động được các chi. Độ nghiêm trọng của bệnh liên quan tới năm lấy mẫu virus. Virus được phân lập vào năm 2001 và 2002 làm cho động vật ốm nặng hơn so với virus được lấy từ những năm trước đó.

Kết quả cho thấy vào một thời điểm nào đó trong năm 2001, virus đã trở nên thành thạo trong việc lây nhiễm sang thú có vú. Phân tích di truyền các mẫu cho thấy ADN của virus đã thay đổi trong thời gian đó, gợi ý các đột biến tích tụ có lẽ đã làm tăng tính độc hại của nó. Các nhà nghiên cứu lo ngại virus có khả năng nhiễm sang chuột cũng có thể nhiễm sang người. Nhà virus học Marion Koopmans thuộc Viện Y tế và Môi trường Quốc gia Hà Lan cảnh báo: ''Virus cúm gia cầm có thể bùng phát vào bất kỳ lúc nào''.

Nghiên cứu trên nêu bật yêu cầu tăng cường giám sát để đảm bảo có thể ngăn chặn mọi đợt dịch bệnh trong tương lai. Mặc dù tiêu huỷ gia cầm là việc dễ dàng song lại khó có thể kiểm soát động vật hoang dã. Koopmans nói: ''Không thể tiêu diệt nguồn bệnh tự nhiên. Do vậy chúng ta cần học cách chung sống với nó''.

Tuy nhiên, gia cầm không phải là thủ phạm duy nhất trong câu chuyện này. Chen tin rằng lợn cũng đóng vai trò nào đó. Tại châu Á, lợn và gà thường được nuôi gần nhau, do vậy virus H5N1 có thể lây truyền giữa hai loài, đột biến và giỏi lây nhiễm sang vật chủ có vú. Sau đó, con người có thể nhiễm bệnh từ lợn bởi lợn sống gần với người tại các nước chẳng hạn như Thái Lan và Trung Quốc.

Nhà virus Robert Webster thuộc Viện Nhi St.Jude (Mỹ) cho biết: ''Virus cúm ở vịt ngày càng dễ lây nhiễm hơn. Chúng ta cần giám sát nhiều loài để xem nó nhiễm vào loài nào. Các quan chức Trung Quốc nên xét nghiệm động vật thường xuyên để tìm kiếm dấu hiệu lây nhiễm cúm gia cầm. Nghiên cứu cho thấy chính phủ Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều hơn để ngăn chặn các đợt dịch''.

Hai nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và Viện Nhi St.Jude đang bào chế vắc-xin ngừa cúm gia cầm.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
,
,