221
2122
Môi trường
moitruong
/khoahoc/moitruong/
501920
"Giấy Xanh": Hãy tăng giá trị từ mỗi giọt nước sử dụng
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
Tuần lễ Nước thế giới:
'Giấy Xanh': Hãy tăng giá trị từ mỗi giọt nước sử dụng
,

Ngày 19/8, các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu đang tham dự Tuần lễ Nước thế giới tại Stockholm (Thuỵ Điển) đã công bố bản báo cáo mang tên ''Giấy Xanh''. Báo cáo nêu bật những lựa chọn khó khăn mà các nước phải đưa ra khi áp lực cần nhiều lương thực hơn dẫn tới việc tiêu thụ nhiều nước hơn cũng như làm gia tăng nạn suy thoái môi trường.

Chúng tôi cần nước!

Mặc dù "Giấy Xanh" thừa nhận điều cần thiết trong ngắn hạn là dành nhiều nước hơn cho nông nghiệp song lượng nước, nguồn nước, hậu quả môi trường và xã hội của việc sử dụng nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định được đưa ra trong vài năm tới. TS David Molden thuộc Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) cho biết: ''Điểm mấu chốt là mức nước ngầm đang giảm mạnh và các con sông trên thế giới đã quá tải. Tuy nhiên, con người vẫn quá lạc quan về tương lai''!

''Sản xuất đủ lương thực để nuôi sống một người trong một năm cần một bể bơi cỡ Olympic. Nếu chúng ta tiếp tục hút cạn nước từ các con sông, chúng ta sẽ gây thảm hoạ đối với môi trường cũng như kế sinh nhai của con người.'' - TS Molden nói tiếp. Một trong những phương pháp được ủng hộ rộng rãi nhất nhằm giải phóng nước cho môi trường và các mục đích sử dụng khác là cải thiện hiệu quả sử dụng. Điều đó có nghĩa là làm tăng giá trị từ mỗi giọt nước được sử dụng thông qua việc gia tăng sản lượng cây trồng và cá.

Nghiên cứu giống mới kết hợp với việc áp dụng phương pháp canh tác tốt hơn cũng như tưới tiêu nhỏ giọt có thể giảm lượng nước sử dụng, đồng thời tạo ra sự khác biệt lớn đối với sản lượng cây trồng. Các loại hạt chịu hạn và công nghệ quy mô nhỏ như bơm tay có tiềm năng tăng sản lượng thêm 100% ở nhiều vùng cận sa mạc Sahara nơi phần lớn nông dân phụ thuộc vào nước mưa để canh tác. GS Frank Rijsberman, giám đốc IWMI nói: ''Nếu chúng ta có thể cải thiện hiệu quả sử dụng nước 40% trong 25 năm tới, chúng ta sẽ giảm được nhu cầu cần thêm nước canh tác của thế giới xuống mức 0''.

Gia tăng hoạt động buôn bán nước từ quốc gia nhiều nước cho quốc gia khan hiếm là một cách lựa chọn khác. Tuy nhiên, vấn đề là liệu các quốc gia thu nhập thấp có thể mua được nước hay không. Tại các khu vực hiếm nước, gia tăng sử dụng nước thải đô thị để canh tác cũng là một khả năng. Theo ước tính của IWMI, có tới 1/10 dân số thế giới ăn nông phẩm được sản xuất từ nước thải tại thành phố.

Khi con em chúng ta phải uống nước bẩn...

Sự cạnh tranh chính về nước trong thế kỷ tới sẽ là giữa nông nghiệp và môi trường. Trên toàn thế giới, nông nghiệp sử dụng 70-90% các nguồn nước được phát triển và kế sinh nhai của 70% dân nghèo phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích song các hệ thống tưới tiêu quy mô lớn đã làm ô nhiễm sông ngòi cũng như biến đầm lầy thành đất khô hạn. Một nghiên cứu toàn cầu gần đây do các nhà nghiên cứu IWMI thực hiện cho thấy ít nhất 30% các dòng chảy của sông ngòi trên thế giới cần được sử dụng để duy trì điều kiện của các hệ sinh thái nước ngọt.

"Giấy Xanh" dựa vào nghiên cứu do một số chuyên gia nông nghiệp và nước hàng đầu thế giới thực hiện. Phần lớn những người này cũng tham gia vào chương trình nghiên cứu quốc tế kéo dài năm năm mang tên "Đánh giá toàn diện quản lý nước trong nông nghiệp". Báo cáo sẽ được công bố trong năm 2006, nêu bật các chiến lược đầu tư tốt nhất mà các chính phủ, cộng đồng nông nghiệp và nhà tài trợ có thể thực hiện trong quản lý nước của 25 năm tới nhằm đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực cũng như môi trường.

Các giải thưởng về nước 2004

Ba học sinh Nhật Bản đã được trao Giải thưởng Stockholm về nước dành cho học sinh trong Tuần lễ Nước thế giới đang diễn ra tại Thuỵ Điển.

Ba học sinh Nhật Bản nhận giải thưởng.

Tsutomu Kawahira, Daisuke Sunakawa và Kaori Yamaguti thuộc trường Trung học Nông nghiệp và Ngư nghiệp quận Okinawa đã giành giải thưởng do phát triển và ứng dụng một loại phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường, cho đảo Miyako. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều nơi trên khắp thế giới. Ngoài ra, họ cũng nhận được một suất học bổng trị giá 5.000 USD và một bức tượng pha lê.

Do thiếu nước bề mặt nên đảo Miyako ở Nhật Bản phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm. Thật không may, đa phần nước ngầm bị ô nhiễm do sử dụng rộng rãi phân bón nông nghiệp. Những loại phân này giàu các chất ô nhiễm như nitrat nitrogen và phosphorus. Ba học sinh trên đã tạo một loại phân hữu cơ để thay thế phân bón hoá học thông thường. Kết hợp với kỹ thuật quản lý đúng đắn, phân hữu cơ không chỉ giúp nông dân giảm ô nhiễm nitrat mà còn tái chế phospho tích tụ trong đất.

Phần thưởng danh dự cũng được trao cho Ron Neuman ở Israel do đã phát triển một máy cảm biến vi khuẩn dựa trên vi khuẩn chuyển đổi gien để giám sát chất hoá học độc hại trong nước.

Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh được trao thường niên cho các học sinh trung học, những người có dự án nổi bật liên quan tới nước, tập trung vào những đề tài có tầm quan trọng về môi trường, khoa học, xã hội hoặc công nghệ. Phần thưởng quốc tế này được trao cho một cá nhân hoặc một nhóm người đã dành giải nhất trong các cuộc thi quốc gia. Triệu Tiến Chuẩn của Việt Nam cũng tham dự.

Giải thưởng nước Stockholm được trao cho GS Sven Erik Jørgense (ĐH Dược Đan Mạch) và GS William J. Mitsch thuộc ĐH Ohio (Mỹ) do đã đi tiên phong trong việc phát triển và phổ biến toàn cầu các mô hình sinh hồ và đất ngập nước sinh thái. Chúng được áp dụng rộng rãi và là công cụ hiệu quả tỏng quản lý bền vững tài nguyên nước.

Giải thưởng nước công nghiệp Stockholm được trao cho Công ty Grasim Industries Ltd. Công ty này luôn quan tâm tới việc bảo vệ và cải thiện môi trường ở trong cũng như xung quanh các tổ hợp công nghiệp của nó. Grasim tin rằng các công ty vẫn có thể được hưởng những lợi ích của công nghệ hiện đại và công nghiệp hoá mà không làm tổn hại tới sinh thái và môi trường. Tầm nhìn, chiến lược và cách quản lý của công ty này được thể hiện qua một loạt chứng chỉ quốc tế mà nó đã dành được trong mười năm qua, như chứng chỉ ISO 14001.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,