,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
496778
GS Phạm Quang Hưng: Tôi về để xây dựng Tổ quốc!
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,
Gặp gỡ Việt Nam 5:

GS Phạm Quang Hưng: Tôi về để xây dựng Tổ quốc!

Cập nhật lúc 16:54, Chủ Nhật, 08/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Tại hội nghị vật lý quốc tế Gặp gỡ Việt Nam 5, có một nhà khoa học châu Á có ngoại hình khá ấn tượng: Vóc dáng nhỏ bé, tóc dài tới vai trông rất nghệ sĩ, nuôi hàng ria mép nửa đen nửa trắng, và di chuyển với tốc độ... chạy. Tò mò hỏi GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn kèm theo nụ cười hóm hỉnh: "À, GS Phạm Quang Hưng đấy mà!"

Cả nhà đi hội nghị

GS Phạm Quang Hưng và "gia đình khoa học" tại hành lang hội nghị GGVN 5.

Ô, thì ra là GS Phạm Quang Hưng, người mà GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu vẫn thường nhắc tới trước khi tổ chức hội nghị Gặp gỡ Việt Nam (GGVN) lần này. Kể từ khi bước chân ra nước ngoài du học đến nay, đã gần 40 năm trôi qua, giờ đây GS Hưng mới có cơ hội trở về Tổ quốc, chắc hẳn ông có nhiều điều thú vị...

Tôi thoáng thấy bóng dáng GS Phạm Quang Hưng ở một đầu hành lang, bên cạnh là ba đứa trẻ lít nhít. "Xin chào giáo sư! Các bé này là con ai thế ạ?". GS Hưng ngước nhìn lên, cười thân thiện: "Con tôi đấy. Còn đây là bà xã. Bà ấy cũng là nhà khoa học tham gia báo cáo tại hội nghị lần này."

Thêm một bất ngờ lớn nữa: Cả nhà đi dự hội nghị! Tôi ngắm nhìn "gia đình khoa học" của GS Phạm Quang Hưng: Bà vợ người Mỹ gầy gầy, dong dỏng cao, hai tay bận bịu với ba đứa con kháu khỉnh - hai trai một gái, đứa lớn 11 tuổi, đứa bé mới chưa đầy hai tuổi, cả ba đều mang nhiều "dấu ấn" của mẹ. Theo lời GS Hưng, đây là những "cái rễ" giữ chân ông ở lại nước người lâu đến thế. Ông định về nước từ năm 1993 để tham dự GGVN 1, nhưng đấy cũng là lúc vợ ông sinh đứa con đầu lòng. Mãi đến tận bây giờ, khi đứa út đã cứng cáp hơn, ông mới "rảnh rang đôi chút" để tham gia GGVN 5 cho thỏa nỗi lòng mong nhớ quê hương.

Sinh năm 1950 tại Gia Viễn, Ninh Bình, GS Phạm Quang Hưng theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống từ năm lên bốn. Ký ức về quê hương trong ông chỉ còn là những cánh đồng ở làng quê, là bờ Hồ Gươm rất nhiều cỏ, là những lớp học của trường Pháp. Ông cũng học trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn với GS Trịnh Xuân Thuận, nhưng sau hai khóa. (Chính vì vậy, tôi ngạc nhiên khi thấy giọng nói của ông vẫn mang đậm những nét đặc trưng của một vùng quê Ninh Bình.) Năm 1968, sau khi kết thúc chương trình phổ thông, ông sang Canada học tại trường Polytechnique Montreal. Một năm sau, ông sang Mỹ theo học tại ĐH Ilinois Technology (Chicago) rồi bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH California (Los Angeles), sau đó làm việc hai năm tại Fermilab, phòng thí nghiệm có chiếc máy gia tốc mạnh nhất thế giới. Năm 1982, ông được mời về làm giáo sư vật lý tại ĐH Virginia, nơi GS Trịnh Xuân Thuận đang làm việc. Tại đây, năm 1990 ông tình cờ gặp một nữ giáo sư vật lý người Mỹ, và duyên phận đã xe họ thành vợ chồng...

"Tôi về để góp phần xây dựng Tổ quốc!"

GS Phạm Quang Hưng, với mái tóc và hàng ria rất nghệ sĩ.

Tham gia GGVN 5 trong Ban tổ chức, GS Phạm Quang Hưng trình bày trước hội nghị về một trong những công trình mới nhất của mình: Khả năng tồn tại của không gian thứ tư, thứ năm. Đây là khái niệm rất mới, hình thành cách đây khoảng năm năm, hiện đang được khá nhiều nhà khoa học trên thế giới theo đuổi nghiên cứu. Trước ngày khai mạc GGVN 5, ông đã có thời gian thăm lại TP.HCM và gặp gỡ, trò chuyện với các nhà khoa học, các sinh viên tại Phân Viện Vật lý TP.HCM.

Xin GS đánh giá đôi nét về ngành vật lý ở Việt Nam?

- GS Phạm Quang Hưng: Vật lý Việt Nam hiện đang phát triển khá nhanh. Sinh viên rất thông minh và chăm chỉ. Tuy nhiên, tiềm lực trong nước không cho phép chúng ta đào tạo được một số lượng lớn cán bộ khoa học trong thời gian ngắn, vì vậy cần phải tính đến phương án đưa người ra học tập ở nước ngoài để tạo cơ hội phát triển cho họ.

GS có nghĩ rằng điều này sẽ gây nên hiện tượng chảy máu chất xám hay không?

- Không! Đừng nghĩ rằng mọi người ra nước ngoài học tập là ở hẳn bên đấy luôn, không về nước nữa. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, không phải ai cũng mang tâm lý rời bỏ Tổ quốc, bởi vì trong thâm tâm, mỗi người đều có một mối dây tình cảm gắn bó với quê hương. Thứ hai, không phải ai cũng tìm được chỗ đứng cho mình ở nước ngoài, bởi vì ngay cả khi học hành thành đạt thì sự cạnh tranh gay gắt ở các trung tâm nghiên cứu của các nước phát triển cũng không cho phép tất cả mọi người có việc làm phù hợp với chuyên môn. Lúc đấy họ sẽ muốn được trở về Tổ quốc.

Tôi chỉ sợ rằng vì cuộc sống mà họ phải đổi nghề, từ bỏ khoa học để đi làm kinh tế, lúc đấy chúng ta mới thực sự mất hẳn một nhà khoa học. Nếu không, hãy coi những người đi du học là một nguồn nhân lực dự trữ, rồi sẽ có lúc họ về nước.

Tôi vừa trao đổi với một giáo sư người Tây Ban Nha. Cách đây 10-15 năm, Tây Ban Nha cũng chịu cảnh chảy máu chất xám như vậy, nhưng giờ đây mọi người đã trở về rất đông. Hiện nay, Tây Ban Nha đang có một đội ngũ khoa học rất mạnh.

Bản thân GS là một nhà khoa học đã sống và làm việc ở nước ngoài rất lâu, vậy lần về nước này mục đích của GS là gì: Thăm quê, xây dựng đất nước, hay chỉ đơn thuần là tham gia hội nghị khoa học?

- Tôi đã đi quá lâu rồi, nên lần này tôi về để góp phần xây dựng Tổ quốc.

Vậy GS đã có kế hoạch gì cụ thể để góp phần phát triển vật lý Việt Nam?

- Tôi đã gặp gỡ các nhà khoa học tại Phân Viện Vật lý TP.HCM cùng GS Nguyễn Mộng Giao, từ đấy tìm hiểu xem mình có giúp đỡ được gì hay không. Tôi dự định khi trở về Mỹ sẽ vận động trường ĐH Virginia ký kết chương trình hợp tác nhằm trao đổi cán bộ khoa học và đào tạo sinh viên vật lý Việt Nam. Tại Khoa Vật lý của trường, tôi đang phụ trách vấn đề học bổng và cao học, vì thế tôi nghĩ rằng mình có thể can thiệp và giải quyết mọi vướng mắc có thể xảy ra.

Xin cảm ơn giáo sư!

,
,