Robocon 2005 khởi động
Lễ phát động cuộc thi Robocon 2005 đã được tổ chức trọng thể vào tối 06/11 tại trường quay S9, Đài truyền hình Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
Robocon 2005 khởi động
Cuộc thi Robocon 2005 sẽ diễn ra tại Trung Quốc, với tên gọi "Lửa thiêng rực sáng Trường Thành". Không chỉ là công trình kiến trúc hùng vĩ bậc nhất trên thế giới, Trường Thành (Vạn Lý Trường Thành) còn là biểu tượng cho nền văn minh cổ xưa của đất nước Trung Quốc. Và ban tổ chức cuộc thi đã xây dựng luật chơi cho Robocon 2005 dựa trên câu ngạn ngữ nổi tiếng "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán" (chưa đến Trường Thành chưa phải là hảo hán). Vì thể lệ cuộc thi rất dài, xin mời bạn đọc bấm vào đây để biết thêm chi tiết về mọi quy định của ban tổ chức.
Để đến được với Trường Thành và thắp sáng ngọn lửa thiêng, đội robot đại diện cho Việt Nam sẽ phải giành chức vô địch tại cuộc thi Robocon do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào tháng 5/2005, với luật lệ và đề thi của chính Robocon 2005. Đối tượng đăng ký dự thi là nhóm, đội có 3 đến 7 thành viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề trên toàn quốc và một chỉ đạo viên (không chấp nhận sinh viên đã tốt nghiệp). Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký là ngày 30/11/2004. Đội vô địch sẽ được ban tổ chức cấp cho 1.000 đô la để hoàn thiện sản phẩm và được tài trợ chuyến đi thi đấu tại Trung Quốc.
Tại buổi lễ phát động, ban tổ chức Robocon Việt Nam cũng kêu gọi mọi người trên khắp đất nước tham gia gửi đề thi cho cuộc thi Robocon 2007 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Đề thi được xây dựng trên cơ sở vừa tôn vinh các giải pháp sáng tạo robot vừa mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam.
Đêm giao lưu ấn tượng
Trong đêm phát động cuộc thi, khán giả có mặt tại trường quay S9 và người xem truyền hình cả nước có cơ hội được giao lưu với các cựu thành viên tham dự Robocon từ năm 2002 đến nay. Đêm giao lưu được chia làm hai phần, phần một với những người chưa bao giờ "nếm mùi thắng lợi" tại các cuộc thi sáng tạo robot, và phần hai với đội trưởng của các đội đại diện cho Việt Nam giành vinh quang trên đấu trường quốc tế.
Tuy không thành công tại các cuộc thi Robocon, trên thực tế nhóm một lại chính là những người đang khẳng định được mình trong chuyên môn và cuộc sống. Kỹ sư Trần Đức Minh, tham gia Robocon 2003, đã cùng với các bạn tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chế tạo thành công mẫu máy bán hàng tự động, hiện đặt tại trường ĐH BKHN. Kỹ sư Phạm Thăng Long, cũng tham gia dự thi năm 2003, hiện đang là chủ đề tài chế tạo tàu ngầm mini không người lái, sử dụng cho mục đích khảo sát địa hình đáy sông, hồ mà người nhái có khả năng gặp nguy hiểm khi lặn xuống. Cuối cùng là thiếu uý Nguyễn Đức Tuần, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, tác giả của công trình xác định thông số vật thể trên radar.
Trong phần giao lưu thứ hai, khán giả có cơ hội tiếp xúc với Vũ Ngọc Vinh, đội trưởng Telematic giành cúp vô địch tại Nhật Bản năm 2002; Hồ Vĩnh Hoàng, đội trưởng BKCT giành giải ba tại Thái Lan năm 2003, và Trịnh Quý Ngọc, đội trưởng FXR vừa đoạt chức vô địch tại Seoul (Hàn Quốc) tháng 9 năm nay. Bên cạnh Vũ Ngọc Vinh vì bận học tại Australia phải tham gia giao lưu qua webcam và điện thoại, hai bạn Hoàng và Ngọc đã mang lại cho người xem những thông tin lý thú về chặng đường chinh phục thử thách của mình cũng như những kế hoạch cho tương lai. Sau đây là ghi nhanh của phóng viên VietNamNet:
Bí quyết nào để đưa các bạn đến với thắng lợi?
Trịnh Quý Ngọc: Cuộc thi trong nước có ý nghĩa rất lớn, bởi nó giúp chúng ta khắc phục được những sai sót khi thi đấu. Đấu trường quốc tế không dành cho sai sót, bởi đội nào mắc sai lầm dù nhỏ sẽ phải trả giá. Để chiến thắng, bản thân robot phải mạnh, ổn định, đồng thời thành viên của đội phải cố gắng đến mức không thể cố gắng hơn được nữa.
Vũ Ngọc Vinh: Trong cuộc thi sáng tạo robot, ý tưởng và công nghệ là hai yếu tố quan trọng nhất, nhưng trên một phương diện nào đấy, ý tưởng vẫn quan trọng hơn. Có ý tưởng tốt, nếu có sự hỗ trợ của công nghệ thì càng tốt, nhưng nếu không thì chúng ta vẫn có thể giành được thắng lợi.
Từ cuộc thi Robocon, các bạn có nghĩ đến việc chế tạo robot phục vụ nông nghiệp hay không?
Hồ Vĩnh Hoàng: Tôi tham gia thi vì niềm say mê robot, và hiện nay tôi đã có hướng đi riêng của mình là sản xuất đồ chơi cho trẻ em nên không nghĩ đến chuyện đó.
Trịnh Quý Ngọc: Sau khi giành cúp vô địch tại Seoul, đội FXR có đi tàu hoả xuống thành phố Busan chơi. Dọc đường, chúng tôi thấy nông dân Hàn Quốc được máy móc hỗ trợ rất nhiều nên mỗi thành viên đều ấp ủ ý nghĩ chế tạo máy móc nông nghiệp cho Việt Nam.
Tài chính là khó khăn muôn thuở của sinh viên Việt Nam, vậy các bạn khi chế tạo robot có gặp khó khăn về tài chính hay không?
Hồ Vĩnh Hoàng: May mắn là tôi được gia đình và nhà trường tạo điều kiện nên không gặp khó khăn lắm về mặt tài chính.
Trịnh Quý Ngọc: FXR cũng không gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, tôi khuyên các bạn sinh viên nên mạnh dạn đi tìm nguồn tài trợ cho chính mình. Hãy chủ động hơn, sẽ có rất nhiều "Mạnh Thường Quân" chìa tay ra với các bạn.
Năm 2005, FXR có còn tiếp tục tham gia Robocon nữa không? Sau khi giành được vinh quang tại Seoul, các bạn có ước mơ, hoài bão gì không?
Một phần vì phải thi tốt nghiệp, một phần vì chúng tôi đang có những kế hoạch riêng của mình, FXR sẽ không tham gia Robocon 2005 nữa. Nhưng hy vọng là mọi người sẽ gặp lại FXR trên một sân chơi lớn hơn, có thể là trong cuộc sống. Mỗi chúng ta đều có một hoài bão nào đấy, nhưng cái cần thiết để biến ước mơ thành hiện thực là phải có một nền tảng kiến thức vững vàng. Chúng tôi đang hết mình vì cái nền tảng đấy.
-
Khánh Hà
Tin bài liên quan:
Robocon Việt Nam: Vô địch châu Á-Thái Bình dương!
Cú đúp của FXR: Vô địch Robocon 2004 VN và khu vực
FXR đã chuẩn bị ra sao cho "cú đúp"?
Đường đến vinh quang của FXR tại Hàn Quốc
Kể từ Daegu (Hàn Quốc): Tuyệt vời, những trận nốc ao!
FXR giao lưu với sinh viên Hàn Quốc
Sáu trận thắng KO, FXR vô địch Robocon 2004!