,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
546347
Máy bán hàng tự động
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Máy bán hàng tự động

Cập nhật lúc 13:58, Thứ Bảy, 20/11/2004 (GMT+7)
,

Nhét đồng xu vào cái khe nhỏ trên máy bán hàng tự động, cậu sinh viên nhấn nút "Mua" và đưa tay đón lấy lon Coca Cola mát lạnh lăn ra.

Một cảnh thường thấy ở các trường ĐH Mỹ và châu Âu? Không phải. Đây là một trong những đồng xu đầu tiên đưa vào chiếc máy bán hàng tự động được đặt tại tầng 1 giảng đường C1, ĐH Bách Khoa Hà Nội (BKHN), do chính sinh viên ở trường chế tạo.

Soạn: AM 200534 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

"Chân dung" M2T tại sảnh C1, ĐHBKHN.

Trong số rất nhiều đồ án tốt nghiệp của sinh viên Khoa Tự động hóa, ĐH BKHN, năm 2004, hội đồng giám khảo đặc biệt ấn tượng với công trình máy bán hàng giải khát tự động của nhóm 5 người, bao gồm trưởng nhóm Võ Duy Thành và bốn thành viên Lê Quốc Huy, Trương Thành Kiên, Tạ Đức Dũng, và Trần Đức Minh. Riêng kỹ sư Trần Đức Minh vừa trở thành khách mời của VTV trong đêm phát động Robocon 2005, vì bản thân anh đã từng tham dự cuộc thi Robocon Việt Nam 2003. Tuy không giành được giải thưởng nào với đám robot của mình, Minh cùng các bạn đã trưởng thành lên rất nhiều trong chuyên môn và công việc. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Trần Đức Minh.

- Xin chào Minh, bạn có thể giới thiệu đôi nét về chiếc máy bán hàng giải khát?

- Chiếc máy đang được đặt tại sảnh C1 là phiên bản thứ hai, đã được nâng cấp và chỉnh sửa khá nhiều so với phiên bản đồ án tốt nghiệp. Nhưng dù là phiên bản nào thì chúng cũng thuộc bản quyền của trường ĐHBK, nơi chấp nhận đề tài và hỗ trợ về mặt kinh phí. Phiên bản thứ nhất là đồ án tốt nghiệp, được thực hiện với tổng chi phí 15 triệu đồng, còn phiên bản thứ hai thì chi phí lên tới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là chiếc máy duy nhất của phiên bản này, bởi nó chỉ có chức năng chạy thử nhằm phát hiện, khắc phục các lỗi có thể gặp trên phiên bản thứ ba để trở thành sản phẩm thương mại thực sự.

Đối với phiên bản hiện nay, chiếc máy chỉ bán được đúng hai loại mặt hàng giải khát, và bán hàng gì là do người bán quyết định. Chẳng hạn, nếu như trên ô cửa sổ xuất hiện lon bia Hà Nội và lon Fanta thì khách hàng không thể nào mua được bia Heineken và Coca Cola, mặc dù chủ máy hoàn toàn có thể cung cấp các loại sản phẩm này. Ở phiên bản thứ ba, chúng tôi đang nâng cấp máy để nó có thể bán được 8-10 mặt hàng.

- Cái tên M2T mà các bạn đặt cho máy bán hàng tự động có nghĩa là gì? Và các bạn mất bao nhiêu thời gian, công sức để hoàn thành?

- Phiên bản thứ 1 chúng tôi làm trong ba tháng, từ tháng 2/2004 đến 5/2004. Trong thời gian một tháng cuối, để kịp thời hạn nộp đồ án tốt nghiệp, cả nhóm đã chuyển vào ở luôn trong trường để "trực chiến" suốt ngày đêm. Và cuối cùng thì công sức của chúng tôi cũng được bù đắp xứng đáng: Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao đồ án và cho ba điểm 10, một điểm 9,9 và một điểm 9,8, cao nhất cả khóa. Sau khi biết kết quả tốt nghiệp, chúng tôi lại bắt tay vào phát triển phiên bản thứ hai. Lần này tuy không vất vả như trước nữa nhưng cũng "ngốn" mất của cả nhóm gần bốn tháng, đặc biệt là khi một thành viên là Tạ Đức Dũng đã rút ra khỏi nhóm.

Còn cái tên M2T thì không có gì đặc biệt cả: M có nghĩa là Máy, và 2T nghĩa là Tự độngThông minh.

- Vậy chiếc máy tự động của các bạn đã thực sự thông minh hay chưa? Nó hoạt động trên nguyên lý như thế nào?

- Khi nhét đồng xu vào khe nhận tiền, bộ cảm biến bên trong sẽ nhận dạng giá trị tiền dựa trên hai cơ sở: kích thước và chất liệu. Thông số của năm loại tiền xu ở Việt Nam hiện nay đã được nhập vào bộ nhớ của máy, do vậy máy có thể dễ dàng nhận dạng tiền ngay khi đồng xu vừa được đút vào. Nếu là tiền giả hoặc các loại tiền khác, máy sẽ không "giao" hàng.

Phiên bản hai chưa hoàn toàn thông minh, nếu xét trên khía cạnh là một sản phẩm thương mại độc lập. Nhưng khi được nâng cấp và hoàn thiện thành phiên bản ba, M2T sẽ đủ thông minh để đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng hơn, đồng thời biết báo động nếu bị kẻ xấu phá hoại.

- Khi bắt tay vào làm, các bạn có được tham khảo chiếc máy bán hàng tự động nào từ trước chưa? Nhóm của Minh đã gặp phải những khó khăn gì trong việc thiết kế và lắp ráp máy M2T?

Soạn: AM 200540 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Nhóm M2T trong những ngày "trực chiến" ở trường ĐHBKHN. Trần Đức Minh đứng sát bên trái chiếc máy.

- Thực sự là nhóm của chúng tôi đã phải bắt đầu từ... hai bàn tay trắng. Việt Nam thì chưa có chiếc máy bán hàng giải khát tự động nào nên chúng tôi phải tự hình dung ra hình dáng, kích thước. Tài liệu không có, ngay cả thầy giáo hướng dẫn cũng không rõ lắm. Cả nhóm mày mò tìm kiếm mãi trên Internet cũng chỉ tìm được một ít tài liệu của nước ngoài, nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Ý tưởng làm đồ án tốt nghiệp hình thành từ tháng 12/2003, nhưng phải đến tháng 2/2004 mới bắt tay vào thực hiện được.

- Một số bạn sinh viên đến xem chiếc máy M2T cho rằng, giá bán nước giải khát đóng lon bằng máy bán hàng tự động cao hơn so với ngoài hàng quán (5.000 đồng/lon nước ngọt, 7.000 đồng/lon bia Hà Nội). Minh nghĩ như thế nào về vấn đề này? Liệu nó có thực tế hay không khi dùng máy bán hàng tự động phục vụ sinh viên, những người nổi tiếng là nghèo? Và, thử nhìn xa hơn một chút, liệu hiệu quả kinh tế của nó sẽ ra sao?

- Nhóm của chúng tôi cũng đã tính đến vấn đề này. Giá cả của máy bán hàng tự động cao hơn ở cửa hàng và siêu thị là chuyện đương nhiên, bởi vì nó có thể phục vụ khách hàng 24/24, còn siêu thị thì không. Ngoài ra cũng cần phải tính đến tiền điện phụ trội. Đây cũng là thực tế ở nhiều nước tiên tiến và đều được người tiêu dùng chấp nhận bởi tính tiện lợi của nó. Chẳng hạn như Nhật Bản: tỉ lệ máy bán hàng tự động ở nước này là 23 dân/máy, tức là "ra ngõ gặp máy tự động", và doanh thu mà "lực lượng" này mang lại là 7.000 tỷ yên/năm. Như vậy, máy bán hàng tự động đâu phải là không có tương lai?

Chiếc máy để tại sảnh C1 chỉ là quà tặng của nhóm cho trường ĐHBKHN, và tôi xin khẳng định rằng đây chỉ là bản thử nghiệm thôi, chưa phải là phiên bản chính thức của một sản phẩm thương mại. Hơn nữa, chúng tôi cũng chỉ phụ trách thực hiện về mặt kỹ thuật, chứ không phải kinh doanh. Trường ĐH BKHN sẽ là đơn vị trực tiếp tính toán giá cả từng loại sản phẩm, đối tượng kinh doanh, địa điểm đặt máy.v.v. chứ không phải chúng tôi.

- Xin được hỏi Minh một câu cuối cùng: Bạn học hỏi được gì từ cuộc thi Robocon?

- Mặc dù không đạt được giải gì từ cuộc thi Robocon, nhóm của Minh vẫn tự thấy mình đã học hỏi được rất nhiều điều. Trước hết, chúng tôi có điều kiện để vận dụng vào thực tế những gì mình đã được học, bởi vì nhìn chung sinh viên Việt Nam rất thiếu kiến thức thực tế. Bên cạnh đấy, chúng tôi đã hình thành được kỹ năng làm việc theo nhóm - phân công công việc cụ thể cho từng người, và phối hợp với nhau để hoàn thành một đề tài. Đây là điều không dễ gì có được.

- Xin cảm ơn Minh và chúc nhóm của bạn chóng hoàn thành phiên bản máy bán hàng tự động thứ ba.

  • Khánh Hà

,
,