,
221
5124
Tư liệu
tulieu
/dichcumga/tulieu/
730470
Virus H5N1 hoành hành: Câu chuyện cúm gia cầm (II)
1
Article
5121
Dịch cúm gia cầm
dichcumga
/dichcumga/
,

Virus H5N1 hoành hành: Câu chuyện cúm gia cầm (II)

Cập nhật lúc 10:23, Thứ Sáu, 11/11/2005 (GMT+7)
,

Các nhà khoa học đang truy tìm hành tung bí ẩn của virus H5N1. Người ta hy vọng, chủng cúm đó, được hệ miễn dịch thuần hoá, sẽ gia nhập danh sách của những loại cúm thông thường...

....

  • H5N1, bắt đầu từ miền Nam Trung Quốc?
Soạn: AM 615349 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nông dân trắng tay vì gà chết do cúm gia cầm

Mọi việc diễn ra như thế kể từ năm 1997 khi một chủng virus H5N1 - anh em họ của virus H5N1 hiện đang hoành hành tại châu Á - lần đầu tiên lây nhiễm sang người. Đầu năm đó, một đợt dịch H5N1 đã giết gà tại vùng nông nghiệp New Territories của Hong Kong. Vào thời điểm đó, không ai nghĩ các loại virus cúm gia cầm trực tiếp đe doạ tới con người. Tuy nhiên, H5N1 đã phá vỡ các quy luật!

Vào tháng 5/1007, một cậu bé ba tuổi được nhập viện tại Hong Kong với triệu chứng ho và sốt. Những triệu chứng này xấu đi nhanh chóng và bệnh nhân bắt đầu khó thở. Thế là cậu được điều trị cấp tập bằng kháng sinh và được thở máy. Tuy nhiên, 6 ngày sau cậu bé qua đời. Các chuyên gia cúm sửng sốt khi thấy chất dịch từ khí quản của nạn nhân có virus H5N1. Hoá ra đây là loại virus đã giết gà.

Ca tử vong này dường như chỉ là một ngoại lệ cho tới cuối năm 1997 khi 17 người nữa được nhập viện trên khắp Hong Kong với những triệu chứng tương tự. Kết quả xét nghiệm khẳng định họ nhiễm H5N1. Nhiều nạn nhân đã tới một trong những chợ gia cầm sống trên hòn đảo này. Thế là các quan chức y tế công cộng đổ dồn về Hong Kong, lo ngại một đại dịch kiểu năm 1918 chuẩn bị bùng nổ. Họ thuyết phục chính quyền Hong Kong giết tất cả những con gia cầm còn lại - khoảng 1,5 triệu con - tại các trang trại và chợ. Chiến dịch tiêu huỷ đã có tác dụng. Và người ta không còn nhìn thấy chủng H5N1 đó nữa và một thảm hoạ sức khoẻ đã được ngăn chặn.

Tuy nhiên, vào năm 2001, một chủng H5N1 nguy hiểm nữa xuất hiện tại các khu chợ ở Hong Kong và thành phố này lại tiêu huỷ gia cầm. Vào đầu năm 2002, gà lại chết vì cúm. Sự thực là các biện pháp quyết liệt ở Hong Kong vẫn chưa động chạm tới khởi nguồn của những chủng virus này.Chúng đang tới từ bên ngoài Hong Kong, phía bên kia biên giới, ở miền Nam Trung Quốc đại lục.

Tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc nuôi hàng trăm triệu gà, vịt và ngỗng. Nhiều loại được nuôi thả tự do trong vườn, trang trại và ao hồ. Các loại virus lọt vào đám gia cầm này thông qua phân của chim hoang dã có thể tự do lây lan và trao đổi gien. Hậu quả là các chủng virus mới không được tìm thấy trong tự nhiên và một trong số đó là H5N1 - chủng virus gây ra cúm gia cầm hiện nay ở châu Á. Năm này qua năm khác, H5N1 trao đổi gien với các loại virus cúm gia cầm khác, tạo ra rất nhiều biến thể H5N1 mới. Năm này qua năm khác, chúng bao vây Hong Kong, nơi nhập khẩu gia cầm từ đại lục. Vào cuối năm 2003, H5N1 lây nhiễm và giết gia cầm ở 50% lục địa châu Á.

  • Ảnh hưởng rộng lớn của H5N1
Soạn: AM 617133 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Lan toả từ Trung Quốc, các chủng H5N1 đã tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tràn qua Đông Nam Á, tới tận Indonesia. Một số chuyên gia và quan chức cho rằng các virus lây lan do chúng nằm trong ruột của các loài chim nước hoang dã - ngỗng, vịt và diệc. Những động vật này có lẽ đã nhiễm virus từ các trang trại. Các nước thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm đã ủng hộ giả thuyết này. Yi Guan, một nhà virus học thuộc ĐH Hong Kong, cho biết: ''Mỗi lần có dịch xảy ra, họ nói đó là chim hoang dã và họ không thể kiểm soát được chúng cũng như không thể khoá bầu trời''.

Mùa hè này, virus H5N1 đã giết hàng nghìn ngỗng hoang và mòng biển tại một khu bảo tồn ở miền Tây Trung Quốc. Đây là đợt dịch lớn nhất ở chim hoang dã và là một lời cảnh báo rằng trong tương lai chim hoang dã có thể lây lan bệnh dịch tới khắp mọi nơi. Thế nhưng Guan vẫn chưa sẵn sàng đổ lỗi cho chim di cư về sự lây lan virus. Ông cho rằng virus giết những con chim nhiễm bệnh nhanh tới mức chúng không thể bay xa. Thay vào đó, H5N1 có lẽ đã lây lan khắp châu Á thông qua các chuyến hàng gia cầm sống - trong một thảm hoạ do chính con người tạo ra.

Khi virus lây lan mạnh, nó bắt đầu giết người. Cho tới nay đã có ít nhất 62 người ở châu Á tử vong, ở Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Campuchia. Cúm gia cầm gây ra những tổn thất kinh tế lớn, ước tính lên tới 10 tỷ đôla chỉ riêng trong năm 2004. Hoạt động xuất khẩu gà của các trang trại công nghiệp Thái Lan đình đồn khi thế giới hay tin cúm gia cầm tại đó. Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Indonesia, hơn 10% công nhân trong các doanh nghiệp liên quan tới gia cầm mất việc. Nông dân Việt Nam đã mất khoảng 40 triệu gia cầm trong năm 2004. Ngay cả những trang trại không có dịch bệnh cũng bị ảnh hưởng vì người tiêu dùng bắt đầu tránh gia cầm.

  • Những bí ẩn của cúm gia cầm

H5N1 đáng sợ hơn bởi các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ nó, chẳng hạn như cách nó giết người. Ở một con gà, virus này lây lan khắp mọi nơi, từ ruột, phổi, não cho tới cơ. Ở người, giống như cúm năm 1918, H5N1 phá huỷ phổi trước tiên và cao nhất.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Hong Kong đã phát hiện hệ miễn dịch của chính bệnh nhân có thể là một phần của vấn đề. Hệ miễn dịch phản ứng với virus bằng một loạt phân tử mang hoá chất. Những hoá chất này kéo tế bào máu trắng tới phổi nơi chúng gây ra một phản ứng kích thích mạnh. Theo Malik Peiris, trưởng nhóm nghiên cứu, việc này giống như gọi những chiếc xe tải chứa đầy thuốc nổ. Các mô khoẻ mạnh chết đi và mạch máu thì vỡ ra, làm cho phổi đầy chất dịch.

Tuy nhiên, H5N1 không chỉ giết người bằng một cách. Năm nay, các nhà nghiên cứu tại TP HCM, trong đó có Jeremy Farrar, đã dò thấy H5N1 ở một bé trai tử vong trong tình trạng hôn mê. Não của nạn nhân sưng tấy song phổi thì vẫn khoẻ mạnh cho tới phút cuối. Farrar cho rằng virus có thể lây lan khắp cơ thể người. Những người khác thì không chắc về khả năng này.

Soạn: AM 615353 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bệnh nhân cúm gia cầm

Hãy hỏi Keiji Fukuda và Tim Uyeki, những nhà dịch tễ tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Altanta điều gì họ muốn biết nhất về H5N1 và câu trả lời sẽ là: Bao nhiêu người nhiễm bệnh, bao nhiêu động vật nhiêm bệnh. Theo Uyeki, có khả năng những người khác cũng nhiễm bệnh tại các nước khác, ngoài 4 nước châu Á nói trên song chúng ta không có thông tin.

Một bí ẩn nữa là chính xác mọi người nhiễm bệnh như thế nào. Fukuda ch obiết: ''Ngay bây giờ chúng ta tin rằng phần lớn các ca cúm gia cầm liên quan tới những người tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết. Tuy nhiên điều đó có nghĩa gì? Liệu có phải mọi người chạm vào nó, ăn nó hay hít thở bụi chứa phân gà? Điều gì thực sự đang diễn ra?''. Vấn đề lớn nhất là liệu virus H5N1 sẽ lây lan giống như cúm người thông thường hay không. Theo Robert Webster, đó là điều chúng ta không muốn song H5N1 đã khiến các chuyên gia lo ngại.

Nguyễn Thanh Hùng, một người kinh doanh xi măng tại Hà Nội, cùng với người em trai đã ăn tiết canh vịt tại làng của họ bên ngoài Hà Nội. Con vịt có lẽ đã nhiễm H5N1 vì em của Hùng bị cúm một vài ngày sau đó. Tuy nhiên, mãi cho tới hai tuần sau, Hùng mới ốm khi người em qua đời. Tim Uyeki tin rằng Hùng bị ốm không phải do tiết canh mà có lẽ là nhiễm H5N1 trong khi đang chăm sóc người em. Các chuyên gia cũng tin H5N1 lây từ một bé gái nhiễm bệnh ở Thái Lan sang mẹ và gì của em những người đã chăm sóc bệnh nhân này. Họ cũng nghi ngờ một số ca truyền nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, dường như virus chỉ thành công trong việc lây lan sang nạn nhân đầu tiên. Cho tới nay, việc lây truyền theo kiểu phản ứng chuỗi như cúm thông thường vẫn chưa xảy ra.

H5N1 có thể có được khả năng đó bằng cách tự đột biến hoặc có thể trao đổi gien với virus cúm người. Điều đó có thể xảy ra ở một người nhiễm cả cúm thường và H5N1 hoặc ở lợn. Tuy nhiên, vẫn không ai biết liệu sự trao đổi đó có dẫn tới một chủng virus đáng sợ hay không? Các nhà nghiên cứu tại CDC và Hà Lan hy vọng tìm ra trước, bằng cách tạo ra những virus mới. Trong những phòng thí nghiệm cực kỳ an toàn, họ đang trộn các gien của H5N1 với các virus cúm người. Sau đó họ sẽ thử nghiệm những virus mới này để xem liệu chúng có thừa hưởng tính nguy hiểm của virus cúm gia cầm và khả năng lây lan của virus cúm người hay không. Thực ra họ đang tạo ra một chủng cúm gây đại dịch trong phòng thí nghiệm.

Một số nhà phê bình cho rằng việc làm trên là thiếu thận trọng. Tuy nhiên Erich Hoffmann thuộc Viện nhi St. Jude cho biết các thí nghiệm như vậy có vai trò quan trọng, giúp con người hiểu cái gì họ có thể đối mặt. Nếu may mắn, tất cả các virus lai tạo sẽ vô hại hoặc không lây lan nhanh. Điều đó cho thấy H5N1 không thể gây ra đại dịch. Nếu không, các nhà khoa học đang giám sát H5N1 ở châu Á sẽ có manh mối những thay đổi gien nào ở virus có thể báo hiệu đại dịch.

  • Diệt H5N1 ở gia cầm, việc làm không dễ dàng

Hiểu biết đó có thể giúp con người rất nhiều song không ai muốn ngồi và đợi H5N1 gây đại dịch. Tất cả mọi người nhất trí cách tốt nhất để chống H5N1: Tiêu diệt nó ở gia cầm để con người không thể lây nhiễm virus. Việc làm này đơn giản nhưng không dễ dàng.

 

Kể từ năm 2003, sau nhiều đợt dịch và hai đợt tiêu hủy gia cầm, HongKong đã làm cho các trang trại và khu chợ sạch bóng H5N1: tiêm vắc-xin H5N1 cho gà, thường xuyên kiểm tra gà, chim cảnh và thậm chí là chim hoang dã, đóng cửa hàng trăm cửa hàng gia cầm hai lần mỗi tháng để tiệt trùng và kiểm tra kỹ lưỡng các khu chợ và trang trại. Tuy nhiên, như lời một quan chức cứu trợ tại Việt Nam đã nói, Hong Kong giàu có và là một hòn đảo, còn VN thì không. Mùa đông năm 2003-2004, cúm gia cầm bùng phát ở hầu hết 64 tỉnh thành của VN. Để chống dịch, hàng chục triệu gia cầm đã bị tiêu huỷ. Dịch bệnh dường như lắng xuống và trong tháng 3, Chính phủ tuyên bố chiến thắng cúm gia cầm.

Soạn: AM 615363 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tuy nhiên, cuối năm 2004, cúm gia cầm tái phát, lây nhiễm sang gia cầm và người dọc theo chiều dài đất nước. Thật dễ hiểu vì ở miền quê, gà mổ thóc ở sân và chạy khắp vườn, xen lẫn với gia cầm từ các trang trại khác. Các chợ gia cầm là những nơi virus gặp gỡ và những gia cầm chưa bán được lại trở về nhà cùng với virus chúng nhiễm ở chợ. Những nông dân có gia cầm ốm có ít động lực để thông báo cho chính quyền và không muốn đàn gia cầm bị tiêu huỷ do tiền bồi thường thấp hơn giá thị trường.

Còn vịt thì sao? Theo Webster, vịt là con ngựa thành Troa của dịch cúm gia cầm. Nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng không giống gà, vịt nhiễm bệnh dường như vẫn khoẻ mạnh, có thể bơi lội bình thường và lây lan virus qua phân. Tại VN và các nước ĐNA khác, chúng lây lan rộng khắp vì những người chăn vịt lùa vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác sau vụ gặt. Thiếu hiệu quả, tập quán chăn nuôi và thiếu vốn đã làm chậm những nỗ lực thay đổi các tập quán như vậy ở VN.

Thái Lan đã đạt được nhiều tiến bộ hơn. Giàu có và phát triển hơn VN, Thái Lan bồi thường cho nông dân hào phóng hơn khi gia cầm bị tiêu huỷ. Nước này xét nghiệm H5N1 trên vịt và chỉ cho phép các đàn không có virus chạy rông. Nước này cũng đã huy động 1 triệu tình nguyện viên tại các làng xã giám sát tình hình gia cầm chết. Đầu năm nay, chỉ còn ít tỉnh tại Thái Lan còn H5N1. Tuy vậy, theo Tổ chức Nông lương LHQ, Thái Lan không nên mất cảnh giác vì nước này có chung biên giới với Lào và Campuchia - hai quốc gia đang phải vật lộn với chính các đợt dịch cúm gia cầm.

  • Thuốc kháng virus và vắc-xin

Các mô phỏng trên máy tính cho thấy các quan chức y tế chỉ có thể dập tắt sự nhen nhóm của đại dịch bằng cách huy động một lượng lớn thuốc chống virus tới khu vực này để điều trị cho hàng trăm nghìn người có nguy cơ nhiễm cao nhất. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ thành công nếu phát hiện dịch bệnh trong vòng vài tuần và virus lây lan chậm vào lúc ban đầu. Cơ sở hạ tầng và các kỹ năng cần thiết để làm điều đó lại đang thiếu ở hầu hết các nước châu Á. Nếu sự khống chế thất bại, chỉ trong vài tuần, đại dịch sẽ lan tới các thành phố lớn thông qua những tấm hộ chiếu và vé máy bay.

Soạn: AM 615357 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Sản xuất vắc-xin cúm

Các nước đang vội vã chuẩn bị. Do Tamiflu có thể chống cũng như điều trị cúm gia cầm H5N1 nên chính phủ các nước đang gia tăng việc dự trữ loại thuốc này. Các nước cũng đang đặt nhiều hy vọng vào một loại vắc-xin. Các vắc-xin cúm thông thường chứa virus cúm, được nuôi trong trứng gà thụ tinh, sau đó bị giết và cắt thành nhiều mảnh. Tuy nhiên do bản chất nguy hiểm nên H5N1 cần các biện pháp an toàn tốn kém và có xu hướng giết trứng cần để nuôi nó. Do vậy nhóm của Webster đã sử dụng kỹ thuật biến đổi gien để biến đổi một gien nhằm thuần hoá virus.

Tới tháng 8/2005, các cuộc thử nghiệm một loại vắc-xin được sản xuất từ virus chuyển gien này cho thấy những dấu hiệu thành công đầu tiên. Chính phủ Mỹ đã đặt mua 2 triệu liều - số lượng quá ít để bảo vệ 300 triệu dân của nước này. Tuy nhiên, các quan chức hy vọng công thức vắc-xin sẽ được kiểm tra đầy đủ và sẵn sàng trước khi cần tới nó. Các nhà sản xuất sẽ biết cách bào chế và có thể tăng sản lượng.

Tuy nhiên, còn một bí ẩn nữa mà không ai biết: liệu H5N1 có phải là chủng virus gây đại dịch hay không. Gần đây nhiều virus cúm gia cầm khác có dấu hiệu lây nhiễm sang người mặc dù không nguy hiểm như H5N1. Chỉ có một điều mà chúng ta biết chắc: một ngày nào đó một đại dịch cúm mới sẽ xuất hiện và một ngày nào đó nó sẽ chấm dứt. Rồi chủng cúm đó, được hệ miễn dịch thuần hoá, sẽ gia nhập danh sách của những loại cúm thông thường.

  • Minh Sơn (Tổng hợp)

Bài liên quan:

Virus H5N1 hoành hành: Câu chuyện cúm gia cầm (I)

,

Tin khác

Tin khác của 'Tư liệu'

,
,