|
Nước mắm Phú Quốc - một trong hai sản phẩm của Việt Nam được cấp CDĐL. |
(VietNamNet) - Sự vi phạm về chỉ dẫn địa lý, khi không được phép, sẽ làm tổn hại đến người tiêu dùng (NTD) và các nhà sản xuất hợp pháp. NTD bị lừa dối, nhà sản xuất hợp pháp thiệt hại, và hơn thế, tên gọi xuất xứ của sản phẩm, tài sản chung mà cả một cộng đồng người sản xuất tạo nên, bị phương hại. Trong khi đó, các nước ASEAN, gồm cả Việt Nam, lại chưa hiểu biết nhiều về chỉ dẫn địa lý và việc bảo hộ nó.
Hội thảo "EU - ASEAN về chỉ dẫn địa lý: cách thức thâm nhập thị trường", diễn ra trong hai ngày 7-8/10, tại Hà Nội, vì thế đã thu hút sự quan tâm hầu hết các nước ASEAN, như Singapore, Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan... Theo Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, đây là dịp tốt để các chuyên gia EU, ASEAN cùng trao đổi thông tin cần thiết, kinh nghiệm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng như thảo luận một số vấn đề: cách thức xây dựng, phát triển và giải quyết các vấn đề pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý; vai trò của cộng đồng các nhà sản xuất trong việc bảo vệ, phát triển sản phẩm mang tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý.
Khái niệm về bảo hộ CDĐL đã hình thành ở Pháp vào đầu thế kỷ XX, được biết đến là Tên gọi Xuất xứ hàng hoá. Sau đó, nó được nâng lên tầm quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng châu Âu và được thừa nhận năm 1994 bởi Hiệp định TRIPS. Hiệp định này thiết lập các tiêu chuẩn để quy định về bảo hộ và thực thi SHTT quốc tế, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu đối với CDĐL. Bảo hộ CDĐL tức bảo hộ độc quyền của cư dân thuộc một vùng sử dụng CDĐL cho các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng đó. |
Thế nào là chỉ dẫn địa lý (CDĐL)?
Đến nay, không chỉ tại Việt Nam, ngay cả các nước khác trên thế giới cũng chưa thỏa đáng về khái niệm CDĐL. Ông Denis Croze, Trưởng phòng Xây dựng Luật quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cho rằng, định nghĩa này chưa quy định cụ thể về quy mô vùng được cấp CDĐL, hay liệu CDĐL có cần phải gồm toàn bộ quá trình chế biến, sản xuất ở một vùng hay không?
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam, thì CDĐL là một từ ngữ địa lý được sử dụng cho một sản phẩm để chỉ dẫn: nơi hoặc vùng xuất xứ của sản phẩm; các đặc thù chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm; và các đặc thù này có được là do đặc tính về địa lý của con người ở nơi hoặc vùng đó. Định nghĩa này cũng được bà Nguyễn Thị Hồng Minh đồng tình, bởi CDĐL cho ta biết nguồn gốc của hàng hoá, với các đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính cách mà hàng hoá có được do các điều kiện tự nhiên, hoặc đặc thù và vùng địa lý tạo nên. Song, CDĐL lại khác với một chỉ dẫn nguồn gốc đơn thuần. Nó không chỉ thể hiện chất lượng, đặc tính cũng như xuất xứ của hàng hoá, mà còn mang yếu tố con người.
Nhiều CDĐL đã dành được danh tiếng có giá trị, ví như ở Việt Nam có nước mắm Phú Quốc, chè Shan Tuyết Mộc Châu; thế giới có jăm bông Teruel, Parma hay South Tyrolean, gạo Basmati và Jasmin... Nếu như tại châu Âu, CDĐL bắt nguồn từ truyền thống bảo hộ rượu vang và rượu mạnh, và chỉ sau đó mới phát triển sang các sản phẩm khác, thì tại ASEAN, lợi ích hàng đầu của chỉ CDĐL lại dành cho các sản phẩm nông sản, như cà phê, gạo, chè, nước mắm; hoặc các sản phẩm thủ công. Nếu không được Nhà nước bảo hộ đầy đủ, CDĐL sẽ bị lạm dụng bởi những người, những tổ chức kinh doanh không trung thực.
Theo ông Christopher Heath, Trưởng phòng châu Á, Viện Max Planck về Luật Patent (Đức), để phát triển được, sản phẩm được cấp CDĐL phải đảm bảo chất lượng. Việc tiếp thị cũng chỉ thực hiện tốt nếu sản phẩm đó đã được bảo hộ. Nhà sản xuất phải biết chắc chắn rằng, họ là chủ nhân duy nhất làm ra sản phẩm, chứ không phải do cơ sở khác sản xuất. Bên cạnh đó, tạo dựng lòng tin cho NTD. Tuy nhiên, các nhà sản xuất rất cần có đức tính kiên nhẫn để nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL, như chè Ấn Độ, Sri Lanka không dưới 200 năm, fomat hay rượu vang Pháp là 300 năm. Chất lượng sản phẩm + danh tiếng + độ chắc chắn về pháp lý = sự thành công của sản phẩm. Không những thế, khu vực có sản phẩm được bảo hộ CDĐL còn thu hút nhiều khách du lịch đến hơn.
Việt Nam đi sớm nhất trong các nước ASEAN
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KHCN), cho biết, trên thực tế, không phải cả 10 nước ASEAN đều hiểu biết nhiều và có đủ cơ sở pháp lý về CDĐL. Song, Việt Nam có một bước đi sớm so với các nước. "Chúng ta đã có quy định về nguồn gốc, tên gọi xuất xứ trong Luật Dân sự, Nghị định 54 của Chính phủ về bảo hộ CDĐL. Chính vì thế, các nhà tổ chức đã chọn Việt Nam để tổ chức hội thảo, coi chúng ta như một tấm gương cho các nước học tập", ông Hùng nói.
Hiện nay, các cơ quan liên quan của Việt Nam vẫn đang tiến hành xây dựng các phương pháp, cách thức tiến hành việc thẩm định các tiêu chuẩn bảo hộ CDĐL, xây dựng các quy định về trình tự và thủ tục, sắp xếp hệ thống tổ chức, nâng cấp các phương tiện kỹ thuật, quy định cụ thể các biện pháp chế tài nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá và chống hàng giả.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Minh cho biết, các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng đang giúp đỡ cộng đồng sản xuất tại các vùng, các tổ chức hội, kinh doanh các sản phẩm CDĐL triển khai nhiều cuộc hội thảo, đào tạo, nâng cao nhận thức. Từ đó, giúp nhà sản xuất tham gia chủ động vào việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm, tự bảo vệ danh tiếng của sản phẩm, hình thành một cơ chế kiểm soát của cộng đồng những người sản xuất để bảo vệ và phát triển sản phẩm mang tên gọi xuất xứ CDĐL. Đây còn là một trong các đối tượng mà hiệp định TRIPS của WTO yêu cầu các nước thành viên phải tiến hành bảo hộ. Để chuẩn bị cho quá trình gia nhập WTO của Việt Nam, bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp luật về SHTT nhằm làm cho hệ thống này phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của Hiệp định TRIPS, 10/2000, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Nghị định về SHTT và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, những quy định này vẫn còn mang tính nguyên tắc.
Song, tại các nước ASEAN khác, việc xây dựng, phát triển và bảo hộ CDĐL chưa nhiều. Thậm chí, ở Thái Lan, theo ông Suraphol Jaovisidha, Phó Cục trưởng Cục SHTT nước này, đây vẫn còn là một thuật ngữ lạ tai đối với hầu hết người Thái, không chỉ về khía cạnh pháp lý mà còn về cả quan điểm quản lý. Chỉ khi thấy được lợi ích thu được từ việc gạo Jasmine được cấp CDĐL, Thái Lan mới "sực tỉnh". Hiện nay, văn bản về bảo hộ CDĐL đang chờ được Hoàng gia nước này thông qua trong năm 2003.
Theo ông Johan Amand, Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế, Cơ quan Patent châu Âu, để hỗ trợ các nước ASEAN trong việc nâng cao nhận thức, phát triển CDĐL, tháng 1/2004, EU sẽ tăng ngân sách vào Lào, Việt Nam và Campuchia cào các chương trình quốc gia về SHTT, trong đó có CDĐL.
|