|
Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
"Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế, do đó tạo một "bùng nổ" FDI để lôi kéo dòng vốn này vào Việt Nam nhiều hơn nữa thật sự là một nhu cầu. Nhưng đây là công việc cực khó trong bối cảnh hiện nay". Đó là nhận định của ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong cuộc trao đổi với giới báo chí gần đây.
Ông Thắng cho biết: Sau khủng hoảng tài chính khu vực, dòng vốn FDI nói chung là suy giảm. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nên vốn thu hút giảm sút nhiều trong các năm 1998, 1999 và 2000. Hai năm gần đây, thu hút FDI có kết quả khích lệ hơn, năm sau có cao hơn năm trước, song mức tăng không lớn và còn giảm nhiều so với những năm 1996-1997.
Hội nghị khu vực đầu tư ASEAN tại Campuchia mới đây có nhận định thách thức lớn nhất của các nước ASEAN hiện nay, trong đó có Việt Nam, là phải cạnh tranh với Trung Quốc và một nước mới nổi lên trong thu hút FDI là Ấn Độ. Cả hai nước này đang có chiến lược thu hút FDI rất hiệu quả. Bên cạnh đó, từng nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore... cũng đã thể hiện quyết tâm tăng tốc thu hút FDI bằng những cải tiến đáng kể nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang có cơ hội để tạo ra một “bùng nổ mới” hướng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Đang có một làn sóng đầu tư từ Nhật vào các nước ASEAN. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác cơ hội này vì cái nhìn về môi trường đầu tư Việt Nam dưới mắt các nhà đầu tư Nhật đã được cải thiện đáng kể
Kết quả cuộc điều tra thường niên của JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật) mới đây cho thấy những đánh giá tích cực của các công ty Nhật đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam (Có tới 66,25% số doanh nghiệp Nhật kỳ vọng có lãi trong năm 2003, chỉ đứng sau Ấn Độ với 81,8%; có 63,8% số công ty quyết định mở rộng quy mô sản xuất và tỷ lệ này chỉ đứng sau Thái Lan với 73,4%).
Đoàn doanh nhân Nhật do JETRO dẫn đầu sang Việt Nam vào cuối tháng 8 vừa qua trước khi vào có đến trên 30% còn e ngại môi trường đầu tư của Việt Nam, nhưng sau khi tiếp xúc với những doanh nghiệp Nhật đã làm ăn tại Việt Nam thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn vài phần trăm.
Nhiều doanh nhân trong đoàn cho biết họ đánh giá cao sự chuyển biến của môi trường đầu tư Việt Nam nói chung.
- Điều tra của JETRO cũng cho thấy vẫn còn nhiều lời phàn nàn về môi trường đầu tư Việt Nam, liệu chúng ta có thể cải thiện nhanh hơn nữa những yếu kém này?
- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách mới cải thiện môi trường đầu tư và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Nhìn chung, về mặt luật pháp hiện nay có thể xem là tạm đủ điều kiện để thu hút FDI. Vấn đề chỉ còn ở khâu các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương có tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định luật pháp này để tạo sự thông thoáng nhất cho dòng FDI chảy vào hay không?
Theo nhận xét của tôi, các địa phương đã thấy tầm quan trọng của nguồn vốn FDI nên thực tế vừa qua nhiều nơi đã “trải thảm đỏ” thật sự cho nhà đầu tư nước ngoài. Về phía trung ương, Chính phủ cũng đã cho thành lập Cục Đầu tư nước ngoài trực thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư như một biện pháp cải cách thủ tục hành chính, thực hiện "một cửa" về đầu tư nước ngoài. Sau hơn hai tháng hoạt động của Cục, dư luận các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao cải cách này của Chính phủ.
- Và còn gì nữa, thưa ông?
- Điều quan trọng bây giờ là phải tăng cường giới thiệu một hình ảnh Việt Nam với môi trường đầu tư có sức hấp dẫn với cộng đồng bên ngoài. Để làm việc này, thời gian gần đây Chính phủ liên tục có những cuộc xúc tiến đầu tư tầm quốc gia do chính những nguyên thủ thực hiện. Điển hình là cuộc viếng thăm Nhật của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 4 vừa rồi. Từ cuộc viếng thăm này, một ủy ban hỗn hợp hai nước đã được thành lập nhằm triển khai hoạt động hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoạt động này góp phần thuyết phục các nhà đầu tư Nhật quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và họ bắt đầu có những đoàn khảo sát vào Việt Nam kể từ tháng 8/2003. Thời gian sắp đến các hoạt động xúc tiến như vậy sẽ được tăng cường.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý là sự giới thiệu này chỉ thật sự có hiệu quả khi nhà đầu tư vào và thấy được những điều kiện làm ăn thuận lợi cùng những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo):
Tôi cho rằng Việt Nam có thể làm được và nhất định phải tạo ra một “bùng nổ” FDI, nếu không sẽ khó thể cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Trong thu hút FDI, người ta thường chia ra làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 là tạo môi trường đầu tư, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn 2 là tiếp thị thị trường đầu tư.
Giai đoạn 3 là lãnh đạo tối cao của đất nước chính thức đi tiếp thị.
Với Việt Nam, tôi cho rằng chỉ mới hoàn thành cơ bản giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2 và 3 thì chúng ta có làm nhưng chưa tập trung. Điều này thể hiện cho đến bây giờ chúng ta cũng chưa có các văn phòng xúc tiến đầu tư ở những địa bàn trọng điểm, các tổng lãnh sự chưa được huy động tối đa để phục vụ công tác này.
Việt Nam cần có sự tập trung hơn vào công tác này và cần thực hiện một chiến lược có trọng điểm. Mục tiêu nên nhắm vào là những công ty đa quốc gia, các nhà đầu tư Nhật và các ngành nghề mà Việt Nam đang cần.
(Lược ghi tại buổi báo cáo “Biến động kinh tế châu Á và chiến lược cạnh tranh tại Việt Nam” vào tháng 9-2003) |
(Theo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|