|
Gian lận tại các cây xăng xảy ra phổ biến. |
(VietNamNet) - Theo kết quả đợt thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong 3 tháng vừa qua, mỗi tháng người tiêu dùng bị móc túi tới 20 tỷ đồng do các hành vi gian lận của trạm xăng. Ngoài ra, chất lượng xăng dầu cũng không được đảm bảo như quy định của Nhà nước.
Ông Lê Văn Kiều, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đợt thanh tra sẽ góp phần ngăn chặn các vi phạm, đảm bảo người tiêu dùng được mua xăng đúng với chất lượng và đo lường thực tế.
Tổng số cơ sở kinh doanh xăng dầu được thanh tra lần này là 3.985 với 12.767 cây xăng, phát hiện được 23,6% cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm về đo lường. Tại 34 tỉnh thành được kiểm tra về chất lượng thì có tới 20% số cơ sở được kiểm tra vi phạm. Tỉnh có vi phạm về đo lường cao như Yên Bái, 50% cơ sở. Tỷ lệ vi phạm cao về chất lượng như ở Đắc Lắc: 100% cơ sở được thanh tra đều vi phạm, Bạc Liêu 75%, Gia Lai 50%, TP.HCM 47%. Mức độ sai số vượt mức cho phép phổ biến là 2%, cao nhất là 20% (cây xăng đảm bảo về đo lường cho phép dao động trong khoảng 0,5%). Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách qua đợt thanh tra là 1.797,6 triệu đồng.
Theo ông Kiều cho biết, gian lận về đo lường chủ yếu là sử dụng phương tiện đo không đạt tiêu chuẩn về đo lường (chiếm 95% sai phạm). Chẳng hạn phương tiện đo có lắp thêm các thiết bị điều chỉnh sai số thay đĩa tạo xung, lắp thêm bộ kích xung (điều khiển trực tiếp thông qua dây dẫn hoặc điều khiển từ xa như tại Tây Ninh). Có cơ sở ở Cần Thơ, sai số của cột bơm nhiên liệu khi đặt chế độ tự động đến 20% do đã thay bộ vi xử lý của bộ phận hiển thị điện tử để có thể điều khiển bằng lệnh từ bàn phím của máy tính.
Vi phạm về chất lượng chủ yếu bị xử lý là pha dầu hoả vào xăng để tăng chênh lệch giá bán giữa xăng và dầu hoả; trộn loại xăng có trị số ốctan thấp (M90, có khi cả M83) với xăng có trị số ốctan cao hơn (M92), nhưng vẫn niêm yết giá bán chung là M92; pha mầu cho xăng M90 và M83 (trước đây loại xăng này là màu trắng) giống màu xăng M92 (màu xanh) để bán theo giá xăng M92...
Ông Kiều kết luận rằng, tình hình vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu còn cao, phổ biến và dai dẳng, vi phạm ngày càng tinh vi phức tạp. Điều này cần sự phối hợp của nhiều ngành, kiểm tra thường xuyên hơn và có biện pháp xử lý mạnh hơn. ''Chống vi phạm về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu không chỉ là việc riêng của ngành khoa học, công nghệ'' - ông Kiều nói.
|