|
Chất lượng nhà cao tầng ở Việt Nam vẫn còn 'bỏ ngỏ'. | |
|
(VietNamNet) - Nhà cao tầng không chỉ mang lại vẻ hiện đại cho các đô thị mà còn được coi là giải pháp tốt về nhà ở cho người thu nhập thấp. Thế nhưng, những tiêu chí chất lượng hiện nay liệu có đảm bảo? Liệu người thu nhập thấp thực sự có cơ hội?
Đó là những nội dung được tranh luận sôi nổi trong cuộc hội thảo "Chất lượng và công nghệ xây dựng nhà cao tầng" do Bộ Xây dựng tổ chức trong hai ngày 21 và 22/5 tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Nhiều vấn đề về chất lượng
Đề tài về tiêu chuẩn và chất lượng nhà cao tầng hiện nay ở Việt Nam là "nóng" nhất, được tranh luận sôi nổi nhất. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên thừa nhận "hiện nay hệ thống tiêu chuẩn thiết kế xây dựng nhà cao tầng của Việt Nam vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ". Chất lượng của những khu nhà này cũng là mối lo canh cánh của nhiều người.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, quá trình xây dựng nhà cao tầng hiện nay tồn tại nhiều bất cập ngay từ khi thiết kế, thi công, vận hành và "năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng nhà cao tầng của Việt Nam đang ở mức trung bình thấp với khu vực và thế giới".
TS. Nguyễn Hồng Thục, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nêu ra 13 điểm thiếu hợp lý về thực trạng thiết kế xây dựng nhà cao tầng. Đó là lựa chọn địa điểm không hợp lý (khu nhà chung cư Kim Liên, Hà Nội); thiếu sự chuyển tiếp hợp lý giữa nhà cao tầng và các công trình xung quanh (Melia, Saigon Tower, Diamond Plaza...); kém linh hoạt trong tổ chức mặt bằng; hệ thống kỹ thuật không được đầu tư đúng mức; tiêu chí an toàn kém (nhất là phòng cháy)...
Các nhà quản lý và khoa học đã thống nhất tiêu chí "an toàn và bền vững" để từ đó làm cơ sở xây dựng hệ thống tiêu chuẩn thiết kế và thẩm định chất lượng nhà cao tầng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS - TS. Ngô Thế Phong, Đại học Xây dựng Hà Nội "trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, đánh giá chất lượng của nhà cao tầng rất khó vì chúng ta đang thiếu rất nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế, thi công, chúng ta cũng thiếu kinh nghiệm quản lý và sử dụng nhân sự".
Xét khía cạnh kinh tế, Viện Kinh tế xây dựng đưa ra 3 tiêu chí kinh tế quan trọng nhất đánh giá chất lượng nhà cao tầng: giá của công trình ở giai đoạn thiết kế; giá quyết toán công trình; hiệu quả kinh tế xã hội của công trình. Tiêu chí thứ ba được nhiều người quan tâm vì nó tác động đến các vấn đề xã hội như việc làm, môi trường xã hội...
Về chất lượng của nhà cao tầng, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà thầu chỉ coi đó là thứ yếu. Theo TS. Trần Chủng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, hiện nay việc giám định chất lượng ở trong tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", nhà thi công cũng là nhà giám định. Số nhà đầu tư chịu bỏ tiền ra thuê giám định độc lập chỉ "đếm trên ngón tay" mặc dù giá dịch vụ giám định độc lập chỉ chiếm khoảng 1 đến 1,5% giá trị công trình.
Ông đề xuất, việc quản lý chất lượng nhà cao tầng không chỉ là trong giai đoạn thiết kế, thi công mà phải đặt ra trách nhiệm của người thiết kế phải đưa ra những yêu cầu cho các đối tượng công trình cần thiết phải bảo trì. Chủ quản lý sử dụng, chủ sở hữu công trình có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ cho công trình không bị xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong suốt tuổi thọ yêu cầu. Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình sẽ tiếp tục trình Bộ Xây dựng và Chính phủ những dự thảo văn bản pháp luật siết chặt công tác quản lý chất lượng nhà cao tầng.
Nhà cao tầng cho người thu nhập thấp - vẫn là chuyện tương lai
Xây nhà cao tầng cho người có thu nhập thấp cũng là một vấn đề cấp bách. Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp đang rất cao. Hiện nay, khái niệm và giới hạn của đối tượng người thu nhập thấp vẫn còn khá mơ hồ song có thể hiểu "Người thu nhập thấp có đủ điều kiện để sống trong các nhà ở cao tầng" là những người có thu nhập tương đối ổn định, có khả năng tích luỹ vốn nhưng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn dài hạn và trả góp. Tại Hà Nội hay TP.HCM, đa số người thu nhập thấp hiện sống trong điều kiện ở hạn chế về mọi phương diện kiến trúc, hạ tầng và diện tích bình quân 5m2/người. Không chỉ điều kiện sinh hoạt xuống cấp mà đôi khi tính mạng của họ cũng bị đe dọa trong những ngôi nhà "xập xệ" xây cách đây mấy chục năm.
Theo dự tính, Việt Nam hiện cần phải giải quyết gấp nhà ở cho khoảng 2 triệu hộ thu nhập thấp. Tính đến năm 2010 con số này tăng lên là 3,15 triệu hộ và đến năm 2020 tăng tới 4,2 triệu hộ. Năm 2000 nhu cầu về diện tích mỗi hộ trung bình là 40m2, năm 2010 là 50m2 và đến năm 2020 là 60m2. Để giải quyết tình trạng này, nhà ở cao tầng là giải pháp hữu ích, hầu hết các dự án phát triển nhà đều theo hướng này. Trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2001-2005 của Bộ Xây dựng, nhà ở cho người thu nhập thấp được coi là ưu tiên hàng đầu.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Liên, nhà ở cao tầng vẫn chưa là sự lựa chọn của đối tượng này do giá thành các căn hộ còn cao, do các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng có quy mô, diện tích đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập tương đối cao. Ông cũng cho biết, giá bình quân thực tế mỗi căn hộ hiện nay là khoảng 500 triệu đồng, quá lớn so với thu nhập của một gia đình trung lưu. Ngoài ra, người sử dụng còn phải trả một khoản tiền không nhỏ (từ 150.000 đến 200.000 đồng một tháng) cho các dịch vụ. Vì thế, ngay cả khi đã mua được nhà trong các khu cao tầng thì những người thu nhập thấp vẫn phải ở trong những căn hộ diện tích nhỏ, trên những tầng cao. Và số mua được cũng không nhiều.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Viện Nghiên cứu kiến trúc, đưa ra một nguyên nhân nữa khiến người thu nhập thấp khó "tiếp cận" các khu nhà cao tầng. Đó là các dự án nhà ở cao tầng được xây dựng để bán chứ không cho thuê do giá đất theo khung giá nhà nước còn cao, vốn đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư đều vay ngân hàng, vì vậy người thu nhập thấp khó được chấp nhận phương thức thanh toán trả góp. Như vậy, người thu nhập thấp sẽ vẫn phải chờ.
|