|
Một đầm tôm ở Ninh Thuận. | Nghề nuôi tôm ở Ninh Thuận ngày càng gặp nhiều rủi ro do nguồn tôm giống kém chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm nặng, thời tiết khắc nghiệt. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất do nuôi tôm thất bại.
Đìa nuôi tôm tại Ninh Thuận rộng gần 1.500ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đầm Nại (Ninh Hải) và Phước Dinh (Ninh Phước). Với 700ha mặt nước ăn thông với biển Đông, một thời, Đầm Nại là vùng “nước bạc” giúp hàng nghìn hộ dân 5 xã gần đó ăn nên làm ra nhờ nghề nuôi tôm sú xuất khẩu. Vùng nuôi tôm trên cát Phước Dinh rộng 250ha mặt nước một thời cũng được mệnh danh là “vùng đất hứa” của Ninh Thuận.
Tuy nhiên, trong hai năm 2001-2002, nuôi tôm ở Đầm Nại liên tiếp thất bại. Một số chủ đìa “có máu mặt” trắng tay, trở thành người trông coi kỹ thuật cho vùng nuôi tôm trên cát xã Phước Dinh. Vụ tôm năm 2002, Nhà nước đầu tư 1,35 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, song, vẫn chưa cứu vãn được tình trạng con tôm và nghề nuôi tôm bên bờ vực phá sản.
Do 973ha nuôi tôm ở Ninh Hải nhiễm bệnh, chiếm gần 74% so với diện tích thả tôm, đã có 2/3 diện tích mất trắng, số còn lại phải thu non nên năng suất chỉ đạt 6,8 tạ/ha.
Để hoàn chỉnh 1ha mặt nước nuôi tôm trên cát, nhà đầu tư phải bỏ thêm 250 triệu đồng xây dựng cơ bản. Đem nửa tỷ đồng đổi lấy 1ha mặt nước trên môi trường đang ô nhiễm là cái giá quá đắt. Tình trạng phát triển ao đìa “vô tổ chức” làm cho tôm nhiễm bệnh trên diện rộng. Ngay những ngày nắng nóng cuối tháng 4/2003, hàng chục hộ nuôi tôm 20-30 ngày tuổi ở Phước Dinh phải xả bỏ do bệnh thân đỏ đốm trắng vô phương cứu chữa. Hàng tỷ đồng đầu tư nuôi tôm trên cát đã cuốn trôi theo dòng nước bạc.
(Theo NLĐ) |