Cuối tuần qua, ba chiếc tàu đã rời cảng Cửa Lò (Nghệ An) mang theo 20.950 tấn đường cát trắng (RS) của Liên doanh Mía đường Tate&Lyle Nghệ An xuất sang lndonesia. Trong bối cảnh ngành mía đường đang chất chồng khó khăn, thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng, mỗi tấn đường xuất khẩu đều tác động tích cực đến giá đường trong nước, hiện ở mức rất thấp.
Ông Phan Hồng Tiến, Giám đốc XNK của Tate&Lyle Nghệ An, cho biết, đây là hợp đồng xuất khẩu đường đầu tiên của công ty kể từ khi đi vào sản xuất, năm 1999. Tuy không tiết lộ cụ thể giá xuất khẩu bởi hợp đồng đang thực hiện, nhưng ông Tiến cho biết, giá này tốt hơn giá bán buôn trong nước ở thời điểm này (3.500-3.700 đồng/kg ở các tỉnh phía Bắc). Các giám đốc nhà máy đường phía Nam thì cho rằng, lô đường xuất khẩu của Tate&Lyle Nghệ An tối thiểu cũng bán được 4 triệu USD, và có thể xem đây là lượng đường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, kể từ khi đường trong nước dư thừa, khoảng từ 1997 lại đây.
Ðây là lần đầu tiên các nhà máy đường Việt Nam (ngoại trừ nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài không phải là hội viên chính thức của hiệp hội), chủ động tự cứu lấy mình trước khi chờ đợi chính sách và cơ chế bù lỗ xuất khẩu của Chính phủ. |
Ngoài thị trường Indonesia, ông Tiến tiết lộ, Tate&Lyle Nghệ An có thể xúc tiến xuất khẩu đường sang một số nước khác nhờ đối tác trong liên doanh Tate&Lyle là tập đoàn chuyên kinh doanh đường nổi tiếng thế giới của Anh, hỗ trợ trong việc tìm kiếm khách hàng.
Trong khi ngành mía đường thua lỗ triền miên, Tate&Lyle Nghệ An trở thành công ty thứ hai xuất khẩu đường chính ngạch trong năm nay, sau Công ty cổ phần Ðường Biên Hòa (Đồng Nai), bán lô hàng đường 13.500 tấn cho Malaysia vào tháng 3/2003.
Vụ mía đường năm 2002-2003,Tate&Lyle Nghệ An có khả năng mua 1,3 triệu tấn mía cây so với kế hoạch ban đầu là 950.000 tấn, sản xuất khoảng 130.000 tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng đường công nghiệp của cả nước (khoảng 1,2 triệu tấn). Bộ NN-PTNT nhận định, năm nay, lượng đường sản xuất dư thừa 200.000 tấn, nên Bộ cũng như Hiệp hội Mía đường đang vận động các nhà máy tìm cách xuất khẩu để nâng giá trong nước đang xuống thấp, dao động trên dưới 4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, xuất khẩu không phải là thế mạnh của các nhà máy đường Việt Nam lâu nay vốn quen tiêu thụ trong nước, lại có giá bán cao hơn giá đường thế giới. Bà Phạm Thị Sum, Tổng giám đốc Ðường Biên Hòa, Ủy viên Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết, các nhà máy đường trong nước đã đồng thuận thực hiện chương trình xuất khẩu 200.000 tấn đường dôi dư so với nhu cầu trong năm nay, để nâng giá đường trong nước.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng, xuất khẩu đường là chiến lược lâu dài của hiệp hội chứ không riêng năm nay. "Các nhà máy đường chia sẻ trách nhiệm bù lỗ xuất khẩu trên nguyên tắc tự trang trải, lấy lợi nhuận nhờ giá đường trong nước để bù đắp cho xuất khẩu. Còn việc hỗ trợ của Chính phủ, nếu có, sẽ được hoàn trả cho các nhà máy. Hiệp hội có trách nhiệm giám sát chặt chẽ và công khai việc này", ông Tam nói.
Ngoài ra, theo ông Tam, hiệp hội khuyến khích các hội viên trực tiếp xuất khẩu đường nếu kiếm được khách hàng. Giám đốc các nhà máy đường cho biết, họ hy vọng nhiều vào việc xuất khẩu đường sau khi có tin Indonesia công bố nhập khoảng 700.000 tấn đường trong năm nay.
Liên doanh Tate&Lyle Nghệ An có công suất chế biến 6.000 tấn mía/ngày, tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Trong đó, phía nước ngoài là Công ty đường Anglo của Anh chiếm 70% vốn, gồm ba công ty, mà nòng cốt là Công ty Tate&Lyle; phía Việt Nam là Công ty Mía đường Nghệ An chiếm 30% vốn. Ðây được xem là nhà máy đường có vốn đầu tư và công suất thiết kế lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Nhà máy Ðường Bourbon Tây Ninh. |
(Theo TBKTSG)
|