|
Nhật Bản là ''nhà tài trợ'' ODA lớn nhất của Việt Nam | Tình hình giải ngân đối với nguồn vốn ODA ở TP.HCM đang rất chậm, tốc độ thấp hơn mức trung bình của cả nước và các nước trong khu vực. Theo ông Alan Coulthart, điều phối viên ban phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: TP.HCM đang tự mình đánh mất cơ hội ''ngàn vàng'' trong việc thu hút nguồn vốn này, bởi thực tế vừa qua đã làm lòng tin của các nhà tài trợ giảm sút rất nhiều.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, kể từ khi các nhà tài trợ quốc tế trở lại Việt Nam vào năm 1993 đến đầu năm 2003, TP.HCM đã tiếp nhận 50 dự án ODA với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1,4 tỷ USD. Thế nhưng, mới chỉ có vỏn vẹn 372 triệu USD được giải ngân, nghĩa là vẫn còn hơn 1 tỷ USD nằm ''chờ'' trong ngân hàng. Trong khi đó hầu hết dự án sử dụng vốn ODA ở TP.HCM đều nhằm đầu tư vào các công trình công cộng, nhà ở đô thị, nâng cấp hệ thống giao thông công chánh, cải thiện môi trường... tức là các dự án hết sức quan trọng liên quan bức thiết đến hàng triệu người dân trong thành phố.
Dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị cho TP.HCM được Ngân hàng Thế giới tài trợ 20,8 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay qua nhiều lần điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư đã giảm còn 15,3 triệu USD, lý do tổng vốn của dự án bị giảm phần lớn là cắt giảm khối lượng các công trình thi công xây lắp. Bà Trần Thị Thu Hương, thuộc Ban quản lý dự án (BQLDA) chua xót: ''Trong khi thành phố đang thiếu vốn cho các chương trình đầu tư dài hạn thì việc phải trả lại số tiền nhà tài trợ cam kết cho vay là một sự lãng phí lớn''.
Cũng vẫn dự án trên khoảng thời gian ban đầu dự kiến sẽ thực hiện trong 4 năm, từ 1998-2002, nhưng một thực tế nổi cộm là các bản tiến độ luôn bị phá vỡ sau mỗi bốn tháng cập nhật. Và đến nay đã sau hơn 4 năm thực hiện, dự án đã phải gia hạn tiếp thêm một năm. ''Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan nhà nước xem xét và phê duyệt hồ sơ thường xuyên kéo dài, thêm vào đó là thời gian hồ sơ chuyển qua lại giữa các cơ quan để lấy thêm ý kiến đã làm cho dự án luôn luôn trượt tiến độ'', bà Hương nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, vụ phó Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA, TP.HCM nên nghiên cứu đề xuất thành lập một hoặc hai BQLDA sẽ quản lý toàn bộ các dự án, tránh tình trạng xé lẻ như hiện nay, vừa không mang tính chuyên sâu lại vừa yếu về nhân lực và nguồn lực. Năng lực của cán bộ, nhân viên BQLDA cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện dự án, chính vì thế việc tổ chức các khoá đào tạo cho cán bộ, nhân viên BQLDA cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện dự án, chính vì thế việc tổ chức các khoá đào tạo cho cán bộ, nhân viên là yêu cầu bức thiết không chỉ riêng đối với TP.HCM mà còn là vấn đề của nhiều địa phương trong cả nước.
Trong khi đó ở góc độ khác, ông Alan Coulthart cho rằng cần phải nhanh chóng đơn giản hoá các thủ tục đối với việc quản lý các dự án ODA. Ngoài ra, làm sao hài hoà giữa các quy định của phía Việt Nam với nhà tài trợ. ''Nên có khung chính sách chung để áp dụng cho tất cả các dự án ODA và nhà tài trợ, tránh tình trạng giữa hai bên chưa thống nhất quan điểm như hiện nay'', ông Alan Coulthart nói.
Theo ông Huỳnh Ngọc Sỹ, giám đốc BQLDA xa lộ đông tây và cải thiện môi trường nước, một dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA cho biết: Từ khi ký hiệp định vay vốn cho đến khi công trình khởi công xây dựng, nhiều dự án ở TP.HCM phải mất thời gian 4-5 năm, trong khi đó cũng khoảng thời gian này nhiều nước đã làm xong công trình! |
(Theo Tuổi Trẻ)
|